Thứ Ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024

Việt Nam chung tay thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới

Ngày phát hành: 27/01/2023 Lượt xem 823

 Ngày 25/1, tại trụ sở ở Paris, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức “Đối thoại toàn cầu chống tin giả về các vấn đề giới” và “Đối thoại giữa các thế hệ lãnh đạo nữ” nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ trong đa phương. Đây là năm thứ hai, UNESCO đi đầu tổ chức các hoạt động tôn vinh vai trò và đóng góp của phụ nữ tại các cơ chế đa phương trong thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới.

 

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân (ngồi giữa), Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, tham dự Đối thoại.

Ảnh: TTXVN


   Tham dự sự kiện có bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO, bà Tamara Rastovac Siamashivili -  Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, Đại diện Hội đồng Tư vấn cấp cao của Tổng Thư ký LHQ về chủ nghĩa đa phương hiệu quả, cùng đông đảo các đại sứ, đại diện thường trực các nước bên cạnh UNESCO, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đại diện mạng xã hội Twitter, Facebook…


   Phát biểu tại lễ kỷ niệm với tư cách diễn giả chính đại diện cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; vai trò và đóng góp của phụ nữ cũng luôn được đề cao trong các tiến trình và xây dựng Cộng đồng ASEAN.


   Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh trong lĩnh vực chính trị - đối ngoại, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định, nhiều phụ nữ Việt Nam đã và đang nắm giữ những trọng trách, cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, một số vị trí Bộ trưởng, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức làm công tác đối ngoại, góp phần không nhỏ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Đặc biệt nhiều người đã tham gia rất xuất sắc, rất hiệu quả vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ với tỷ lệ cao hơn mục tiêu mà tổ chức này đề ra, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân các nước trên thế giới. 


Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Khoảng cách giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021.


   Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng chia sẻ những sáng kiến và nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, bà cũng chia sẻ, việc nâng cao vai trò và đóng góp của các nhà ngoại giao nữ là một trọng tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam. Với tỷ lệ hơn 45%, cán bộ nữ ngoại giao chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của bộ. Tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo cấp vụ trở lên ở mức cao hơn tỷ lệ trung bình của các bộ, ngành trung ương, khẳng định sự trưởng thành của nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam.


   Tại hội nghị, các thành viên đã đánh giá cao đóng góp tích cực, chủ động và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn mới, khẳng định Việt Nam là một trong những minh chứng tiêu biểu cho việc thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong các chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó vai trò của nữ cán bộ ngoại giao tại các diễn đàn đa phương góp phần tô đậm thêm “sức mạnh mềm” của Việt Nam.


   Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, các đại biểu bày tỏ lo ngại trước các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, xung đột, đại dịch COVID-19… với những hệ lụy sâu rộng chưa từng có đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, kéo lùi những thành tựu trong thu hẹp khoảng cách giới những năm vừa qua, đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ, nhất là gia tăng khoảng cách số, khoảng cách giới trong lãnh đạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân, bạo lực giới và tình trạng thiếu nguồn lực cho việc triển khai các chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, để thu hẹp khoảng cách giới sẽ phải mất đến 130 năm.


   Các đại biểu nhất trí cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và tăng trưởng vì mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tự cường. Nâng cao quyền năng của phụ nữ không chỉ là đấu tranh cho công bằng xã hội mà còn là động lực quan trọng cho phát triển. Phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả, bao trùm và gắn kết.

 

Đặc biệt, cần ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao quyền năng của phụ nữ, nhất là quyền năng kinh tế, bảo đảm yếu tố giới trong các chính sách, dỡ bỏ các định kiến giới, bảo đảm sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội và tại các cơ chế đa phương, gắn kết các nỗ lực, cơ chế ở từng quốc gia, khu vực với nỗ lực toàn cầu. Các đại biểu khẳng định mạnh mẽ cam kết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ. 


   Trước sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng xã hội trong kỷ nguyên số, các đại biểu cũng đã thảo luận, nhận diện thách thức và đề xuất các giải pháp dự kiến sẽ trình lên Hội nghị UNESCO vào tháng 2 tới nhằm xây dựng khuôn khổ điều tiết các nền tảng số phù hợp các yêu cầu về giới; để thông tin thực sự là sản phẩm hữu ích, an toàn cho tất cả phụ nữ, tránh những thông tin xấu độc, bài xích giới, kích động hận thù, trong khi vẫn bảo đảm quyền tự do biểu đạt.


   Trong bối cảnh phụ nữ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn tại các diễn đàn đa phương và toàn cầu (chiếm 1,6% số lượng người đứng đầu nhà nước, 21,6% số lượng đại sứ trên thế giới), các diễn giả và đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục nâng cao nhận thức, có các hành động cụ thể để triển khai cam kết, thúc đẩy vai trò và đóng góp của phụ nữ trong đa phương, đặc biệt là tăng cường sự hiện diện của phụ nữ tại các vị trí lãnh đạo để định hình và thực thi các chương trình nghị sự đa phương, bảo đảm hợp tác đa phương đem lại lợi ích cho phụ nữ và trẻ em gái, thiết thực đóng góp đề xuất hướng phát triển của chủ nghĩa đa phương trong tương lai như Tổng Thư ký LHQ đã khởi xướng.


   Được biết, UNESCO đã đưa bình đẳng giới trở thành một trong hai vấn đề ưu tiên toàn cầu của tổ chức này. Kỳ họp 41 Đại Hội đồng UNESCO (tháng 11/2021) đã thông qua Nghị quyết 41C/57 lấy ngày 25/1 hằng năm là Ngày Quốc tế phụ nữ trong đa phương (International Day of Women in Multilateralism)./.


Nguyễn Thu Hà (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết