Thứ Bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024

Đổi mới đào tạo đại học cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo

Ngày phát hành: 21/04/2024 Lượt xem 281

Bảo tàng gốm Bát Tràng-công trình thiết kế sáng tạo trở thành điểm đến trong du lịch làng nghề của Hà Nội. 

 

1. Đặt vấn đề

 

Công nghiệp văn hoá và sáng tạo (Cultural and Creative Industries, viết tắt: CNVH&ST) là lĩnh vực nằm trong nền “kinh tế sáng tạo” - một thuật ngữ bao trùm nhằm chỉ một tập hợp các hoạt động có liên quan dựa trên việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm văn hoá và sáng tạo, tạo ra những tác động kinh tế, xã hội và văn hoá. “Kinh tế sáng tạo” được xem là một thuật ngữ có tính tiến triển (UNCTAD/UNDP2008) và bao hàm hai thành phần cốt lõi, đó là các ngành công nghiệp sáng tạo và lĩnh vực văn hoá -nghệ thuật. Kinh tế sáng tạo được coi là nguồn động năng chuyển đổi mạnh mẽ thế giới, không chỉ ở khía cạnh tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các quốc gia, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập xuất khẩu, mà còn ở việc thúc đẩy những ý tưởng công nghệ sáng tạo và sự quan tâm đầu tư vào các giá trị văn hóa, tri thức và sự sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng (UNESCO 2013).

 

Trong những năm gần đây, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã trở thành đường lối chỉ đạo của Nhà nước, thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 8/9/2016. Ngành CNVH bao gồm các lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ để khai thác tối đa yếu tố kinh tế trong văn hoá. Đặc biệt, Chiến lược quan tâm đến đào tạo ngành nghề và phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ có chuyên môn cao liên quan đến từng lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa.

 

Về mặt lý thuyết, để trở thành người lao động chuyên nghiệp, có chất lượng cao trong lĩnh vực CNVH-ST đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội hiện đại thì bản thân nhân lực cần được đào tạo bài bản với những kiến thức chuyên ngành và liên ngành cụ thể. Những người làm quản lý trong lĩnh vực CNVH-ST không chỉ biết các kiến thức về quản lý, quản trị mà cần phải nắm các kiến thức về công nghệ, kinh doanh, sáng tạo, văn hóa – nghệ thuật … Cũng như vậy, những người làm sáng tạo như các nhà thiết kế, các nhà sản xuất âm nhạc, sản xuất phim ảnh, thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ …

không chỉ nắm các kiến thức chuyên sâu về ngành của mình mà còn phải có các kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp, công nghệ, truyền thông … Nói cách khác, những yêu cầu chuyên môn ngày càng cao và ngày càng đa dạng đối với một người làm việc trong lĩnh vực CNVH-ST đòi hỏi họ cần được đào tạo kiến thức và kỹ năng toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực. Ngoài những hiểu biết, kỹ năng vững chắc về âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật, thiết kế, sáng tạo thìcác nhà thiết kế cần được đào tạo kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực khác nhau như xã hội, kinh tế, luật pháp, quản trị, công nghệ, khoa học bền vững.

 

Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo nhân lực cho các ngành CNVH-ST cho thấy sự thích ứng của hệ thống nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực còn chậm và chưa thích ứng so với phát triển của lĩnh vực này và nhu cầu thực tế của đời sống kinh tế - xã hội. Bài viết này bàn luận về hiện trạng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành CNVH-ST ở Việt Nam hiện nay, một vài kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất cho công việc đào tạo ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

2. Vai trò của đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Công nghiệp Văn hóa

 

Đào tạo đại học và sự phát triển các ngành CNVH-ST có mối quan hệ mật thiết, thể hiện ở hai yếu tố cơ bản: nguồn nhân lực sáng tạo và sự phát triển tri thức (Comunian và cộng sự, 2014). Các trường đại học tạo ra hai yếu tố nền tảng của công nghiệp sáng tạo đó là vốn con người sáng tạo (creative human capital) và việc nghiên cứu, phát triển tri thức sáng tạo (creative knowledges). Vì vậy ở nhiều quốc gia đi đầu về lĩnh vực phát triển CNVH-ST, hệ thống giáo dục đại học đóng vai trò như là chìa khóa của quá trình biến đổi và phát triển công nghiệp văn hóa/sáng tạo.

 

Ở vấn đề nhân lực, ta nhận thấy ngay tầm quan trọng của sinh viên tốt nghiệp ngành công nghiệp sáng tạo và sự nghiệp sáng tạo như cầu nối giữa giáo dục đại học và khu vực văn hóa và sáng tạo, đồng thời các cá nhân được đào tạo chuyên sâu sẽ cấu thành nguồn nhân lực sau này của các trường đại học. Mặt khác, xét về chức năng, các trường đại học không chỉ tồn tại như là các đối tác hay cơ sở đào tạo mà nó còn được phát triển như một không gian sáng tạo mà ở đó các cộng đồng sáng tạo gặp gỡ, trao đổi ý kiến. Sự phát triển tri thức của ngành CNVH-ST diễn ra trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra các nền tảng và thực tiễn mới. Đáng chú ý, không gian chia sẻ của ngành là phương tiện quan trọng để tương tác, đôi khi ở dạng vật chất (ví dụ: không gian ươm tạo, cơ sở dùng chung), nhưng thường là nền tảng ảo hoặc là các 'không gian thứ ba' (Dawson và Gilmore 2009). Không gian thứ ba được hiểu là một dạng thức không gian khác biệt với Nhà (không gian thứ nhất), và Nơi làm việc (Không gian thứ hai), chính là không gian mà đại học và các địa điểm kích thích sáng tạo chiếm chỗ.

 

Một câu hỏi quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là 'không gian thứ ba' sẽ phát triển một cách tự nhiên hay liệu chúng có thể được thiết kế để tạo ra nghiên cứu và đổi mới. Nếu như trên thế giới, sự hiện diện của các đơn vị như British Council, Alliance Francaise, Goethe Institut hay Viện Khổng tử đã thực hiện tốt sứ mệnh của các Không gian thứ ba bằng việc kết hợp xuất sắc với các trường đại học thì ở Việt Nam, việc các đại học tự thân có ý thức về chuyện này vẫn đang dừng ở mức tham vọng. Điều này được lý giải bởi một thực tế là nhiều quốc gia và khu vực đã cố gắng cải thiện hệ thống giáo dục của họ để hỗ trợ nhiều hơn cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Đặc biệt chúng ta có thể thấy xu hướng tích hợp tính sáng tạo trong khung chương trình giảng dạy. Các nước châu Á, đặc biệt là Đông Á đã áp dụng cải cách chương trình giảng dạy, trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển tính sáng tạo ngay ở các cấp tiểu học và trung học của họ. Tuy nhiên, giáo dục ở các quốc gia có các ngành truyền thống chiếm ưu thế (Việt Nam là một điển hình) thường cứng nhắc hơn nhiều về những thay đổi trong chương trình giảng dạy.

 

Ở Việt Nam hiện nay đã có một số trường tham gia vào đào tạo công nghiệp văn hóa (như trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh), hoặc đào tạo các lĩnh vực cụ thể liên quan đến công nghiệp văn hóa và sáng tạo nói chung và các ngành nghệ thuật nói riêng (như trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học sân khấu điện ảnh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, trường Đai học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, trường Đại học RMIT Việt Nam, trường Đại học FPT, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu ...). Nhưng nhìn chung nguồn nhân lực trong CNVH-ST ở Việt Nam còn tương đối mỏng và bị giới hạn về nhận thức lý luận lẫn những kỹ năng thực tiễn.

 

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hầu hết nguồn nhân lực phục vụ cho các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa/sáng tạo hiện nay ở Việt Nam đều vẫn chủ yếu được cung cấp dựa trên hệ thống giáo dục nghệ thuật truyền thống với hệ thống các trường chuyên ngành như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện múa Quốc gia (âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn), trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (các lĩnh vực sân khấu điện ảnh), trường Đại học Mỹ thuật (các lĩnh vực hội họa, điêu khắc), trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (đồ họa, thiết kế và tạo dáng công nghiệp), trường Đại học Kiến trúc (kiến trúc) … đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua. Dù vậy, kinh nghiệm thực tế của lực lượng lao động này trong việc thích ứng với môi trường phát triển của CNVH-ST ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã biểu hiện hàng loạt vấn đề bất cập đối với mô hình đào tạo nghệ thuật truyền thống.

 

Về phương diện kiến thức, phương thức định hướng chủ yếu là tạo ra những người nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật/sáng tạo chuyên sâu, vì vậy cũng hạn chế phạm vi tìm kiếm vị trí việc làm của người học. Dễ dàng nhận thấy các trường Sân khấu và Điện ảnh chỉ quan tâm đến chất lượng đào tạo và khả năng làm nghề của sinh viên chuyên ngành Nghệ thuật biểu diễn; các trường Mỹ thuật cũng chỉ có mối quan tâm tương tự với sinh viên ra trường với bằng chuyên về Sáng tác hay Thiết kế; các trường có chức năng đào tạo về Khoa học xã hội và Nhân văn thì lại có mối bận tâm tới người học các mảng như Du lịch, Di sản, Bảo tàng, Xuất bản - trong khi các trường công nghệ, với bản chất năng động vốn có, sẽ lại chỉ đặt nặng sự quan tâm lên khả năng tìm kiếm việc làm của các sinh viên ngành Đồ họa, Đa phương tiện hay Thiết kế trò chơi điện tử. Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước mở ngành Cử nhân chính quy về Công nghiệp văn hóa năm 2018 trên cơ sở hai ngành sẵn có của trường là Quản lý văn hóa và Văn hóa học. Hiện sinh viên khóa đầu của chuyên ngành này chưa ra trường nên cũng khó lòng có thể có được cái nhìn chuyên sâu về chất lượng đào tạo, cũng đồng thời chưa có các nghiên cứu trung kiểm nào bàn về giáo dục đại học về công nghiệp văn hóa của trường để tham khảo.

 

Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong việc đào tạo trong những năm gần đây, nhưng có thể nhận thấy, hầu hết các chương trình đào tạo liên quan đến CNVH và ST ở Việt Nam hiện nay còn nặng tính chuyên ngành. Vì thế lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường lao động của các ngành CNVH và ST. Trong khi đó, thị trường lao động đòi hỏi phải có kiến thức và kĩ năng liên ngành, có tính toàn diện về sáng tạo, văn hóa, sản xuất, kinh doanh, công nghệ, luật pháp, truyền thông và marketing … Ngoài việc một vài trường có học phần “công nghiệp văn hoá” trong một số chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Văn hoá học, trên thực tế chưa có một cơ sở giáo dục, đào tạo nào ở Việt Nam giảng dạy một cách bài bản, hệ thống và chuyên sâu về ngành này. Trước những đòi hỏi về năng lực toàn diện của người làm việc trong lĩnh vực CNVH và ST trong thời đại 4.0 có thể thấy rằng rất cần thiết sớm phải xây dựng mô hình giáo dục và phát triển nguồn nhân lực mới hiện đại, mang tính sáng tạo; phải có những chương trình đào tạo mang tính liên ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có cách tiếp cận liên ngành, năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực kinh doanh – khởi nghiệp và khả năng ứng dụng các nền tảng công nghệ trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của các ngành CNVH và ST trong nền kinh tế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế xã hội và phù hợp với xu thế chung của thế giới.

 

3. Đào tạo Công nghiệp Văn hóa & Sáng tạo trong Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Công nghiệp văn hoá và sáng tạo là các ngành có tính liên ngành cao, cần có sự kết hợp của văn hoá, nghệ thuật, công nghệ thông tin, thương hiệu marketing, kinh doanh…, vì vậy các trường đại học đa ngành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực này. Đại học Quốc gia Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu. So với nhiều đơn vị khác trong cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều điều kiện và lợi thể để phát triển trở thành một đơn vị đầu tàu trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Các lợi thế đó bao gồm vị thế của một trường đại học đa ngành đa lĩnh vực có truyền thống hàng đầu cả nước cả về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; một đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu có uy tín và trên nền tảng sẵn có của việc nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu của một số lĩnh vực thuộc công nghiệp sáng tạo đã tồn tại và phát triển nhiều thập kỷ qua.

 

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có 36 đơn vị, trong đó có 9 trường đại học thành viên và 3 trường, khoa trực thuộc cùng 07 viện nghiên cứu và 16 đơn vị trực thuộc. Các trường, khoa trực thuộc trường và các viện này đã phủ sóng gần như đầy đủ các kiến thức và kĩ năng cần có của việc đào tạo công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là các chương trình đào tạo lẻ tẻ phân tán ở các đơn vị thành viên. Ví dụ, mảng văn hoá, báo chí, du lịch ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, công nghệ thông tin ở trường Đại học Công nghệ, marketing và truyền thông ở trường Quốc tế và trường Đại học Quản trị và kinh doanh, quản trị thương hiệu ở trường trường Đại học Kinh tế… Sinh viên học các ngành riêng lẻ này vẫn thiếu những kiến thức và tư duy tổng thể để đáp ứng những đòi hỏi của các ngành CNVH-ST trong bối cảnh của nền kinh tế sáng tạo. Vì vậy, cần thiết phải có những chương trình liên ngành phá vỡ ranh giới của các ngành chuyên sâu để cung cấp những kiến thức toàn diện về văn hoá, quản trị, kinh tế, công nghệ, phát triển bền vững…cho nguồn nhân lực này.

 

So với các Trường và các khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Các khoa học liên ngành (và tương lai gần sẽ trở thành Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật) là đơn vị có ưu thế hơn cả trong việc đảm nhiệm vai trò đào tạo CNVH-ST. Bản chất liên ngành của công nghiệp văn hóa và sáng tạo phù hợp với sứ mệnh liên ngành và nguồn nhân lực chất lượng cao đa dạng mà Khoa đang sở hữu, thuộc 5 bộ môn: Công nghiệp văn hóa và Sáng tạo, Di sản học, Đô thị và kiến trúc bền vững, Biến đổi khí hậu và khoa học bền vững, Quản trị kinh doanh và kinh tế sáng tạo. Các chương trình cử nhân hiện có tại khoa như Quản trị thương hiệu, Quản lý giải trí và sự kiện, Thiết kế sáng tạo (với 3 chuyên ngành: đồ hoạ công nghệ số, nội thất bền vững, thời trang sáng tạo), và sắp tới là ngành Nghệ thuật thị giác, và Kiến trúc và thiết kế cảnh quan đều thuộc về các ngành CNVH-ST. Vì vậy, Khoa Các khoa học liên ngành có thể trở thành đầu tàu trong việc phát triển đào tạo theo hướng CNVH-ST để đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng lớn theo chính sách chung của nhà nước.

 

Việc đào tạo CNVH-ST tại ĐHQGHN cần dựa trên nhận thức một cách toàn diện về sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo, với mục tiêu phát triển toàn diện kiến thức và kỹ năng cho người học. Việc phát triển kiến thức toàn diện của người học về lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo nhằm xây dựng đội ngũ lao động tham gia lĩnh vực kinh tế này có tư duy hệ thống và có khả năng phát triển các sản phẩm sáng tạo có tính tích hợp cao (của không chỉ một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực khác nhau), phù hợp với xu thế ngày càng đa dạng hơn của các sản phẩm sáng tạo trên thế giới hiện nay. Những người học có tư duy hệ thống đóng vai trò như là những “kiến trúc sư” của các hoạt động công nghiệp văn hóa/sáng tạo trong đó, những thế hệ lao động sáng tạo mới không chỉ có khả năng tạo ra các sản phẩm sáng tạo cụ thể mà điều quan trọng là thế hệ có tầm nhìn, nghiên cứu và định hướng phát triển các sản phẩm sáng tạo mới, tạo nên các giá trị cạnh tranh cho quốc gia. Bên cạnh đó, cần thiết phải phát triển toàn diện tất cả các kỹ năng của người học, từ các kỹ năng phát triển sáng tác, kỹ năng sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ phục vụ cho sáng tạo, kỹ năng quản lý và kinh doanh, cũng như các các kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu, các kỹ năng mềm cho việc phát triển các giá trị của sản phẩm sáng tạo như kỹ năng quản trị, quan hệ công chúng, quản lý tài chính, kêu gọi đầu tư ….

 

Để đáp ứng mục tiêu này, khuyến nghị xây dựng cấu trúc chương trình linh hoạt và có tính ứng dụng với một số lưu ý:

- Cấu trúc các chương trình đào tạo và nghiên cứu về CNVH-ST được thiết kế tạo ra một môi trường tự do cho người học có thể lựa chọn tối đa những nội dung kiến thức phù hợp tùy theo mong muốn và khả năng. Điều này cũng có nghĩa là các sản phẩm đầu ra của chương trình đào tạo sẽ hết sức đa dạng, tạo nên một lực lượng lao động có các hướng chuyên môn không giống nhau, có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phong phú của thị trường lao động với các vai trò khác nhau như các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà sản xuất, nhà quản lý, nhà sư phạm cho đến nhà nghiên cứu…

 

- Chương trình đào tạo về công nghiệp văn hóa sáng tạo cũng thể hiện sự linh hoạt trong việc kết hợp giữa định hướng ứng dụng, thực hành và định hướng nghiên cứu và quản lý chuyên sâu ở cả mức độ đại học và sau đại học. Trong khi ở trình độ cử nhân, người học được phát triển đặc biệt kỹ năng thực hành nhờ vào hệ thống phòng lab cũng như quá trình kết hợp học lý thuyết với các hoạt động thực tập đồng thời tại các doanh nghiệp và các tổ chức thuộc công nghiệp sáng tạo có liên quan thì ở trình độ sau đại học, người học sẽ được phát triển các định hướng cả nghiên cứu và quản lý.

 

- Nội dung của các chương trình đào tạo CNVH được phát triển trên một nền tảng kiến thức mới, cập nhật bắt kịp với các xu thế của công nghiệp văn hóa. Người học bên cạnh những kiến thức phong phú về các lĩnh vực sáng tạo còn được trang bị khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại, có thể thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của thế giới.

 

- Bên cạnh đó, nội dung của các chương trình đào tạo cũng được phát triển dựa trên nền tảng vững chắc về lịch sử và văn hóa. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên một lực lượng lao động của CNVH-ST có ý thức dân tộc sâu sắc cũng như có khả năng tạo sản phẩm sáng tạo dựa trên tinh thần cũng như các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa Việt Nam.

 

4. Kết luận

 

Giáo dục đại học và sự phát triển của các ngành CNVH-ST có mối quan hệ chặt chẽ. Những tiềm năng và thách thức của nền kinh tế sáng tạo đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt lưu tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan. Các trường đại học đóng vai trò là vườn ươm tài năng, nuôi dưỡng sự sáng tạo, tư duy phản biện, trang bị những kiến thức xuyên ngành. Bên cạnh việc tiếp tục đào tạo các ngành nghiên cứu cơ bản chuyên sâu, cần phải có những chương trình liên ngành, đào tạo chuyên môn toàn diện cho những người sẽ tham gia vào thị trường lao động của các ngành CNVH-ST. Và khi nhu cầu về các chuyên gia lành nghề trong các ngành này tiếp tục tăng, mối quan hệ cộng sinh giữa giáo dục đại học với các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng, định hình một tương lai năng động, nơi hội tụ của văn hóa, kinh tế và sự đổi mới.

 

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương
Khoa Các khoa học liên ngành - ĐHQGHN

 

Tài liệu tham khảo

Comunian, R. and Gilmore, A., 2014. From knowledge sharing to co-creation: Paths and spaces for engagement between higher education and the creative and cultural industries. In: A. Schramme, R. Kooyman and G. Hagoort, eds. Beyond frames dynamics between the creative industries, knowledge institutions and the urban context. Delft: Eburon Academic Press, 174–185.

Dawson, J and Gilmore A (2009). Shared Interest: developing collaborations, partnerships and research relationships between higher education, museums, galleries and visual arts organisations in the North West. Renaissance North West

UNESCO, 2013. Creative Economy Report. New York: United Nations Development Programme (UNDP)/United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization (UNESCO).

 


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết