Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Bịa đặt, bôi nhọ đời tư của cán bộ lãnh đạo - một thủ đoạn thâm độc của các thế lực chống đối, thù địch

Ngày phát hành: 04/03/2021 Lượt xem 3526

 

1. Nhận diện thủ đoạn, mục đích và sự nguy hại của việc tung tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước

Để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta, các thế lực chống đối, thù địch không từ một thủ đoạn nào, một lĩnh vực nào, từ xuyên tạc, phê phán, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tới phê phán, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, kết quả, thành tựu phát triển của đất nước; thổi phồng, xuyên tạc những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; bịa đặt, vu cáo những vấn đề về dân chủ, nhân quyền... để bôi nhọ, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, kích động hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước trong xã hội. Trong các hoạt động chống phá đó, có việc đưa ra những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là một hoạt động, một thủ đoạn chống phá hết sức xấu xa, thâm độc và nguy hiểm.

Việc chống phá bằng thông tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước của các phần tử chống đối, thù địch được thực hiện hết sức đa dạng, từ những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ở các thời kỳ trước đây đến lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước hiện nay; từ bịa đặt, bôi nhọ về nguồn gốc xuất thân, gia đình, ông bà, bố mẹ tới bản thân người cán bộ; từ quá trình trưởng thành, học hành kém cỏi, thành tích bất hảo, tư cách đạo đức yếu kém trong những năm tuổi trẻ đến việc được nâng đỡ, ưu ái khuất tất của những người có chức, có quyền đối với cán bộ trong quá trình công tác; từ năng lực kém cỏi, dốt nát, không chịu học hỏi, không biết lắng nghe đến suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, quan hệ nam nữ bất chính, quan hệ “thân hữu” với các doanh nghiệp “sân sau” để vợ, con, anh em trong gia đình, họ hàng lợi dụng, trục lợi đến việc có khối lượng tài sản lớn, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều cổ phần, cổ phiếu, nhiều tiền, vàng gửi ở ngân hàng trong nước và nước ngoài, mà nguồn gốc của những tài sản đó không thể giải thích được, chỉ có thể có được từ tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của xã hội... tức là tất cả những gì xấu xa của con người, có trong xã hội, ở chỗ này, chỗ kia, ở người này, người kia, được góp lại, gán ghép cho một người để bôi nhọ, làm mất uy tín của họ.

Tung ra những thông tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước là việc các thế lực chống đối, thù địch thực hiện thường xuyên, liên tục, gắn liền với việc phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, thành tựu phát triển của đất nước, xem những người lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là nguyên nhân, là người phải chịu trách nhiệm về những yếu kém của đất nước, của những hiện tượng xấu diễn ra trong xã hội. Nhưng, đồng thời, những hoạt động chống phá này đặc biệt tăng lên vào những dịp có những ngày kỷ niệm lớn, sự kiện lớn của Đảng, của đất nước, như thời gian kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Nước, khi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, khi bầu cử Quốc hội, Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước... để làm mất uy tín cán bộ, gây rối nội bộ, gây khó khăn cho công tác lựa chọn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, phá hoại thành công của Đại hội Đảng, của bầu cử và các kỳ họp của Quốc hội...

Mục đích trực tiếp của thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo về đời tư của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước là bôi nhọ, làm mất uy tín những cán bộ này, nhưng sâu xa hơn, nguy hiểm hơn là bôi nhọ, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước; gây rối, chia rẽ nội bộ, phá hoại công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước; phá hoại, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, nuôi dưỡng, kích động tâm lý chống đối Đảng, Nhà nước trong xã hội để cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là những người đại diện cho Đảng, Nhà nước, những người đã qua rèn luyện, thử thách, tiêu biểu cho hàng triệu cán bộ, đảng viên cả về trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức, về uy tín trong Đảng, trong nhân dân, là nòng cốt, trụ cột trong tổ chức Đảng, Nhà nước. Bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, cấp chiến lược là yếu tố sống còn, gắn liền với sự tồn vong của Đảng. Lòng tin của nhân dân, sự gắn bó, ủng hộ của nhân dân đối với Đảng là nền móng vững chắc của chế độ ta. Chính vì vậy, bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc để bôi nhọ đời tư, phá hoại uy tín của những cán bộ lãnh đạo này, hạ bệ thần tượng, là một thủ đoạn thâm độc mà các thế lực chống đối, thù địch luôn đặc biệt chú ý, làm việc này là đánh thẳng vào một trong những “huyệt đạo” quan trọng, liên quan tới vận mệnh của Đảng, của đất nước, đánh thẳng vào yếu tố nền tảng của xã hội, của chế độ.

Mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đều nguy hại đối với đất nước, đối với chế độ. Nhưng tùy theo nội dung, lĩnh vực chống phá, đối tượng, phạm vi và mức độ tác động mà mức độ nguy hại của các thủ đoạn chống phá có khác nhau. Trong đó, chống phá bằng thủ đoạn bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ đời tư lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là một trong những thủ đoạn chống phá có tác động nguy hại cao. Khi các thế lực thù địch, chống đối vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền thì tác động chính là bôi nhọ, làm giảm uy tín của đất nước ta trên thế giới, khả năng, phạm vi, mức độ tác động đến các tầng lớp nhân dân có mức độ, khó thuyết phục được tuyệt đại đa số nhân dân ta. Khi họ thổi phồng, khoét sâu vào những hạn chế, yếu kém, phủ nhận những thành tựu của đất nước, phê phán một chủ trương, đường lối, chính sách cụ thể nào đó của Đảng, Nhà nước thì họ cũng chỉ tác động được đến một số người, một bộ phận nào đó trong xã hội. Ngay cả khi họ tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán, đòi loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự (những vấn đề hệ trọng của Đảng, của đất nước), thì cũng chỉ có thể tác động, thu hút được sự quan tâm của một số người, nhất là trong tầng lớp trí thức. Nhưng khi họ bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì chắc chắn thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là khi trong xã hội, trong các tầng lớp nhân dân đã vốn có sẵn những bức xúc, có tâm lý bất bình với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, với tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người có chức có quyền. Truyền thống của dân tộc ta là đề cao, coi trọng phẩm chất đạo đức, nhân dân ta không thể chấp nhận những người lãnh đạo đất nước mà suy thoái đạo đức, quan liêu, tham nhũng, lãng phí... như những bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ của các thế lực chống đối, thù địch. Mức độ nguy hại của thủ đoạn chống phá này của các thế lực thù địch, do đó, là rất lớn.

Thủ đoạn chống phá bằng cách tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước của các thế lực chống đối, thù địch không phải là mới, không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, từ khi có Internet, có các trang mạng xã hội, thì hoạt động chống phá này tăng lên nhiều, phạm vi tác động, mức độ nguy hại mà nó gây ra, do đó, cũng tăng lên. Internet, các mạng xã hội tạo điều kiện cho mọi người có thể tạo ra các sản phẩm thông tin, thể hiện quan điểm của mình để trao đổi với mọi người, cũng như thể hiện ý kiến của mình về những quan điểm của người khác, tạo nên những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, Internet, các mạng xã hội cũng tạo cơ hội cho những người xấu, vì nhiều nguyên nhân, nhiều động cơ, mục đích khác nhau đưa ra, lan truyền những thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc, lừa đảo mà họ có thể ẩn danh, mạo danh để trốn tránh trách nhiệm, trốn tránh sự phê phán, lên án của cộng đồng, của dư luận xã hội, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Trong khi đó, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của họ được phát tán, lan truyền rất nhanh, rất rộng, có thể tới từng người, từng nhà, tất cả các tầng lớp xã hội, ở tất cả các vùng, miền, từ thành phố tới nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, kể cả ra nước ngoài, tới cộng đồng quốc tế, hết sức nguy hại.

 

2. Thông tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là thủ đoạn xấu xa, cần phải lên án mạnh mẽ về mặt đạo đức

