Thứ Tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024

Giải pháp chiến lược xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam

Ngày phát hành: 02/05/2020 Lượt xem 2194

 

I. Mở đầu

Cách đây vừa tròn 2 năm ngày 16/05/2018 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã có một Hội thảo toàn quốc với quy mô khá lớn về giáo dục mở (GDM) với tiêu đề “Hệ thống GDM trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức với rất nhiều báo cáo tham luận, thảo luận khá phong phú và đa dạng về một mô hình giáo dục mới “theo hướng mở” được Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đề ra (gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW). Tuy rằng không có một văn bản kết luận chính thức nào của Hội thảo được ban hành, nhưng kết quả của Hội thảo đã cung cấp thêm cho chúng ta một sự hiểu biết mới về GDM, về tầm quan trọng của GDM trong việc hiện thực hóa các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giáo dục, quản lý giáo dục và đã nêu được 3 trụ cột của hệ thống giáo dục theo hướng mở là: mở về hệ thống, mở về tiếp cận và mở về nguồn lực [1] gắn kết chặt chẽ với học suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Nền giáo dục theo hướng mở được thiết kế sao cho tổ chức và hoạt động của nó có khả năng thích ứng với những đổi thay và yêu cầu mới của môi trường kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho mỗi công dân không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo đều có cơ hội học tập như nhau, vượt qua những rào cản về thời gian, địa điểm, tài chính và thể chế để đạt tới sự tự hoàn thiện mình.

Giáo dục mở là một ý tưởng và hiện tượng của thời đại, đã và đang mở ra một trào lưu toàn cầu, đầy triển vọng cho công cuộc đổi mới đối với giáo dục và đào tạo; vẽ nên một viễn cảnh mới của giáo dục thế giới trong thế kỷ 21. Xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đã đòi hỏi các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải tiếp cận giáo dục theo cách của giáo dục mở nếu muốn xây dựng nền kinh tế tri thức, muốn sử dụng được thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những thách thức cho nền giáo dục Việt Nam.

 

 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp để cho ai cũng được học hành, học tập suốt đời, kiến tạo “nền giáo dục cho tất cả mọi người”, Đảng ta luôn xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, đồng thời xây dựng giáo dục Việt Nam đạt tới trình độ tiên tiến trong khu vực, nhằm đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận với giáo dục tiên tiến trên thế giới và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đó chính là mục tiêu hoàn thiện nền giáo dục theo hướng mở đã được Nghị quyết số 29-NQ/TW khẳng định.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW trong những năm qua vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao, thiếu một sự kết nối và nhất quán trong chính sách và tổ chức thực hiện trên cả ba đặc điểm của GDM; vai trò của GDM còn khá hạn chế so với giáo dục truyền thống và trong tâm lý xã hội. Mặc dù, một số bộ phận đã chú trọng triển khai các thành tố GDM trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nhưng sự liên thông giữa giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên ngày càng suy giảm vai trò, nhất là trong bối cảnh giáo dục đại học chính quy đang chịu thách thức lớn về tuyển sinh. Những cơ sở giáo dục đại học mở trong hệ thống lâu nay đã không đáp ứng những tiêu chí căn bản của một nhà trường “mở” như: nhập học mở, tài liệu học tập, học liệu mở và các lớp học mở trực tuyến đại trà…; tuy đã tạo cơ hội học tập cho nhiều đối tượng người học, song vẫn bị ràng buộc bởi những hạn chế về thể chế pháp lý đánh giá và công nhận chất lượng kết quả học tập tương đương của GDM với giáo dục chính quy…; việc thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục đã có nhiều tiến bộ, nhưng đây lại là điểm hạn chế lớn nhất khi triển khai GDM trong thời gian qua. Phải chăng, đây chính là những lý do cho đến nay việc hoàn thiện nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam chưa được triển khai mạnh mẽ theo mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Bài viết này tập trung đề xuất ý kiến tham mưu về một số giải pháp chiến lược ở cấp quản lý vĩ mô nhằm thúc đẩy việc xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. 

 

II. Giải pháp chiến lược xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam

Trên cơ sở thu thập dữ liệu theo tam giác: khảo sát gặp gỡ các chuyên gia trong nước; phân tích nghiên cứu trường hợp [2] của 28 nước châu Âu và những nghiên cứu GDM từ tư liệu trong nước và ngoài nước trước đây, chúng tôi đề xuất phương hướng chung để xây dựng giải pháp xuất phát từ 4 quan điểm sau:

  1. Huy động nguồn lực xã hội tạo điều kiện cho bất kỳ ai ở bất kỳ trình độ nào, điều kiện nào cũng đều được tiếp tục học tập theo nguyện vọng; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đáp ứng nhu cầu nhân lực quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của mỗi người dân.
  2. Đổi mới triết lý giáo dục làm nền tảng cho việc đổi mới cách tiếp cận dạy và học.
  3. Hội nhập quốc tế, từng bước tham gia vào chuỗi thực hành GDM toàn cầu (gồm tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Education Resources), các khóa học học trực tuyến mở đại trà - MOOCs (Masive Open Online Course) và thực hành giáo dục mở - OEP (Open Education Practice)).
  4. Kết hợp hài hòa giữa đổi mới tuần tự và đổi mới pha trộn để tăng tốc, phát triển đồng thời bảo đảm tính ổn định, bền vững.

Phương hướng chung này được cụ thể hóa trong 5 nhóm giải pháp dưới đây:

Nhóm giải pháp thứ nhất, Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW

Nâng cao nhận thức luôn luôn là cần thiết ở bất kỳ quốc gia nào liên quan đến giáo dục nói chung và GDM nói riêng, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh nhận thức về GDM tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực hơn nữa để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm thống nhất hành động, tránh được những tranh luận nhiều khi quá nặng về học thuật mà rất hạn chế về tính thực tiễn.

Về nhận thức, theo mức độ quan trọng và sự cần thiết, có thể xếp theo như sau: (1) tiếp tục cập nhật khái niệm GDM; (2) xác định phạm vi và mức độ, đối tượng mở (mở đến đâu, mở cho ai); (3) hiểu, biết được những lợi ích của việc mở; (4) các thách thức có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Khái niệm GDM ngày hôm nay đã vượt xa việc học trực tuyến và học từ xa nổi tiếng được phát triển vào những năm 1960, đó là một tập hợp thực hành mới dựa trên sự cởi mở ở tất cả các cấp, là chìa khóa để hiện đại hóa giáo dục, có thể áp dụng cho cả học tập chính quy và không chính quy.

- Phạm vi, mức độ, đối tượng mở là cho từng cá nhân và toàn xã hội. GDM với việc tự do lựa chọn cách tiếp cận và phương thức, công cụ học tập, công nhận phù hợp dựa trên nguyên tắc cơ bản là: “may đo”, linh hoạt và phù hợp. Các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục không áp đặt bất cứ một quy định cứng nhắc nào về cách tiếp cận, về nội dung và về nguồn lực.

- Những lợi ích của việc mở là to lớn và chưa hình dung được đầy đủ. GDM có tiềm năng thúc đẩy sự đổi mới từ gốc rễ của hệ thống giáo dục; thúc đẩy trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động minh bạch; tăng cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau. Đồng thời GDM cũng đóng góp cho hệ thống giáo dục các mô hình sư phạm mới; cải thiện uy tín và sứ mệnh của các tổ chức giáo dục (cơ sở giáo dục đại học); chia sẻ những thực hành tốt nhất, những nội dung và dữ liệu cập nhật, cũng như để cải thiện chất lượng giáo dục và giảm chi phí; thúc đẩy phát triển năng lực kỹ thuật số; thúc đẩy hòa nhập và tạo nhiều cơ hội hơn cho người học.

- Đặt ra các thách thức có thể xảy ra trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện: đối với giáo viên là sự thiếu vắng những kỹ năng thực hành trong thực tiễn GDM; đối với nhà quản lý cơ sở giáo dục là việc công nhận chính thức GDM; và đối với chính phủ là đề ra cơ chế, chính sách để điều chỉnh về quy mô, chi phí, chất lượng và nguồn lực cho GDM.

 Điều đáng nhấn mạnh ở nhóm giải pháp này chính là những nội dung nhận thức nêu trên không phải là hoàn toàn mới mà chỉ là hệ thống hóa những gì đang xảy ra quanh ta ngày nay để làm thế nào nhận thức thật sự đầy đủ hơn, tạo sự thống nhất hơn nữa trong hành động về xây dựng nền giáo dục theo hướng mở ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Nhóm giải pháp thứ hai, Xây dựng chính sách tạo hành lang pháp lý cho giáo dục mở ở Việt Nam

 

 

Việc xây dựng các chính sách để thực hiện thành công GDM trong hệ thống giáo dục Việt Nam theo chúng tôi không nên được thực hiện bởi một cơ quan duy nhất, cũng không nên áp dụng cách tiếp cận chỉ theo chiều dọc. Thay vào đó, nên được khuyến khích cách tiếp cận từ nhiều bên, nhiều chiều. Xây dựng chính sách tạo hành lang pháp lý cho GDM đòi hỏi phải coi trọng cả 4 cấp chính sách: Trung ương Đảng - Quốc hội và Chính phủ - Chính quyền địa phương - Cơ sở giáo dục. Chính sách và hành động cần đi đôi với nhau theo cả hai chiều từ trên xuống “Top down” và từ dưới lên “Bottom up” trong việc đổi mới phương pháp quản trị, quản lý giáo dục sao cho “Các chính sách cung cấp một mảnh đất màu mỡ cho hoạt động như một chất xúc tác cho hành động." OpenEdu Policy [3].

Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương là các bên liên quan chính cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc tạo ra một hệ sinh thái GDM ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là thúc đẩy các điều kiện để GDM phát triển, đồng thời trên các mặt trận khác nhau, được mô tả trong 10 chiều đo trong Khung GDM. Các bên liên quan khác được xác định là: các hiệp hội (của các trường đại học, hiệu trưởng và sinh viên), các tổ chức giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ (UNESCO/AUN, SEAMEO v.v.), các tổ chức Hội phong trào cộng đồng hiện có như: Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Cựu chiến binh, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Bên cạnh việc hợp tác với nhau trong thực tiễn GDM, các bên liên quan này nên xem xét việc cung cấp các điều kiện cho GDM để giám sát, phản biện, góp ý các chính sách từ trên xuống bảo đảm luôn được phù hợp.

Trên thế giới, về các chính sách hiện hành về GDM thường có sự kết hợp của các phương pháp và loại hình. Ở một số quốc gia thành viên châu Âu, các chính sách GDM xuất hiện từ chiến lược giáo dục quốc gia hoặc công nghệ thông tin trong chiến lược giáo dục. Một số nước khác có chính sách cụ thể về GDM. Rất ít quốc gia thực hiện các chính sách GDM xuất phát từ các kế hoạch của chính phủ mở.

Dưới đây chúng tôi nhấn mạnh các thông điệp cho Việt Nam khi xây dựng chính sách quan trọng từ các bên liên quan, dựa trên bằng chứng thu thập được trong dự án nghiên cứu về chính sách GDM ở châu Âu:

- Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng chính sách tạo hành lang pháp lý cho GDM ở Việt Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét hợp tác với các bên liên quan đã được đề cập ở trên trong việc xây dựng chính sách GDM ở Việt Nam. Vì theo chúng tôi[1] các chính sách có hiệu quả nhất khi chúng được thiết kế để thực hiện trong quan hệ đối tác giữa các bên liên quan khác nhau. Điều này đã được chứng minh bằng các kinh nghiệm GDM ở Slovenia và Pháp: một chính sách từ trên xuống “từ cấp bộ” là cực kỳ quan trọng đối với việc thiết lập chương trình hành động và nâng cao nhận thức cho tòan hệ thống, cùng với đó là trách nhiệm của các bên liên quan như chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong việc triển khai thực hiện, rà soát và đánh giá tác động chính sách (tiếp cận từ dưới lên).

Vì vậy, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là cung cấp khuôn khổ hành động phù hợp trong xây dựng chính sách GDM, ví dụ: Thiết lập chiến lược quốc gia, có thể đưa chính sách GDM vào trong chiến lược giáo dục hiện có; Tạo điều kiện thúc đẩy các sáng kiến về GDM ở tất cả các cấp và cho phép sự tham gia của các bên liên quan khác nhau: cơ sở giáo dục (phổ thông, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu…), cơ quan quốc gia, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, ngành công nghiệp, cá nhân… cùng xây dựng chính sách GDM; Phổ biến và cung cấp dễ dàng nền tảng kiến thức hiện có về GDM ở trong nước (ví dụ: nghiên cứu, nội dung, công cụ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông); Hỗ trợ giáo dục chính quy và các hình thức đào tạo khác cho giáo viên về các hoạt động GDM; Hỗ trợ xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý về việc cho phép và khuyến khích GDM sử dụng các mạng hiện có và sẵn có.

Như vậy, có thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò trung tâm khi nói đến hỗ trợ cấp quốc gia và phổ biến GDM. Không có sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các sáng kiến đơn lẻ về GDM sẽ có xu hướng phát triển chậm hơn.

-Vai trò của các địa phương trong xây dựng chính sách tạo hành lang pháp lý cho GDM ở Việt Nam

Các địa phương (tỉnh/thành phố) nên xem xét việc cung cấp năng lực về GDM cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và triển khai thực hiện với tư cách là đối tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai, phát triển, tài trợ và đồng quản lý các sáng kiến GDM.

Các địa phương cũng có vai trò quan trọng trong việc khởi xướng xây dựng chính sách tạo hành lang pháp lý cho GDM của địa phương từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các liên minh vận động, tư vấn cho chính quyền địa phương. Đồng thời các địa phương cũng là người đồng thiết kế và ủng hộ chính sách cấp quốc gia về GDM.

Về phần mình, các chính sách địa phương cũng là nguồn cảm hứng và là “sản xuất thử” cho các chính sách về GDM toàn diện hơn ở cấp quốc gia. Chính sách GDM địa phương cũng có thể được điều chỉnh trong quá trình triển khai để đáp ứng nhu cầu địa phương. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có một thiết kế chiến lược và hợp tác với các các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp địa phương một cách đồng bộ.

Nhóm giải pháp thứ ba, Xây dựng chính sách về phát triển các yếu tố mở của hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tiếp cận mở về hệ thống giáo dục

 Sự cần thiết phải có một Khung tham chiếu quốc gia về “Sự cởi mở”: Theo nghiên cứu của Joint Research Center thuộc Ủy ban châu Âu, năm 2016, GDM không chỉ là tài nguyên mở, trường đại học mở, lớp học trực tuyến mở mà cần được quan niệm rộng hơn bao gồm mọi lĩnh vực có thể mở ra với không gian 10 chiều đo, trong đó có 6 chiều đo cốt lõi (tiếp cận, nội dung, sư phạm, công nhận, hợp tác và nghiên cứu) và 4 chiều đo xuyên suốt (lãnh đạo-quản lý, chiến lược, công nghệ, chất lượng). Các chiều đo này đều quan trọng như nhau, liên kết với nhau, trong đó các chiều đo cốt lõi mô tả “cái gì” của GDM, còn các chiều đo xuyên suốt chỉ ra cái “như thế nào” của GDM. Do vậy, rất cần thiết phải tạo ra một Khung tham chiếu quốc gia GDM với 10 chiều đo nêu trên (Khung GDM cấp quốc gia) để giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp hệ thống cũng như cấp trường có nhận thức đầy đủ hơn về GDM, từ đó xác định những lĩnh vực cần mở, mở đến đâu và mở như thế nào, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện cụ thể của sự phát triển giáo dục của quốc gia và địa phương.

Chính sách tạo ra một hệ sinh thái GDM. Sau khi đã có một Khung tham chiếu quốc gia GDM- Khung tham chiếu cho sự cởi mở (như là điều kiện biên cho một bài toán đa mục tiêu) thì công việc có tầm quan trọng hàng đầu chính là xây dựng một hệ sinh thái GDM nhằm tạo điều kiện cho GDM phát triển. Trên cơ sở thu thập dữ liệu theo tam giác: (1) khảo sát gặp gỡ các chuyên gia trong nước; (2) phân tích nghiên cứu trường hợp [2] của 28 nước châu Âu và (3) những nghiên cứu GDM trước đây, chúng tôi đề xuất 8 lĩnh vực sau đây [4] có vai trò quan trọng để phát triển chính sách tạo ra một hệ sinh thái GDM gồm

- Nâng cao nhận thức: Nâng cao nhận thức luôn là cần thiết ở Việt Nam liên quan đến GDM. Điều này là do có nhiều bên liên quan khác nhau cần tương tác với nhau và đóng vai trò để phát triển hơn nữa GDM.Trong cách tiếp cận đa bên để phát triển hệ sinh thái GDM, nâng cao nhận thức là một thành phần thiết yếu và cần được tích hợp vào mọi chính sách hoặc sáng kiến.

- Đa dạng về quy định, sáng kiến và tài trợ cho GDM: Bằng chứng từ nghiên cứu chính sách GDM cho thấy các chính sách GDM đa dạng như thế nào. Các chính sách này có thể ở dạng quy định (ràng buộc về mặt pháp lý) hoặc ở dạng sáng kiến (không ràng buộc pháp lý). Trong đó kinh phí (tài trợ) đóng vai trò rất quan trọng đối với cả quy định và sáng kiến. Nó có thể hỗ trợ cả các quy định và sáng kiến ở các cấp độ khác nhau và được phân bổ bởi các bên liên quan khác nhau (ví dụ: bởi các bộ, chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ, nhà trường, sáng kiến cộng đồng, quyên góp, v.v.).

- Khuyến khích các quan hệ đối tác để thúc đẩy GDM: Quan hệ đối tác giữa các bên liên quan là rất cần thiết để thúc đẩy GDM. GDM không chỉ được coi là trách nhiệm của một tổ chức hoặc một tác nhân, mà thay vào đó là kêu gọi hành động chung dưới hình thức tiếp cận nhiều bên liên quan. Đây là cách được đề xuất để đạt được một hệ sinh thái GDM như mong muốn. Để có thể hợp tác với nhau, các bên liên quan cần có một chiến lược rõ ràng về GDM và đặt ra các mục tiêu. Chúng tôi khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét và đóng vai trò chính trong việc này, chủ yếu bằng cách cho phép và thúc đẩy các kênh liên lạc khác nhau giữa các bên liên quan cho các mục đích GDM cụ thể.

- Thúc đẩy phát triển năng lực chuyên môn cho giáo viên thực hành GDM: Giáo viên cần phải được đào tạo và có những năng lực thực tiễn GDM. Sự hợp tác của cộng đồng xung quanh, việc sản xuất ra tài nguyên giáo dục mở và ứng dụng tài nguyên này phải được hỗ trợ rõ ràng để có hiệu quả lớn nhất. Điều này sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy và cho phép giáo viên học cách sản xuất ra tài nguyên giáo dục mở, chia sẻ và tái sử dụng. Nó sẽ cho phép giáo viên khai thác tất cả tiềm năng mà GDM cung cấp ở tất cả các cấp trong quá trình dạy và học của nhiều đối tượng. Do vậy, việc xây dựng một chương trình phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ liên tục về thực hành GDM cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục luôn có lợi, nhưng lý tưởng nhất là chương trình này phải được chính thức công nhận bởi nhà trường, tổ chức giáo dục, hoặc cơ quan quản lý hoặc bộ quản lý.

- Thể chế hóa việc kiểm định và công nhận học tập mở: Kiểm định và công nhận học tập mở là một lĩnh vực của GDM, đặc biệt và cần thiết phải có thêm sự tham gia đối với tất cả các bên liên quan trong quá trình đánh giá, công nhận kết quả học tập mở. Bằng cách kiểm định và công nhận học tập mở, một cầu nối giữa học tập chính quy và không chính quy được tạo ra. Do vậy, các nhà trường nên xem xét sử dụng khung quy định hiện hành về công nhận tín chỉ tương đương cho GDM, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét thay đổi và điều chỉnh, bổ sung các quy định để hướng dẫn, hỗ trợ các trường trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận học tập mở. Có thể tham khảo một số quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm: ví dụ, Pháp đã đưa ra các khóa học trực tuyến mở hàng đầu thế giới cho các cơ sở giáo dục đại học trên nền tảng tiếng Pháp (FUN MOOC) [5]; hoặc một số tổ chức cung cấp các khóa học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) với các tín chỉ chính thức trên cơ sở mạng FUN MOOC của Pháp tại Hà Lan, TU Delft [6].

- Chính sách phát triển tài nguyên GDM: Trong vòng 20 năm qua, khái niệm tài nguyên giáo dục mở (OER) đã phát triển từ một khái niệm được định nghĩa lỏng lẻo cho học liệu truy cập được tự do không phải trả phí sang thành một phần của các chiến lược phát triển giáo dục. Hiện nay chính sách này đã được đưa vào trong nhiều chính sách của chính phủ và các tổ chức nhằm mở rộng truy cập tới giáo dục, cải thiện chất lượng học tập và tạo các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Với Việt Nam, với quyết tâm và ý chí chính trị, để có các chính sách về OER quốc gia, toàn diện thì cần phải xác lập và củng cố chính sách phát triển OER một cách rõ ràng trong bối cảnh nhiều trường đại học không đảm bảo các thư viện điện tử và thư viện trực tuyến kết nối được với hệ thống mạng thư viện toàn quốc và các OER quốc tế phục vụ việc nghiên cứu, dạy và học của giáo viên, sinh viên, học viên. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo được đào tạo nên xem xét tạo điều kiện cho phép các tổ chức tham gia vào việc sản xuất, tái sử dụng và thích nghi với OER ở tất cả các cấp giáo dục. Khu vực xây dựng chính sách này liên quan đến một số chiều đo của Khung GDM nêu trên, như: nội dung, sư phạm, chất lượng, chiến lược, lãnh đạo, quản lý, hợp tác.

- Chính sách hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng cho GDM: Để GDM phát huy được tiềm năng đầy đủ của nó cần phải có cơ sở hạ tầng công nghệ phù hợp. Các lựa chọn công nghệ sẽ tác động trực tiếp đến cấu hình GDM. Do đó, khi hoạch định các chính sách GDM cần làm rõ nên sử dụng công nghệ nào và sử dụng nó như thế nào cho phù hợp với các chính sách về GDM. Điều này vượt xa phần mềm mã nguồn mở thông thường vì công nghệ sử dụng phải hướng đến các chức năng, giao diện thân thiện, tương tác với người sử dụng, có sự đóng góp của tất cả mọi người để có thể truy cập và lưu trữ dữ liệu phù hợp với lợi ích của người học.

Ở cấp độ quốc gia và địa phương khi có các công nghệ phù hợp thì có thể hỗ trợ thực tiễn GDM nếu người dùng biết cách sử dụng chúng trong bối cảnh cởi mở. Điều này sẽ đòi hỏi các năng lực kỹ thuật số thích hợp [3], sự sẵn sàng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để thực hiện GDM.

- Nghiên cứu và đánh giá chính sách về GDM: Khi nghiên cứu chính sách GDM, chưa có bằng chứng nào được tìm thấy về các chính sách GDM (đã được thực hiện ở Việt Nam) được đánh giá một cách khoa học và khách quan. Theo những người được phỏng vấn, điều này là do các chính sách còn khá mới hoặc vì trong kế hoạch ban đầu không có kế hoạch nào về đánh giá tác động của chính sách. Đây thực sự không chỉ là trường hợp đối với GDM mà còn đối với nhiều chính sách giáo dục khác của Việt Nam. Mặc dù phần lớn tác động của các sáng kiến GDM ban đầu là vô hình, theo thời gian nó sẽ trở nên hữu hình. Do vậy, việc nghiên cứu và đánh giá chính sách về GDM để đề ra những chính sách mới mới hiệu quả và phù hợp với thực tiễn GDM hơn.

Nhóm giải pháp thứ tư, Xây dựng chính sách để tạo mọi điều kiện về tiếp cận giáo dục và đảm bảo công bằng xã hội cho mọi đối tượng người học theo hướng mở; xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập

Với quan điểm xây dựng nền giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập (XHHT). Từ những phân tích về mặt lý luận và thực tiễn xây dựng XHHT trên thế giới có thể rút ra một số phương hướng khi xây dựng chính sách ở Việt Nam như sau:

- XHHT không chỉ là phương thức để phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giáo dục chính quy trong nhà trường mà còn là mục tiêu của các chính sách kinh tế nhằm tạo nên mô hình tăng trưởng nội sinh cho kinh tế - xã hội của một quốc gia phát triển. Vì vậy, trong các lựa chọn chính sách phát triển kinh tế cần ưu tiên cho việc hỗ trợ tạo ra một XHHT. Các chính sách phát triển được triển khai kể cả ở cấp chính phủ và ở cấp địa phương, doanh nghiệp, tổ chức… và được phát triển lâu dài.

 

 

- XHHT gắn liến với sự phát triển kinh tế và việc học cũng như là một hàng hóa công có liên quan chặt chẽ với người tiêu dùng và thị trường, đòi hỏi một sự đáp ứng chính sách thỏa đáng để phát triển, mà không chỉ đơn thuần là việc bỏ vốn đầu tư vào thì tức khắc đẩy mạnh được XHHT. Do đó, việc học trong XHHT bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế - xã hội và cấu trúc của nền kinh tế, cũng như các khoản đầu tư công và tư trong nghiên cứu và trong giáo dục.

- Phát triển GDM và học suốt đời là các phương thức xây dựng XHHT trong đó phát triển GDM là trách nhiệm của xã hội và chính quyền các cấp. XHHT là một xã hội thực hiện một hệ thống GDM [8]. Việc học suốt đời là trách nhiệm của các cá nhân. Chính sách phát triển GDM và học suốt đời cần trực tiếp hướng tới mục tiêu xây dựng XHHT. Chính phủ cần có một định hướng rõ ràng kết hợp giữa thể chế hóa với các sáng kiến nhằm huy động nguồn lực xã hội cho sự phát triển GDM. 

- Ban hành các chính sách cụ thể để xây dựng và phát triển hệ sinh thái GDM bao gồm: nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về GDM và XHHT; các chính sách hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng; đa dạng về quy định pháp lý, các sáng kiến và tài trợ chính sách phát triển tài nguyên GDM; thúc đẩy phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai thực tiễn GDM; khuyến khích các quan hệ đối tác; thể chế hóa việc kiểm định và công nhận học tập mở; nghiên cứu và đánh giá chính sách về GDM.

- Áp dụng mô hình phát triển PDCA (plan-do-check-act) cho việc xây dựng XHHT để thực hành triết lý liên tục phát triển nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với triết lý của GDM là sự đa dạng và khả năng thay đổi để bắt kịp với những thay đổi của kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, trên cơ sở phương hướng chung nêu trên, để tạo mọi điều kiện cho mọi người tiếp cận được giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm rằng tất cả những người có mong muốn và khả năng theo học ở mọi trình độ đều có cơ hội để làm điều đó, và thành công trong học tập, bất kể nền tảng của họ như thế nào. Chính sách này được bảo đảm bằng việc Nhà nước có và quản lý một số chương trình và sáng kiến để hỗ trợ người học tiếp cận và tham gia vào giáo dục ở mọi trình độ. Cụ thể:

+ Xây dựng chính sách trong chương trình giáo dục người lớn là một ví dụ. Giáo dục người lớn, khác với giáo dục trẻ em, là một thực hành trong đó người lớn tham gia vào các hoạt động tự giáo dục có hệ thống và bền vững để có được các dạng kiến thức, kỹ năng, thái độ hoặc giá trị mới. Nó có thể có nghĩa là bất kỳ hình thức học tập nào mà người lớn tham gia và việc học tập diễn ra theo nhiều cách và trong nhiều bối cảnh giống như tất cả cuộc sống của người trưởng thành khác nhau tức là: chính quy, không chính quy và giáo dục không chính thức. 

+ Xây dựng chính sách về tiếp cận mở đối với giáo dục chính quy: chính sách phát triển giáo dục từ xa và trực tuyển (e-learning) bao gồm cả phát triển tài nguyên giáo dục mở  và các khóa học trực tuyến mở đại trà: Các chương trình giáo dục từ xa, các MOOCs dựa trên nền tảng OER là công cụ chủ yếu để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chính quy. Do đó, các tiêu chí được đề cập dưới đây phải được đáp ứng trước khi xây dựng chương trình cấp bằng và có thể cung cấp trong một định dạng trực tuyến: i) Đáp ứng nhu cầu rõ ràng và không ảnh hưởng tiêu cực đến các chương trình đào tạo đại học hoặc sau đại học hiện có của cơ sở giáo dục; ii) Một chương trình cấp bằng hoàn chỉnh được cung cấp cho phép sinh viên theo học để tốt nghiệp trong một khoảng thời gian xác định; iii) Có đủ nền tảng: chương trình, giảng viên và nhân viên hỗ trợ, sẵn sàng có thể cung cấp cho chương trình đào tạo được cấp học vị ở mức chất lượng cần thiết; iv) Đáp ứng tất cả các yêu cầu của chương trình đại học cấp bằng có liên quan; v) Có chất lượng tương đương với phiên bản trong phạm vi nhà trường; vi) Trách nhiệm tổ chức cho các hoạt động đào tạo từ xa cần được phân định rõ cho các khoa đang chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp chương trình đào tạo; vii) Các chính sách đảm bảo chất lượng cũng phải được áp dụng tương đương với các chương trình đào tạo trong phạm vi nhà trường.

+ Xây dựng chính sách tiếp cận giáo dục cho các đối tượng yếu thế có vị trí xã hội - kinh tế thấp và các đối tượng chịu thiệt thòi có cơ hội được học tập: Việc hỗ trợ giáo dục cho các đối tượng yếu thế, chịu thiệt thòi và những đối tượng vùng sâu, vùng xa cũng cần được xem xét, ví dụ, để cung cấp cho sinh viên từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa sự lựa chọn tốt hơn và tiếp cận với giáo dục đại học dưới dạng học bổng từ doanh nghiệp nông thôn, học bổng từ khu vực hoặc là cung cấp cơ sở hạ tầng cho GDM như không gian học tập, video học tập, truy cập internet…để hỗ trợ học tập và tạo điều kiện các đối tượng nêu trên được học tập từ xa từ các trường đại học.

+ Xây dựng chính sách tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật có cơ hội học tập. Với triết lý của GDM rằng không ai bị từ chối tiếp cận với giáo dục ở Việt Nam, thì việc xây dựng chính sách tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật để họ có điều kiện tiếp cận với  môi trường giáo dục, ngoài ra, chính sách này không chỉ thúc đẩy người khuyết tật thực hiện giáo dục ở mọi trình độ và cấp bậc học mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào tất cả các khía cạnh học thuật và các hoạt động của giáo dục.

Trên thực tế, có nhiều dạng khuyết tật khác nhau có thể có tác động đến học tập, công việc và các khía cạnh khác của cuộc sống. Do vậy, chính sách giáo dục cần bảo đảm, cân nhắc đặc biệt để người khuyết tật tiếp thu giáo dục thành công[2]. Chương trình hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giáo dục cũng phải được cung cấp và huy động kinh phí cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động hỗ trợ xóa bỏ rào cản tiếp cận đối với người khuyết tật.

Nhóm giải pháp thứ năm, Xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn lực phục vụ cho phát triển giáo dục mở theo hướng tiếp cận mở về nguồn lực

Nền tảng của việc huy động nguồn lực phát triển GDM: Khái niệm nguồn lực trong nghiên cứu của chúng tôi được hiểu từ 3 khía cạnh thông thường: nhân lực, vật lực và tài lực. Huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục đã được để cập trong nhiều nghiên cứu chính sách. Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nhấn mạnh đến những giải pháp về nguồn lực cho phát triển giáo dục dưới một tên gọi chung là xã hội hóa giáo dục mà được hiểu về bản chất là huy động các nguồn lực của xã hội phát triển giáo dục và đào tạo.

Gần đây nhất tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/05/2019 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII cũng đã nêu rõ: Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng cơ chế thuận lợi, minh bạch để khuyến khích các doanh nghiệp, xã hội và thu hút nguồn lực quốc tế đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Về phía Chính phủ có: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 phê duyệt đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp, Khoản 2b về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã nêu rõ một số khung chính sách quan trọng có liên quan đến việc triển khai GDM. Đặc biệt là, trong mục 7. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học tại Quyết định số 69/QĐ-TTg đã vạch ra một khung hành động chính sách để thực hiện các mục tiêu của đề án phát triển giáo dục đại học mà hoàn toàn có thể áp dụng cho đề xuất về GDM.

Như đã trình bày ở trên trong 10 chiều đo của Khung GDM cấp quốc gia cũng đã thấy sự tham gia của nhu cầu phát triển nguồn lực cho GDM. Do vậy, GDM cần có nguồn lực để phát triển hệ sinh thái GDM mà cụ thể là để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về GDM; để tài trợ cho việc thực hiện các quy định; hỗ trợ triển khai các sáng kiến, ý tưởng trong thực tiễn GDM; để có vốn đối ứng trong các quan hệ đối tác; để thúc đẩy giáo viên phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; để triển khai việc kiểm định và công nhận việc học tập mở; để phát triển tài nguyên GDM; để tăng cường các dịch vụ hỗ trợ và phát triển cơ sở hạ tầng và để nghiên cứu, đánh giá các chính sách về GDM. Có thể nói rằng không có nguồn lực, không thể triển khai GDM ở Việt Nam được.

Kinh nghiệm xây dựng chính sách huy động nguồn lực cho GDM: Huy động nguồn lực cho giáo dục không phải là vấn đề mới và đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu. Đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp đổi mới với chủ trương xã hội hóa giáo dục mà về bản chất là huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Tuy vậy, những nghiên cứu cũng như thực tiễn xây dựng chính sách hiện nay về huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục vẫn còn những khoảng cách so với thực tiễn [9]. Từ kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách huy động nguồn lực cho giáo dục có thể rút ra những bài học sau đây cho việc thiết kế chính sách thu hút và phát triển nguồn lực phục vụ cho phát triển GDM ở Việt Nam, cụ thể:

- GDM tận dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và bảo đảm tính hiệu quả, phát triển bền vững của hệ thống. GDM cần huy động được nguồn lực mở của toàn xã hội để phát triển. Nguồn lực có vai trò quan trọng trong GDM, tạo ra khả năng cạnh tranh bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục, không những trong nước mà cả những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Việc quy định trách nhiệm, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển đào tạo nhân lực là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng thể chế giáo dục. Vì vậy, GDM cần tạo điều kiện cho công tác xã hội hóa giáo dục phát triển, đồng thời xã hội hóa giáo dục huy động nguồn lực cho sự phát triển GDM. Mối quan hệ giữa xã hội hóa giáo dục và GDM là mối quan hệ hữu cơ khăng khít và tương hỗ.

- Cần có một định hướng rõ ràng kết hợp giữa thể chế hóa với các sáng kiến, ý tưởng huy động nguồn lực xã hội cho sự phát triển GDM. Chính sách huy động nguồn lực phát triển GDM không được mâu thuẫn với chính sách huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục nói chung mà GDM còn hỗ trợ cho việc huy động nguồn lực phát triển giáo dục. Trong hơn hai thập kỷ qua các cơ quan Nhà nước đã ban hành được nhiều văn bản quy phạm pháp luật với phạm vi điều chỉnh bao quát rộng rãi, góp phần từng bước thể chế hoá các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá giáo dục. Tuy vậy, có đôi điều cần phải nhắc đến trong việc xây dựng thể chế nhằm huy động nguồn lực doanh nghiệp cho phát triển giáo dục đại học. Chủ trương của Đảng và Nhà nước thì rất đúng đắn và sáng rõ. Nhưng trong quá trình thể chế hóa thì lại khiến cho việc thực hiện chủ trương có lúc trở nên bất khả thi. Việc huy động nhân lực trong doanh nghiệp cho giáo dục đại học là một ví dụ.

- Khu vực doanh nghiệp cần được chú trọng huy động phát triển GDM với những chính sách thỏa đáng. Trong mối tương quan chung, GDM nhằm hướng đến việc học của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đến những đối tượng không có điều kiện tham dự vào việc học tại trường và đáp ứng nhu cầu liên tục nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ của các doanh nghiệp (bao gồm cả nâng cao học vấn ở mọi trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động) nên việc huy động nguồn lực doanh nghiệp để phát triển GDM là hết sức quan trọng. Nhìn lại hệ thống chính sách xã hội hóa giáo dục trong thời gian qua có thể dễ thấy rằng Chính phủ đã rất chú trọng huy động nguồn lực cho việc học tại trường (bao gồm mở các trường tư thục và người học phải trả học phí - cũng có thể gọi là một hình thức tư nhân hóa giáo dục). Tuy nhiên, các chính sách huy động nguồn lực cho giáo dục ngoài trường học còn rất hạn chế. 

 

TS. Lê Thị Mai Hoa

Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề Ban Tuyên giáo Trung ương

GS. TSKH. Đặng Ứng Vận

Trường Đại học Hòa Bình

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đặng Ứng Vận (2018) Về xây dựng nền giáo dục mở tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”. Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Hà Nội.

2. Inamorato dos Santos, A., Nascimbeni, F., Bacsich, P., Atenas, J., Aceto, S. Burgos, D., Punie, Y. (2017) Policy Approaches to Open Education – Case Studies from 28 EU Member States (OpenEdu Policies). EUR 28776 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg, 2017.

3. Inamorato dos Santos, A. (2017) Going Open – Policy Recommendations on Open Education in Europe (OpenEdu Policies). Ed: Punie, Y., Scheller, K.D.A., EUR 28777 EN, Publications Office of the European Union, Luxembourg, 2017.

4. Inamorato dos Santos, A., Punie, Y., Castaño-Muñoz, J. (2016) Opening up Education: A Support Framework for Higher Education Institutions. JRC Science for Policy Report, EUR 27938 EN.

5. FUN MOOC Se former en liberté.

https://www.fun-mooc.fr/cours/#filter/availability/starting_soon?page=1&rpp=50

6. University of Groningen https://www.rug.nl/language-centre/e-learning/online-dutch/introduction-to-dutch-mooc?lang=en

7. Carretero, S.; Vuorikari, R. and Punie, Y. (2017). DigComp 2.1: The Digital Competence Framework for Citizens with eight proficiency levels and examples of use, EUR 28558 EN.

8. J.Delors_L’education un trésor est caché decens. UNESCO, 1996, Editions ODILE JACOB.

9. Đặng Ứng Vận (2011) Bàn về một số khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường. Kỷ yếu Hội nghị khoa học giáo dục toàn quốc tháng 02 năm 2011, Thành phổ Hải Phòng.

 



[1]Nhóm nghiên cứu Đề tài: Xây dựng nền  giáo dục mở ở Việt Nam theo tinh thàn Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

[2]Chính sách này nên được xem là một phần mở rộng của Luật Người khuyết tật (số 51/2010/QH12 ngày 17/6/ 2010) thay thế Pháp lệnh Người tàn tật (số 06/1998/PL-UBTVQH10 ngày 30/7/1998) và để thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật và thông qua chương trình nghị sự 2030 của Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết