Thứ Năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024

Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày phát hành: 04/02/2022 Lượt xem 2857


 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Đối với Hải Phòng, thành phố trực thuộc Trung ương có công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng khu vực nông thôn chiếm 83,8% diện tích tự nhiên (131.484 ha/156.909 ha), đất sản xuất nông nghiệp chiếm 45,76% diện tích tự nhiên (71.805 ha); dân số khu vực nông thôn chiếm 54,41% dân số thành phố năm 2020 (1,11/2,033 triệu người), lao động khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu, chiếm 58,85% lao động toàn thành phố, nên phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân vẫn luôn là nội dung lớn được lãnh đạo thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo qua các thời kỳ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26), Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 46 ngày 05/9/2008 để tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện đến các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, với nhiều hình thức, đảm bảo sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

 

1. Một số kết quả quan trọng

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26, thành phố Hải Phòng đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

Thứ nhất, Nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp sinh thái:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2008-2020 đạt 3,27%/năm.

- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2008-2020 liên tục tăng, đạt 2,7%/năm.

- Giá trị sản xuất trồng trọt và thủy sản trên 1 ha đất tăng từ 73 triệu đồng/ha năm 2008 lên 169 triệu đồng/ha năm 2020, bình quân tăng 6,7%/năm.

- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng: giảm giá trị sản xuất nông nghiệp từ 77% (năm 2008) xuống 56% (năm 2020); tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản từ 23 % (năm 2008) lên 44% (năm 2020).

- Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm: thành phố đã hình thành 01 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Vĩnh Bảo với tổng diện tích 212 ha; có 03 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Cánh đồng mẫu lớn tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Đức Nghĩa

 

- Có 483 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; 496 trang trại; 18 làng nghề; thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  

- Đã phân loại, đánh giá và công nhận được 87 sản phẩm OCOP.

Thứ hai, Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn không ngừng phát triển:

- Đã triển khai thực hiện 06 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.879 ha và 04 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 220 ha, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động. 

- Đã hình thành 243 hợp tác xã và trên 2.500 tổ, nhóm dịch vụ sản xuất, kinh doanh phục vụ kinh tế hộ và các tổ chức kinh tế góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có thu nhập ổn định. 

- Có thể khẳng định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển đa dạng với nhiều hình thức phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông thôn.

Thứ ba, về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn:

- Năm 2019, 100% số xã (137/137 xã) hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu thành phố đề ra trước 01 năm. Đến nay, 7/7 huyện (đạt 100%) đã hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn không ngừng được đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, hiện đại làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cụ thể: Đã triển khai đầu tư nâng cấp, cải tạo 5.864 km đường giao thông các loại; 300 trạm bơm điện, 232 km kênh, nạo vét trên 4.616 km kênh mương; 393 km đường dây trung thế, hạ thế; 1.137 trạm biến áp; 559 công trình trường học các cấp; 629 công trình văn hoá; 50 chợ nông thôn; 22 điểm bưu chính; 48 công trình y tế, 53 hệ thống cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị.

Thứ tư, về công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn:

- Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 10,43 triệu đồng năm 2008 lên 56,4 triệu đồng năm 2020, tăng bình quân 13,86%/năm.

- Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giai đoạn 2008-2010 giảm từ 5,85% xuống còn 3,86%, giai đoạn 2011-2015 giảm từ 6,55% xuống còn 1,58% (chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015), giai đoạn 2016-2020 giảm từ 3,86% xuống còn 0,2% (chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020)

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế của thành phố giai đoạn 2008-2020 không ngừng tăng từ 42,53% năm 2008 lên 90% năm 2020. 

Thứ năm, về đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân:

- Căn cứ các cơ chế, chính sách của Trung ương; Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, áp dụng vào thực tiễn, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Cụ thể một số chính sách như: Hỗ trợ phát triển trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các trạm bơm điện; hỗ trợ thu gom và xử lý rác thải rắn trên địa bàn nông thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế xã; hình thành khu, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao; miễn giảm thủy lợi nội đồng, miễn thu quỹ phòng chống lụt bão; hỗ trợ vắc xin tiêm phòng gia súc, gia cầm…

- Giai đoạn từ 2008-2020: Tổng vốn đầu tư từ ngân sách của thành phố (nguồn vốn đầu tư công) là 55.699 tỷ đồng, trong đó: Tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho địa bàn nông thôn (nguồn vốn đầu tư công) là 23.809 tỷ đồng chiếm 43%; trong đó tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho nông lâm thủy sản - thủy lợi là 4.027 tỷ đồng, chiếm khoảng 7%; ngoài ra, ngân sách thành phố còn hỗ trợ đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 3.200 tỷ đồng.

Thứ sáu, về công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn:

- Xác định tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy cơ sở với chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị được đảm bảo và ngày càng đổi mới.

- 100% huyện thực hiện cơ chế “một cửa liên thông, hiện đại”, 100% xã thực hiện cơ chế “một cửa”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN:ISO vào hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân huyện, xã, thị trấn.

 

2. Kinh nghiệm bước đầu

Có được những kết quả trên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, thành phố đã có một số biện pháp sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, nổi bật như sau: 

 

Xây dựng Nông thôn mới tại Hải Phòng cuộc bứt phá ngoạn mục

 

(1) Có cách làm hiệu quả trong huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới:

a. Hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn

- Thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, cụ thể: Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% xi măng để làm đường giao thông thôn, xóm, đường nội đồng; nhân dân tự đóng góp vật tư khác, mặt bằng, nhân công và do nhân dân tự tổ chức thực hiện.

- Kết quả toàn thành phố đã hoàn thành: 3.715 km đường giao thông, trong đó: khu vực khối huyện đạt 3.328 km, chiếm 89,58%; khối quận đạt 387km, chiếm 10,42%.

- Tổng nguồn lực thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn là 5.201 tỷ đồng, trong đó các huyện đã huy động được nguồn lực từ nhân dân đạt 4.455 tỷ đồng, chiếm 85,8%, ngân sách thành phố chỉ để thực hiện là 745 tỷ đồng, chiếm 14,2%.

- Trong đó phần kinh phí đóng góp của nhân dân gồm: 1,3 triệu ngày công, tương ứng 385 tỷ đồng; diện tích hiến đất 420ha đất, tương ứng 3.200 tỷ đồng và khoảng 915 tỷ đồng giá trị vật tư khác.  

- Nếu tính toán đầu tư cho áp dụng theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản để hoàn thành 3.328 km đường trên (bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng/km), thì số đầu tư là 7.654 tỷ đồng (chưa có tiền giải phóng mặt bằng). Nếu tính cả tiền đất là 3.211 tỷ đồng, thì tổng giá trị đầu tư của 3.328 km sẽ là 10.865 tỷ đồng.

Trong khi đó, thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm 3.328km chỉ hết 5.201 tỷ đồng.

Như vậy chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông thôn, xóm, khu dân cư tại các huyện đã tiết kiệm được khoảng 5.664 tỷ đồng tương ứng với khoảng 52% giá trị công trình theo xuất đầu tư của cơ quan nhà nước. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn là một cách làm sáng tạo, đột phá của thành phố Hải Phòng, góp phần huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, cùng với nguồn ngân sách thành phố để thực hiện.

b. Đầu tư phát triển đường giao thông theo tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Đến hết năm 2019, 100% (137/137) số xã của thành phố hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Trong khi chờ Trung ương tổng kết và ban hành Chương trình cho giai đoạn 2020-2025. Trên cơ sở tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, thành phố đã tiến hành tổ chức thí điểm xây dựng xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó ban hành Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025, gồm 5 lĩnh vực và 17 tiêu chí, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng tiêu chí về giao thông với 4 cấp đường tiệm cận như đô thị, gồm:

- Đường từ xã đến đường huyện và đường liên xã (9m); đường từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn (7m); đường trục thôn (5,5m): đường ngõ xóm (3,5m). Các tuyến trên có vỉa hè (ở khu trung tâm, khu dân cư) rộng tối thiểu 1,5m; có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, biển báo chỉ dẫn giao thông.

- Thành phố đã bố trí từ ngân sách thành phố gần 1.100 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ thực hiện các nội dung về xây lắp, hỗ trợ vật kiến trúc trên đất tặng cho của nhân dân và vận động nhân dân tặng cho đất để xây dựng các công trình.

Kết quả, hiệu quả:

- Có 4.730 hộ dân tặng cho 125.724m2 đất để xây dựng 201 công trình nông thôn mới kiểu mẫu;

- Các công trình nông thôn mới hoàn thành đã từng bước định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang, góp phần tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp;

- Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại các xã đã góp phần tăng giá trị đất trên địa bàn, qua đó, giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, tạo nguồn lực để đầu tư các tiêu chí khác;

- Việc tặng cho quyền sử dụng đất đã giúp tiết kiệm ngân sách 160,438 tỷ đồng (đây là số tiền được tính theo đơn giá bồi thường GPMB) đã thể hiện sự ủng hộ cao của nhân dân, qua đó khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Khó khăn: Không thực hiện theo cơ chế thu hồi đất để thực hiện dự án mà là vận động nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất, vì vậy để thực hiện đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền vận động; đồng thời phái có những cơ chế chính sách đặc thù về hỗ trợ tiền sử dụng đất khi giao đất ở mới đối với các hộ gia đình, cá nhân tặng cho đất khi xây dựng, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu mà diện tích còn lại không còn đủ điều kiện để ở.

 

(2) Xây dựng và triển khai một số cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp 

 a. Chính sách hỗ trợ dồn đổi ruộng đất kết hợp với thu hồi đất đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại xã Tân Liên, Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo

- Thành phố xây dựng Đề án thí điểm dồn điền, đổi thửa kết hợp với thu hồi đất thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, với quy mô dồn điền, đổi thửa với diện tích là 513 ha đất nông nghiệp. 

- Mục tiêu: Dồn điền, đổi thửa, kết hợp với thu hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân tại xã Tân Liên, xã Tam Đa theo nguyên tắc tự nguyện trả lại ruộng đất cho Nhà nước quản lý theo quy định; từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất sản xuất nông nghiệp manh mún, thực hiện việc tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị và thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.       

- Trên cơ sở dồn đổi, thành phố đã thu hồi đất 162 ha đất sản xuất nông nghiệp do người dân tự nguyện trả lại cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. 

- Kinh phí thực hiện Đề án: 367 tỷ đồng (bình quân khoảng 2,26 tỷ đồng/ha) để thực hiện: Hỗ trợ dồn điền đổi thửa, đo đạc bản đồ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; hỗ trợ bồi thường về đất, ổn định đời sống khi thu hồi đất, bồi thường về công trình hạ tầng kỹ thuật.

- Kết quả và hiệu quả:

+ Đã thu hồi được 162 ha đất sản xuất nông nghiệp do người dân tự nguyện trả lại cho chính quyền; xây dựng được quỹ đất lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

+ Nếu thực hiện thu hồi đất theo phương án thu hồi thì để thu hồi 162 ha đất nêu trên, nhà nước phải bỏ ra khoảng 648 tỷ đồng (bình quân khoảng 4 tỷ đồng/ha), như vậy tiết kiệm ngân sách khoảng 281 tỷ đồng.

+ Trên cơ sở quỹ đất sạch, thành phố đã tiến hành thủ tục thu hút được Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển Nông nghiệp VinEco làm Chủ đầu tư. Đến nay, Dự án đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả, cụ thể:

Tổng sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng; thu hút 100 - 150 lao động.

Dự án góp phần nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp của địa phương, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tiêu hao các tài nguyên thiên nhiên, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đây cũng là một trong những mô hình kiểu mẫu để nông dân các huyện trong thành phố và các tỉnh khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

- Khó khăn, vướng mắc:

+ Việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao yêu cầu chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn chậm, mức độ rủi ro cao. Nếu nhà đầu tư phải chi trả hết tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng là rất khó khăn.

+ Mặt khác, do hiện nay chính sách của nhà nước chưa có quy định cho phép ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần tiền để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án.

b. Hỗ trợ xúc tiến, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu như: 

(1) Dự án Tổ hợp sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm công nghệ cao tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê làm chủ đầu tư. Diện tích thực hiện dự án là 8 ha. Tổng vốn đầu tư 436 tỷ đồng.

Mục tiêu đầu tư: Phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm tại các xã: An Hòa, Thanh Lương, Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo với diện tích 200 ha (đây là diện tích do doanh nghiệp thuê của các hộ dân), doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng diện tích canh tác từ 300 đến 500 ha.

 

 

Mô hình trồng rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao tại Hải Phòng

 

Công ty liên doanh, liên kết, phối hợp với các HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp thuê đất của nông dân để đầu tư sản xuất đậu tương rau, khoai sọ theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. 100% sản phẩm được xuất sang thị trường Nhật Bản và Châu Âu, với quy mô khoảng 200 ha. Giá trị sản xuất ước đạt 70 - 80 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 48 -52 triệu đồng/ha, mô hình góp phần thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, nâng cao giá trị sản xuất tạo việc làm cho người dân trong khu vực.

(2) Dự án Khu sản xuất chăn nuôi tập trung tại xã Hồng Phong, huyện An Dương do Công ty Cổ phần giống Gia Cầm Lượng Huệ làm chủ đầu tư. Quy mô 7 ha. Tồng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Mục tiêu xây dựng Khu chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao sản xuất gà giống; cung cấp trứng thương phẩm, gà thịt; nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm ổn định và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(3) Dự án Khu chăn nuôi lợn giống tập trung DABACO ứng dụng công nghệ cao tại xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên do Công ty TNHH Lợn giống Dabaco làm chủ đầu tư. Diện tích 6 ha. Tổng vốn đầu tư: 187 tỷ đồng. Mục tiêu: Sản xuất và cung cấp giống lợn chất lượng cao, số lượng lớn cho thị trường trong và ngoài nước.

c. Triển khai các cơ chế, chính sách cho một số mô hình tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như:

(1) Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương tại các xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy đã ký kết hợp đồng với các hộ dân trong vùng để sản xuất lúa rươi theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ và thu mua và bao tiêu sản phẩm sản phẩm, quy mô sản xuất khoảng 120 ha.

Năng suất lúa đạt 27-30 tạ/ha, Sản lượng rươi thu được tăng gấp 1,5 – 2 lần so sản xuất thông thường (415-550 kg/ha). Tổng thu nhập ước đạt 280 – 300 triệu/ha.

(2) Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang thuê mua và thuê lại đất của người dân để để tập trung 5 ha đất nông nghiệp đầu mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao. Quy mô sản suất 50.000 cây/năm; sản lượng dưa vân lưới đạt 10 tấn/năm. Tổng giá trị ước đạt 5,6 tỷ đồng/năm. Mô hình cung cấp các sản lượng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người lao động và mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

(3) Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tụ xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thuê lại diện tích đất nông nghiệp của người dân tại xã, quy mô 40 ha để sản xuất lúa.

 

3. Một số vấn đề đang đặt ra

- Về vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất:

Do hạn mức giao, thuê đất, thời gian giao đất quy định trong luật đất đai chưa phù hợp với thực tế, từ đó doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Để có được diện tích sản xuất chủ đầu tư phải vận động rất nhiều hộ dân để thu từng mảnh đất nhỏ lẻ. Doanh nghiệp không chủ động được phương án sản xuất lâu dài do việc ký kết hợp đồng thuê đất với người dân không ổn định, mang tính thời vụ. Diện tích đất trên không thể đem thế chấp vay vốn kinh doanh.

Việc triển khai thực hiện mô hình theo phương thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, không phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê lại đất của các hộ nông dân nên dễ triển khai áp dụng. Tuy nhiên sự liên kết này thiếu bền vững và người dân dễ dàng phá bỏ hợp đồng khi giá sản phẩm ở ngoài thị trường cao; quyền sử dụng đất sản xuất vẫn là của người dân nên việc vận động nhân dân đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, song phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

- Trong phát triển nông nghiệp:  

+ Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp chủ yếu giữa chăn nuôi và trồng trọt.

+ Các hoạt động dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả.

+ Mức độ công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp thấp.

+ Vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được nhân rộng và phát triển, việc bảo đảm đầu ra cho nông sản còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết vững chắc giữa người sản xuất với cơ sở chế biến, đơn vị tiêu thụ sản phẩm; giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp.

+ Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn do thành phố chưa có nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời sản xuất nông nghiệp chưa hấp dẫn doanh nghiệp.

+ Các mô hình tích tụ tập trung ruộng đất chủ yếu xuất phát từ nhu cầu, yêu cầu của tổ chức, cá nhân, thiếu tính định hướng và cơ chế, chính sách cụ thể của nhà nước.

- Trong xây dựng nông thôn:

Hạ tầng nông thôn tuy đã được đầu tư, nâng cấp nhưng còn hạn chế về quy mô, năng lực phục vụ nhu cầu phát triển và quá trình đô thị hoá nông thôn;   thiếu các cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, trung tâm quảng bá, giới thiệu để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; không đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn, nhất là đối với những vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch.

Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn (như chợ, khu giải trí công cộng…) còn hạn chế.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn ngày một gia tăng do nguồn ô nhiễm có xu hướng tăng, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chưa được đầu tư đồng bộ. 

- Về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn:

Tuy đời sống vật chất của nông thôn đã có cải thiện nhưng khoảng cách về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn ngày càng xa hơn.

Phúc lợi xã hội cho khu vực nông thôn hạn chế như hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ; nơi vui chơi, giải trí, nhất là nơi vui chơi cho thanh thiếu niên còn hạn chế.

Tình hình an ninh, trật tự trị an còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; an sinh, phúc lợi xã hội khu vực nông thôn có tiến bộ, nhưng chưa có bước chuyển biến mạnh mẽ.

4. Mục tiêu, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 26 và Kết luận 54 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên cơ sở tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết, Thành phố Hải Phòng đề ra mục tiêu, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cụ thể như sau:

- Về mục tiêu chung:

Nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị sinh thái, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, gắn với du lịch; nâng giá trị gia tăng, tăng chất lượng, năng suất sản phẩm, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong và ngoài nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa các lĩnh vực thủy sản, đáp ứng yêu cầu Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Nông dân được quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo hài hoà giữa thành thị và nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh, cân đối giữa khu vực ven đô với các xã vùng sâu, hải đảo, xã còn khó khăn; nông dân được đào tạo bài bản, có trình độ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tin học hóa; đủ điều kiện, khả năng làm chủ nông thôn mới, nông thôn tiên tiến.

Nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước hiện đại, kết nối đồng bộ với thành thị; giữ gìn bản sắc văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; hệ thống chính trị bền vững, trật tự xã hội an toàn; góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

- Về mục tiêu cụ thể: 

(1) Đến năm 2025:

Tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp 1,4-1,5 lần so với 2020; có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu;

(2) Đến năm 2030:

Tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm; thu nhập bình quân người khu vực nông thôn tăng 1,5-2,0 lần so với 2025;

 (3) Tầm nhìn đến năm 2045: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hải Phòng có trình độ phát triển và hiện đại của cả nước.

- Về nhiệm vụ, giải pháp: 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới toàn thể các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa theo hướng hiện đại, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. 

Ba là, chú trọng khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; bố trí hợp lý quỹ đất để phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề; phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Bốn là, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn. 

Năm là, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, hải đảo, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội để giúp người dân thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chất lượng cuộc sống giữa thành thị và nông thôn. 

Sáu là, bảo vệ, quản lý, sử dụng tốt nguồn tài nguyên, môi trường và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Bảy là, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;  khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  

Tám là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nông dân sản xuất các ngành hàng chủ lực; nông dân của các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trọng điểm; lao động trong các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã.  

Chín là, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ tin học trong quản lý và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triền nông thôn theo đúng chủ trương, quan điểm Trung ương trên cơ sở thực tiễn tại Hải Phòng.

Mười là, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế với các địa phương trong và ngoài nước, đối tác nước ngoài có thế mạnh về nông nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững và tiêu thụ sản phẩm.

Mười một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, thành phố Hải Phòng kiến nghị với Trung ương một số nội dung, giải pháp, dự án tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, thủy sản đến năm 2025 như sau:

(1) Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

(2) Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hải Phòng.

(3) Đề xuất Trung ương Nâng mức đầu tư từ nguồn vốn Trung ương, trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn Biến đổi khí hậu, vốn ODA cho Chương trình nâng cấp đê biển và đê sông và cho phép địa phương kéo dài thời gian thực hiện Chương trình.

(4) Kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp. Đối với Luật Đất đai: dỡ bỏ quy định giới hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc mở rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

(5) Kiến nghị với Trung ương tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư…) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

(6) Nghiên cứu chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân sản xuất nông nghiệp phù hợp với các quy định quốc tế; tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bị thiên tai, dịch bệnh, hộ nghèo; chính sách bảo hiểm nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và ngân hàng.

 

PV. (Nguồn: Theo báo cáo của TP Hải phòng tại Tọa đàm khoa học về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở Việt Nam)


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết