Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Phúc lợi xã hội nhìn từ thực tiễn hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngày phát hành: 05/11/2019 Lượt xem 7751

 

I. Nhận thức về phúc lợi xã hội

1. Khái niệm về phúc lợi xã hội

Phúc lợi xã hội (PLXH) được hiểu một cách chung nhất là một hệ thống các chính sách, các chương trình và các dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội hoặc các nhóm xã hội khác nhau về đời sống, kinh tế, văn hoá, tinh thần, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ… Các chính sách và giải pháp PLXH tập trung vào nhóm người yếu thế, nhóm người thiệt thòi trong xã hội nhiều hơn nhằm hướng tới sự công bằng xã hội.

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam, PLXH là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối ngoài thu nhập theo lao động, phân phối lại. Hệ thống này bao gồm các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách trợ giúp xã hội (hỗ trợ những tầng lớp nghèo và khó khăn...) và các chính sách cứu trợ xã hội...

Dưới giác độ kinh tế học phúc lợi, PLXH là những biện pháp của nhà nước và xã hội nhằm khắc phục những “thất bại”, khiếm khuyết của thị trường. Bản chất của PLXH là làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những cái “chung” của xã hội. Một mặt phải làm cho cái “bánh” của xã hội to ra; mặt khác phải “chia” cái bánh đó “hợp lý”. Giữa ASXH và PLXH có sự khác biệt. Nếu như  mục tiêu của ASXH là góp phần đảm bảo thu nhập thì mục tiêu của PLXH là giảm bớt sự bất công bằng xã hội.

 Trong kinh tế học phúc lợi, một vấn đề thường được đưa ra bàn luận trong PLXH là mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng. Liệu có thể đánh đổi, “hy sinh” hiệu quả (kinh tế, xã hội...) để có đạt được công bằng xã hội hay không? hoặc đánh đổi thì ở giới hạn nào có lợi nhất, vừa đạt được hiệu quả, vừa đảm bảo được công bằng. Trong nền kinh tế thị trường, với việc tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh tế với việc giảm thiểu các chi phí, trong đó có các chi phí cho PLXH. Ngược lại, Chính phủ muốn xã hội ổn định, phải có các giải pháp, chính sách để giảm bớt sự bất công trong xã hội. Hai mục tiêu này dường như là mâu thuẫn khó dung hoà. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế học phúc lợi đã chỉ ra rằng xã hội sẽ phát triển bền vững nếu như  dung hoà  được hiệu quả và công bằng. Kinh tế học phúc lợi xã hội chỉ ra rằng, trong PLXH vai trò của Chính phủ là rất lớn và chỉ có Chính phủ mới có thể điều chỉnh được những khiếm khuyết, những thất bại của thị trường. Như vậy, về bản chất, PLXH không phải là sự cho không mà đó là chính sách và các giải pháp của Chính phủ với nguồn lực của mình phải đảm bảo đem lại lợi ích cho số đông, nhưng không vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích của số ít; đồng thời phải tiệm cận được hai yếu tố hiệu quả và công bằng.

 

 

2. Nhận thức về phúc lợi xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội không chỉ là bảo vệ quyền của mỗi người dân như đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mà còn là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, mức độ, quy mô, phạm vi an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của các nước có sự khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm, chế độ chính trị - xã hội, trình độ phát triển và chính sách của mỗi quốc gia. (Quyền con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948, điều 25: “Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có mức sống tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế, dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già... hoặc các trường hợp bất khả kháng khác”).

- Đối với các nước phát triển phương Tây, nói đến sự ưu việt của các quốc gia này, chúng ta thường nhắc đến sự phát triển kinh tế cũng như chế độ phúc lợi hấp dẫn. Chế độ phúc lợi cao của xã hội hiện đại đã mở rộng thành một hệ thống bao phủ tất cả các phương diện như thất nghiệp, y tế, dưỡng lão, tai nạn lao động, nhà ở, giáo dục, chăm sóc con cái..., vượt xa khỏi phạm vi trợ giúp khó khăn tạm thời của từ thiện truyền thống. Sự trợ giúp của chính phủ, nhất là việc bảo vệ xã hội trước những sự cố ngoài ý muốn cũng như thiên tai là hợp lý. Tuy nhiên, bản thân chính phủ không tạo ra giá trị, nguồn tiền để thực hiện chính sách phúc lợi cao là đến từ thu thuế hoặc quốc trái (nợ của quốc gia), cuối cùng thì đều đổ dồn áp lực lên người dân. Như vậy, phúc lợi xã hội tỷ lệ thuận với thu thuế cao.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm tại các nước phát triển phương Tây cho thấy việc thực hiện phúc lợi xã hội cao bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có những mặt hạn chế mà chúng ta cần nghiên cứu, tham khảo để thực hiện tốt hơn chính sách phúc lợi xã hội tại Việt Nam như là:

Từ góc độ kinh tế, bản chất của phúc lợi quốc gia là một số người cung cấp tiền để một số người khác chi tiêu. Chính phủ sẽ đóng vai trò trung gian là người phân phối lại tài sản. Điều này tạo ra một nhóm đối tượng dễ bị “ghét bỏ” vì “không làm mà hưởng”.[1]       

Dưới chính sách phúc lợi xã hội, những điều con người nhận được trong khi nỗ lực làm việc là rất ít, chính sách phúc lợi khuyến khích một số người sinh sống dựa vào phúc lợi của chính phủ. Theo sự thay đổi của thời gian, quan niệm đạo đức của con người sẽ có sự phát sinh biến dị một cách vô thức. Những người trưởng thành trong chế độ phúc lợi, có rất nhiều người sẽ dần dần mất đi tinh thần cần cù, chịu trách nhiệm, độc lập, nỗ lực vươn lên, khiến cho việc “thụ hưởng phúc lợi” trở thành một loại quyền lợi, thậm chí thành một loại “nhân quyền”, trở thành tập quán lệ thuộc vào chính phủ, thậm chí tác động tiêu cực ngược lại chính phủ. Đặc biệt, tại Mỹ hay châu Âu, số lượng dân nhập cư ngày càng nhiều và đó chính là lực lượng ỷ lại vào hệ thống phúc lợi xã hội, thậm chí có một số cộng đồng không chịu hòa nhập và đóng góp cho cộng đồng nơi mình cư trú.

Hay là tính kích thích ngược của phúc lợi cao tạo thành sự phụ thuộc của con người vào phúc lợi, làm giảm ý thức trách nhiệm của con người. Một nghiên cứu sau khi tiến hành phân tích phúc lợi quốc gia đã chỉ ra rằng phúc lợi quốc gia cao sẽ làm suy yếu động lực tích cực cố gắng của xã hội, nhưng hiệu ứng này chỉ có thể thực sự biểu hiện ra sau một thời gian rất lâu dài.

- Nhận thức về phúc lợi xã hội ở Việt Nam:

Với lịch sử phát triển ý thức hệ từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, cùng tác động giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, nhận thức về phúc lợi xã hội ở Việt Nam khá đa dạng, phong phú.

Người Việt hiểu một cách cơ bản nhất phúc lợi xã hội là “hạnh phúc và lợi ích”[2]. Theo đó phúc lợi xã hội được coi là thành tố của hệ thống an sinh xã hội toàn diện và phổ quát mang lại lợi ích cho tất cả công dân. Tuy nhiên, đối lập với nó, một quan niệm xã hội cho rằng phúc lợi xã hội, phần nhiều, tập trung vào nhóm người yếu thế, nhóm người thiệt thòi trong xã hội, nhằm hướng tới sự công bằng, giảm bớt xung đột xã hội điều kiện cho xã hội phát triển ổn định.

Trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung bao cấp ở nước ta, khi chưa xuất hiện cụm từ phúc lợi xã hội, cụm từ “Phúc lợi” được hiểu là “Lợi ích mà mọi người được hưởng không phải trả tiền hoặc chỉ phải chi trả một phần”. Ví dụ “Nâng cao phúc lợi của nhân dân, các công trình phúc lợi, quỹ phúc lợi của xí nghiệp[3]. Quan điểm này chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh miễn phí hay giảm phí mà chưa đề cập đến nội hàm mang tính bảo trợ, an sinh. Cách hiểu này xuất phát khi người ta hiểu rằng Phúc lợi là nguồn thu lao bằng tiền hoặc hiện vật mà người lao động nhận được từ cơ quan, xí nghiệp, ngoài phần tiền lương, tiền phụ cấp và tiền thưởng, nhằm được hỗ trợ thêm về đời sống[4].  

Nhìn tổng thể, với tư cách là một quốc gia theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa, ý thức hệ dân tộc từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, luôn chú trọng tới công bằng xã hội, và kết hợp song hành giữa công bằng và tăng trưởng. Việc quan tâm tới gia tăng phúc lợi xã hội, mà bản chất là cải thiện công bằng xã hội ở Việt Nam được thể hiện rõ ràng nhất qua các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng được Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới nhắc đến như một điển hình về thành tích xóa đói giảm nghèo trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Ở Việt Nam, bản chất của phúc lợi xã hội là làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những cái “chung” của xã hội. Có thể hiểu nôm na: một mặt phải làm cho cái “bánh” của xã hội to ra; mặt khác phải “chia” cái bánh đó “hợp lý”[5].

Tổng hợp các quan điểm trên, ở Việt Nam, nhận thức về phúc lợi xã hội bao gồm các cấu thành sau: dịch vụ hành chính công, dịch vụ tư pháp, y tế, giáo dục,…; nhằm hướng đến người nghèo, người yếu thế, người bất lợi trong cơ hội phát triển, nhằm mục tiêu công bằng, bình đẳng (đại chúng).

3. Vai trò của phúc lợi xã hội

- Phúc lợi xã hội góp phần ổn định đời sống của người lao động. Hệ thống phúc lợi xã hội sẽ góp phần thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị ốm đau, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc chết. Nhờ có sự thay thế hoặc bù đắp thu nhập kịp thời mà người lao động khắc phục nhanh chóng được những tổn thất về vật chất và phục hồi sức khỏe.

- Phúc lợi xã hội đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Để phòng ngừa, hạn chế tổn thất, các đơn vị kinh tế phải đề ra các quy định chặt chẽ về an toàn lao động buộc mọi người phải tuân thủ. Khi có rủi ro, hệ thống phúc lợi kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động động ổn định cuộc sống, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

- Hệ thống phúc lợi xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội (BHXH) làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước. Người lao động, người sử dụng lao động, Nhà nước đều tham gia đóng góp vào quỹ BHXH, góp phần ổn định nền kinh tế -xã hội.

- Hệ thống phúc lợi xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Quỹ phúc lợi xã hội, trong đó có quỹ BHXH là nguồn thu tài chính tập trung khá lớn, được sử dụng để chi trả cho người lao động và gia đình họ, phần nhàn rỗi được đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh danh để bảo tồn và tăng trưởng quỹ, xét trên cả phương diện chi trả cũng như đầu tư tăng trưởng, hoạt động của quỹ phúc lợi xã hội đều góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

II. Thực tiễn phúc lợi xã hội ở Việt Nam:                                      

1. Kết quả thực hiện phúc lợi xã hội

Đối với nước ta, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn luôn là một chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Trong thời gian qua, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân.

Hệ thống các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực: giải quyết việc làm, giảm nghèo, ưu đãi người có công, phát triển hệ thống bảo hiểm, trợ giúp xã hội, mở rộng các dịch vụ xã hội công cộng, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về y tế, văn hóa và giáo dục. Đi đôi với tăng cường nguồn lực và sự nỗ lực trong tổ chức thực hiện, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, có nhiều mặt đạt được những thành tựu quan trọng như: chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, hằng năm giải quyết được hơn 1,6 triệu việc làm mới cho người lao động, giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp xuống 2% (2018), góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân. Thu nhập thực tế bình quân đầu người 10 năm qua tăng khoảng 2,3 lần.

Hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia. Các chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng được hoàn thiện. Các chính sách trợ giúp xã hội, cả thường xuyên và đột xuất được mở rộng về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Hằng năm Nhà nước quan tâm trợ cấp hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục nghìn tấn lương thực, chủ yếu là để trợ giúp khắc phục thiên tai. Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp kịp thời, thiết thực nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của cuộc đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hệ thống các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa thể thao, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt,... đã được quan tâm phát triển. Chất lượng các dịch vụ nhiều mặt được cải thiện và khả năng tiếp cận của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”,…  do Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng người VN ở nước ngoài, các đơn vị và cá nhân chủ động thực hiện và hưởng ứng tham gia đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần đáng kể vào việc nâng cao an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân, nhất là những người nghèo, vùng nghèo.

 

2. Kết quả chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn

Những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu của số đông công nhân viên chức lao động. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn đã có những tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức "Tết Sum vầy", “Tháng Công nhân” cho người lao động; đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Cụ thể:

- Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được sự đồng thuận, phối hợp của các cơ quan liên quan, chính quyền của nhiều địa phương, mở ra những điều kiện mới để tổ chức Công đoàn trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật..., góp phần tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hoạt động công đoàn và đoàn viên, người lao động.

 - Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn ra đời với điểm khởi đầu năm 2017 là năm “Vì lợi ích đoàn viên”, tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn, tạo sự khác biệt rõ nét so với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.553 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 3,2 triệu lượt đoàn viên với số tiền hơn 1.026 tỷ đồng.

- Chương trình “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015 nhằm tạo điều kiện để người lao động được sum họp gia đình; quan tâm những  người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm; góp phần đảm bảo cho mọi người lao động đều được chăm lo trong dịp Tết. Từ nguồn kinh phí công đoàn và vận động doanh nghiệp ủng hộ, các cấp Công đoàn đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón cho hơn 11,3 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền hơn 10.800 tỷ đồng.

- Chương trình “Nhà ở mái ấm Công đoàn” đã được cấp công đoàn tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành Chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Trong 5 năm qua (2013-2018) đã có hơn 18 ngàn gia đình đoàn viên nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 382 tỷ đồng.

- Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Thông qua thương lượng, đối thoại để mang lại quyền lợi cho người lao động, thể hiện sinh động vai trò đại diện của tổ chức công đoàn phù hợp xu thế tất yếu. Đồng thời, hoạt động này của tổ chức công đoàn còn góp phần thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Thực hiện Nghị quyết, có 2.717 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 771.592 người lao động từ 15.000 đồng trở lên.

 - “Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao động” không ngừng phát triển, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người lao động. Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam tiếp tục thu hút được nhiều hơn sự ủng hộ của các nhà tài trợ. Chương trình “Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ” được triển khai từ năm 2014, góp phần chăm lo cho con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn.

- Các cấp công đoàn luôn coi trọng và dành nhiều sự quan tâm công tác nữ công, đề xuất chính sách cán bộ nữ. Công đoàn và Hội Phụ nữ từ Trung ương đến địa phương đã duy trì việc ký kết và phối hợp thực hiện nhiều hoạt động đa dạng chăm lo lợi ích chính đáng của lao động nữ. Tham gia thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ có những chuyển biến quan trọng; mô hình phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp được nhân rộng; nhiều công đoàn cơ sở đã thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số phúc lợi cho lao động nữ.

- Hằng năm, thông qua kết quả phong trào thi đua, yêu nước, đã phát hiện, giới thiệu và đề nghị khen thưởng những đoàn viên công đoàn có nhiều thành tích và lựa chọn những cá nhân ưu tú giới thiệu cho cấp ủy đảng cơ sở bồi dưỡng, xem xét kết nạp Đảng.

Đến nay các hoạt động này đang tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo niềm tin của người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Mục tiêu tích hợp chính sách thực hiện còn chậm, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành các cấp còn một số bất cập dẫn đến nguồn lực phân tán và lồng ghép hiệu quả không cao.

- Hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện chính sách còn chồng chéo, do nhiều cơ quan ban hành và thường xuyên sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho quá trình thực hiện chính sách.

- Kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội còn hạn chế: Giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; số hộ cận nghèo còn nhiều, tỉ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao; một bộ phận thụ hưởng chính sách không muốn thoát nghèo. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức và việc làm dễ bị tổn thương còn cao. Một bộ phận không nhỏ lao động của cả nước chưa có nghề hoặc thiếu kỹ năng lao động, đang làm những công việc chưa thật ổn định với tiền lương, tiền công và bảo trợ xã hội thấp. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào NSNN, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển KTXH, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội chậm được khắc phục. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến dưới còn thấp. Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Những rủi ro về kinh tế, xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có xu hướng tăng lên... tác động tiêu cực đến đời sống và an sinh xã hội của nhân dân.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cơ sở còn thấp; nhận thức về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội chưa đầy đủ. Chưa hình thành được hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội rộng khắp với những cơ chế chủ động tích cực, bền vững, làm chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Chưa huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

III. Giải pháp về phúc lợi xã hội trong thời gian tới

Quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước cùng với tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như nêu ở trên. Chính vì vậy, cần có nhận thức mới, đầy đủ hơn về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát huy thành quả và những kinh nghiệm tốt đã đạt được, khắc phục những yếu kém bất cập để xây dựng một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đồng bộ, hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, để nâng cao phúc lợi xã hội cần tập trung thực hiện một số giải pháp tổng thể như: (1). Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm; (2). Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW); (3). Thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững; đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững; (4). Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; (5). Tăng cường huy động nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước để nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản; (6). Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Đồng thời, trên cơ sở nhận thức và thực tiễn phúc lợi xã hội Việt Nam cũng như hoạt động của tổ chức Công đoàn, tôi xin đề xuất một số giải pháp nâng cao phúc lợi xã hội ở Việt Nam nói chung và phúc lợi cho người lao động nói riêng trong giai đoạn mới, cụ thể như sau:

- Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về phúc lợi xã hội. Các chính sách, pháp luật phải bắt nguồn từ thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, gắn với tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Cần phải xây dựng chính sách có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, khả thi và mang tính kết nối.

- Chú trọng hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn. Lấy lợi ích tổ chức Công đoàn mang lại cho người đoàn viên làm phương thức tập hợp. Đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn.

- Đầu tư xây dựng, thiết chế của tổ chức công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thiết thực nâng cao đời sống công nhân, gắn bó lợi ích với tổ chức Công đoàn.

- Đẩy mạnh Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn. Mỗi công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp có ít nhất một lợi ích để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho đoàn viên, người lao động.

- Xây dựng quy định việc đoàn viên công đoàn được hưởng các ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ, sản phẩm, thiết chế thuộc tổ chức Công đoàn để gắn lợi ích của người đoàn viên với tổ chức Công đoàn.

- Tích cực tham gia phát triển việc làm bền vững cho người lao động, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ nhận thức, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tăng năng suất lao động cá nhân, đảm bảo đón đầu và thích nghi với những đổi mới về quy trình quản trị, sự thay đổi về công nghệ sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thành lập Chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp. Tập trung đầu tư nghiên cứu, khảo sát, dự báo tình hình tác động đến việc làm của người lao động. Các cấp công đoàn cập nhật, cung cấp thông tin về việc làm; tham gia xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn viên tìm kiếm việc làm mới, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao và lao động nữ.

- Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo các nội dung thương lượng phúc lợi xã hội cho người lao động.  Tổ chức thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát quy chế dân chủ cơ sở để các chính sách phúc lợi xã hội được triển khai công bằng, minh bạch, hiệu quả trên toàn quốc.

- Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn. Nghiên cứu xác định các trường hợp khó khăn bất khả kháng của số đông đoàn viên, người lao động và hình thành cơ chế để hỗ trợ kịp thời. Phát triển Chương trình “Tết Sum vầy”, Chương trình "Mái ấm Công đoàn”, Quỹ xã hội từ thiện “Tấm lòng vàng Lao động”. Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; các tổ chức, chương trình tài chính vi mô công đoàn, trọng tâm phục vụ đoàn viên công đoàn. Hoạt động xã hội của công đoàn đảm bảo nguyên tắc: Phát huy tính cộng đồng và sự giám sát của đông đảo người lao động; hình thành lực lượng tự nguyện tham gia công tác xã hội. Chú trọng đúc kết, đề xuất nhân rộng những mô hình mới, mô hình đã được tổng kết thực tiễn ở ngành, địa phương.

- Tiếp tục đổi mới hoạt động huy động các nguồn lực từ xã hội và cộng đồng, thông qua tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xẫ hội, tổ chức từ thiện..., để nâng cao phúc lợi xã hội.

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đồng thời, nghiên cứu kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội quy định về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động.

- Đảm bảo công tác bàn giao sổ BHXH cho người lao động; tập trung cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH cho đối tượng tăng mới, người tham gia BHYT có thẻ hết hạn; đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục trao tặng các thẻ BHYT cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

- Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất với chính quyền cùng cấp thực hiện tốt chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, viên chức, lao động, nhất là vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, giá điện, nước...

Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Với nhận thức mới và quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, bằng sự lãnh đạo sáng tạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý chỉ đạo có hiệu lực hiệu quả của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức Công đoàn sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo tôn chỉ hoạt động, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong giai đoạn mới./.

 

Nguyễn Đình Khang

Ủy viên Trung ương Đảng,

Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN



[2] Đào Duy Anh, “Hán Việt từ điển giản yếu”, 1932.

[3] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, 2000, tr.790.

[4] Trần Hữu Quang, Phúc lợi xã hội trên thế giới: Quan niệm và phân loại, Tạp chí Khoa học Xã hội số 04 (128) – 2009.

[5] Phúc lợi xã hội trên thế giới: Quan niệm và phân loại, Tạp chí Khoa học Xã hội số 04 (128) - 2009.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết