Thứ Sáu, ngày 17 tháng 05 năm 2024

Một số vấn đề quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực dân số và phát triển ở Việt Nam hiện nay

Ngày phát hành: 18/03/2022 Lượt xem 5316



Tóm tắt: Dân số luôn được xác định là một lĩnh vực quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực dân số đang được coi là một trong những trọng tâm để giải quyết các vấn đề xã hội và nhưng thách thức trong lĩnh vực dân số hướng đến phát triển bền vững. Việc tận dụng tối đa tiềm năng dân số cũng như hạn chế, ứng phó với những tác động không thuận lợi của biến động nhân khẩu học là điều rất quan trọng trong xây dựng chính sách và chiến lược phát triển đất nước. Việt Nam đang trong giai đoạn biến đổi mạnh cả về quy mô, cơ cấu dân số, đặc biệt là quá trình già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng. Bài viết tập trung phân tích mối quan hệ giữa dân số và phát triển bễn vững cũng như những yêu cầu về sự chuyển đổi chính sách dân số phù hợp với thực tiễn biến đổi dân số hiện nay. Quá trình thực thi chính sách, chiến lược dân số - phát triển trong 10 năm qua nước ta không chỉ đạt được mục tiêu đặt ra mà còn hướng đến các mục tiêu phát triển xã hội bền vững khác. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay các cấp các ngành cần coi trọng việc quản lý, hoạch định chính sách dân số dựa trên cơ sở các bằng chứng khoa học, khách quan và phát huy sự tham gia của các chủ thể vào quá trình quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực dân số một cách thoả đáng.

 

1. Quan hệ dân số và phát triển bền vững

Dân số của mỗi quốc gia, thể hiện ở quy mô, phân bố hay chất lượng dân cư, đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển và hưng thịnh của mỗi một quốc gia. Dân số vừa là lực lượng lao động, tạo dựng của cải vật chất, giá trị xã hội, tạo ra giá trị, di sản tinh thần vừa là lực lượng tiêu dùng, gây sức ép lên tài nguyên, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. UNFPA (2012) đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia hướng tới cam kết phát triển bền vững thông qua thúc đẩy hai yếu tố quan trọng của nền kinh tế xanh là sản xuất phát triển bền vững và tiêu dùng bền vững, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tăng cường xử lý mối quan hệ dân số và phát triển thông qua các chính sách phù hợp được đưa ra trên cơ sở quyền con người.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số của Việt Nam là 96.208.984 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Việt Nam trải qua những giai đoạn biến động dân số lớn, có gần 40 năm bùng nổ dân số với tỷ suất sinh ở mức rất cao: suốt từ năm 1955 đến năm 1985, tỷ suất sinh ở Việt Nam luôn trong mức từ 4,6 đến 6,45. Từ sau năm 2000, mức sinh tại Việt Nam bắt đầu giảm dần về mức sinh thay thế và giữ vững được mức sinh thay thế hơn 15 năm nay. Kết quả đạt được rất đáng chú ý về công tác dân số tại Việt Nam trong 60 năm qua do các chương trình, chiến lược, chính sách, quyết định, chỉ thị cụ thể trong từng giai đoạn có sự điều chỉnh kịp thời, sát thực tiễn. Các chương trình, chiến lược, chính sách dân số thể hiện tầm nhìn, hướng tiếp cận vấn đề và khả năng dự báo của nhà lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tiếp cận phát triển bền vững đảm bảo và cho phép đánh giá chính sách dân số và di dân một cách toàn diện từ các trụ cột lớn của phát triển bền vững như kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa, và an ninh quốc phòng[1]. Hay theo UNFPA, (2011) cho rằng PTBV là sự cân bằng hài hòa giữa quy mô dân số và bảo môi trường, đảm bảo rằng các nhu cầu của dân số hiện nay được đáp ứng. Trong điều kiện đó, cần hiểu biết rõ hơn về biến động dân số, bao gồm phân bố dân số, di cư đô thị hóa, cũng như bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, v.v... Liên Hợp Quốc nêu rõ sự cần thiết cần phải hiểu bản chất của mối quan hệ dân số và phát triển bền vững. Theo đó, sự phát triển của một quốc gia cần được xây dựa trên một quy mô dân số hợp lý, cơ cấu dân số và phân bố dân số cân bằng. Vấn đề là làm thế nào để xây dựng chính sách, chiến lược về dân số và di dân, lồng ghép được các yếu tố này trong kế hoạch phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững trong đó chú trọng đến quyền quyết định số con, quyền sinh sản và quyền di cư tự do đi lại và cư trú của người dân[2].

Trong báo cáo “Dân số - chìa khóa để phát triển bền vững” UNFPA (2012) nhấn mạnh dân số có vai trò then chốt để giảm thiểu những tác động đến môi trường. Báo cáo khuyến nghị các quốc gia cần thúc đẩy hai nhân tố quan trọng của nền kinh tế xanh là sản xuất bền vữngtiêu dùng bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời cần xử lý các biến đổi dân số thông qua các chính sách dựa trên cơ sở quyền con người để đạt các mục tiêu PTBV như đã cam kết. World Bank (2008) cho rằng kiểm soát dân số là yếu tố quan trọng để giảm nghèo. Tác động đến nghèo đói của gia tăng dân số là khá rõ nét, mặc dù tác động này không dễ nhận thấy ở một số quốc gia chuyển đổi đã trải qua thời kỳ quá độ dân số và mức sinh thấp. Thực tế quan sát ở cấp độ vi mô cho thấy những gia đình đông con, nhiều miệng ăn khó có điều kiện phát triển và khó thoát nghèo, thậm chí nghèo truyền kiếp. Để phát triển bền vững, các chiều cạnh chủ yếu liên quan đến đời sống người dân và cộng đồng cần được cân đối hiệu quả trong chính sách cũng như thực tiễn[3]

Từ góc độ khoa học cũng như thực tiễn, dân số và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ biện chứng, thúc đẩy, hỗ trợ và tác động qua lại với nhau. Các vấn đề dân số chỉ có thể được giải quyết hiệu quả, triệt để nếu nó được lồng ghép trong các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các chương trình, chiến lược phát triển KT-XH muốn thực sự bền vững cần tính đến các cơ hội và thách thức của đặc trưng dân số tại địa phương. Các vấn đề, thách thức dân số & phát triển nếu không được cân nhắc ưu tiên hành động kịp thời, những hệ quả của nó có thể tác động tiêu cực đến thành quả phát triển KT-XH của mỗi địa phương.

 

 

2. Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 hướng đến phát triển bền vững

Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Mục tiêu chính là nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, 8 mục tiêu cụ thể được xác định đến năm 2030[4], trong đó chỉ có một mục tiêu đầu tiên hướng đến giải quyết mặt "lượng": duy trì vững chắc mức sinh thay thế, còn lại các mục tiêu khác đều tập trung vào nâng cao chất lượng dân số, hướng đến phát triển bền vững. Trong mỗi mục tiêu cụ thể nói trên, chiến lược Dân số đến năm 2030 cũng xác định rõ các chỉ số cần đạt được, trong đó bao gồm các chỉ số về số lượng và song hành cùng chỉ số về chất lượng dân cư, chỉ số về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra, trong mục tiêu thứ 7 cũng đề cập đến quản lý phát triển dân số cần hướng đến tạo động lực mạnh cho phát triển đất nước nhanh và bền vững[5].

Chính sách dân số Việt nam được điều chỉnh gắn liền với đặc trưng, đặc điểm của quy mô, cơ cấu dân số cũng như đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội cho từng giai đoạn. Việt Nam đã trải qua thời kỳ tương đối dài kiểm soát mức sinh nhằm đạt được mức sinh thay thế cũng như kiểm soát được quy mô dân số, sau đó chính sách dân số chuyển hướng sang ổn định quy mô dân số và đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dân cư, bao gồm chất lượng chăm sóc SKSS cũng như chất lượng cuộc sống nói chung. Khác với Trung Quốc, trong giai đoạn bùng nổ dân số, Việt Nam áp dụng các biện pháp kiểm soát mức sinh chặt chẽ nhưng không cực đoan áp dụng chính sách một con, do vậy Việt Nam không đối mặt với hậu quả về mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính cũng như sự biến dạng của cơ cấu dân số. Khác với một số quốc gia phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam đã trải qua qua giai đoạn kiểm soát nhằm mục tiêu giảm mức sinh dài do quá trình bùng nổ dân số lâu hơn. Hiện tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn kiểm soát mức sinh, đồng thời có những giải pháp nâng cao chất lượng dân số và chưa chuyển sang giai đoạn khuyến khích sinh đại trà. Tuy nhiên cũng giống như các nước đã đi trước, trong tương lai, tổng tỉ suất sinh sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa ở một số khu vực (ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Đông Nam Bộ ...) và mức sinh có xu hướng giảm sâu ở nhóm có trình độ học vấn cao, có điều kiện kinh tế khá giả. Đối với nhóm này theo quy luật biến đổi mức sinh thì nhóm này thường lại kết hôn muộn và sinh ít con. Do vậy, trong tương lai gần để đảm bảo sự phát triển bền vững về dân số và phát triển rất có thể sẽ phải có chính sách khuyến khích sinh với những nhóm đặc thù này.

 

 

 

3. Quản lý dân số Việt Nam từ hướng tiếp cận phát triển bền vững

 

Thứ nhất, Nghị quyết, Chính sách dân số - phát triển được ban hành đúng thời điểm và phù hợp với thực tế dân số từng giai đoạn

Dân số và phát triển được Đảng và Nhà nước xác định là vấn đề ưu tiên hàng đầu, có chỉ đạo kịp thời vào những thời điểm quan trọng. Trong giai đoạn từ khi bắt  đầu đổi mới đến năm 1992, mức sinh của Việt Nam luôn ở mức rất cao, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cho đến năm 1992 ở mức 3,5 con. Tháng 1 năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm giải quyết cơ bản vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số, với mục tiêu giảm sinh và đạt mức sinh thay thế. Sau khoảng 10 năm triển khai đến năm 2002, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 2,28 con. Với những thành tựu ấn tượng về công tác dân số đạt được, Việt Nam đã được nhận giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc vào năm 1999. Từ năm 2002 trở đi, mức sinh có dấu hiệu gia tăng trở lại, công tác dân số ở nhiều địa phương được đánh giá là chững lại và giảm sút, tỉ lệ phát triển dân số và sinh con thứ 3 có dấu hiệu gia tăng, ngày 22/3/2005, BCH TƯ ban hành Nghị quyết 47 "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ", trong đó xác định rõ ràng mục tiêu về kiểm soát số lượng, quy mô dân số và mức sinh thay thế, song hành với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số về mọi mặt: "về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Năm 2017, khi Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế vững chắc, chất lượng dân số được nâng cao và cải thiện ở nhiều mặt, BCH TƯ ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm chỉ đạo: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân"[6]. Nghị quyết xác định chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, đồng thời xác định 8 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, trong đó có 7 mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững.

Trên cơ sở Nghị quyết công tác dân số, các chương trình, chiến lược dân số và phát triển được xây dựng, triển khai trong từng giai đoạn, gắn với mục tiêu phát triển KT-XH nói chung: chính sách/ chiến lược dân số giai đoạn 2000 - 2010, giai đoạn 2011 - 2020; giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, được xây dựng trên cơ sở "quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21 tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh"[7].

Với sự nhất quán, đồng bộ của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo và thực thi công tác dân số, xây dựng chiến lược dân số & phát triển Việt Nam đạt được mục tiêu dân số cả về số lượng và chất lượng, góp phần giúp giữ vững những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được mà không bị ảnh hưởng không tích cực từ hệ quả của sự mất kiểm soát gia tăng dân số.

 

Thứ hai, quản lý, hoạch định chính sách, chiến lược dân số được thực hiện dựa trên cơ sở các bằng chứng khoa học

Xây dựng trên cơ sở thực tiễn và bằng chứng khoa học các chính sách, chiến lược, công cụ quản lý có khả năng dự báo, chủ động giải quyết các vấn đề đặt ra. Thực tế, trước khi thống nhất đất nước, tại miền Bắc Việt Nam đã từng tiến hành hai đợt điều tra dân số, tiến hành vào thời điểm 1/3/1960 và tháng 4/1974. Từ sau năm 1975, Việt Nam đã thực hiện 5 đợt tổng điều tra dân số vào các năm: 1979, 1989, 1999, 2009 và gần nhất là năm 2019. Ngoài các cuộc tổng điều tra dân số, dữ liệu dân cư còn được thu thập thông qua điều tra giữa kỳ. Các kết quả điều tra dân số quy mô đã góp phần cung cấp bức tranh tổng thể về tình hình cơ cấu dân số, biến động dân số ở thời điểm điều tra cũng như những phát hiện mới về biến động dân cư, dự báo được những xu hướng và biến động dân số ngắn hạn, dài hạn.

Bên cạnh số liệu tổng hợp từ các cuộc tổng điều tra hay điều tra giữa kỳ, Tổng cục Thống kê cũng thực hiện công tác thống kê các chỉ số cơ bản của dân số toàn quốc cũng như phân theo khu vực, tỉnh/thành phố. Kết quả phân tích các chỉ số cơ bản này được thống kê theo năm và cập nhật hàng năm, do vậy rất có ý nghĩa đối với nhà quản lý các cấp trong việc phân tích dự báo và vận dụng trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cập nhật của tổng cục thống kê đến nay cũng đã được công bố công khai thông qua hình thức trực tuyến, do vậy việc tiếp cận thông tin cập nhật trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều. Đây là những căn cứ cơ bản để từng địa phương xác định được những cơ hội và thách thức của vấn đề dân số, lồng ghép dân số vào chiến lược phát triển KT-XH của địa phương.

 

Thứ ba, các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược dân số trong từng giai đoạn của Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Nghị quyết 47 về công tác dân số ban hành trong bối cảnh mức sinh của Việt Nam đã giảm nhưng chưa đạt được mức sinh thay thế bền vững. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết mặc dù trong một số trường hợp không sử dụng thuật ngữ "phát triển bền vững", tuy nhiên bên cạnh mục tiêu chỉ đạo về cần đạt được quy mô dân số ổn định, nhanh chóng đạt mức sinh thay thế thì mục tiêu thứ 2 đưa ra định hướng về nâng cao chất lượng dân số cần đạt được song hành với mục tiêu về số lượng: "Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"[8].

Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, quan điểm chỉ đạo đưa ra đã khẳng định rõ mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, cụ thể được đề cập đến trong quan điểm chỉ đạo như sau: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững"[9].

Trên cơ sở các Nghị quyết, Chiến lược Dân số quốc gia cho từng giai đoạn được xây dựng, xác định rõ ràng quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp; tổ chức thực hiện với sự tham gia của nhiều bộ ban ngành nhằm cùng lồng ghép và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đặt ra nhằm đạt được mục tiêu hướng đến phát triển bền vững không chỉ ở quy mô, chất lượng dân cư mà còn hướng đến bền vững về môi trường, xã hội như đã đề cập trong phân tích phần trên..

 

Thứ tư, các chương trình, chính sách dân số có tính đến điều kiện, hoàn cảnh mới, có sự điều chỉnh linh hoạt trong các bối cảnh khác nhau

Giai đoạn từ 1991 - 2000, khi mức sinh ở Việt Nam còn cao và chưa đạt mức sinh thay thế, quy mô dân số lớn, lúc này ưu tiên hàng đầu là phải phấn đấu đạt mức sinh thay thế để ổn định quy mô dân số, không tác động hay làm tổn hại đến thành quả kinh tế đang từng bước gây dựng. Với mục tiêu như vậy, văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã xác định mục tiêu cơ bản: "giảm tốc độ gia tăng dân số là một quốc sách, phải trở thành cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân" là hoàn toàn đúng hướng.

Từ năm 2000 đến năm 2010, khi mức sinh bắt đầu giảm hướng đến đạt được mức sinh thay thế, mục tiêu dân số hướng đến đã được điều chỉnh, không chỉ nhấn mạnh đến mục tiêu về "số lượng" duy trì mức sinh thay thế và ổn định quy mô dân số mà đã chuyển hướng nhấn mạnh đến mục tiêu về chất lượng, như Nghi quyết đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra: "Chính sách dân số chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực"[10]. Mục tiêu dân số cụ thể được xác định song hành giữa giảm quy mô dân số và chất lượng dân số: "Duy trì xu thế giảm sinh một cách vững chắc để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005, ở vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010 để quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bố dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2010; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình tiên tiến thế giới vào năm 2010". Đây cũng là giai đoạn bắt đầu có sự chuyển hướng từ "Dân số - KHHGĐ" sang định hướng "Dân số & chăm sóc Sức khoẻ sinh sản" và "Dân số & phát triển".

Đến giai đoạn 2011 - 2020, mức sinh thay thế đã được duy trì vững chắc, là thời điểm Việt Nam hướng đến đặt trọng tâm giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số bên cạnh mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Đây cũng là giai đoạn trọng tâm chuyển hướng từ DS- KHHGĐ sang chăm sóc SKSS. Chiến lược đưa ra hai giai đoạn cụ thể thực hiện, giai đoạn 1 từ 2011 - 2015, giai đoạn 2 từ 2016 - 2020, trong đó giai đoạn 2 sẽ được triển khai trên cơ sở có sự đánh giá kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc của giai đoạn 1. Để thực hiện chiến lược dân số trong cả 2 giai đoạn, 13 dự án dân số và phát triển đã được xây dựng nhằm hỗ trợ quá trình thực hiện các mục tiêu cụ thể đã đặt ra. Cũng vào năm 2017, trong bối cảnh xuất hiện một số những thách thức mới về dân số, Nghị quyết 21 đã kịp thời được ban hành nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững.

Tiếp tục triển khai tinh thần chỉ đạo Nghị quyết 21, Chiến lược dân số đến năm 2030, trong đó tiếp tục nỗ lực chuyển trọng tâm sang thực hiện mục tiêu dân số đặt trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng. Với 8 mục tiêu thì trong đó có 7 mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng dân cư, đặc biệt giải quyết những thách thức dân số mới có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: già hoá dân số, mất cân bằng giới tính sau sinh.

 

Thứ năm, quá trình thực thi chính sách, chiến lược dân số - phát triển trong 10 năm qua nước ta không chỉ đạt được mục tiêu đặt ra mà còn hướng đến các mục tiêu phát triển xã hội bền vững khác

Qua đánh giá việc thực thi chính sách, chiến lược giải quyết vấn đề dân số trong mẫu nghiên cứu thực hiện tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, kết quả cho thấy không chỉ đạt được mục tiêu đề ra mà còn đạt được các kết quả phát triển bền vững khác. Cụ thể đề cập trong bảng đánh giá dưới đây với 8 tiêu chí đánh giá về mức độ đạt được mục tiêu và mức độ bền vững về xã hội, môi trường trong quá trình thực thi chính sách, chiến lược dân số:

 

Bảng 1: Điểm số dánh giá kết quả thực hiện chính sách, chiến lược dân số & phát triển từ hướng tiếp cận QLPTXH bền vững[11]

Chính sách &chiến lược giải quyết vấn đề dân số

Điểm số phù hợp với thang điểm chạy từ 1 đến 3, tương ứng: 3 điểm = tốt; 2= trung bình/bình thường; 1 = chưa tốt

Chung

Hà Nội

Hải Phòng

Bắc Ninh

Hà Tĩnh

1.Đạt mục tiêu đề ra

2,29

2,19

2,29

2,50

2,24

2.Khả năng duy trì bền vững kết quả

2,28

2,45

2,21

2,29

2,16

3.Mức độ hài lòng của người dân

2,14

2,01

2,19

2,24

2,16

4.Lấy giá trị con người làm trung tâm

2,23

2,18

2,24

2,33

2,19

5.Tạo dựng niềm tin người dân

2,2

2,08

2,23

2,38

2,18

6. Tạo dựng công bằng, bình đẳng

2,17

2,07

2,22

2,24

2,17

7.Phù hợp bản sắc văn hoá địa phương

2,21

2,11

2,21

2,33

2,22

8.Hướng đến bảo vệ môi trường

2,28

2,18

2,34

2,38

2,25

 

Kết quả đánh giá ở bảng trên cho thấy cả 8 tiêu chí đều đạt trên 2,1 điểm, tương ứng với mức trên trung bình, và sự chênh lệch về điểm số đánh giá các tiêu chí thể hiện quá trình quản lý và kết quả quản lý hướng đến phát triển bền vững là không đáng kể. Ví dụ điểm số đánh giá về kết quả đạt được ở mức 2,29 điểm/3 điểm thì điểm số đánh giá về khả năng duy trì kết quả là 2,28 điểm, chính sách phát triển dân số có tính đến các vấn đề, mục tiêu bảo vệ môi trường đạt 2,28 điểm, chính sách, chiến lược dân số lấy giá trị con người làm trung tâm đạt điểm số trung bình 2,23 điểm/ 3 điểm. Trong 4 tỉnh/thành phố khảo sát, cán bộ tỉnh Bắc Ninh có xu hướng đánh giá tích cực đối với các tiêu chí về quá trình triển khai và kết quả đạt được của QLPTXH bền vững trong lĩnh vực dân số: 7/8 tiêu chí đạt điểm trung bình cao hơn các tỉnh/thành phố còn lại. Về cơ bản, tuy kết quả tự đánh giá của đội ngũ cán bộ quản lý về các tiêu chí bền vững không đạt điểm số tuyệt đối, nhưng đều đạt điểm số trung bình trên mức khá, có một số tiêu chí đạt điểm số trung bình ở mức gần 2,3/3 điểm, nó cũng cho thấy để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong quản lý dân số tại mỗi địa phương rất cần có những giải pháp hiệu quả mang tính đột phá trong giai đoạn tiếp theo. Và có thể xem đây là một phần hạn chế của công tác dân số & phát triển trong giai đoạn vừa qua, cần có những giải pháp khắc phục hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững xã hội khác chứ không chỉ đạt mục tiêu về lượng (mức sinh) như trước đây nữa.

Như vậy, công tác dân số tại Việt nam có thể nhìn nhận là một trong những lĩnh vực tương đối thành công nhìn từ góc độ phát triển bền vững, có chiến lược tổng thể cho từng giai đoạn, có sự điều chỉnh linh hoạt mục tiêu của từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đồng thời luôn được lồng ghép vào các mục tiêu phát triển của quốc gia, tỉnh/thành phố.

 

 

                                                                               PGS,TS Đặng Thị Ánh Tuyết,Học viện CTQG Hồ Chí Minh

TS Đinh Quang Hà, Học viện Cảnh sát Nhân dân

S Dương Thị Thu Hương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Nguyên Anh, 2015, Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên, Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, KHCN-TN3/11-15.
  2. Ban Chấp hành Trung ương (2012), Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020
  3. Thủ tướng Chính phủ, 2019, Phê duyệt chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 1679/QĐ-TTg, tại trang: https://luatvietnam.vn/chinh-sach/quyet-dinh-1679-qd-ttg-2019-chien-luoc-dan-so-viet-nam-den-nam-2030-178540-d1.html
  4. Thủ tướng Chính phủ, 2020, Quyết định số 537/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, tại trang: https://luatvietnam.vn/thong-tin/quyet-dinh-537-qd-ttg-phe-duyet-chuong-trinh-truyen-thong-dan-so-den-nam-2030-182649-d1.html
  5. UNDP (2009), Rà soát tổng quan các chương trình, dự án giảm nghèo ở Việt Nam. Hà Nội.
  6. UNDP (2018), Kết qu điu tra ch s qun tr và hiu qu hành chính sách cp tnh năm 2018, Hà Nội.
  7. UNDP (2020), Kết quả điều tra chỉ số quản trị và hiệu quả hành chính sách cấp tỉnh năm 2019, Hà Nội.
  8. World Bank, Migration, Poverty and Remittances - Fact book. Washington DC, 2008.
  9. World Bank. Attacking Poverty.Vietnam Development Report. Joint Report of the Government of Vietnam-Donor-NGO Poverty Working Group. World Bank, Ha Noi, 2008.
  10. World Bank. Social Development Report 2008: Getting migration to work effectively for Vietnam. Hanoi, 2009.
  11. World Population Prospects The 2017 Revision (Triển vọng dân số thế giới 2017),
  12. UNFPA, Population – Key to Sustainable Development. New York 2012.
  13. UNFPA, Population – Key to Sustainable Development. New York 2012.

 



 

[1] Đặng Nguyên Anh: Dân số và Di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên; tr.22

[2] Đặng Nguyên Anh: Dân số và Di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên; tr.38

 

3] SĐD, Đặng Nguyên Anh, 2015, tr. 39.

[4] Ban chấp hành Trung ương, 2017, Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới

[5] Thủ tướng Chính phủ, 2019, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 l

[6] Ban chấp hành Trung ương, 2017, Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, tại trang: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-21-NQ-TW-2017-cong-tac-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-366175.aspx

[7] Thủ tướng Chính phủ, 2019, Quyết định 1679/QĐ - TTg Phê duyệt chiến lược dân số đến năm 2030, tại trang: https://luatvietnam.vn/chinh-sach/quyet-dinh-1679-qd-ttg-2019-chien-luoc-dan-so-viet-nam-den-nam-2030-178540-d1.html

[8] Ban chấp hành Trung ương, 2005, Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, tại trang: https://luatvietnam.vn/chinh-sach/quyet-dinh-1679-qd-ttg-2019-chien-luoc-dan-so-viet-nam-den-nam-2030-178540-d1.html

[9] Ban chấp hành Trung ương, 2017, Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, tại trang: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-21-NQ-TW-2017-cong-tac-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-366175.aspx

[10] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, NXB chính trị quốc gia, Năm 2001, Trang 107

[11] Dặng Thị Ánh Tuyết (2021), Đề tài khoa học cấp Bộ “Quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam trong điều kiện mới”. Mã số: B.20-26 do chủ nhiệm.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết