Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”

Ngày phát hành: 06/02/2024 Lượt xem 1859


Sáng ngày 1/2/2024, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.

 

Dự hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý Vụ, Viện; nhà nghiên cứu đến từ Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện CTQGHCM, Học viện Ngoại giao, Học viện BC&TT, Học viện ANND, Học viện CSND; các đồng chí thư ký, nguyên thư ký khoa học HĐLLTW.

 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Phạm Văn Linh nhấn mạnh qua 50 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong xây dựng, phát triển đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập, cả về lý luận và thực tiễn. Vấn đề đặt ra là cần tổng kết về lý luận và thực tiễn, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề sau: (i) Những thành tựu, hạn chế trên phương diện lý luận, thực tiễn và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng, phát triển đất nước qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; (ii) Đánh giá tác động quá trình đổi mới, trong gần 40 năm qua đến việc phát triển đất nước; (iii) Làm rõ những vấn đề đặt ra hiện nay (thuận lợi và khó khăn, thách thức) đối với xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới; (iv) Định hướng tiếp tục xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 

Trong khuôn khổ hội thảo, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các tham luận đã đề cập tới những vấn đề thực tiễn đa chiều, giàu tính gợi mở giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm luận chứng để giải quyết tốt các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Các tham luận tham gia hội thảo đều thống nhất nhận định, bối cảnh thế giới trong 50 năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Cạnh tranh của các nước đang gia tăng trên quy mô toàn thế giới. Bối cảnh này cũng tạo những điều kiện thuận lợi vừa tạo ra những thời cơ và thách thức cho Việt Nam.

 

Trước những biến động của bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế, xã hội trong nước cũng bị ảnh hưởng và có những biến chuyển nhất định. Dấu mốc đột phá cho những đổi thay của đất nước là chính sách đổi mới. Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần nỗ lực hoàn thiện về thể chế cho phù hợp với thực tiễn; thực lực kinh tế của đất nước còn yếu, cần nâng nội lực và tận dụng nguồn lực từ bên ngoài… Các tham luận đều cho rằng cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng đất nước để có những dự báo và định hướng phát triển đất nước trong tương lai.

 

Kết luận hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài khẳng định những đóng góp đầy trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của các đại biểu tại hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm tri thức và thông tin hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu.

 

P.V

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết