Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Công đoàn xây dựng Việt Nam chăm lo phúc lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa

Ngày phát hành: 12/01/2020 Lượt xem 1535

 

I. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, Nghị quyết Hội nghị TW9 khoá IX về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Bộ Xây dựng đã tổ chức quán triệt Nghị quyết tới cán bộ Đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, đồng thời ban hành Chỉ thị số 03/2003/CT – BXD ngày 03/6/2003 về việc chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác cổ phần hoá DNNN; Chỉ thị số 02/2004/CT – BXD ngày 16/2/2004 về tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN do Bộ quản lý.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành việc cổ phần hoá các doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Trong qúa trình thực hiện cổ phần hoá, đã có 146.126 lao động trong các doanh nghiệp cổ phần hóa được sắp xếp lại, trong đó có 25.899 lao động dôi dư được hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền trên 903 tỷ đồng. Hiện tại Bộ Xây dựng đang tiến hành cổ phần hóa 02 công ty mẹ - Tổng công ty còn lại là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư Phát nhiển Nhà và Đô thị (HUD).

Sau cổ phần hoá, các nguồn lực của doanh nghiệp như diện tích đất, máy móc, thiết bị, nguồn tài nguyên…khai thác, sử dụng trước đây chưa hiệu quả được lập phương án đưa vào sử dụng với biện pháp hữu hiệu hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng định hướng. Nhiều tồn đọng về vốn, tài chính, tài sản, lao động…do lịch sử để lại đã được giải quyết, tạo điều kiện  cho doanh nghiệp sau cổ phần hoá sớm phát huy được hiệu quả.

 Các doanh nghiệp sau khi chuyển sang công ty cổ phần đều ổn định và phát triển, cơ chế quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp đã thực sự đổi mới. Các doanh nghiệp đều xây dựng điều lệ theo quy định của Luật doanh nghiệp, xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; các doanh nghiệp có số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát theo đúng quy định...

Nhìn chung, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong ngành Xây dựng thời gian qua là một quá trình đổi mới về tư duy, nhận thức, quan điểm và tổ chức chỉ đạo thực hiện, trở thành giải pháp quan trọng, tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; hình thành được các pháp nhân đa sở hữu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới phương thức quản lý, quản trị theo thông lệ, huy động vốn. 

II. Tình hình thực hiện chế độ chính sách, chăm lo đời sống và phúc lợi cho người lao động

1. Thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động

- Về việc làm

Sau cổ phần hoá các doanh ngiệp đã tiến hành cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động như: tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường, địa bàn thi công, đấu thầu xây dựng và tìm kiếm việc làm, khai thác thị trường; liên doanh, liên kết, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại, xuất khẩu lao động, kinh doanh đa ngành nghề.... Đồng thời động viên người lao động chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập, thực hiện chế độ chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động.

Hầu hết người lao động được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do đặc thù ngành Xây dựng sử dụng khá nhiều lao động thời vụ, lao động phổ thông, vì vậy mà một số lao động thực hiện ký hợp đồng thông qua người đại diện theo nhóm, đối với những trường hợp này chế độ chính sách thường không được đảm bảo, nhất là về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Để đáp ứng với công việc, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo và đào tạo lại người lao động; chi trả 100% tiền lương và các chi phí có liên quan khi người lao động tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra một số doanh nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí khi người lao động tự học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tay nghề phù hợp với công việc được phân công.

- Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trong đó giờ làm việc trong ngày không quá 8 giờ, và giờ làm việc trong tuần không quá 48 giờ. Ngoài ra pháp luật lao động cũng quy định tiêu chuẩn làm thêm giờ, người sử dụng có quyền huy động người lao động làm thêm giờ không quá 4 giờ trong ngày, 30 giờ trong một tháng và 200 giờ trong một năm; trường hợp đặc biệt NSDLĐ cũng có quyền thỏa thuận với NLĐ về huy động làm thêm giờ không quá 300 giờ trên một năm.

Theo kết quả khảo sát của Công đoàn Xây dựng Việt Nam năm 2019 có khoảng 22,25% doanh nghiệp thực hiện làm việc 40 giờ/tuần, 14,45% doanh nghiệp thực hiện làm việc làm 44 giờ/tuần, 53,44% doanh nghiệp thực hiện làm việc làm việc 48 giờ/tuần.

- Về tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng

Tiền lương của người lao động do người lao động thoả thuận với người sử dụng lao động trên cơ sở việc làm, kết quả lao động và mặt bằng tiền lương trên thị trường, Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương và cơ chế trả lương của doanh nghiệp. Thực tế khi xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng, định mức lao động… các doanh nghiệp đã lấy ý kiến của người lao động. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương bình quân trả cho người lao động hàng năm tăng từ 5 – 8%. Ngoài tiền lương, một số doanh nghiệp thực hiện các phụ cấp lương cho người lao động: khu vực, độc hại, lưu động, nhà ở, đi lại, xăng xe, điện thoại, trượt giá, thâm niên, xa nhà….Hầu hết doanh nghiệp thực hiện thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động với mức từ 1 – 3 tháng lương thu nhập; một số doanh nghiệp thực hiện thưởng theo tháng, quý, 6 tháng, đột xuất cho người lao động. Ngoài ra, vào các ngày lễ, tết các doanh nghiệp còn thưởng cho người lao động từ 1.000.000đ đến 01 tháng lương thu nhập, theo kết quả khảo sát có: 40,6% doanh nghiệp thưởng ngày 30/4, 43,81% doanh nghiệp thưởng ngày 01/5, 43,58% doanh nghiệp thưởng ngày 02/9,  41,74% doanh nghiệp thưởng tết dương lịch, 33,72% doanh nghiệp thưởng ngày giỗ tổ Hùng Vương : 9,3% doanh nghiệp thưởng ngày thành lập công ty.

Hàng năm, các doanh nghiệp thực hiện xét nâng lương thường xuyên cho người lao động, đồng thời thực hiện nâng lương trước thời hạn cho người lao động khi người lao động có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hoặc bổ sung chứng chỉ, bằng…tham gia các khóa học, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề phù hợp với công việc được phân công.

- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Thực tế tại các doanh nghiệp có công đoàn thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam, hầu hết người lao động thuộc đối tượng đều được doanh nghiệp tham gia các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy đinh của pháp luật, một số doanh nghiệp đã mua bảo hiểm thân thể cho người lao động.

- Về An toàn và vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động

 Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định vai trò trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, NLĐ trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đại diện tập thể người lao động có quyền thương lượng thỏa thuận với người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động, bảo đảm điều kiện làm việc tốt hơn và có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện đảm bảo theo quy định của nhà nước.

Ngành Xây dựng là ngành đặc thù, điều kiện và môi trường lao động đa dạng, phức tạp, khắc nghiệt, nặng nhọc. Người lao động phải làm việc trên cao, dưới hầm, dưới nước, ngoài trời, tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại…nhiều công việc đặc biệt khó khăn nguy hiểm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong Ngành đã không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị thi công hiện đại, áp dụng nhiều biện pháp, công nghệ xây dựng tiên tiến, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình. Người lao động cơ bản được trang bị đẩy đủ, đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân theo công việc được phân công; hàng năm, có trên 70% người lao động được khám sức khoẻ định kỳ. 

2. Chăm lo đời sống và phúc lợi cho người lao động

Để chăm lo lợi ích vật chất cho người lao động, các doanh nghiệp tập trung vào: Nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên; chăm lo lợi ích vật chất thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện của Công đoàn.

- Các doanh nghiệp đã xây dựng nội quy, quy chế liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: Nội quy lao động, quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; quy chế trả lương, trả thưởng, quy chế nâng bậc lương; phúc lợi tập thể; an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật và các quy chế nội bộ khác của doanh nghiệp có liên quan đến NLĐ.

- Hàng năm tổ chức Hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định. Thông qua Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động và đối thoại, đã kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ như: chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, trợ  cấp thôi việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp... góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.

- Thực hiện thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thoả ước lao động tập thể; đa số Thỏa ước lao động tập thể tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Tiền lương, các khoản bổ sung lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca.

Bên cạnh việc thực hiện đảm bảo chế độ chính sách và chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, nhiều doanh nghiệp còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, quyền lợi chính trị cho người lao động, như: Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp; quyền lợi khi nghỉ phép, nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; chấm dứt hợp đồng lao động; phụ cấp lương, thưởng; thăm hỏi, tặng quà sinh nhật, lễ, tết, dịp hiếu, hỉ, ốm đau, thai sản…. Nâng cao chất lượng các thiết chế phục vụ người lao động như: nhà ở tập thể, nhà ăn, nhà trẻ, nhà thi đấu thể thao tham quan, nghỉ mát, quà 1/6 cho con CBCNV, quà trung thu; khen thưởng các cháu học là con CNVCLĐ có thành tích học tập, đỗ đại học; xây mới, sửa chữa nhà mái ấm công đoàn.

Tại các công trình xây dựng, các doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở cho người lao động khang trang, sạch sẽ, có phòng sinh hoạt chung được trang bị các thiết bị nghe nhìn; nhiều công trình đã trang bị máy giặt công nghiệp để giặt quần áo cho người lao động; xây dựng các sân chơi thể thao giải chí để người lao động vui chơi sau giờ làm …..góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; mua tặng vé tàu xe hoặc tổ chức xe đưa đón người lao động ở xa về quê ăn tết. Những doanh nghiệp tổ chức sản xuất trong dịp Tết đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho người lao động đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Các doanh nghiệp quan tâm tổ chức bữa ăn cho NLĐ đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; có trên 84% doanh nghiệp tổ chức ăn ca cho NLĐ, trong đó có 96,7% doanh nghiệp có mức ăn ca từ 15.000 đồng trở lên.

Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa vẫn tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ và phúc lợi xã hội, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất lao động, người lao động yên tâm và gắn bó với doanh nghiệp, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc.

Để không ngừng chăm lo đời sống và phúc lợi cho người lao động, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật, đồng thời đẩy mạnh thương lượng tập thể một cách thiện chí, thực chất và bình đẳng với người lao động, trong đó tập trung vào nội dung: tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc....hàng năm đánh giá kết quả thực hiện để sửa đổi, bổ sung phù hợp. 

 

Ths. Nguyễn Thị Thuỷ Lệ

Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết