Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Một số vấn đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay

Ngày phát hành: 31/07/2021 Lượt xem 15286

 

Ảnh minh họa

 

Từ xa xưa, tư tưởng học thuyết nho giáo của Khổng Tử là ”Làm gì muốn thành công cũng phải có chính danh (lẽ phải), phải biết chọn người hiền tài giúp việc, phải thu phục lòng người, phải đúng đạo và phải tiết kiệm”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là“không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Theo Người, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định”.

Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, đó là :“Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.

 

Tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian vừa qua

Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định : “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”[1].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “những kết quả cụ thể, rõ rệt”[2] khi đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ rõ : “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.”[3]

 

Tình hình, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do thiên tai, dịch bệnh, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH), góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (có 10/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch[4]; 02/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch[5]). Nhiều bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp nhà nước báo cáo có đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí[6].

Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai chủ động, kịp thời, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Đất đai, tài nguyên khoáng sản từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc đóng góp cho NSNN và nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực[7].

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vẫn còn những yếu kém cần khắc phục, như là: (1) Vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chất lượng báo cáo còn bất cập. (2) Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. (3) Việc quản lý, sử dụng NSNN còn một số bất cập, gây lãng phí. (4) Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn lãng phí. (5) Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều. (6) Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đúng tiến độ. (7) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của nhân dân và một số lĩnh vực khác còn một số hạn chế, bất cập[8]...

Hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và đó cũng là những vấn đề đặt ra hiện nay : (1) công tác triển khai chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; (2) việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; (3) nhận thức việc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,...[9].

 

Nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”; đề ra trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021 là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới; phát triển nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các ngành chế biến, chế tạo; tháo gỡ khó khăn, khôi phục các hoạt động dịch vụ,... để phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế cao; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, cấp bách; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, với mục tiêu thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống KTXH, góp phần tạo nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH năm 2021. Những nội dung chủ yếu của Chương trình như sau:

Nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự xã hội, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt các mục tiêu KTXH được Quốc hội thông qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNNN, mở rộng cơ sở thuế, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; công khai, minh bạch, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, kém hiệu quả; ưu tiên các khoản chi theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2021.

Việc thực hiện huy động, quản lý và sử dụng vốn vay phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng trong từng thời kỳ. Rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, bố trí dự toán chi NSNN từ nguồn vốn trên cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ và khả năng đáp ứng nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng, năng lực của chủ đầu tư. Không bố trí vốn vay cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phấn đấu huy động tổng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%.

Đẩy mạnh kế hoạch giải ngân gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KTXH, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển KTXH, giảm thiểu rủi ro tài khóa.

Tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.

Giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các hoạt động, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.

Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: (1) Tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi NSNN gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan. Quản lý chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. (2) Phổ biến, tuyên truyền và triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Quản lý nợ công; quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để giảm thiểu chi phí vay. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong nợ công để phục vụ công tác quản lý. (3) Hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công; xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản công. Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền. (4) Tăng cường vai trò các cơ quan quản lý nhà nước ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực và thực hiện của dự án. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công. Phân bổ vốn đầu tư công phải đảm bảo thời gian theo quy định; rà soát, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. (5) Đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN và phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội. (6) Đẩy mạnh rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN; cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu. (7) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Thực hiện điều tiết một cách hợp lý giá trị tăng thêm từ đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại. Khai thác quỹ đất đai bên đường khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách hiệu quả, tiết kiệm. (8) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý theo quy định pháp luật về kinh doanh. Ban hành quy định hướng dẫn việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (9) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 18/NQ-TW, Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ và trong bổ nhiệm, đề bạt tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức để thu hút được người có năng lực, trình độ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao, công khai thông tin về nợ công và các nội dung đầu tư công theo quy định pháp luật. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, đoàn thể trong mỗi cơ quan, đơn vị để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: quản lý, sử dụng đất đai; các dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, nhà công vụ; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc, thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh do NSNN cấp kinh phí; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết; hiện đại hóa quản lý hành chính, hoàn thiện, đẩy mạnh hoạt động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí[10].

 

Đề xuất, kiến nghị

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra cần lưu ý một số nội dung sau:

- Về nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn hiện nay: Cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục sớm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Về việc tổng hợp, xây dựng Báo cáo: Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm cần được rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng lĩnh vực theo từng chỉ tiêu, bảo đảm tính đầy đủ, bao quát, toàn diện; các nhận định, đánh giá phải được thể hiện qua các số liệu, dẫn chứng cụ thể, phải nêu rõ các bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục.

- Về công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Về việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tiếp tục chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân,...); trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công; trong việc triển khai các dự BT dở dang được tiếp tục thực hiện; trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đồng thời cần xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy hành chính. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý theo kết quả đầu ra đối với một số lĩnh vực; ban hành đầy đủ, phù hợp thực tiễn khuôn khổ pháp lý để thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tiết kiệm và mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

- Về cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp: Đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại theo hướng tiếp tục giảm các DNNN ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN giai đoạn tới. Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân người đứng đầu chậm triển khai quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.

- Về quản lý, sử dụng NSNN: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, đề cao vai trò người đứng đầu, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ chế sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi trong Kho bạc nhà nước với phát hành trái phiếu, tiền gửi của NSNN tại Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại; rà soát lại việc tiếp tục phát hành trái phiếu, vay vốn trong khi tiến độ giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp; làm rõ trách nhiệm, có chế tài để xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm.

- Về công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, báo cáo về tình hình thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phòng chống Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lợi dụng chính sách đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

- Về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản : Tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Rà soát, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa đất chưa sử dụng, đất đai sử dụng không đúng mục đích, các dự án treo,... để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với nguồn tài nguyên đất đai.

- Về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí[11].

- Về giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021: Chính phủ cần bổ sung thêm:

Một là, nhóm giải pháp thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII[12], các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là: (1) Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (2) Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; (3) Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Hai là, nhóm giải pháp khắc phục tình trạng đối tượng phạm tội gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước bỏ trốn[13]. Người phạm tội bỏ trốn trước hết là gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án, người phạm tội không bị trừng phạt và những tài sản bị thất thoát do tham nhũng, do phạm tội mà có, không thể thu hồi được. Theo Bộ Công an, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có hơn 1.200 người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng[14]. Vì vậy, ngăn chặn tội phạm trốn ra nước ngoài là vấn đề lớn hiện nay đặt ra cho công tác phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, lãng phí nói riêng.

Ba là, nhóm giải pháp kết hợp đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh việc lợi dụng lãng phí để tham nhũng và cũng tránh tham nhũng gây ra lãng phí[15]. Tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản bị thất thoát, bị thiệt hại. Chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, lãng phí cao như lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản và thuế.

Đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị trong việc quản lý tài sản công, đầu tư công; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; làm rõ trách nhiệm, có chế tài để xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm. Cần có biện pháp và giải pháp cụ thể không để đối tượng lợi dụng việc triển khai các dự án liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công, nhận hối lộ, thông đồng, móc ngoặc từ khâu tổ chức đấu thầu đến thi công, nghiệm thu hạng mục công trình; cấu kết, móc ngoặc với các đối tượng ngoài xã hội để thao túng hoạt động mua bán, đấu giá đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước[16].

Tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản[17]. Ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động sản xuất, kinh doanh mà bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép để phục vụ mục đích trốn thuế hoặc lợi dụng kẽ hở trong khai báo hải quan, nâng khống giá trị xuất khẩu hàng hóa lên nhiều lần để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra chuyên ngành[18]./.

 

TS. Nguyễn Hồng Sơn

Thư ký khoa học, Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương

 



[1] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà Xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội – 2014; tr27.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2021; tr22. 

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2021; tr92-93.   

[4] Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 3,23% (kế hoạch dưới 4%); Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 7% (kế hoạch khoảng 7%); Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu: xuất siêu 7,1% (kế hoạch dưới 3%); Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so GDP 34,4% (kế hoạch 33%-34%); Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 1-1,5% (kế hoạch 1-1,5%), trong đó: giảm tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo lớn hơn 5% (kế hoạch 4%); Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị 3,88% (kế hoạch dưới 4%); Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 28 giường bệnh (kế hoạch 28 giường bệnh); Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 90,85% (kế hoạch 90,7%); Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 90% (kế hoạch 90%); Tỉ lệ che phủ rừng 42% (kế hoạch 42%). Nguồn: Báo cáo số 82/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020.

[5] Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2,91% (kế hoạch khoảng 6,8%); Tỉ lệ lao động qua đào tạo 64,5% (kế hoạch 65%), trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ 24,5% (kế hoạch 25%). Nguồn: Báo cáo số 82/BC-CP ngày 22/3/2021 của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

[6] Chính phủ (2021), Báo cáo số 221/BC-CP ngày 08/7/2021 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.

[7] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

[8] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

[9] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

[10] Chính phủ (2021), Báo cáo số 221/BC-CP ngày 08//7/2021 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020.

[11] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21/ 7/2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I), Nhà Xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội – 2021; tr194-195.

[13] Bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại Việt Nam...

[14] https://phaply.net.vn/ngan-chan-toi-pham-bo-tron-ra-nuoc-ngoai-van-de-lon-hien-nay-a211496.html

[15] Thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm qua cho thấy, không ít vụ án tham nhũng dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước như: (i) Vụ các đối tượng tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình “lạm quyền” trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường thay đổi kết quả các dự án đấu thầu đất đai để trục lợi[15]... (ii) Vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật Bản) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế. (iii) Vụ Thanh tra thuế ở Chi cục thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa. (iv) Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng ở Bình Dương gây thiệt hại 67 tỷ đồng.

[16]Điển hình vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đến nay đã khởi tố 19 bị can nguyên là Giám đốc các doanh nghiệp và lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Vụ vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí 141 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần vận tải và thương mại Veam ở số 2 Triệu Quốc Đạt, Trần Hưng Đạo, Hà Nội; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty tài chính cao su, Công ty Minh Hằng ở Bình Dương gây thiệt hại 67 tỷ đồng, vụ các đối tượng tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình “lạm quyền” trong việc giúp vợ chồng Nguyễn Xuân Đường thay đổi kết quả các dự án đấu thầu đất đai để trục lợi;...

[17] Ủy ban Tài chính, Ngân sách (2021), Báo cáo số 09/BC-UBTCNS15 ngày 21/ 7/ 2021 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

[18] Như: Vụ Thanh tra thuế ở Chi cục thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa; Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Đắc Lắk yêu cầu nhân viên trường THCS Krông Năng đưa hối lộ 150 triệu đồng…

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết