Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới quan hệ thương mại bình đẳng bền vững

Ngày phát hành: 25/08/2021 Lượt xem 1215

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ to lớn với nhiều kết quả thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

 

Công ty TNHH may Tiến Thuận (Ninh Thuận) sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Ảnh: Danh Lam/TTXVN

 

Đặc biệt, mặc dù dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vượt qua mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD. Do vậy, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh mới cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực vào tháng 12/2001, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2001 và đạt khoảng 50,8 tỷ USD vào cuối năm 2017. 

Năm 2020, dù xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19 nhưng thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 13,7 tỷ USD, giảm 5%, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ ghi nhận 63,4 tỷ USD.

Đáng lưu ý, thương mại song phương tiếp tục được duy trì trong 7 tháng năm 2021 khi Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Hoa Kỳ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tập trung vào nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Vì vậy, mặc dù dịch COVID-19 tác động không nhỏ nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Hoa Kỳ trong năm 2020 vẫn tăng mạnh ở mức 3 con số, đạt 12,2 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019. Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường này tăng bình quân 54,8%/năm.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Hoa Kỳ cũng tăng từ 21% năm 2016 lên 44,9% năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, điều này khẳng định Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho nhiều thị trường toàn cầu; trong đó có Hoa Kỳ. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng bởi nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất.

Nhận định về quan hệ thương mại hai nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Về bản chất, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ, cùng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ để thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị chất lượng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá trị nhập khẩu hàng từ Hoa Kỳ trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam lập nhà máy và gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.

Việc Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là tín hiệu tích cực, bởi đây là thị trường rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, Việt Nam cần phải cẩn trọng trước vấn đề về gian lận thương mại.

Ngoài ra, Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, như tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 8 vụ với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đơn cử như mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại mật ong Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở thị trường này vì mức thuế chống bán phá giá mà phía nguyên đơn đề nghị với mặt hàng này lên tới 207%.

Bởi vậy, theo bà Phan Mai Quỳnh, Phó Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại), để tránh những rủi ro do kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu, chuẩn bị thời gian, luật sư phiên dịch.

Mặt khác, doanh nghiệp nên xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, chứng từ đầy đủ, nghiên cứu các quy định về thương mại, phòng vệ thương mại quốc tế hoặc cân nhắc tư vấn từ luật sư am hiểu pháp luật quốc tế khi cần thiết.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, theo Bộ Công Thương thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ để giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam. Qua đó, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này nhằm giúp quan hệ thương mại song phương hướng tới mục tiêu bình đẳng và bền vững.

 
Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết