Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Những xu hướng mới của kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam (Phần 1)

Ngày phát hành: 07/10/2020 Lượt xem 13132

 

Bối cảnh kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Sự suy yếu của các nền kinh tế phát triển và sự nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển đang tạo ra một trật tự kinh tế thế giới mới. Quá trình toàn cầu hóa đang gặp trở ngại do ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy. Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống… sẽ ngày càng gia tăng và gây những hậu quả sâu sắc đến kinh tế thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những biến đổi chưa từng thấy tới nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn do tính chất chu kỳ, đồng thời mô hình phát triển mới của kinh tế thế giới được hình thành dưới những tác động từ cuộc khủng hoảng 2008 và đặc biêt là tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay gây ra.

Bài viết này sẽ phân tích những xu hướng mới của kinh tế thế giới trong thập niên tới và những tác động tới Việt Nam.

 

                              Thế giới và Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề lớn. Nguồn: internet

 

I. Những xu hướng chủ yếu kinh tế thế giới đến năm 2030

 

1. Trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sự khó khăn của EU do vấn đề Brexit hay sự kiện Nhật Bản xung đột thương mại với Hàn Quốc là những biểu hiện cho thấy sự suy yếu các cường quốc kinh tế trước sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi. Trong khi Mỹ xem xét lại thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác, rút khỏi Hiệp định thương mại TPP thì Trung Quốc đang giương cao ngọn cờ toàn cầu hóa kinh tế với chiến lược "Vành đai con đường" và thúc đấy ký kết Hiệp định RCEP. Theo dự báo, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu và một nửa sản lượng toàn cầu và sẽ là những điểm đến chính của thương mại thế giới.

 Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên phức tạp hơn xoay quanh quyền chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu, vấn đề môi trường khí hậu, năng lượng, tài chính và thương mại v.v… Giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn vẫn duy trì trạng thái "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" theo phương châm: đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu trực tiếp, hòa hoãn nhưng tránh sa vào liên minh chống nước khác.

Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt. Nguy cơ chiến tranh thế giới là ít xảy ra song các cuộc chiến tranh sắc tộc, xung đột tôn giáo và vấn nạn khủng bố quốc tế vẫn tiếp tục xảy ra dưới những hình thức tinh vi hơn. Vì vậy, dù mỗi dân tộc có con đường khác nhau để đi đến sự phát triển đều muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, cục diện kinh tế và chính trị thế giới diễn ra những dịch chuyển lớn về tương quan sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia.[1] Báo cáo “Các xu thế toàn cầu 2025: Một thế giới biến đổi” của Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ năm 2008 đã mô tả hệ thống quốc tế của năm 2025 sẽ là một hệ thống đa cực mang tính toàn cầu. Cục diện đa cực được thể hiện qua các đặc điểm như: “đa cực hóa cân bằng”, “đa cực hóa phi đối xứng”, “đa cực hóa dựa vào nhau” và “thế giới vô cực” (National Intelligence Council, 2008). Nhiều quan điểm cũng đã đề cập đến một “thế giới đa cực hóa về kinh tế” trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (Calhoun và Georgi, 2011), thậm chí, còn đưa ra nhiều kịch bản khác nhau như quan điểm về ba cực Trung-Mỹ- EU, Trung-Mