Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Một số vấn đề hòa bình và an ninh khu vực tác động đến Việt Nam

Ngày phát hành: 09/12/2019 Lượt xem 8371

I. Một số vấn đề hòa bình và an ninh khu vực

Về tổng thể, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nguyện vọng chung của các quốc gia và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Hòa bình cơ bản được duy trì, không có chiến tranh quy mô lớn, song chính trị cường quyền, xung đột cục bộ, khủng bố, bất ổn, bạo loạn, thiên tai, dịch họa vẫn diễn ra, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Hợp tác đi kèm đấu tranh, song mặt đấu tranh ngày càng nổi trội, thể hiện qua cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng mở rộng hơn về phạm vi và quyết liệt hơn về mặt tính chất. Phát triển song chưa vững, kinh tế thế giới đã hồi phục. Năm 2017, lần đầu tiên sau khủng hoảng, cả 45 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sang năm 2018 và 2019, tăng trưởng có xu hướng giảm. Gánh nặng nợ, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn là những nguy cơ đối với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các thách thức đối với phát triển vền vững, bao trùm ngày càng gia tăng.

Trong vài năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã và đang chứng kiến nhiều chuyển dịch hết sức mau lẹ, nhanh hơn dự báo, mang tính bước ngoặt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thậm chí từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, thể hiện qua 03 điểm lớn như sau:

 

 

1. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng mở rộng về phạm vi và gay gắt hơn về tính chất

- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cạnh tranh hiện nay là do những biến đổi trong tương quan so sánh lực lượng và sự điều chỉnh chiến lược của các nước. Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, song khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang rút ngắn lại rất nhanh. Về kinh tế, sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên chiếm 16% GDP thế giới trong khi Mỹ đã giảm tỷ trọng xuống còn khoảng 20% GDP thế giới. Theo nhiều dự báo, trong 10 đến 20 năm tới, Trung Quốc có khả năng bắt kịp hoặc thậm chí vượt Mỹ về quy mô GDP. Về khoa học kỹ thuật, chiến lược đổi mới sáng tạo đã giúp Trung Quốc dần chuyển sang giai đoạn tự chủ sáng tạo. Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 3 chỉ sau Mỹ và Nhật Bản về số lượng bằng phát minh sáng chế được đăng ký trên thế giới. Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành quốc gia hàng đầu về khoa học kỹ thuật, tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển lên 2,5%, thông qua kế hoạch “Made in China 2025” để trở thành cường quốc chế tạo. Về quân sự, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2018 lớn hơn của tất cả các quốc gia Đông Á cộng lại, tuy nhiên vẫn ở khoảng cách khá xa sau Mỹ (lần lượt là 174,5 tỷ USD và 700 tỷ USD). Về sức mạnh mềm, Trung Quốc đầu tư rất mạnh cho tuyên truyền ở ngoài nước. Đến nay, Trung Quốc đã thành lập hơn 500 Viện Khổng Tử ở 142 nước, riêng ở Mỹ có hơn 100 viện. Trung Quốc cũng tranh thủ cộng đồng người Hoa ở hải ngoại (hơn 60 triệu người, riêng Đông Nam Á trên 35 triệu) làm công cụ phát huy ảnh hưởng và sức mạnh mềm.

- Cùng với quá trình gia tăng mạnh mẽ về sức mạnh quốc gia tổng hợp, Trung Quốc ngày càng phát huy vai trò quốc tế của mình. Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã đưa ra “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm mục tiêu phục hưng Trung Quốc. Trong hoạch định chính sách và triển khai thực tiễn, Giấc mộng Trung Hoa gắn liền với “Hai mục tiêu 100 năm”. Theo đó, đến năm 2021, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả; đến năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Tại Đại hội 19, mục tiêu 100 năm thứ hai được cụ thể hóa bằng lộ trình 2 bước tới giữa Thế kỷ 21. Theo đó, đến năm 2035, Trung Quốc cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Trung Quốc đã và đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, tiềm lực quân sự, Trung Quốc thúc đẩy các sáng kiến như “Cộng đồng chung vận mệnh”, “Giấc mơ châu Á” “cùng phát triển kinh tế”, “khái niệm an ninh mới châu Á”, và đặc biệt là sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đồng thời, Trung Quốc thành lập các thể chế mới như “Vành đai và Con đường” (BRI), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB),…

- Trong bối cảnh đó, Mỹ đã có những bước điều chỉnh chiến lược. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã xác định Trung Quốc là đối thủ. Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, Chiến lược Quốc phòng năm 2018 của Mỹ đã nêu “Trung Quốc và Nga là đối thủ của Mỹ”. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 6/2019 nêu rõ “Trung Quốc là thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ”.

- Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Ngay từ khi hai nước bình thường hóa năm 1972, cả hai mặt cạnh tranh và hợp tác luôn song hành trong quan hệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mặt cạnh tranh ngày càng gia tăng và trở nên nổi trội trong quan hệ hai nước, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một mặt, một thế giới phụ thuộc lẫn nhau cao độ như hiện nay đang hạn chế khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ - Trung Quốc như Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ - Liên Xô trước đây. Nếu như trước đây khối lượng thương mại giữa Liên Xô và Mỹ vào thời điểm năm 1987 chỉ là 2 tỷ USD/năm (chiếm chưa đầy 0,25% tổng khối lượng trao đổi thương mại của Mỹ với toàn thế giới), thì nay giao thương Mỹ - Trung là 2 tỷ USD/ngày, tổng cộng đạt 737,1 tỷ USD (tương đương 13% tổng giá trị trao đổi thương mại của Mỹ với thế giới). Mặt khác, quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ không còn như trước, mặt cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn trước, trở thành hiện tượng “bình thường mới” hiện nay. Diễn biến rất phức tạp của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay và thực tế cạnh tranh giữa hai bên đang có xu hướng lan rộng từ thương mại sang các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, tiền tệ, địa - chiến lược đang tác động mạnh đến môi trường chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù hai bên đã đang tiến gần đến một thỏa thuận tạm thời, song nhiều dự báo cho rằng cọ xát thương mại và công nghệ Mỹ - Trung Quốc sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp hơn nữa. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc được dự báo là sẽ định hình cục diện khu vực và thế giới trong Thế kỷ 21. Nếu như cục diện thế giới cơ bản vẫn là “nhất siêu, đa cực” thì ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cục diện “lưỡng siêu, đa cực” hay “lưỡng siêu, đa trung tâm” đang định hình ngày càng rõ.

- Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược trong các cặp quan hệ giữa các nước lớn cũng diễn ra gay gắt. Các nước lớn đều đang lôi kéo, tranh thủ các nước vừa và nhỏ để tạo thế trong cạnh tranh chiến lược với nhau, khiến tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phân hóa, song chưa dẫn đến phân tuyến rõ ràng như thời Chiến tranh Lạnh.

2. Tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt với sự xuất hiện của nhiều sáng kiến, chiến lược phát triển tại khu vực, thể hiện qua hai xu hướng lớn:

Một là, các nước đề xuất và thúc đẩy các Sáng kiến/Chiến lược về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản là những nước thúc đẩy tích cực nhất. Các nước ASEAN ngày càng tỏ quan tâm đến Sáng kiến/Chiến lược này. ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn ASEAN về hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nhấn mạnh các nguyên tắc: mở, bao trùm, minh bạch, tôn trọng chủ quyền các quốc gia, nêu cao vị trí trung tâm và vai trò của ASEAN trong khu vực…

Về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù còn nhiều nhận thức khác nhau, song Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể coi là không gian địa lý bao gồm hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chiếm trên 60% GDP, 70% thương mại, hơn 60% dân số và 60% diện tích bề mặt thế giới. Nhật Bản là nước đầu tiên chính thức nêu khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2016, Nhật Bản công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” gồm 3 trụ cột bao gồm: (i) Đề cao các giá trị cơ bản; (ii) Theo đuổi thịnh vượng kinh tế khu vực; và (iii) Bảo đảm hòa bình và ổn định. Ấn Độ đưa ra Tuyên bố về tầm nhìn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Đối thoại an ninh Shangri-La tại Xinh-ga-po tháng 6/2018, nhấn mạnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “không phải là khu vực khép kín hay phục vụ mục tiêu thống trị của bất kỳ nhóm nước nào”. Mỹ ngay từ thời chính quyền Obama đã đề cập khái niệm này. Sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên xuất hiện trong phát biểu của lãnh đạo Mỹ. Chiến lược An ninh quốc gia (tháng 12/2017) và Chiến lược Quốc phòng (tháng 1/2018) của Mỹ khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực địa lý ưu tiên cao nhất của Mỹ và là “trung tâm của cạnh tranh nước lớn những năm tới”. Đến tháng 3/2018, Mỹ chính thức gọi đây là “chiến lược”. Tháng 4/2018, Mỹ công bố tài liệu về chiến lược bao gồm 3 trụ cột là an ninh, kinh tế và quản trị. Như vậy, cả bốn nước Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ đều đã sử dụng khái niệm này trong chiến lược đối với khu vực.

Hai là, Trung Quốc thúc đẩy hệ thống sáng kiến khu vực với trọng tâm là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), “Cộng đồng chung vận mệnh”. Tính đến tháng 11/2018, Trung Quốc đã ký kết trên 150 thỏa thuận hợp tác với gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế trong khuôn khổ BRI, với tổng giá trị các dự án có thể lên tới 900 tỷ USD; ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước BRI trong 5 năm qua đạt trên 5.000 tỉ USD. Vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần 2 (từ 25-27/4/2019), thu hút sự tham gia của 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế. Trong đó, có 37 quốc gia cử đoàn cấp cao. Tại diễn đàn lần này, Trung Quốc đã cập nhật, điều chỉnh sáng kiến theo hướng tìm cách đáp ứng những băn khoăn và lo ngại của nhiều quốc gia. Theo đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy BRI trở thành sáng kiến hợp tác toàn cầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, đặt yêu cầu chất lượng cao cho các dự án, không dung thứ cho tham nhũng, khuyến khích các nước phát triển đầu tư vào kết nối ở các nước đang phát triển, yêu cầu hợp tác xanh và sạch...

3. Các điểm nóng khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển khu vực và toàn cầu

3.1. Tình hình Biển Đông

 Tình hình diễn biến phức tạp và đáng lo ngại, có những biến chuyển rất nhanh, không chỉ về lượng mà cả về chất, và đã có sự thay đổi căn bản so với thời gian trước.

- Trung Quốc ngày càng tự tin hơn, quyết đoán hơn và có quan điểm cứng rắn hơn trong việc thực hiện các yêu sách ở Biển Đông. Trung Quốc triển khai dồn dập, quyết liệt các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng trên thực địa, xây dựng các đảo nhân tạo với tổng diện tích 1.400 ha, đẩy nhanh tốc độ quân sự hóa và phát triển các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa (trọng điểm là Phú Lâm) và Trường Sa (trọng điểm là Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập); tổ chức nhiều cuộc tập trận phô trương sức mạnh quân sự; sử dụng các biện pháp cứng rắn đối với hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa; tăng cường khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí và nghề cá; tuần tra, và trinh sát rộng trên Biển Đông.

 

 

- Đến nay, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc mở rộng, quân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng và chuyển sang giai đoạn huấn luyện tác chiến và thử nghiệm các phương tiện, thiết bị quân sự. Trung Quốc đang từng bước nâng cao “thế” và “lực” để áp đặt và kiểm soát Biển Đông. Sự quyết tâm, quyết đoán của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa các yêu sách và gia tăng sức mạnh của Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho các nước ven biển trong việc xử lý, giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng ở Biển Đông, thể hiện qua vụ việc HD-8 vừa qua.

- Vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ mà còn là vấn đề an ninh, an toàn hàng hải hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế. Vì vậy các nước trong và ngoài khu vực đều rất quan tâm. Không chỉ Trung Quốc và các quốc gia có yêu sách, ngay cả các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức…), Hàn Quốc… đều có sự can dự dưới nhiều hình thức vào Biển Đông. Đối với vụ việc HD-8 của Trung Quốc vừa qua, 21 đối tác[1] đã phát biểu ủng hộ lập trường của Việt Nam.

3.2. Vấn đề Mê Công

Trong khi các thách thức an ninh truyền thống chưa tìm được hướng xử lý thì các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt, đặc biệt là vấn đề Mê Công. Cùng với tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ đối với Việt Nam ngày càng lớn. Nhiều chuyên gia ước tính nếu tất cả các con đập lớn trên dòng chính sông Mê Công được xây và đi vào khai thác, thì chỉ vài trăm năm nữa, có thể đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất. Bên cạnh đó, đây không chỉ là vấn đề an ninh nguồn nước mà còn liên quan đến an ninh, ổn định xã hội ở lưu vực sông Mê Công. Hiện nay, dọc sông Mê Công xuất hiện nhiều sòng bạc lớn, tệ nạn xã hội, tội phạm vì thế gia tăng, trong đó có buôn bán ma túy. 

3.3. Các vấn đề khác

Tình hình Bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng căng thẳng, dù vẫn duy trì chiều hướng đối thoại. Hồng Công diễn ra các đợt biểu tình lớn và nghiêm trọng nhất sau 22 năm kể từ khi được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Trong khu vực Đông Nam Á, nổi lên vấn đề bang Rakhine và người Hồi giáo Rohingya. Đây là vấn đề có nguồn gốc lịch sử phức tạp. Bản thân Chính phủ Myanmar và Bangladesh đã có nhiều nỗ lực trong phối hợp với các bên liên quan giải quyết vấn đề hồi hương, tuy nhiên đến nay kết quả chưa được như mong muốn.

          4. ASEAN mà Việt Nam là thành viên đã trở thành nhân tố luôn phải tính đến trong chính sách khu vực của các nước. ASEAN khẳng định vị trí quan trọng ở khu vực và quốc tế trên các khía cạnh sau: 

          (i) Góp phần quan trọng biến một khu vực bị chia rẽ về trình độ phát triển, thể chế chính trị trở thành một cộng đồng cùng chia sẻ những nguyên tắc, giá trị chung. Cộng đồng ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với GDP đạt 2.760 tỷ USD (dự báo có thể đứng thứ 4 thế giới năm 2030;

          (ii) Tạo lập diễn đàn/khuôn khổ để thúc đẩy đối thoại và hợp tác khu vực, nhất là tiến trình liên kết Đông Á (thông qua các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+; FTA ASEAN+1 và RCEP);

          (iii) Điều hòa và cân bằng lợi ích của các nước lớn cũng như tham gia định hình cấu trúc mới ở khu vực. Hiện nay đã có 87 nước và tổ chức cử đại sứ tại ASEAN.

          Tuy nhiên ASEAN cũng đứng trước những thách thức lớn, nhất là do lực kéo ly tâm từ các nước lớn. Đồng thời, bản thân trong nội bộ ASEAN cũng còn tồn tại những bất ổn, trình độ phát triển giữa các nước còn khác xa nhau. 

          II. Tác động đối với Việt Nam

          Tác động từ vấn đề hòa bình và an ninh khu vực mang đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam.

          2.1. Về cơ hội, Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi căn bản:

          Một là, xu thế hòa bình, hợp tác, toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển tiếp tục tạo ra điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có điều kiện để tập trung nguồn lực cho phát triển đất nước. Đã từng trải qua chiến tranh, Việt Nam hiểu sâu sắc cái giá của hòa bình.

          Hai là, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội để Việt Nam tiến thẳng vào các lĩnh vực công nghệ mới, đẩy mạnh hơn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Hiện tại, cách mạng công nghiệp 4.0 sử dụng nhiều công nghệ mới và đang ở giai đoạn khởi phát, nên các nước gần như “bình đẳng" về cơ hội khi bắt đầu đi vào cuộc cách mạng này. Các nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, nhờ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển. Việt Nam đang có một số lợi thế để tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 như có thị trường trong nước đủ lớn cho ứng dụng công nghệ mới, nguồn nhân lực trẻ có khả năng tiếp nhận nhanh công nghệ mới, có hạ tầng công nghệ thông tin tương đối phát triển so với mặt bằng các nước đang phát triển...

          Ba là, sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo cơ hội cho các quốc gia trongkhu vực, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế củachâu Á - Thái Bình Dương luôn cao gần gấp đôi mức trung bình chung của thế giới. Đây cũng là khu vực đi đầu thế giới về liên kết kinh tế, chiếm tới gần 2/3 trong tổng số 350 FTA trên toàn thế giới. Việt Nam tranh thủ được các lợi thế đó và đã trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực như CPTPP, RCEP….

          Việc Việt Nam đang tham gia những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao (như CPTPP, EVFTA, EVIPA…) đang tạo ra những động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam (khoảng 9% trong 9 tháng qua, mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây). Sự gia tăng quốc lực tổng hợp của đất nước sau gần 35 năm đổi mới cũng như vai trò quan trọng của Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tích cực giúp nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

          2.2. Về thách thức, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp hơn trước:

          Một là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt và đến nay đã chuyển sang giai đoạn mới quyết liệt hơn về mức độ, toàn diện hơn về lĩnh vực. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có thể tạo thêm khó khăn cho các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam trong việc xử lý quan hệ với các nước  lớn. Cuối năm 2018, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long công khai thừa nhận rằng có thể sẽ đến lúc cạnh tranh Trung - Mỹ sẽ buộc ASEAN phải chọn bên. Việt Nam cũng như các nước vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn trong việc thực hiện phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa”, thậm chí áp lực “chọn bên” trên một số lĩnh vực ngày càng tăng.

          Hai là,thách thức về xử lý vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Theo tính toán của chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ bị mất 50% Vùng đặc quyền kinh tế nếu Trung Quốc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” (Philippines và Malaysia mất khoảng 80%, Brunei mất 90%, Indonesia mất 30%). Việc Trung Quốc tôn tạo đảo quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật, hòa bình và ổn định của khu vực. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam không bao giờ nhân nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Việt Nam đã, đang và tiếp tục  kiên trì tiếp xúc trên tất cả các kênh để trao đổi với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

          Ba là, trong khi các thách thức an ninh truyền thống chưa tìm được hướng xử lý thì các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên ngày càng gay gắt, đặc biệt là vấn đề Mê Công. Đây không chỉ là vấn đề về an ninh nguồn nước trên dòng chính sông Mê Công mà còn là vấn đề an ninh, an toàn xã hội, chống tội phạm quốc tế. Do đó, việc tăng cường hợp tác trong khu vực tiểu vùng Mê Công là hết sức quan trọng.Bên cạnh đó, những vấn đề đang nổi lên như nguy cơ an ninh mạng,lây lan dịch bệnh, bất ổn xã hội, khủng bố, diễn biến hòa bình, bạo loạn, cách mạng màu… cũng luôn thường trực. Trong thời đại phổ biến mạng xã hội ngày nay, việc xử lý các mầm mống bất ổn xã hội cũng khó khăn, phức tạp hơn trước rất nhiều.

          III. Chính sách đối ngoại của Việt Nam 

          1. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang đứng trước những biến chuyển sâu sắc nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Những nguyên tắc này đã được thử thách qua thời gian và cho thấy sự quan trọng trong ứng xử đối ngoại, nhất là với các nước lớn.

          Việt Nam đã và đang thực hiện mạnh mẽ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng và cho đến nay đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Từ một đất nước bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam đã xây dựng mạng lưới 30 đối tác chiến lược/đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các nước thuộc nhóm G7; 17/20 nước G20 và tất cả các nước trong ASEAN. Việt Nam cũng đang đàm phán, ký kết và triển khai 16 FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Từ một đất nước đói nghèo, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, sau gần 35 năm đổi mới, GDP Việt Nam tăng gấp 30 lần, GDP bình quân đầu người tăng gấp 24 lần. Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ (MDGs) về xóa nghèo trước 10 năm so với thời hạn. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm xuống mức 5,35% năm 2018.

          2. Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

          (i) Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ;

          (ii) Đưa quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất;

          (iii) Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; và

          (iv) Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhiệm tốt những trọng trách quốc tế, trước mắt là Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

          3. Trong vấn đề Biển Đông, mục tiêu của Việt Nam là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định đồng thời giải quyết, xử lý các bất đồng trên biển để có thể khai thác đầy đủ tiềm năng biển đem lại, phục vụ sự nghiệp pháp triển đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng ý thức được tầm quan trọng về địa chiến lược của Biển Đông đối với giao thông, thương mại hàng hải quốc tế, trong đó có sự tham gia của Việt Nam; do vậy hiểu vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề của riêng các nước ven biển, càng không phải giữa Trung Quốc và một vài nước có tranh chấp. Việt Nam chủ trương ủng hộ và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển1982, do đây là nền tảng cho việc sử dụng và khai thác biển một cách bền vững; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định cũng như hợp tác, phát triển tại Biển Đông; ủng hộ tự do hàng hải và hàng không phù hợp luật pháp quốc tế.

          4. Trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 và Nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021

          4.1. Về nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

          Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, trên cơ sở các mục tiêu xuyên suốt của ASEAN và tiếp nối ưu tiên của ASEAN trong các năm trước, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và liên kết chặt chẽ, có khả năng chủ động thích ứng với các thời cơ và thách thức đang đặt ra, thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

          Để đảm nhiệm thành công nhiệm vụ quan trọng này, Việt Nam mong muốn phối hợp chặt chẽ với các thành viên và đối tác trong những lĩnh vực sau:

          Một là, triển khai rà soát giữa kỳ toàn bộ các Kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, qua đó xác định những vấn đề tồn đọng và giải pháp.

          Hai là, cải cách, xây dựng định hướng hợp tác mới cho các cơ chế do ASEAN chủ trì như EAS, ARF, ADMM+, AMF và EAMF. Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 15 năm diễn đàn EAS, 25 năm ARF và 10 năm ADMM+. Thời gian qua các cơ chế này đã phát huy vai trò tích cực trong duy trì đối thoại và hợp tác khu vực, song những thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế và khu vực hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới.

          Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN và khả năng thích ứng trước cách mạng công nghiệp 4.0 và các thách thức mới nổi; tăng cường nhận thức và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và địa phương vào các tiến trình hợp tác của ASEAN.

          4.2. Về nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021

          Một là, thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc cho các cuộc xung đột, điểm nóng, trong đó có các vấn đề ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

          Hai là, đề cao các nỗ lực, biện pháp ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hòa bình, tăng cường chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương, nhất là tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ; bác bỏ hành vi cường quyền, áp đặt, gây căng thẳng và thù địch trong quan hệ.

          Ba là, nỗ lực tranh thủ cơ hội để thể hiện vai trò trung gian, hòa giải trên một số vấn đề tại Hội đồng Bảo an nếu điều kiện cho phép và ở mức độ phù hợp với khả năng, lợi ích của Việt Nam.

          Bốn là, phối hợp cùng các nước thành viên thúc đẩy các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các điểm xung đột… qua đó thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam, mong muốn đóng góp thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững./.

 

Th.S Nguyễn Trường Sơn,

Phó vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao

 

 

 



[1] Bao gồm tất cả các nước ASEAN; 11 nước đối tác chiến lược/đối tác toàn diện (Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ca-na-đa, Đức) và Băng-la-đét; Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, EU…

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết