Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Đối thoại với "Thế giới phẳng" (về cuộc trao đổi với nhà báo Thomas Friedman)

Ngày phát hành: 08/01/2021 Lượt xem 2540

                                                         

Tôi đã vào nghề báo hơn ba mươi năm, đã đi tới nhiều nơi ở trong và ngoài nước, tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều người, kể cả nhiều nhân vật nổi tiếng, nhưng có lẽ một trong những ấn tượng sâu sắc với tôi là cuộc gặp nhà báo Thomas Friedman. Thomas Friedman là nhà báo Mỹ, nhà bình luận về quan hệ chính trị giữa các nước, chủ một chuyên mục của tờ báo nổi tiếng The New York Times. Thomas Friedman cũng là tác giả của những cuốn sách gây xôn xao thế giới như Thế giới phẳng, Chiếc xe Lexus và cây ô liu. Các tác phẩm đậm chất báo chí đó đã góp phần cắt nghĩa, phân tích cấu trúc toàn thế giới đương đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Cũng xin được nói thêm là cuộc “đối thoại” giữa tôi và ông còn có cả sự hiện diện của cán bộ Bộ Ngoại giao, hàng chục nhà báo và các nhà lý luận tại Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi, Thomas Friedman đã chủ động kết thân: Đúng là thế giới “phẳng”, cả tôi và ông không hẹn  mà hôm nay lại đeo chiếc đồng hồ cùng một hãng và cùng thể loại. Tôi cũng đùa lại là khi đọc xong cuốn sách Chiếc xe Lexus và cây ô liu của ông, tôi cũng đã cố gắng “sắm” một chiếc xe như thế để có thể tận hưởng cảm giác ngồi trong loại xe đó như thế nào.

Câu chuyện giữa hai chúng tôi cử nở ra, rất thoải mái và thú vị. Thomas Friedman cho rằng, thế giới hiện nay đã “phẳng” hơn cả thế giới cách đây mươi năm trước, hồi ông viết cuốn sách. Việc kết nối mạng băng thông rộng, tích hợp và phổ cập các phương tiện truyền thông đã hết sức phát triển và lan tỏa trên phạm vi toàn cầu. Thế giới càng “phẳng”, con người càng được thưởng thức nhiều hơn, hưởng thụ nhiều hơn và sáng tạo hơn. Nhưng thế giới phẳng cũng khiến không ít việc trở nên khó khăn hơn. Đại thể như các nhà lãnh đạo bây giờ khó lắm. Nói như thế nào, hoạt động như thế nào, ngay từ vẻ mặt, cử chỉ như thế nào cũng bị các phương tiện thông tin đại chúng săm soi. Trong con mắt của thiên hạ, đã làm lãnh đạo thì cái hay phải là đương nhiên, còn cái dở mà bị bày ra thì sẽ bị nhân lên và khó che đậy. Rồi làm người bình thường bây giờ cũng khó. Ở Mỹ, đã có những nhà máy công nghiệp chỉ có một người quản lý hoặc ông chủ và một con chó. Tất cả các công đoạn sản xuất mà người bình thường làm được đã thay thế bằng các rôbốt. Con chó sẽ được huấn luyện để xem rôbốt nào bị hỏng, cần chỉnh sửa. Vậy nên, trong thế giới của tương lai, công việc bình thường sẽ do máy móc đảm nhiệm, còn người lao động làm việc khác. Đó là những việc sáng tạo và ngành nghề dịch vụ mới, đáp ứng với đời sống xã hội ngày càng phát triển. Bây giờ đã có cả phát thanh viên hoặc dẫn chương trình trên tivi là người máy. Ngay cả những người làm công việc thông tin truyền thông, báo chí cũng khó hơn trước rất nhiều. Tất cả các tin tức muốn có giá trị phải nhanh trên từng giây chứ không phải từng phút hoặc gọi là “cập nhật” như ngày xưa. Nếu muốn có tin mới xuất hiện ở đâu đó trên toàn thế giới chỉ cần mở các trang mạng. Vậy nên, người làm báo hiện đại phải nhanh nhạy hơn để cung cấp tin nóng hổi, hoặc từ việc tập hợp các tin tức để đưa ra những những phán đoán và nhận định của mình. Và như thế, nghề báo muốn tồn tại được phải làm khác trước và đáp ứng yêu cầu khác trước.

 

 

Thomas Friedman cũng bày tỏ công nghệ mới đã giúp nhóm công tác của ông ta tìm ra những tin “động trời”, như số tiền của một số gia đình các quan chức Trung Quốc đã nghỉ hưu gửi tại các ngân hàng nước ngoài. Nói về Trung Quốc, nhà báo nổi tiếng này đánh giá rất cao về những thành tựu mà Trung Quốc đã thực hiện được trong mấy thập kỷ qua, đồng thời cũng đưa ra nhiều cảnh báo về những mặt trái của Trung Quốc đương đại. Cũng từ những vấn đề đối với Trung Quốc, ông chuyển trọng tâm các câu hỏi sang tôi. Có ba câu hỏi mà ông ta đặt ra: Một là, thế giới đương đại như thế nào, có “phẳng” như ông ta nói không? Hai là, đánh giá nhận xét và so sánh giữa Trung Quốc với Mỹ; và ba là, khả năng thực hiện “giấc mộng” của Trung Quốc và việc “gây sự” của Trung Quốc với các nước, trong đó có Việt Nam sẽ tiến triển ra sao?

Tôi cho rằng, nói thế giới “phẳng” như Friedman đã phân tích có nhiều điều đúng và thực tế đã “phẳng” hơn cả những gì ghi trong sách báo. Ở Việt Nam cũng đã thấy nhiều điều rất thú vị. Thay những chú trẻ cưỡi trâu ngày xưa bằng các cậu bé, cô bé ở nông thôn hiện nay đi học bằng xe đạp điện, trên tay hoặc trong túi có điện thoại di động để sẵn sàng gọi bạn, gọi cho người thân. Thường xuyên lúc nào cũng có hàng triệu các cuộc gặp gỡ trao đổi của người dân qua các phương tiện thông tin liên lạc. Chỉ mới thôi mà chiếc điện thoại di động đối với nhiều người luôn gắn bó và cần thiết như tay, chân của mình vậy. Trước khi đi làm, có thể quên hoặc không kịp ăn sáng nhưng nhất định phải mang theo điện thoại di động.

Đúng là có một “thế giới phẳng” ngày càng rõ nét và dễ thấy. Nhưng đó chỉ là nhìn nhận ở khía cạnh tiến bộ của thế giới về khoa học - công nghệ. Còn một thế giới đương đại khác, một thế giới hết sức “gồ ghề” về chính trị, trật tự thế giới. Tôi nói, thế giới đang “mất trật tự” tới mức mà ngay cả như ông Obama, Tổng thống Mỹ, quyền lực như thế, tài năng như thế mà xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng rất ít khi tươi cười, thậm chí hình ảnh nhau mày, nhăn mặt nhiều hơn. Vì sao vậy? Vì ông ta chưa biết hành động thế nào cho phải khi Nga sáp nhập Criema chỉ trong thời gian ngắn mà hầu như không mất một mũi tên, hòn đạn nào; vì Trung Quốc đang ngang nhiên đòi độc chiếm biển Đông Bắc rồi tới biển Đông; vì các chính quyền Mỹ trước đây đã phá tan thể chế và đất nước Irắc, tiêu tốn cả ngàn tỉ USD, hàng ngàn lính Mỹ thiệt mạng nhưng nay Irắc lại hỗn loạn hơn cả thời xưa; vì ở Afganixtan, Mỹ và NATO chưa rút hết quân nhưng đã có dấu hiệu tan hoang không theo kịch bản và sắp đặt, tiền của và sinh mạng của những người lính các nước phương Tây đã thành mây khói. Rồi tình hình ở Ai Cập, Xyri, ở một số nước châu Phi với bao tình huống phức tạp không thể kiểm soát nổi. Vậy thế giới này đang êm đềm “phẳng phiu” hay đang thật gập ghềnh và không yên ả.

 

 

Về câu hỏi thứ hai là so sánh giữa Trung Quốc và Mỹ. Thật khó vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, đã gọi là trao đổi trực tiếp, tôi vẫn đưa ra một sự nhận xét của mình. Nếu cứ theo như tình hình hiện tại, các dự báo đều cho rằng, chỉ khoảng trên dưới mươi năm nữa là GDP của Trung Quốc sẽ ngang bằng với Mỹ và có thể vượt Mỹ. Cứ cho là như thế thì Trung Quốc vẫn khó so kè với Mỹ vì mấy điểm thua. Thứ nhất, Mỹ vẫn là nước có tiềm năng về khoa học kỹ thuật, sức mạnh quân sự và truyền thông áp đảo. Đã vậy, cơ chế của Mỹ có thể thu hút hầu hết các nhân tài và những chuyên gia hàng đầu của thế giới nên tiềm năng đó chỉ có lớn thêm. Thứ hai, cho dù GDP có ngang nhau nhưng khi dân số của Mỹ chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc thì thu nhập đầu người của Trung Quốc vẫn mãi mãi không theo kịp. Thứ ba, cách thức phát triển của Trung Quốc vừa qua có tốc độ rất cao nhưng lại tận dụng và làm cạn kiệt mọi tiềm năng về tài nguyên, nhiêu liệu và tàn phá môi trường. Đã vậy khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền và trong các tầng lớp dân cư ngày càng doãng ra nên đó là sự phát triển thiếu bền vững, sẽ vấp phải nhiều hệ lụy và phải trả giá đắt. Trong khi đó, Mỹ tuy tốc độ phát triển đã tới ngưỡng nhưng lại vẫn giữ được môi trường tự nhiên là nguồn tài nguyên hết sức phong phú. Tuy nhiên, tôi cũng nêu rõ rằng thể chế của Mỹ hiện nay còn nhiều điều bất ổn. Mạnh như thế mà đôi khi cả bộ máy hành chính không có tiền để hoạt động mấy tuần liền. Rồi đến cả Tổng thống Mỹ đôi khi dù đã có kế hoạch thăm đâu đó cũng phải hủy bỏ vì không có ngân sách. Đó là chưa kể đến nước Mỹ cũng thiếu bình yên. Năm là, Trung Quốc đang trỗi dậy và những hành động ngang trái hiện nay, nhất là lời nói với việc làm hoàn toàn mâu thuẫn nên sức mạnh “mềm” của Trung Quốc vốn chưa đủ sức thuyết phục lại bị yếu đi trông thấy. Những hành động ngang ngược ở biển Đông, cả thế giới đều thấy là việc làm sai trái, “lấy thịt đè người”. Vậy thì ai sẽ tin vào Trung Quốc?

Câu hỏi thứ ba của Friedman là vấn đề có tính thời sự mà cả thế giới đang quan tâm, nhất là mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Dẫn dắt câu chuyện này, tôi muốn bàn đến một điều là các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay nhắc và làm theo người xưa, việc xưa. Họ nói, toàn thể Biển Đông là của họ do tổ tiên họ nói thế. Tôi thấy rằng con đường và cách thức mà Trung Quốc bấy nay thực hiện có nhiều điều tương tự những mưu mẹo của ông Khổng Minh bày đặt từ thời Tam quốc. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công và khi ấy thiên hạ đã chia hai, một bên là phe Liên Xô và một bên là Mỹ, giống như tình thế của Lưu Bị thời đó, một bên là thế lực của Tào Tháo và một bên là Tôn Quyền. Khổng Minh đã phân tích tình hình và chỉ cho Lưu Bị kế sách: Trước hết phải “nhất biên đảo” (nghĩa là theo một bên này để chống lại bên kia) và tiếp đó là “tọa sơn quan hổ đấu” (xúi hai bên đánh nhau, một chết, một què thì sẽ nhảy lên bá chủ). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm gần đúng như vậy. Những năm năm mươi và đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, họ đứng hẳn về phía Liên Xô cùng phe xã hội chủ nghĩa. Liên Xô và nhiều nước khác đã giúp nhiều để Trung Quốc vươn dậy. Cho đến giữa những năm sáu mươi của thế kỷ 20, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại và chống Liên Xô, đánh tín hiệu sang Mỹ. Quả nhiên là tới năm 1971, Trung Quốc đã bắt tay được với Mỹ. Rồi cũng như kịch bản xưa, Trung Quốc tích cực góp phần thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang Xô – Mỹ cực kỳ gay gắt và tốn kém, góp phần dẫn tới việc Liên Xô tan rã, Mỹ thì cũng bị “sứt đầu, mẻ trán” và xuống sức trông thấy. Tất nhiên việc sụp đổ và tan rã Liên Xô cũng còn nhiều nguyên do chính yếu nữa mà câu chuyện này không xem xét tới. Nay Trung Quốc đang phát triển vượt trội, thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” cũng là cách của người xưa truyền lại. Cũng cần nhớ một điều là ngay cả ông Khổng Minh tài giỏi như thế phò tá Lưu Bị lập bao công trạng nhưng cuối cùng cũng không thể chiếm được Trung Nguyên, không thể bá chủ được thiên hạ. Đó cũng là điều mà những nhà chiến lược gia bạn của Khổng Minh và cả Khổng Minh đã thấy rõ nhưng nhà Thục vẫn cố làm nên việc bất thành. Câu chuyện “giấc mơ Trung Hoa” ngày nay cũng không kém phần khó khăn, thậm chí còn khó hơn trước bởi thế giới văn minh này khó lòng để mặc cho ý đồ bành trướng bá quyền dễ bề thao túng.

Lịch sử và truyền thống của Trung Quốc là vậy. Lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam cũng để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài học quý giá trong việc chống xâm lược và những phép để chiến thắng mọi thế lực đế quốc, ngoại xâm. Với truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc, toàn Đảng và toàn dân Việt Nam có ý chí và nghị lực, có những giải pháp thích hợp, lại được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì chính nghĩa, vì lẽ phải, nhất định Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải của mình. Đó là một điều chắc chắn.

Câu chuyện giữa hai chúng tôi diễn ra như thế. Cả tôi và ông Friedman đều hài lòng với những gì mà chúng tôi đã trao đổi./.    

 

 GS.TS Vũ Văn Hiền

Phó Chủ tịch HĐLLTW

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết