Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

"Điều mong ước cuối cùng" của Bác và mục tiêu phát triển đất nước trong những năm tới

Ngày phát hành: 18/08/2019 Lượt xem 13014

 

1. Bản "Di chúc" bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc bảo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là một bản kế hoạch tổng thể xây dựng xã hội mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Di chúc" trong 4 năm, từ năm 1965 đến năm 1969 trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trong giai đoạn cam go, gian khổ, quyết liệt nhất. Nhưng với niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, của chính nghĩa rạng ngời, Người chỉ dành hai đoạn ngắn nói về cuộc kháng chiến này: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn" và "… Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn". Còn lại, là những lời dặn của Bác về các công việc phải làm sau chiến tranh để xây dựng xã hội mới, như về xây dựng Đảng, về đoàn viên thanh niên, nhân dân lao động, về phong trào cộng sản quốc tế và về việc riêng. Trong bản viết thêm năm 1968, Người có thêm các nội dung về công việc với con người, khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh và về việc riêng.

Đoạn cuối của "Di chúc", Người viết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Bằng một câu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta và mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam: Hòa Bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh.

1.Mục tiêu "5 việc, mười từ" này trong "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao quát đầy đủ tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam, các nhiệm vụ giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh. Về mặt lịch sử, đó là sự nhất quán từ xác định "trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới" từ năm  1930, đến xây dựng một nước Việt Nam "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường" năm 1951, tại Đại hội II của Đảng.

Tư tưởng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đề cập đến ngay sau khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 02-9-1945. Trả lời các nhà báo quốc tế về chính sách đối ngoại của Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm Việt Nam "muốn làm bạn với tất cả các quốc gia dân chủ trên thế giới". Trong năm đầu của Nhà nước Việt Nam mới, với vai trò Chủ tịch nước, Người đã nhiều lần viết thư cho tổng thống Mỹ, lãnh tụ Liên Xô Stalin đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam, xây dựng quan hệ hữu nghị vơi Việt Nam. Người công khai tuyên bố về mong muốn gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam…

Với Hồ Chí Minh, hòa bình đi liền với độc lập dân tộc. Sau hơn một năm tuyên bố về nền độc lập, trước dã tâm và hành xâm lược của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam khẳng định "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới", và "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".

 

  

Đề thắng chiến tranh, giành lấy hòa bình, cả dân tộc Việt Nam đã đứng lên chiến đấu, chấp nhận gian khổ, hy sịnh để bảo vệ nền độc lập đó. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp với Điện Biên phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đã mang đến hòa bình trên nửa đất nước. Thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" đã mang lại nền hòa bình  cho cả nước Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thống nhất đất nước rất rõ ràng và kiên định, Nam, Bắc một nhà. Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Người khẳng định: " Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam…". "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". 

Tư tưởng về thống nhất dân tộc, đất nước của Hồ Chí Minh là sự phủ nhận, làm thất bại ý đồ của các thế lực đen tối, vì lợi ích cục bộ để chia rẽ đất nước. Trong lịch sử nước ta, các vua chúa phong kiến đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích chung của đất nước, không chỉ một lần chia cắt đất nước, có thời kỳ dài trên 200 năm. Chế độ thực dân cũ của thực dân Pháp dùng biện pháp chia rẽ để dễ bề cai trị, chia nước ta thành 3 'kỳ": Nam Kỳ thuộc địa, Bắc Kỳ bảo hộ, Trung Kỳ phụ thuộc, dài trên 80 năm. Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ nuôi dưỡng tay sai và tiến hành chiến tranh xâm lược, để thực hiện sự chia cắt đất nước bằng sông Bến Hải. Thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng đại thắng Mùa xuân 1975 giang sơn đã được thu về một mối và  từ năm 1976  nước Việt Nam thống nhất đã ra đời.

 Về độc lập dân tộc, ngay từ thuở thiếu thời và trong những năm bôn ba sống ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đau đáu về nền độc lập của dân tộc. Trả lời câu hỏi có ý dụ dỗ, mua chuộc của Bộ trưởng thuộc địa Pháp tại Paris, Nguyễn Ái Quốc nói "Cái tôi cần lúc này là độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi". Khi tham gia Đảng xã hội Pháp, Người nói "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những gì tôi hiểu". 

 

 

Tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong cách mạng Việt Nam. Bản tuyên ngôn về nền độc lập dân tộc do Người viết, Người đọc đã khẳng định Việt Nam "đã thật sự trở thành một nước tự do, độc lập". Với nền độc lập dân tộc, Người tuyên bố: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy". Duy trì, bảo vệ độc lập dân tộc trong điều kiện thế giới có sự đối đầu hai cực, hình thành hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, lấy hệ tư tưởng, chế độ xã hội làm tiêu chí chính để xác định đối tác, đồng minh hay đối tượng, thù địch là một việc không đơn giản. Điều ấy càng trở nên khó khăn, "tế nhị" hơn khi xuất hiện bất đồng giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn là Liên Xô và Trung Quốc trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xử lý một cách đúng đắn, khôn khéo khi xác định "đoàn kết với tất cả những ai tôn trọng nền độc lập của Việt Nam". "Đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước". Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế đã tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

 

 Về dân chủ, ở tuổi 20, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ một quốc gia phong kiến, thuộc địa, xã hội nông nghiệp, gia trưởng, nên Người chưa thể hiểu rõ về khái niệm dân chủ. Ra nước ngoài, sống ở nước ngoài, Người cảm nhận được sự tiến bộ và vai trò của dân chủ so với xã hội phong kiến, gia trưởng, dù đó mới là dân chủ tư sản. Người yêu cầu thực hiện dân chủ cho Đông Dương bắt đầu từ bản "Yêu sách" 8 điểm gửi cho Hội nghị Véc-xây. Trong bản yêu sách, thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước, Người yêu cầu  ban hành Hiến pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật, "Trăm đều phải có thần linh pháp quyền". Nghiên cứu vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người khẳng định bản chất của chế độ xã hội mới ra đời từ kết quả của cách mạng Tháng Tám là Dân chủ, khi viết: "nước ta là nước dân chủ"; "chế độ dân chủ là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân";  dân chủ tức là "dân là chủ và dân làm chủ". Trong 24 năm lãnh đạo Đảng và đất nước, Người đã làm rất nhiều việc, từ  chỉ đạo việc soạn thảo để ban hành Hiến pháp mới, Hiến pháp 1946 "càng sớm càng tốt", đến phát huy quyền làm chủ của mỗi người dân, động viên họ tham gia vào các công việc xã hội với tư cách người làm chủ…

Với tư duy biện chứng, am hiểu sâu sắc thực tế xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ để thực hiện và phát huy dân chủ trong xã hội, nhất là dân chủ của mọi người dân là một quá trình, từ giáo dục nhận thức cho nhân dân về quyền làm chủ đến ban hành, thực hiện cơ chế, nhất quán là lâu dài. Phải bắt đầu từ trong Đảng, thực hành dân chủ trong Đảng để thực hiện dân chủ trong xã hội, nhất là trong điều kiện đảng cầm quyền. Bởi vậy, ngay trong bản Di chúc, Người đã yêu cầu: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng..."

Xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh là mục đích cao nhất của Hồ Chí Minh. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trong quan hệ giữa độc lập dân tộc và đảm bảo đời sống nhân dân, dân giàu, nước mạnh, Người cho rằng: "Nước độc lập rồi mà dân vẫn đói khổ, không có tự do thì độc lập đó cũng chẳng để làm gì"…Trong thư gửi cho học sinh, sinh viên nhân ngày khai trường năm học mới, tháng 9-1945, Người viết: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu hay không, điều đó phần lớn phụ thuộc vào công học tập của các em".

Mục tiêu "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh chính là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nó chứa đựng nội dung cốt lõi nhất trong sự phát triển của dân tộc là hòa bình, phát triển, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

2. Trong năm mươi năm qua, thực hiện điều mong muốn nêu trong "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, đoàn kết phấn đấu, giành được những thắng lợi cơ bản, thỏa mãn một phần mong ước của Người.

- Về giành lại hòa bình cho đất nước. Sau khi Bác mất, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn phải kéo dài thêm 6 năm nữa, đánh thắng chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến lược "việt nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Rồi do diễn biến xấu của tình hình quốc tế, khu vực, ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta lại phải đối đầu với các cuộc chiến tranh biên giới, đe dọa nền hòa bình mà chúng ta mới  giành được. Đến năm 1989, tức sau 20 năm thực hiện "Di chúc", chúng ta đã có nền hoà bình trọn vẹn để xây dựng, đổi mới đất nước. Đến nay, nền hòa bình của đất nước đã được duy trì trong 30 năm, không ngừng được củng cố vững chắc từ sự phát triển của đất nước, từ chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì độc lập hòa bình và phát triển. Năm 2018, thực hiện trách nhiệm với nền hòa bình của thế giới, lần đầu tiên Việt Nam cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

- Về thống nhất đất nước. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, đất nước ta chưa được thống nhất. Thực hiện mong ước của Người, sau giải phóng miền Nam được hơn một năm, việc thống nhất đất nước đã được thực hiện, Nam - Bắc một nhà, núi sông liền một dải. Hơn 40 năm qua đã qua, từ sự thống nhất đất nước về chính trị, lãnh thổ, đã mở rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trải qua 50 năm thực hiện "Di chúc" của Bác, chúng ta đã thực hiện đầy đủ, trọn vẹn mong ước cuối cùng của Người về sự thống nhất non sông.

- Về độc lập dân tộc. Sau ngày Người đi xa, Đảng ta đã kiên định thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, xử lý những vấn đề rất phức tạp trong quan hệ đối ngoại khi có sự thay đổi trong tam giác chiến lược Mỹ - Xô - Trung những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…

Đường lối đổi mới đất nước do Đảng đề ra, từ đổi mới cục bộ, từng bước đến đổi mới toàn diện là sản phẩm từ độc lập, tự chủ của Việt Nam trước những khó khăn, bất cập, trì trệ về kinh tế - xã hội những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước trong hơn 30 năm qua đã làm tăng gấp bội thế và lực cho việc giữ vững nền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đã trở thành bạn bè, đối tác chiến lược với 16 nước và đối tác toàn diện với 3 nước, bao gồm tất cả các nước trong nhóm P.5, nhóm G.20 trên thế giới, tạo thêm cơ sở để giữ vững nền độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Độc lập, tự chủ được thực hiện không chỉ về chính trị, chủ quyền, mà còn ngày càng vững vàng hơn trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập quốc tế. Bằng kết quả 50 năm thực hiện "Di chúc", chúng ta có thể báo cáo với Bác về bảo đảm độc lập, tự chủ của Việt Nam trong tình hình quốc tế hiện nay.

- Về thực hành và phát huy dân chủ, 50 năm thực hiện  "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong công cuộc đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc. Hiến pháp mới, nhiều đạo luật mới được ban hành…, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ đại diện ngày càng hoàn thiện, bảo đảm quyền tự do ứng cử và bầu cử. Hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ngày càng có hiệu quả thiết thực, công khai, bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân. Dân chủ trực tiếp được mở rộng. Ở tầm quốc gia, Quốc hội đã thông qua Luật trưng cầu dân ý. Đảng và Nhà nước đã ban hành các quy định, nghị định về quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở...

Cần thừa nhận rằng việc thực hiện dân chủ trong Đảng và xã hội theo tư Tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trong "Di chúc" vẫn còn những hạn chế. Nhiều quy định về quyền làm chủ của nhân dân chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa để thực hiện. Việc bầu cử các đại biểu hội đồng nhân dân còn ít nhiều mang tính hình thức. Dân chủ trực tiếp thực hiện chưa hiệu quả. Chưa tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý nào, mặc dù Luật Trưng cầu dân ý đã được thông qua gần 3 năm nay. Nhận thức và cơ chế thực hiện quyền làm chủ của người dân, từ cả hai phía: tổ chức đảng, chính quyền và người dân còn nhiều hạn chế... Nhận thức được những hạn chế nêu trên, trong thực hiện "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ, Đảng ta và Nhà nước ta đã xác định dân chủ không chỉ là mục tiêu, đích đến, mà còn là một cơ chế, thể chế, quy trình, để bổ sung, phát triển và hoàn thiện quy chế dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ thực sự của mỗi người dân.

 

 

- Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn, từ thực hiện "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" đi lên. Trong 50 năm thực hiện "Di chúc", chúng ta cũng đã đạt bước nhiều thành tựu quan trọng. Bắt đầu sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế những năm 60 của thế kỷ trước bằng cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong những điều kiện nhất định, cơ chế này có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên kỹ thuật cơ khí. Trong điều kiện chiến tranh, cơ chế này đã bảo đảm cho mọi người đều có thể sống và làm việc, ổn định hậu phương để tiền tuyến "ăn no, đánh thắng". Tuy nhiên, do chúng ta duy trì quá lâu cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp trong điều kiện xây dựng hoà bình và cách mạng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nên chỉ vài năm sau giải phóng miền Nam, kinh tế bắt đầu bị khủng hoảng. Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bằng các chính sách khuyến khích sản xuất, đổi mới từng phần, đến Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), Đảng ta đã đề ra và thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, với các nội dung cơ bản, như phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Sau hơn 30 đổi mới, bộ mặt đất nước đã thay đổi cơ bản và toàn diện. Chế độ chính trị được giữ vững và không ngừng được hoàn thiện; xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng cao, đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, vượt qua mốc nước nghèo kém phát triển và đạt được nhiều tiêu chí của nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tính đến năm 2018, thu nhập quốc dân theo giá quy đổi đạt 243,5 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.583 USD/năm; cơ cấu kinh tế đang thay đổi theo hướng tiến bộ, hiện đại: khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng chiếm trên 85%, nông nghiệp chỉ còn dưới 15%; quan hệ đối ngoại rộng mở, xây dựng được các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, các nước phát triển trên thế giới và các nước láng giềng, các nước khu vực Đông nam Á…

Tổng hợp các kết quả 50 năm thực hiện điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Di chúc", có thể khẳng định, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã làm được nhiều việc: thắng chiến tranh, giành lấy hòa bình, củng cố nền hòa bình ngày càng vững chắc. Thống nhất đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Giành và không ngừng gia tăng nền độc lập, tự chủ của dân tộc, quốc gia. Xây dựng cơ chế, pháp luật bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ của người dân. Đã đưa đất nước vượt qua tình trạng nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thực hiện mục tiêu đề ra trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" hiện nay là hoạt động thiết thực để tiến tới thực hiện đầy đủ hơn những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong "Di chúc".

3. Giai đoạn trước mắt, những năm tới đã mở ra những cơ hội mới đồng thời cũng có nhiều thách thức mới đối với nhân dân ta trong thực hiện "điều mong muốn cuối cùng" của Bác nêu trong "Di chúc". Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra rất nhanh, tác động rất mạnh đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội, tạo nên những cơ hội lớn chưa từng có và cũng là những thách thức mới đối với sự phát triển của nước ta. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường trước, nhưn xu thế hòa bình ổn định, hợp tac spt vẫn là xu thế lớn. Tình hình trong nước cũng có những thuận lợi và khó khăn mới. Tình hình hính trị xã hội ổn định, kinh tế khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, niềm tin và khát vọng phát triển của dân tộc, trở thành phong trào khởi nghiệp, sáng tạo…là những nguồn động lực quan trọng để phát triển đất nước tiến tới giàu mạnh. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải đoàn  kết, vượt qua những nguy cơ mới. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã hội chưa được đẩy lùi, là nguy cơ lớn gây mất ổn định chính trị, xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" rất lớn. Trong lĩnh vực xã hội, phân hóa xã hội gia tăng, một số loại tệ nạn xã hội chưa được kiểm soát; nhiều vấn đề môi trường đặt ra chưa được giải quyết…Nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng niềm tin và khát vọng phát triển của toàn dân tộc, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới là những giải pháp cơ bản để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước đi lên. Về quan điểm, đường lối, Đại hội XIII của Đảng phải giải đáp tốt các câu hỏi đặt ra trong thực hiện mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Giữ vững môi trường hòa bình là mục tiêu chiến lược không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, mà còn là một nội dung trong tổng thể chính sách phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống đi đôi với việc phát triển quan hệ đối ngoại, hợp tác đối với các nước lớn, các nước trong khu vực và trên thế giới, thực sự Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì độc lập hòa bình và phát triển. Đó là việc bảo vệ nền độc lập, môi trường hòa bình từ xa, từ khi chưa có biến…

 Sự thống nhất đất nước cần được củng cố, tạo nên khối đoàn kết vững chắc của cả dân tộc Việt Nam trong tất cả các dân tộc, tôn giáo, vùng miền, lứa tuổi, nơi cư trú. Cần loại bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, nhất là tư tưởng "Bắc, Trung, Nam" trong công tác cán bộ. Tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng đoàn kết, thống nhất dân tộc, như trong lịch sử ông cha ta đã từng dạy: " Ai chia, ai hợp ta đâu biết; Nam Bắc xưa nay vẫn một nhà"…. Thực hiện nhất quán chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, dù sống ở đâu cũng đều là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo sự thống nhất đất nước, dân tộc trong mô hình Nhà nước trung ương tập quyền và quyền tự quyết của các địa phương, để vừa đảm bảo được sự thống nhất đất nước, dân tộc, vừa phát huy năng lực sáng tạo, phát triển của các địa phương.

 

 

Phát huy quyền làm chủ của người dân theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề". Cần nhận thức rõ, dân chủ không phải chỉ trên lời nói, văn bản, mà dân chủ phải được thực hiện bằng các thể chế, quy định, công khai, minh bạch, rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ. Dân chủ phải đảm bảo công bằng với mọi người dân. Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, dân chủ trong Đảng là điều kiện để thực hiện dân chủ trong xã hội. Trong Đảng cần thể chế hóa, công khai và có thể công khai với xã hội về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức đảng, từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy, Ban Thường vụ đảng ủy, Bí thư các cấp…Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là từ trong Đảng và trong công tác cán bộ của Đảng. Trong xã hội, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nghiêm, công khai các quy định về quyền và nghĩa vụ của lãnh đạo và công dân trong thực hiện quy chế dân chủ. Với dân chủ đại diện, cần sớm nghiên cứu, đổi mới tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp. Nghiên cứu đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của Quốc hội, đảm bảo các đại biểu dân cử phải gắn bó và chịu trách nhiệm đối với các cử tri mà họ đại diện…

Về mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, trước mắt cần tận dụng cơ hội, vượt qua những thách thức, khởi động và làm gia tăng các động lực phát triển, nhất là động lực từ thể chế phát triển và niềm tin, khát vọng phát triển toàn dân tộc, để đến năm 2045, tròn 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nước ta gia nhập đội ngũ các nước phát triển của thế giới. Theo đó, cần đặt rõ mục tiêu cho từng giai đoạn: đến năm 2025, nước ta vượt qua được "ngưỡng thu nhập trung bình"; năm 2030, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia vào nhóm các nước OECD trên thế giới.

Thực hiện cho được "điều mong muốn cuối cùng" của Bác trong "Di chúc" là vinh dự và trách nhiệm của chúng ta hiện nay./.

                              PGS, TS Ngô Văn Thạo

                          Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết