Chủ Nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Ngày phát hành: 07/05/2024 Lượt xem 61


Sau khi nộp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, từ ngày 7 đến 10/5/2024, Việt Nam sẽ tham gia Phiên đối thoại tại Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva, Thụy Sỹ. Đây được coi là cơ hội để Việt Nam cùng các nước thành viên Liên hợp quốc cùng rà soát và xác định những lĩnh vực ưu tiên, những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam.

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người

 
UPR là cơ chế liên chính phủ, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, cùng với sự ra đời của Hội đồng nhân quyền, có nhiệm vụ rà soát tổng thể về tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, và được tiến hành cứ 4-5 năm/1 lần. Mục tiêu của UPR là cải thiện và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết và tăng cường năng lực thực thi về quyền con người. Nguyên tắc hoạt động của Cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và không chính trị hóa.


Phiên đối thoại UPR là hoạt động trung tâm của một chu kỳ rà soát, ở đó, quốc gia rà soát trình bày báo cáo quốc gia và tương tác với các quốc gia khác. Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều có quyền phát biểu và nêu các khuyến nghị. Sau phiên đối thoại, quốc gia được rà soát sẽ cân nhắc quyết định chấp thuận hoặc ghi nhận các khuyến nghị và có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị đã được chấp thuận, báo cáo Hội đồng nhân quyền việc thực hiện tại chu kỳ tiếp theo.


Có thể nói, các khuyến nghị chính là nội dung quan trọng hàng đầu của cơ chế UPR. Việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tuy không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện cam kết, nỗ lực của mỗi quốc gia trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thực hiện nghĩa vụ thành viên Liên hợp quốc.


Cơ chế UPR đang được xem là cơ chế nhân quyền hiệu quả hàng đầu, nếu xét về tiến độ thực hiện, cam kết thực thi của các quốc gia cũng như khả năng đánh giá, theo dõi của các quốc gia khác. Các khuyến nghị, với việc đánh số, nhóm ghép theo lĩnh vực, nội dung, tạo nên một công cụ quan trọng giúp cộng đồng quốc tế đánh giá đầy đủ hơn về kết quả bảo đảm quyền con người ở quốc gia được rà soát. Hơn thế, do tính chất liên chính phủ và do các khuyến nghị được chính quốc gia liên quan tự nguyện xem xét chấp thuận (hoặc không chấp thuận), nên theo đánh giá chung, các quốc gia có xu hướng quan tâm đến việc thực hiện các khuyến nghị UPR nhiều hơn so với các khuyến nghị đến từ các cơ chế khác, như từ các chuyên gia độc lập, các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng nhân quyền, hay kể cả các chuyên gia trong ủy ban các công ước về quyền con người.

Việt Nam coi trọng, tham gia đầy đủ UPR

 
Với chính sách nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ cơ chế UPR qua cả 4 Chu kỳ (vào các năm 2009, 2014, 2019 và 2024).


Qua các chu kỳ kiểm điểm định kỳ UPR, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả quyền con người theo đúng các cam kết quốc tế. Việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị UPR cũng đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người, chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân ở Việt Nam.


Mới đây, trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, do Bộ Ngoại giao công bố ngày 15/4/2024, nhiều con số “biết nói” đầy sức thuyết phục đã phản ánh đầy đủ bức tranh tươi sắc trong công tác đảm bảo quyền con người của Việt Nam.
Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Việt Nam tích cực đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Việt Nam hiện đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người.


Cũng từ năm 2009 đến nay, GDP tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn với y tế cơ sở; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 92% vào năm 2022. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ở Việt Nam đạt 98,3%, tăng gần 1 điểm % so với năm 2018.


Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38%. Hiện, có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet đã phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội và là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.


Nhiều con số đầy thuyết phục khác về sức khỏe người dân được cải thiện, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập; tuổi thọ trung bình tăng và cao hơn trung bình thế giới; tỉ suất tử vong trẻ em giảm; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm; tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi được duy trì cao…, cho thấy những thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam.


Có thể nói, đây chính là cơ sở vững chắc giúp Việt Nam trúng cử vào các cơ quan, định chế về đảm bảo quyền con người của Liên hợp quốc, trong đó có vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao

 
Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người với những thành tựu, dấu ấn không thể phủ nhận, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.


Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, khẳng định, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong kinh tế, giảm nghèo và cải thiện các chỉ số xã hội: “Ngoài những con số này, chúng tôi cũng đánh giá cao sự cam kết và cống hiến của người dân Việt Nam; sự lãnh đạo với tầm nhìn của Chính phủ và sự đoàn kết của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Tất cả các yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và tiến bộ vượt bậc của Việt Nam".


Đánh giá cao những thành tựu đó, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch COVID-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua".


Còn Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers cho rằng: “Tuy đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng tự hào, đặc biệt trong triển khai thực hiện ưu tiên chính sách ưu tiên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em”.


Mặc dù có những đánh giá tích cực, song đâu đó, dù vô ý hay cố tình thì báo cáo riêng rẽ của các cơ quan Liên hợp quốc và một số nước khác vẫn thiếu khách quan, nhìn nhận không đúng về tình hình nhân quyền Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV. Trước sự phi lý đó, mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trong buổi họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (ngày 15/4/2024) đã nêu rõ: Việt Nam bác bỏ những báo cáo sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra nhận định thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vi phạm nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại.


Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tiếp tục nhấn mạnh: Một lần nữa chúng tôi khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được bảo vệ, thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn.


Tuy nhiên, với tinh thần cởi mở và xây dựng, Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế, các bên liên quan trao đổi, đối thoại để không ngừng nâng cao chất lượng đảm bảo quyền con ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy quyền con người nói chung trên bình diện thế giới.


Ngày 7 đến 10/5/2024 tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Phiên đối thoại Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc tham gia Phiên đối thoại khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người; thể hiện hình ảnh Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng với tất cả các nước, kể cả về những điểm còn khác biệt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong việc đảm bảo quyền con người; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai lệch, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền./.

 

       Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết