Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (phần 2)

Ngày phát hành: 17/11/2019 Lượt xem 17203

         4. Những sai lầm phổ biến trong nhận thức và vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất .

           - Một là, không nhận thức rõ sự phát triển lực lượng sản xuất là một quá trình lịch sử tự nhiên. Không hiểu đúng quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tách rời quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất, cường điệu quan hệ sản xuất mà coi nhẹ lực lượng sản xuất, coi nhẹ việc phát triển, giải phóng lực lượng sản xuất, muốn tạo ra quan hệ sản xuất tiên tiến đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất, muốn nhanh chóng thực hiện nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện kinh tế còn lạc hậu, mới giành được chính quyền. Không thấy được vai trò kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ, lo sợ sự phát triển kinh tế tư nhân sẽ chệch hướng sang con đường tư bẩn chủ nghĩa, cho nên đã nóng vội cải tạo kinh tế cá thể và tư bản tư doanh, xoá bỏ loại hình kinh tế này, biến nền kinh tế quốc dân thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thuần nhất ngay khi lực lượng sản xuất còn thấp kém, dẫn đến kìm hãm lực lượng sản xuất.

        - Hai là, nhận thức quan hệ sản xuất không trong chỉnh thể, cường điệu chế độ sở hữu, nhất là muốn nhanh chóng thiết lập chế độ công hữu với bất kỳ giá nào, coi sở hữu tư nhân nằm ngoài bản chất của chủ nghĩa xã hội cần phải nhanh chóng xóa bỏ; coi nhẹ quan hệ tổ chức - quản lý, quan hệ phân phối và nhất là hầu như không xem xét quan hệ sản xuất trong lĩnh vực quan hệ trao đổi và quan hệ tiêu dùng; coi nhẹ động lực lợi ích cá nhân của người lao động.

         Ba là đề cao một cách phiến diện yếu tố người về mặt số lượng, không chú ý chất lượng nguồn nhân lực và yếu tố vật của lực lượng sản xuất.

      Bốn là, không quan tâm đến những điều kiện để phát huy ưu thế của phân công và hợp tác lao động - nên đã nóng vội mở rộng quy mô hợp tác xã khiến cho sức sản xuất của lao động giảm sút, kinh tế trì trệ.

      Năm là, chủ quan, duy ý chí trong chủ trương phân bố lực lượng lao động.                  

       Sáu là,  Duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, coi nhẹ quy luật giá trị, quan hệ hàng hóa - tiền tệ, cơ chế thị trường, từ đó tạo thành cơ chế kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

        Bảy là, Muốn tạo ra một quan hệ sản xuất nhất loạt như nhau trong những ngành sản xuất khác nhau, những vùng miền, địa bàn khác nhau (vùng đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa...) với những trình độ lực lượng sản xuất rất khác nhau, tức là cào bằng quan hệ sản xuất.

Tóm lại, những sai lầm có tính phổ biến trên đây chính là do nhận thức không đúng bản chất quy luật quan hệ sản xuất phù hợp trình độ lực lượng sản xuất, những điều kiện tác động của nó, không tính đến điều kiện thực tiễn khi vận dụng, kết cục không tránh khỏi rơi vào thất bại.

  II. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu luận giải về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

      1. Những vấn đề cần tiếp tục luận giải liên quan đến lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất ngày nay đã vượt xa so với thời Mác. Các Mác xây dựng học thuyết của mình trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ 2 (cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ nhất đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ hai đánh dấu bằng sự ra đời của điện năng), còn ngày nay loài người đã ở cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật lần thứ ba với sự ra đời của kỹ thuật số (máy tính - Computer) và đang bước vào cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ tư, mở ra kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Trước cách mạng công nghiệp lần thứ tư, con người chủ yếu sử dụng tư liệu sản xuất là các tài nguyên thiên nhiên và các máy móc để sản xuất ra các sản phẩm. Song, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mọi yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất.

Thứ nhất, với đối tượng lao động, nhờ ứng dụng công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tài nguyên và nhiên liệu, nguyên liệu đã phong phú hơn, giàu có hơn trong đó có nhiều loại có hàm lượng tri thức ngày càng lớn hơn. Nếu căn cứ theo những yếu tố đầu vào của nền kinh tế công nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên thì nguồn lực tự nhiên đang ngày càng khan hiếm và cạn kiệt do con người khai thác quá nhiều. Tuy nhiên, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc đã giúp con người phát hiện ra nhiều thuộc tính mới của tài nguyên thiên nhiên, nhiều vật liệu trước kia tưởng chừng không có ích lại trở thành những vật có ích lớn và nhiều vật tính có ích lại được nhân lên gấp bội với sự xuất hiện của nhiều ngành sản xuất mới nên giúp tạo ra đối tượng lao động mới, phong phú và giàu có hơn.

Thứ hai, đối với tư liệu lao động (công cụ lao động và phương tiện sản xuất), cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều công cụ lao động mới và đưa đến sự thay thế từng bước các tư liệu lao động truyền thống bằng các tư liệu lao động hiện đại dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại tập trung ở lĩnh vực công nghệ sinh học, vật liệu mới và công nghệ thông tin. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra các công cụ lao động và phương tiện sản xuất mới với những máy móc tiêu hao ít nhiên liệu, năng lượng, thải ra ít phế thải, không gây ô nhiễm môi trường, tạo nên nền sản xuất phát triển bền vững. Những máy móc, công nghệ mới chứa đựng lượng thông tin cực kỳ lớn cho phép sản xuất với năng suất, chất lượng sản phẩm đặc biệt cao. Tư liệu sản xuất chính sẽ chuyển từ chủ yếu từ vật chất sang phi vật chất, tức là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và chi phí lao động phổ thông thấp sẽ ngày càng mất ưu thế, sản xuất sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều lao động chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ. Những doanh nghiệp biết tận dụng các công nghệ mới với tư liệu sản xuất phi vật chất của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thu được những thành tựu lớn. Ví dụ như Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ có giá trị nhất thế giới song lại không có chút hàng lưu kho nào; hay Airbnb, nhà cung cấp phòng ở cho thuê lớn nhất thế giới nhưng lại không có chút bất động sản nào[1].

Thứ ba, đối với người lao động, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đối với người lao động, làm biến đổi chức năng của con người trong sản xuất: con người dần dần không còn là yếu tố thao tác trực tiếp trong hệ thống kỹ thuật mà chuyển sang chủ yếu là sáng tạo và điều chỉnh quá trình đó. Sự tác động này được thể hiện ở bốn điểm như sau:

Một là, nó làm biến đổi nội dung và tính chất của lao động. Về nội dung, lao động đang chuyển dần từ lao động thủ công, lao động cơ khí sang lao động thông tin, lao động trí tuệ. Về tính chất, lao động đang biến đổi theo hướng ngày càng mang tính xã hội hoá sâu sắc. Do đó, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống ở nhiều quốc gia. Hai là, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến số lượng việc làm thông qua sự thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đối với một số ngành, nghề đang diễn ra nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên thị trường lao động. Xu hướng việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất sử dụng nhiều lao động sang sử dụng nhiều tri thức và công nghệ. Ba là, nó tác động đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài yêu cầu cứng về kỹ năng kỹ thuật (mức trung bình và cao) bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt nhằm thực hiện công việc cụ thể thì người lao động cần phải có những kỹ năng làm việc mềm hay cốt lõi như: khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung... OECD ước tính đến năm 2020, nguồn nhân lực trong thị trường kỹ thuật số sẽ thiếu hụt lớn, riêng khu vực Châu Âu có thể thiếu khoảng 825.000 chuyên gia trong mảng lĩnh vực này[2]. Bốn là, nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành, nghề, kỹ năng... và nhất là khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ... sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động, xóa bỏ biên giới cứng của thị trường lao động giữa các quốc gia trong khu vực, khiến thị trường lao động trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên.

- Người lao động giờ đây không chỉ được giải phóng về lao động chân tay mà còn được giải phóng cả về lao động trí óc. Máy móc - công cụ lao động trong thời đại FIR không chỉ là cánh tay nối dài của người lao động mà cánh tay đó còn được “thông minh hóa”. Sự giao tiếp giữa người lao động – robot cao cấp – máy móc thông minh… tác động vào nguyên, nhiên, vật liệu mới, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu của con người, thậm chí đáp ứng nhu cầu cá biệt hóa ngày càng tăng của mỗi người tiêu dùng.

- Sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” hóa sẽ nhanh chóng chuyển sang “thông minh” hóa. Nhân lực chất lượng cao gắn với “sản xuất thông minh”, theo đó nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Với tác động của cách mạng 4.0 thì vai trò nguồn nhân lực càng được thể hiện rõ hơn.

- Hệ thống công nghệ cao chính là cốt lõi của lực lượng sản xuất mới trong nền sản xuất hiện đại . Cho đến nay người ta đã xác định được 4 xu hướng chính của cách mạng 4.0 bao gồm: phương tiện tự lái, in 3D, robot cao cấp, vật liệu mới và các công nghệ tích hợp khác.Theo dự báo đến năm 2025, sẽ có hàng chục % dân số sử dụng quần áo, mắt kính kết nối Internet, điện thoại di động được cấy ghép vào cơ thể người; gia tăng dân số dùng điện thoại thông minh và thường xuyên truy cập internet; xuất hiện thành phố không dùng đèn giao thông; lượng truy cập internet liên quan đến các thiết bị dân dụng tăng nhanh; đa số người dân tham gia lưu trữ dữ liệu miễn phí; việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng AI; chính phủ thu thuế qua blockchain, điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn (Bic Data); GDP toàn cầu được lưu trữ trên blockchain; robot siêu trí tuệ tham gia hội đồng quản trị công ty; phương tiện cá nhân cũng được chia sẻ ngày càng nhiều hơn.

Đã hình thành lực lượng sản xuất mới với những đặc điểm mới vượt xa với thời Mác. Đặc điểm của lực lượng sản xuất mới là: Một là, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Hai là, tri thức khoa học làm thay đổi đặc điểm của lực lượng sản xuất mới. Ba là, do tri thức khoa học mang tính toàn cầu nên lực lượng sản xuất ngày nay - dựa trên tri thức khoa học - mang tính toàn cầu hoá. Bốn là, vốn người (humancapitan - tư bản con người) là vốn quan trọng trong lực lượng sản xuất mới. Năm là, bền vững và thân thiện với môi trường là một trong những đặc điểm mới của lực lượng sản xuất.  Có thể nói lực lượng sản xuất ngày nay đã có những sự phát triển vượt bậc, vượt xa so với thời Mác.

2. Những vấn đề liên quan đến sự biến đổi trong quan hệ sản xuất:

Theo các chuyên gia dự báo, hiện nay, do tác động của cách mang 4.0 (FIR) quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất đã thay đổi đáng kể:

  - Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc mà còn thay đổi cả cách thức giao tiếp trong quá trình sản xuất, xuất hiện xu hướng: con người ngày càng có xu hướng ít quan hệ trực tiếp với nhau, chuyển từ xu hướng quan hệ trực tiếp sang quan hệ gián tiếp trong quá trình sản xuất (chủ yếu quan hệ gián tiếp qua công nghệ số hóa). Khả năng hàng triệu người kết nối với nhau qua điện thoại di động, với sức mạnh xử lý, dung lượng lưu trữ và sự tiếp cận tri thức chưa từng có tiền lệ, là không giới hạn. Thậm chí, những khả năng đó còn được nhân lên gấp bội nhờ vào những đột phá về công nghệ mới nổi trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử.

       - Về quan hệ sở hữu, trước đây khi đề cập đến đối tượng sở hữu, Các Mác chủ yếu mới nói đến sở hữu về tư liệu sản xuất, như người nô lệ, ruộng đất, hầm mỏ, súc vật, ... , nhưng ngày nay đối tượng sở hữu không còn bó hẹp như quan niệm thời Mác nữa. Đối tượng sở hữu hiện nay không dừng ở tư liệu sản xuất, mà đã xuất hiện những dạng mới thời Mác chưa hề có, đó là: năng lượng, thông tin, trí tuệ, kinh nghiệm, sở hữu số ... Quan hệ sở hữu ngày càng mở rộng, tính công hữu (sở hữu cộng đồng) ngày càng gia tăng, nhất là công nghệ siêu hiện đại (IOT, Data, điện toán đám mây và các công nghệ dịch vụ miễn phí khác…).

- Về quan hệ quản lý, với xu hướng robot hóa nền sản xuất, nhất là robot cao cấp với trí thông minh nhân tạo sẽ trở thành người quản lý, là thành viên hội đồng quản trị... khiến năng lực, chứ không phải nguồn vốn, trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất. -  Ở cấp độ doanh nghiệp: Hệ thống phân công lao động thế giới ngày nay được chuyên môn hóa, chi tiết theo chuỗi giá trị ngày càng phổ biến, làm biến đổi căn bản cách thức tổ chức tiến hành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lao động kỹ thuật số là xu hướng mới nhất trong phân công lao động quốc tế hiện nay. Quan hệ cung - cầu cũng thay đổi đáng kể. Nguồn cung từ nhà cung cấp đến chuỗi giá trị, đối thủ cạnh tranh, tính sáng tạo gia tăng, dẫn đến chất lượng, giá cả và tốc độ thay đổi cũng nhanh hơn khiến các logic truyền thống không còn phù hợp phải thay bằng quy trình linh hoạt và sáng tạo. Theo đó, cầu cũng thay đổi, tính minh bạch ngày càng cao, sự cá biệt hóa là một xu hướng, làm cho mối quan hệ cung - cầu ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết, sản xuất gắn với tiêu thụ theo yêu cầu. Người tiêu dùng sản phẩm có thể đặt hàng và kiểm tra sản phẩm của mình từ A - Z trong quy trình sản xuất 3D, khiến cho doanh nghiệp buộc phải quan tâm đổi mới quy trình sản xuất kinh doanh, tình trạng mất cân đối cung – cầu dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu trầm trọng như hiện nay sẽ được loại bỏ.

- Về chính trị - xã hội, ở tầm quốc gia, khi vật lý, số hóa, sinh học tích hợp với nhau thông qua IOT, ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn với chính phủ của họ để nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng sở hữu sức mạnh về công nghệ để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo  của mình đối với toàn bộ xã hội. Quá trình đồng sở hữu công nghệ vừa là thời cơ, vừa là thách thức bởi những yếu tố tiền an ninh phi truyền thống cũng dễ nảy sinh.

- Về quan hệ phân phối, nhiều nền công nghiệp đang chứng kiến sự xuất hiện của những công nghệ giúp tạo ra những phương thức hoàn toàn mới nhằm phục vụ cho những nhu cầu hiện nay, đồng thời tạo đột phá quan trọng trong những chuỗi giá trị công nghiệp hiện nay. Sự đột phá cũng đang xuất hiện từ những nhà cạnh tranh linh hoạt và sáng tạo, những người được hưởng lợi từ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để tiến hành nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối. Thuận lợi đó giúp họ cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả cho phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó có thể cạnh tranh và đánh bại các đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Những thay đổi lớn về nhu cầu cũng đang diễn ra khi tính minh bạch ngày một cao, sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng (ngày càng được xây dựng trên cơ sở tiếp cận mạng lưới và dữ liệu di động) buộc các công ty phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm và dịch vụ của mình. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức, tài chính (nhà sáng chế, cổ đông và đầu tư). Thị trường lao động chuyển hóa thành hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao được trả lương cao. Xuất hiện mô hình thị trường lao động “tăng hai đầu, rỗng ở giữa”[3].

Hiệu ứng của sản phẩm siêu kết nối sẽ tái phân phối quyền lực mô hình từ trên xuống sang mô hình từ dưới lên, buộc Nhà nước phải gần dân, gần cơ sở nhiều hơn. Tuy nhiên, sản phẩm siêu kết nối cũng làm cho an ninh mạng, thông tin, tin tặc... gia tăng và ngày càng khó chống đỡ hơn. Tuy nhiên, FIR đang đặt ra một xu hướng không thể đảo ngược, cùng với nền dân chủ mà tính chất “dân chủ hóa” ngày càng cao hơn do sự lan tỏa của công nghệ mới.

3. Về mối quan hệ giữa LLSX và QHSX, sự phát triển giao thoa giữa LLSX và QHSX

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã không chỉ đem lại sự phồn vinh về vật chất cho con người, mà điều quan trọng hơn là đã làm thay đổi cả PTSX, phương thức quản lý đời sống xã hội của con người, dẫn đến những thay đổi lớn lao của kinh tế, xã hội, văn hóa... trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn: không còn sự phân định rạch ròi ranh giới của một số yếu tố cấu thành của QHSX và LLSX do sự phát triển có tính tính chất giao thoa giữa chúng, cụ thể: (1) tổ chức quá trình sản xuất không thuần túy chỉ là một bộ phận cấu thành của QHSX mà còn là một bộ phận quan trọng của LLSX, nó là chất kết dính giữa các yếu tố vật chất và con người trong LLSX, chi phối trực tiếp tính hiệu quả của QTSX; (2) khoa học và công nghệ cũng làm thay đổi vai trò của các yếu tố cấu thành của QHSX và LLSX. Con người dẫu vẫn là yếu tố quyết định của LLSX, của QTSX, nhưng lao động quản lý, chỉ đạo ở cả tầm vĩ mô và vi mô ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn so với lao động trực tiếp sản xuất.

Giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội hiện đại do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào là một thách thức lớn trong việc xử lý mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đối với các nhà nước và nói chung với toàn nhân loại.

  4.  Một số gợi ý phương pháp luận bước đầu trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất.

          - Để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh...”, trước tiên cần tập trung phát triển lực lượng sản xuất, bao gồm trước hết là người lao động, tư liệu sản xuất (trong đó có công cụ lao động, phương tiện truyền tải và đối tượng lao động). Vì lực lượng sản xuất có vai trò chức năng sáng tạo ra của cải vật chất và là động lực của sự phát triển xã hội. Chừng nào lực lượng sản xuất chưa phát triển thì chừng đó chưa có điều kiện để hoàn thiện quan hệ sản xuất. Bởi vì, lực lượng sản xuất là nội dung, là cái cấu thành nền tảng vật chất của toàn bộ lịch sử nhân loại, trong khi quan hệ sản xuất là hình thức phát triển của lực lượng sản xuất. Không thể hoàn thiện hình thức, khi chưa có nội dung nền tảng vật chất.

        - Không thể giải quyết tốt mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nếu không đồng thời hoàn thiện kiến trúc thượng tầng tương thích với cơ sở hạ tầng.

        - Phát triển lực lượng sản xuất phải bảo đảm sự phù hợp giữa các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất, sự cân đối giữa nguồn nhân lực và tư liệu sản xuất cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 và hội nhập toàn cầu hóa. Hoàn thiện quan hệ sản xuất không chỉ tập trung vào ba mặt quan hệ: sở hữu, quản lý và phân phối mà còn phải chú ý hoàn thiện cả hệ thống quan hệ sản xuất bao gồm cả quan hệ trao đổi và quan hệ tái sản xuất, hội nhập quốc tế.

      - Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu khách quan của các quy luật trong nền kinh tế thị trường ./.

(hết)

TS Lê Minh Nghĩa

 



[1] Tom Goodwin (2015), In the age of disintermediation the battle is all for the consumer interface, TechCrunch, March, http://techcrunch.com/2015/03/03/in-the-age-of-disintermediation-the-battle-is-allfor-thecustomer-interface/

[2] OECD (2014), Science, Technology and Industry Outlook 2014, OECD Publishing. http://dx.doi.org/10.1787/sti_outlook-2014-en

 [3] http://hvctcand.edu.vn: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - từ góc nhìn an ninh phi truyền thống. 20/10/2017

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết