Thời gian qua, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng, sức khỏe con người và kinh tế. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa đất nước, hạn chế đi lại do COVID-19 đã góp phần giúp phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng khắp tại Pháp.
Phương thức làm việc từ xa thường gắn liền với sự tự do thoải mái cho người lao động, sự cân đối hài hòa giữa công việc và đời sống cá nhân. Làm việc từ xa cũng được coi là giải pháp chống tắc nghẽn giao thông, giảm thời gian đi lại vất vả cho người lao động và giảm chi phí văn phòng cho doanh nghiệp… Trong thời COVID-19, làm việc từ xa là biện pháp quan trọng giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, đài France Info cho biết có 5 triệu lao động tại Pháp làm việc từ xa trong suốt 55 ngày phong tỏa, từ ngày 17/3-10/5, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động của Pháp. Mặc dù phương thức làm việc từ xa được triển khai gấp gáp và đầy bất ngờ do tình hình dịch bệnh, nhiều người Pháp cảm thấy trong giai đoạn phong tỏa vừa phải chăm sóc con cái ở nhà, vừa phải làm việc từ xa gây cho họ nhiều áp lực, nhất là đối với người lao động là nữ giới. Tuy nhiên, đài France Info cho hay theo nhiều cuộc khảo sát, có đến 3/4 số người được hỏi muốn tiếp tục làm việc từ xa trong tương lai.
Về phía chủ lao động, sau khi lệnh phong tỏa chấm dứt, nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định duy trì lâu dài phương thức làm việc từ xa, không chỉ là do tình hình dịch bệnh trước mắt vẫn còn nhiều điều khó đoán định. Điển hình nhất và được nhắc đến nhiều trong những ngày qua tại Pháp như “một cuộc cách mạng” là trường hợp của tập đoàn chế tạo xe hơi PSA Peugeot Citroen. PSA khẳng định làm việc từ xa giờ đây sẽ trở thành nguyên tắc của công ty. Hàng nghìn nhân viên của PSA từ nay sẽ chỉ có mặt ở văn phòng từ 1 đến 1,5 ngày mỗi tuần. Quy định này áp dụng cho tất cả những hoạt động không liên quan trực tiếp đến sản xuất, tức là những hoạt động về mảng dịch vụ, thương mại, nghiên cứu và phát triển.
Theo ban nhân sự của PSA, cuộc khủng hoảng đã cho phép “đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức vận hành của doanh nghiệp”. Ba lợi ích của sự chuyển đổi này là đời sống cá nhân và công việc được cân bằng hơn, việc người làm công ăn lương phải di chuyển nhiều giảm rõ rệt và công ty tiết kiệm được chi phí. PSA sẽ chuyển sang phương thức tổ chức văn phòng linh hoạt, cho phép mỗi nhân viên khi đến cơ quan được ngồi làm việc chỗ nào họ muốn. Cách bố trí chỗ làm việc như vậy lại khiến việc lau chùi vệ sinh vào buổi sáng và buổi tối dễ hơn, giúp tiết kiệm diện tích văn phòng và đặc biệt là giảm ngân sách thuê mặt bằng.
Với nhiều người lao động Pháp, khủng hoảng COVID-19 và biện pháp phong tỏa kéo dài gần 2 tháng đã giúp họ có cơ hội khám phá, thử nghiệm phương thức làm việc từ xa để so sánh với cách làm việc thông thường tại văn phòng. Bên cạnh những tác động tích cực, việc buộc phải làm từ xa cũng dẫn đến một số hạn chế nhất định. Theo một thăm dò mới đây của Opinion Way về làm việc từ xa trong giai đoạn phong tỏa, đã có nhiều người coi là bị buộc làm từ xa, không theo kế hoạch trước và phải làm việc trong những điều kiện xuống cấp nghiêm trọng. 44% số người được hỏi cảm thấy căng thẳng về tâm lý, 18% thậm chí có các biểu hiện rối loạn tinh thần nghiêm trọng, lo sợ, trầm uất.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhiều nghiệp đoàn tại Pháp cũng như một số chuyên gia về luật lao động lưu ý nếu tiếp tục duy trì phương thức làm việc từ xa, giới chủ phải bảo đảm việc tổ chức được làm theo đúng luật lao động liên quan đến làm việc từ xa trong thời bình thường, chẳng hạn về thời gian, giờ giấc làm việc, trang thiết bị, bảo hiểm lao động, chi phí phát sinh điện thoại, Internet tại gia… phải có thỏa thuận rõ ràng giữa doanh nghiệp với người lao động. Dự kiến, Medef, nghiệp đoàn của giới chủ và các đối tác xã hội, các nghiệp đoàn của người lao động sẽ sớm có các trao đổi bàn về tương lai của phương thức làm việc từ xa tại Pháp./.
TTXVN