Thứ Ba, ngày 30 tháng 04 năm 2024

Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và nông dân qua 40 năm đổi mới-Thực trạng và những vấn đề đặt ra (Phần 2)

Ngày phát hành: 15/04/2024 Lượt xem 713

 

4. Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân sau 40 năm đổi mới

 

4.1. Điểm mạnh, điểm yếu

 

4.1.1 Điểm mạnh

 

Nông nghiệp, kinh tế nông thôn  và nông dân Việt Nam có nhiều điểm mạnh đáng kể:

 

Đa dạng về sản phẩm: Khí hậu và địa hình đa dạng đã tạo ra một nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú.  Nhờ đó, Việt Nam có thế mạnh trong nhiều loại sản phẩm: cây lương thực, cây công nghiệp, cây dược liệu, trái cây, hải sản và các sản phẩm chăn nuôi để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Lao động dồi dào: Việt Nam có dân số đông và lao động dồi dào, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm trên 65%).

Sản lượng lớn, phục vụ xuất khẩu: Việt Nam là một trong những quốc gia lớn xuất khẩu nông sản trên thế giới. Các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, hạt điều và hải sản được nhiều quốc gia khác biết đến và ưa chuộng. Hoạt động xuất khẩu nông sản đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

 

Có phương thức sản xuất truyền thống theo hướng hữu cơ: Nông dân Việt Nam có hiểu biết và khả năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo các phương pháp canh tác hữu cơ truyền thống như mô hình VAC, chăn nuôi vườn đồi, sử dụng phân hữu cơ tự ủ, bẫy sinh học,… là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.

 

Nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ về mặt chính sách: Nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và nhà nước. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, bao gồm vay vốn ưu đãi, giảm thuế, đào tạo nâng cao năng lực, và xây dựng các mô hình hợp tác xã để tăng cường sức mạnh đàm phán và tiếp cận thị trường.

 

4.1.2 Điểm yếu

Bên cạnh các điểm mạnh trên đây, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và kinh tế nông dân hiện nay cũng có một số điểm yếu cần được cải thiện:

 

Thiếu hệ thống quản lý và giám sát: Việc quản lý và giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc tồn tại nhiều sản phẩm chất lượng thấp và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

 Khó khăn trong tiếp cận vốn và công nghệ phục vụ sản xuất: Nhiều nông dân và hộ gia đình nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư vào nâng cấp công nghệ, mua sắm máy móc, và mở rộng quy mô sản xuất. Điều này hạn chế khả năng nâng cao năng suất và hiệu quả trong nông nghiệp.

 

Sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng: Nhiều nông hộ và các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản thiếu kiến thức về quy trình sản xuất, kiến thức thị trường, kỹ năng thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến khó khăn trong việc quản lý sản xuất, tiếp thị và tiếp cận thị trường. Thu nhập từ nông nghiệp và ở nông thôn chênh lệch nhiều so với thu nhập của nhiều ngành nghề phi nông nghiệp và ở khu vực thành thị dẫn đến không tạo động lực cho lao động trẻ lựa chọn học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng này.

 

Hạn chế về hạ tầng: Nhiều khu vực nông thôn Việt Nam vẫn thiếu hạ tầng cơ bản như đường giao thông, điện, nước và viễn thông. Điều này gây khó khăn trong vận chuyển sản phẩm và tiếp cận thị trường.

 

4.2. Cơ hội, thách thức

 

4.2.1. Cơ hội

 

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân bền vững:

 

Sử dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn thông minh: Cách mạng công nghiệp lần thứ 04 diễn ra, với nhiều công nghệ có khả năng ứng dụng cao phục vụ sự phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân. Là một nước nhạy bén về công nghệ, Việt Nam có cơ hội tiếp cận và sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và cảm biến thông minh có thể giúp tăng cường quản lý nông nghiệp, dự báo thời tiết, giám sát sức khỏe cây trồng và động vật, và tăng cường quản lý tài nguyên nước. Việt Nam có tiềm năng để phát triển các khu vực nông thôn thông minh, kết hợp các nguồn lực và công nghệ để tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho người dân nông thôn.

 

Tận dụng sự quan tâm, hỗ trợ của quốc tế: Nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân luôn được coi là lĩnh vực quan trọng, nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc đề ra. Việc ký kết các Hiệp định, Hiệp ước đối tác toàn diện, chiến lược song phương, đa phương mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam sẽ có cơ hội học tập kinh nghiệm và nhận được hỗ trợ của quốc tế để phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân.

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản: Do sức ép gia tăng dân số và các tác động của biến đổi xã hội cũng như biến đổi khí hậu toàn cầu làm gia tăng nhu cầu nông sản trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, nhu cầu về nông sản nhiệt đới của các nước ôn đới ngày một gia tăng. Đây là cơ hội lớn cho nông nghiệp Việt nam mở rộng sản xuất, hướng tới xuất khẩu để thu được nguồn ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

 

4.2.2. Thách thức

 

Bên cạnh những cơ hội, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay cũng đối mặt với nhiều thách thức. Có thể kể đến một số thách thức chính sau đây:

 

Sự phát triển không cân đối: Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị vẫn còn lớn, thu nhập của người dân ở nông thôn còn thấp hơn nhiều so với thu nhập của người thành thị. Điều này tạo nên làn sóng di cư của lao động, đặc biệt là lao động trẻ từ nông thôn ra thành thị dẫn đến các thiếu hụt về lao động và kỹ năng sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Nông dân ở nhiều vùng nông thôn nước ta đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế và hạ tầng. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng đã làm gia tăng khoảng cách về phát triển chung, đặc biệt là sự tụt hậu về phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số, khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa hơn.

 

Thách thức trong đa dạng hóa nghề nghiệp: Đa dạng hoá nghề nghiệp là cơ sở để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp vẫn là nguồn sống chính của nhiều hộ gia đình nông thôn, sự đa dạng hóa nghề nghiệp vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong việc tạo ra các cơ hội làm việc và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

 

Cạnh tranh ngày càng gay gắt:  Sản xuất nông nghiệp nước ta đang đối diện với những thách thức rất lớn về cạnh tranh trong sản xuất và chế biến nông sản với các nước có năng lực sản xuất và chế biến nông sản lớn trong khu vực và trên thế giới.

 

Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một trong các quốc gia được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động xấu đến nông nghiệp nông thôn, bao gồm mưa lớn, hạn hán và tăng nhiệt đới. Biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên gây ra thiệt hại lớn cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là trong việc nuôi trồng và chăn nuôi Điều này ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

 

Thách thức trong chuyển đổi số: Chuyển đổi số đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức do sự thiếu hụt kỹ năng số của nông dân; chi phí chuyển đổi số cao đối với những vùng có thu nhập thấp; hiệu suất nông nghiệp không đồng đều giữa nông dân nhỏ và người ở các khu vực nông thôn có thể không có nguồn lực để tham gia vào cuộc chuyển đổi số, điều này có thể tạo ra sự không công bằng; vấn đề bảo mật dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về môi trường và dữ liệu về nông nghiệp; hạ tầng kỹ thuật số chưa hoàn thiện; thách thức về giáo dục và truy cập thông tin và thách thức về chính sách và quản lý để hỗ trợ chuyển đổi số, từ việc xử lý vấn đề bảo mật đến việc tạo điều kiện cho sự hợp tác và chia sẻ dữ liệu.

 

5. Giải pháp, kiến nghị đối với việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân nhằm xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ Quốc trong giai đoạn mới

 

5.1. Giải pháp

 

5.1.1. Mục tiêu của giải pháp

 

Mục tiêu dài hạn

Mục tiêu dài hạn của các giải pháp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân là nhằm mang lại lợi ích cho người dân (gồm cả những người được hưởng lợi trực tiếp và những người được hưởng lợi gián tiếp) qua đó góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.

 

Các mục tiêu cụ thể bao gồm:

* Mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp

Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp số nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, bảo vệ tài nguyên môi trường.

 

* Mục tiêu phát triển bền vững kinh tế nông thôn

Mục tiêu là đưa khu vực nông thôn trở thành nơi đáng sống, làm việc và đầu tư. Do đó, điều này đòi hỏi các mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng nông thôn. Song song với đó là mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa – xã hội ở nông thôn.

 

Mục tiêu phát triển nông dân

Mục tiêu là phát triển nông dân là nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người nông dân về mọi mặt bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

 

5.1.2. Các giải pháp chính

 

Các giải pháp có tính tổng hợp, toàn diện và có sự lồng ghép để đạt đa mục đích của phát triển nông nghiệp bền vững, kinh tế nông thôn và nông dân bao gồm a) phát triển kinh tế; b) phát triển công nghệ; c) phát triển xã hội nông thôn và nông dân; d) bảo vệ môi trường, tài nguyên và e) bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân.

 

Giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị

Hiện nay, có những giới hạn do điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên đặt ra đối với việc mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất nông nghiệp (đặc biệt về nguồn lực đất đai). Do đó, bất kỳ sự gia tăng nào về quy mô đều phải đến bằng cách tăng sản lượng, giá trị trên một đơn vị đất đai. Chìa khóa để đạt được các mục tiêu đề ra sẽ là phát triển nông nghiệp đa sản phẩm, đa dịch vụ và tăng giá trị trên mỗi đơn vị sản phẩm và dịch vụ từ ngành nông nghiệp. Giải pháp là cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp và cải thiện chức năng của chuỗi cung ứng nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng.

 

Giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Việc tăng cường sử dụng công nghệ mới phải mang tính chất nội sinh, tức là việc quyết định sử dụng công nghệ mới phải do người nông dân quyết định. Khi chi phí trực tiếp hoặc chi phí cơ hội của lao động trong nông nghiệp tăng lên, nhiều nông dân sẽ quyết định áp dụng các công nghệ tiết kiệm lao động (chẳng hạn như cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ số). Ngoài ra, khi một số trang trại trở nên lớn hơn, sẽ có thêm động lực để áp dụng các công nghệ tiết kiệm lao động, bảo tồn đầu vào và nâng cao đầu ra. Có một số vấn đề cụ thể liên quan đến công nghệ và việc áp dụng công nghệ, có thể cần được giải quyết bằng các giải pháp cụ thể và đổi mới sáng tạo. Đó là: a) Phổ biến kiến thức về công nghệ; b) Cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ (hạn chế về giáo dục và vốn) cho nông dân; c) Thúc đẩy sáng tạo công nghệ mới và ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Giải pháp phát triển xã hội nông thôn và nông dân văn minh

Các mục tiêu xã hội ở khu vực nông thôn bao gồm cải thiện vốn con người (giáo dục), vốn xã hội (văn hóa) và vốn vật chất (cơ sở hạ tầng vật chất). Mỗi mục tiêu này phải được tiếp cận bằng các giải pháp cụ thể.

 

Giải pháp đổi mới giáo dục gắn với xã hội học tập

Giải pháp về hỗ trợ tài chính lớn hơn (ví dụ dưới dạng học bổng) cho các gia đình ở nông thôn có trẻ em trong độ tuổi đi học, đặc biệt là các hộ gia đình sống dưới chuẩn nghèo quốc gia, với điều kiện con cái họ phải tiếp tục được đến trường. Giải pháp khác là tăng cường cung cấp đào tạo nghề với chi phí phải chăng, do chính phủ tài trợ ở khu vực nông thôn và ven đô, đặc biệt tập trung vào kỹ năng CNTT, tiếng Anh và kỹ năng quản lý kinh doanh (kế toán, tiếp thị, lập ngân sách, hậu cần, v.v.).

 

Giải pháp về vốn xã hội, văn hóa

Cần hướng tới một loạt giải pháp nhằm thúc đẩy, bảo tồn và phát huy bản sắc nông thôn. Điều này có thể liên quan đến việc phát triển các chương trình truyền thông (cả các kênh truyền thông chính thống và qua mạng xã hội) thể hiện sự phong phú và đa dạng của cảnh quan và truyền thống nông thôn Việt Nam; hỗ trợ tài chính cho các đơn vị tổ chức lễ hội nông thôn ở cấp địa phương và khu vực; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch nông nghiệp của Việt Nam trong và ngoài nước.

 

Giải pháp về cải thiện cơ sở vật chất

Những giải pháp này sẽ bao gồm việc cam kết đầu tư công nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng vật chất với mục tiêu cải thiện khả năng kết nối giữa nông thôn và thành thị, cũng như kết nối nội bộ giữa các khu vực nông thôn (liên kết vùng), trong các lĩnh vực như giao thông, thông tin liên lạc và cung cấp chất lượng dịch vụ công. Điều này sẽ định hướng đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng nông thôn; bao gồm đường xá, phương tiện giao thông công cộng, thông tin liên lạc, tiện ích, phạm vi phủ sóng internet.

 

Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái bền vững

Các vấn đề về môi trường và tài nguyên thiên nhiên là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Do vậy cần một bộ chiến lược giải pháp toàn diện nhằm giải quyết những thách thức đó một cách có hệ thống. Các giải pháp cần tập trung vào: i) Cải thiện chất lượng nước sông, thủy vực; ii) Tiếp tục chương trình và chiến lược tăng độ che phủ rừng, bao gồm sửa đổi Chương trình chi trả cho hệ sinh thái rừng.

 

Giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn và dinh dưỡng thực phẩm, nâng cao sức khỏe cho người dân

Cải thiện an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam và do đó cần thực hiện các chiến lược cụ thể để theo đuổi các mục tiêu chiến lược an toàn thực phẩm. Điều này sẽ liên quan đến việc ban hành luật bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn, đồng thời đảm bảo thực thi đầy đủ các luật đó. Nó cũng sẽ liên quan đến việc đưa ra các quy định và chương trình nhằm cải thiện hệ thống phân phối thực phẩm; thúc đẩy các hệ thống chứng nhận chặt chẽ về thực phẩm an toàn và lành mạnh; và đưa ra các yêu cầu ghi nhãn đối với hàm lượng dinh dưỡng thực phẩm.

 

5.2. Kiến nghị

 

Hiện có nhiều giải pháp chính sách đang được áp dụng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo 2025-2030 và đến năm 2050. Một số chính sách này sẽ cần được đổi mới và sửa đổi để có hiệu lực trong giai đoạn sắp tới. Do đó, những đề xuất khuyến nghị sau đây được đưa ra:

  • Thành lập các cụm, trung tâm đổi mới công nghệ nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển và sử dụng các công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số và nông nghiệp hữu cơ.
  • Tái tập trung vào các công cụ chiến lược hiện có hoặc phát triển mới nhằm hỗ trợ tài chính nông nghiệp và quản lý chuỗi cung ứng cho nông dân sản xuất nhỏ.
  • Xây dựng và thực hiện các hành động nhằm cải thiện việc thực thi các quy định về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Những quy định này tồn tại nhưng việc thực thi rất kém và vấn đề này cần được giải quyết khẩn cấp.
  • Tái tập trung vào các công cụ chiến lược hiện có hoặc phát triển mới nhằm mục tiêu cụ thể và toàn diện nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân Việt Nam.
  • Tái tập trung vào các công cụ chiến lược hiện có hoặc phát triển mới nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.
  • Đổi mới và tiếp tục phát triển các làng nghề, chương trình xây dựng thương hiệu “Sản phẩm Việt Nam” như Chương trình OCOP.
  • Xây dựng và thực hiện các quy định và chương trình toàn diện nhằm mục tiêu cải thiện đáng kể sức khỏe nông thôn và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.
  • Xây dựng và thực hiện các chương trình trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ ở khu vực nông thôn.

6. Kết luận

Nghiên cứu đã chỉ ra những thành tựu đáng kể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và đời sống nông dân trong gần 40 năm đổi mới. Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận những thành công này và đặt ra những mục tiêu quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện và bền vững của ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, cơ hội và thách thức đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta trước những bối cảnh mới đang đặt ra. Để vượt qua những thách thức này, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp và kiến nghị. Các giải pháp có tính tổng hợp, toàn diện và có sự lồng ghép để đạt đa mục đích của phát triển nông nghiệp bền vững, kinh tế nông thôn và nông dân bao gồm a) phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị; b) phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; c) phát triển xã hội nông thôn và nông dân văn minh; d) bảo vệ và phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái và e) bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân.

(Hết)

GS.TS. Trần Đức Viên
Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

Tài liệu tham khảo

Ban Tuyên giáo TW. (2023). Những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới đất nước. Nguồn truy cập: https://tuyengiao.vn/thoi-su/nhung-thanh-tuu-to-lon-sau-gan-40-nam-doi-moi-dat-nuoc-146363

Bộ Nông nghiệp và PTNT (2021). Dự thảo lần 5: Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Thào Xuân Sùng (2022) Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng. Available at: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825096/phat-trien-nong-nghiep%2C-nong-dan%2C-nong-thon-theo-dinh-huong-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx# (Accessed: 11 November 2023).

Thương Huyền. (2021). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Nguồn truy cập: https://daihoi13.dangcongsan.vn/cac-ky-dai-hoi/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-cong-san-viet-nam-4712

Tổng cục thống kê (2022). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022.

Tổng cục thống kê (2023). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023. Số 413/bc-tctk.

Tổng cục thống kê. (2021.) Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư 2020.


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết