Trong bài viết các tác giả tập trung làm rõ: 1. Một số kết quả đạt được trong công tác thi hành án hành chính; 2. Hạn chế của công tác thi hành án hành chính và nguyên nhân; 3. Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác thi hành án hành chính; 4. Đề xuất, kiến nghị đổi mới công tác thi hành án hành chính.
1. Một số kết quả đạt được trong công tác thi hành án hành chính
Ngày 25 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Sau 03 năm triển khai thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định; công tác theo dõi thi hành án hành chính của Hệ thống Thi hành án dân sự đã được triển khai, từng bước đi vào nền nếp [2].
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và cũng là năm đầu tiên nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được Quốc hội giao, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính (THAHC), tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Kết thúc công tác năm 2021, công tác thi hành án nói chung và thi hành án hành chính nói riêng tiếp tục có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, công tác thi hành án hành chính10 tháng của năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/7/2021) đã đạt được một số kết quả chính sau đây:
Ảnh minh họa.
1.1. Công tác hoàn thiện thể chế về thi hành án hành chính
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, để đề xuất đưa chỉ tiêu về THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê Quốc gia. Phối hợp với VKSNDTC, TANDTC xây dựng Thông tư liên tịch về hướng dẫn phối hợp thống kê THAHC (thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT- BTP-VKSNDTC- TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự). Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã có văn bản [3] hướng dẫn thống nhất trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong báo cáo, thống kê về công tác THAHC nhằm đảm bảo thống kê về THAHC đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Để đánh giá kết quả 05 năm triển khai thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định khi áp dụng trong thực tiễn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trên phạm vi cả nước [4], đối tượng thực hiện việc sơ kết là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan phối hợp thực hiện sơ kết là TANDTC, VKSNDTC. Kết quả sơ kết là cơ sở quan trọng để Chính phủ tiếp tục có sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện pháp luật về THAHC trong thời gian tiếp theo.
1.2. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra
Năm 2021, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính (TTHC), Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và thi hành án hành chính (THAHC); tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THAHC ở địa phương; tiếp tục công khai các bản án, quyết định hành chính của Tòa án tồn đọng nhiều năm và yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC. Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đề nghị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, đến nay công tác THAHC tại nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động rà soát tình hình THAHC của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát cụ thể từng bản án hành chính chưa thi hành tại các địa phương, đến nay đã thực hiện được 07 tỉnh, thành phố (Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Đắk Lắk, Nghệ An). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương [5], đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc THAHC, nhất là những bản án không có khó khăn, vướng mắc, có thể tổ chức thi hành ngay; đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp nghe báo cáo để có chỉ đạo tháo gỡ, từ đó công tác THAHC ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều tỉnh, thành phố đã phân công đầu mối giúp UBND quản lý công tác THAHC để đưa công tác quản lý THAHC ở các địa phương ngày càng đi vào nề nếp.
Ở các địa phương, quán triệt Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản kiến nghị của Bộ Tư pháp, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục có văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác THAHC trên địa bàn, một số nơi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã có Chỉ thị về công tác THAHC (Quảng Ngãi, Bình Dương, Sóc Trăng, Đồng Nai, Lào Cai, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Sơn La...). Nhiều lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp thực hiện việc đôn đốc, chỉ đạo đối với từng bản án hành chính chưa thi hành trên địa bàn (Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk...).
Như vậy, thông qua công tác quản lý, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là sau khi có Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức của UBND, Chủ tịch UBND các cấp về công tác THAHC ngày càng được nâng cao, từ đó đã có sự chuyển biến tích cực về công tác THAHC.
1.3. Kết quả thi hành án hành chính và việc thực hiện trách nhiệm THAHC của Hệ thống THADS
Tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là: 889 (trong đó, năm trước chuyển sang là 467 bản án), tăng 173 bản án so với cùng kỳ (10 tháng năm 2020, số bản án phải thi hành là 716 bản án, quyết định của Tòa án). 314/889 bản án Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC.
Kết quả: Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 384/889 bản án, quyết định, tăng 140 bản án, quyết định so với cùng kỳ (10 tháng năm 2020, số bản án đã thi hành xong là 244 bản án, quyết định của Tòa án); đang tiếp tục thi hành 505 bản án, quyết định, trong số này có đến 268 bản án, quyết định phát sinh trong năm 2020 và năm 2021.
Các cơ quan THADS đã thực hiện nghiêm trách nhiệm chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật TTHC, nhất là đối với 314 bản án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 235 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 57 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 283 quyết định buộc THAHC của Tòa án.
Như vậy, công tác theo dõi THAHC của các cơ quan THADS ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo thực hiện đúng, đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao kết quả THAHC [6].
2. Hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác thi hành án hành chính
2.1. Hạn chế trong công tác thi hành án hành chính
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án hành chính trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế sau đây:
- Tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên Tòa theo triệu tập của Tòa án; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm [7]; chậm trễ và chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính.
- Mười tháng đầu năm 2021, số bản án, quyết định hành chính chưa thi hành xong trên tổng số phải thi hành vẫn còn nhiều (505/889 bản án).
- Tỷ lệ thi hành án hành chính 10 tháng năm 2021 đạt thấp (43,19%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng (Số việc chưa thi hành xong: 10 tháng năm 2019 là 336 việc, 10 tháng 2020 là 472 việc; 10 tháng 2021 là 505 việc); còn nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành theo quy định tại Điều 311 Luật Tố tụng hành chính, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành (Có 314/889 việc Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án).
- Các cơ quan THADS đã tổ chức làm việc đối với người phải thi hành án trong 235 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 283 quyết định buộc THAHC của Tòa án. Đặc biệt, cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong 57 vụ việc [8].
2.2. Nguyên nhân hạn chế trong công tác thi hành án hành chính
Nguyên nhân hạn chế trong công tác thi hành án hành chính có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, cụ thể là:
a) Về khách quan:
Số lượng bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 173 bản án, quyết định); có đến 422 bản án, quyết định (chiếm tỷ lệ 47,4%) phải thi hành là số mới phát sinh trong năm; về nội dung phải thi hành có đến 90% các vụ việc THAHC liên quan đến lĩnh vực đất đai.
b) Về chủ quan:
- Một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu trong việc THAHC; thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý, trong khi THAHC theo pháp luật hiện hành vẫn là cơ chế “tự thi hành” [9].
- Ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm.
- Việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và trong việc thi hành án hành chính chưa được thực hiện hiệu quả [10].
- Việc xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo kiến nghị của Ủy ban Tư pháp “Tiếp tục chấn chỉnh những tồn tại trong công tác thi hành án hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của những người có thẩm quyền, nhất là UBND và Chủ tịch UBND không chấp hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án” [11] chưa nghiêm, cho đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ [12].
3. Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác thi hành án hành chính
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác thi hành án hành chính, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THAHC. Tổ chức quán triệt và triển khai toàn diện các văn bản trên xuống các cấp cơ sở.
Hai là, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian, đúng quy định của pháp luật.
Ba là, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan đến THAHC theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác THAHC. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo tinh thần “Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ”; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “Tham nhũng vặt” trong THAHC.
Năm là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật TTHC năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật TTHC, THAHC và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ [13]; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả THAHC trên địa bàn. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, ban hành, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND, UBND các cấp để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, vi phạm.
Sáu là, củng cố, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, bộ, ngành liên quan đối với công tác THAHC.
Bảy là, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THAHC tạo sự ủng hộ của cán bộ, công chức và nhân dân đối với công tác THAHC. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với đầu tư các nguồn lực tương xứng cho hoạt động THAHC [14].
4. Đề xuất, kiến nghị đổi mới công tác thi hành án hành chính
Để đổi mới thành công công tác thi hành án hành chính, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau đây:
Một là, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác THAHC.
Hai là, đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát đối với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính [15].
Ba là, đề nghị Chính phủ: (i) Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác thi hành án hành chính; chỉ đạo chặt chẽ việc chấp hành án hành chính và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. (ii) Làm rõ nguyên nhân của số vụ án hành chính chưa được thi hành mà người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND. (iii) Làm rõ nguyên nhân của tình trạng đến nay chưa thực hiện được việc xử lý trách nhiệm đối với người bị kiện nhưng không chấp hành án hành chính theo quy định của pháp luật. (iv) Công khai danh sách 57 vụ việc cơ quan thi hành án có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án [16].
Bốn là, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau đây: (i) Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ và kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý. (ii) Chấp hành nghiêm Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân. (iii) Thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành. Đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 (theo Phụ lục đính kèm), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30 tháng 3 năm 2020. (iv) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan. (v) Nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính; chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước. (vi) Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của địa phương, báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính [17].
Năm là, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành; hướng dẫn thống nhất việc ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong hệ thống Tòa án. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp chuyển giao kịp thời bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cho cơ quan thi hành án dân sự để theo dõi theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 [18].
Sáu là, đề nghị VKSNDTC: (i) Tăng cường kiểm sát THAHC ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm sai phạm [19]. (ii) Chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án hành chính; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành và phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính [20].
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
ThS. Nguyễn Thị Việt Nga
Chuyên viên chính, Văn phòng Quốc hội
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
3. Công văn số 2340/BTP-TCTHADS ngày 15/7/2021 của Bộ Tư pháp.
4. Quyết định số 673/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
5. Các công văn: số 1849/BTP-TCTHADS ngày 08/6/2021; số 1874/BTP-TCTHADS ngày 09/6/2021; số 1907/BTP-TCTHADS ngày 11/6/2021; số 1945/BTP-TCTHADS ngày 15/6/2021; số 1944/BTP-TCTHADS ngày 15/6/2021; số 2209/BTP-TCTHADS ngày 22/6/2021 của Bộ Tư pháp.
6. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.
7. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
8. Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2021), Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2021.
9. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.
10. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
11. Báo cáo số 2680/BC-UBTP14 ngày 11 tháng 9 năm 2020 của UBTP.
12. Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2021), Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2021.
13. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
14. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.
15. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
16. Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (2021), Báo cáo ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Nhóm Thi hành án và Bổ trợ Tư pháp thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ý kiến nghiên cứu về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án trong 10 tháng năm 2021.
17. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
18. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
19. Chính phủ (2021), Báo cáo số 300/BC-CP ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021.
20. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.