Nhân vô thập toàn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước nói chung, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nói riêng, không thể nào không có khuyết điểm, sai lầm. Vấn đề là phải hạn chế tối đa việc để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm này, nếu xảy ra phải được phát hiện, sửa chữa, khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động tiêu cực của nó. Đảng, Nhà nước có điều lệ, quy định của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, có nhiều cơ chế, cách thức để làm việc này, để giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhắc nhở, cảnh cáo, ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm khi đã phát sinh. Đồng thời, Đảng, Nhà nước có cơ chế động viên, khuyến khích nhân dân, các tổ chức xã hội giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để tham gia, đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Trong khi đó, việc tung tin bịa đặt, vu cáo để bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hoàn toàn khác về bản chất, về nội dung, động cơ, mục đích với việc nhân dân giám sát, phát hiện cho Đảng, Nhà nước về những hạn chế yếu kém, sai phạm, sự suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp, kể cả cán bộ cấp cao, để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Nội dung mà họ tung ra là do họ bịa đặt, hư cấu, tạo dựng chỉ để thực hiện mục đích là bôi nhọ, làm mất uy tín cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bịa đặt, hư cấu, tạo dựng những thông tin về đời tư của một người để xúc phạm, bôi nhọ danh dự của một người khác, dù người đó là ai, đều là việc làm xấu xa, trái với đạo đức truyền thống của dân tộc ta, nhân dân ta, phải bị lên án. Uy tín, danh dự là giá trị, tài sản mà mỗi người đều muốn tạo dựng, giữ gìn. Bịa đặt, vu cáo, đặt điều, gán cho một người lương thiện làm những việc xấu xa để bôi nhọ, hạ uy tín là xúc phạm nhân phẩm, làm nhục người khác. Việc này có thể dẫn đến hủy hoại sự nghiệp, giết chết một con người lương thiện, hủy hoại cuộc sống của một gia đình, thậm chí của cả một gia tộc, ảnh hưởng đến lòng tin, sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ, tạo nên mặc cảm tội lỗi của những người thân của cán bộ bị bôi nhọ trước mọi người... Khi không thể thanh minh nổi, không thể tự bảo vệ được mình, không ít trường hợp, người bị bôi nhọ phải bỏ quê hương, nơi ở cũ để đến nơi ở mới, bắt đầu lại cuộc đời. Khi người bị vu cáo, bôi nhọ không chỉ là người tốt, người lương thiện mà còn là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước thì hậu quả, nạn nhân của nó không chỉ là cá nhân, gia đình, mà cả xã hội, cả đất nước. Người lương thiện, có đức, có tài vì bị bôi nhọ, vu cáo, có thể bị loại ra khỏi vị trí lãnh đạo, mà thay vào đó có thể là người không xứng đáng bằng, nếu không bị loại khỏi vị trí lãnh đạo thì khi uy tín bị sứt mẻ, không thể không ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Một người, mới ngày hôm qua, còn là người được xã hội kính trọng, ngưỡng mộ, ngày hôm sau, trên hệ thống mạng lan truyền những thông tin về những việc làm xấu xa của người ấy, mà thực chất là bịa đặt, vu cáo nhưng được tính toán, dàn dựng tinh vi, tỉ mỉ, nhất định sẽ làm nhiều người hoang mang, lo lắng, mất lòng tin vào con người, vào xã hội, vào Đảng, Nhà nước. Hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế cũng bị tổn thương. Đây là những mất mát vô hình nhưng rất lớn, nghiêm trọng.

Tôn trọng, đề cao đạo đức cũng là phẩm chất, truyền thống của hầu hết các dân tộc trên thế giới, từ cổ đại cho đến hiện đại. Ngày nay, ở các nước kinh tế phát triển trên thế giới, những nước là khởi nguồn của Internet, các mạng xã hội, có hệ thống pháp luật lâu đời, mặc dù đề cao tự do cá nhân, đề cao tự do ngôn luận, nhưng ở những nước này, quyền riêng tư, những bí mật cá nhân vẫn được tôn trọng, bảo vệ. Những cá nhân đưa tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo để bôi nhọ người khác, xâm phạm quyền riêng tư của người khác tùy theo mức độ có thể bị xử lý bằng pháp luật; nếu không bị xử lý bằng pháp luật thì cũng bị xã hội lên án về đạo đức; còn những trang mạng không thể kiểm soát, ngăn chặn những hành vi như vậy cũng bị Nhà nước nhắc nhở, bị xã hội phản đối, tẩy chay. Như vậy, dù đánh giá dưới góc độ nào thì việc bịa đặt, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng đều phải khẳng định là việc làm xấu xa, cần phải lên án về mặt đạo đức. Do đó, rất cần tạo ra dự luận xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ việc làm này của các thế lực chống đối, thù địch để cảnh báo, ngăn chặn, để nâng cao ý thức cảnh giác, nâng cao sức đề kháng của mỗi người dân trước những thủ đoạn chống phá này.

 

3. Tung tin bịa đặt, bôi nhọ đời tư lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật

Ngày nay, việc tung tin bịa đặt để bôi nhọ một người khác, ở nhiều nước trên thế giới, không chỉ bị phê phán, lên án về mặt đạo đức, mà còn được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ nghiêm trọng, nhất là hậu quả do nó gây ra, mà còn bị xét xử theo pháp luật. Ở nhiều nước, những bí mật cá nhân, đời tư, danh dự, uy tín của một con người, một công dân được pháp luật bảo vệ. Công bố, tiết lộ những bí mật đời tư của một người, ngay cả khi điều đó là có thật, nhưng chưa được phép của người đó đã là hành vi vi phạm pháp luật. Bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo để bôi nhọ đời tư của  người khác thì mức độ vi phạm pháp luật còn cao hơn, nặng hơn. Đã có rất nhiều phiên tòa xét xử những vụ việc như vậy, rất nhiều người cố ý bịa đặt để bôi nhọ đời tư, bôi nhọ danh dự, uy tín người khác đã bị kết án từ phạt tiền để đền bù danh dự đến phạt tù để răn đe người khác, để người vi phạm pháp luật phải trả giá cho hành vi của mình. Đây là những quy định, là cơ chế cần thiết trong quản lý xã hội để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, bảo vệ danh dự, phẩm giá của họ.

Để ngăn chặn, chống lại việc bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đời tư những người đứng đầu, lãnh đạo đất nước, luật pháp của nhiều nước trên thế giới còn có những quy định chặt chẽ hơn, có những hình phạt nghiêm khắc hơn. Những quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến, như Nhật Bản, Anh, Thái Lan, Campuchia,... Nhật hoàng, Nữ hoàng Anh, nhà vua Thái Lan, Quốc vương Campuchia là người đứng đầu Nhà nước, dù chỉ có tính chất biểu tượng, đều có những quy định của pháp luật nghiêm cấm, trừng phạt nghiêm khắc những người có lời nói, hành động xúc phạm đến những nhân vật tôn quý này. Đối với những người lãnh đạo, đứng đầu Nhà nước khác, như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội..., các nước đều có những quy định của luật pháp bảo vệ, không chỉ bảo vệ an ninh, an toàn thân thể con người, mà bảo vệ cả uy tín, danh dự, đặc biệt trước những điều bịa đặt, vu cáo để bôi nhọ nhân phẩm, để bảo vệ uy tín, bảo vệ tôn nghiêm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan lãnh đạo đất nước, bảo vệ hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế.

Ở nước ta, Hiến pháp và pháp luật có nhiều điều khoản bảo vệ quyền con người, bảo vệ danh dự, uy tín, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nghiêm cấm các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ, xâm phạm các quyền này của con người. Hiến pháp (năm 2013) quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Điều 21). Luật dân sự (2015) quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” (Điều 34), “Người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải bồi thường” (Điều 584) với mức bồi thường và phương thức bồi thường do Luật định. Luật hình sự (2015) quy định người nào thực hiện các hành vi “Bịa đặt hoặc loan tin những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” là phạm tội vu khống, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm (Điều 156); nếu mức độ bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ là nghiêm trọng thì người bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ phạm tội làm nhục người khác, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm (Điều 155). Khi người bị vu khống, bôi nhọ là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hành vi tung tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ được thực hiện với mục đích là chống lại Đảng, chống lại Nhà nước, thì người thực hiện hành vi này phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của Luật hình sự (2015). Điều 117 Luật hình sự quy định “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm”...

Những quy định của Hiến pháp, pháp luật như vậy là đúng đắn, phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc ta, cũng như các dân tộc khác, phù hợp với thông lệ quốc tế, tương đồng với luật pháp của các nước trên thế giới ngày nay. Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, việc thực hiện nghiêm minh các quy định của Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi bịa đặt, bôi nhọ đời tư, xúc phạm nhân phẩm, uy tín, danh dự người khác, nhất là lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước đã góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội để phát triển, nâng cao uy tín quốc tế của đất nước.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch HĐLLTW

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết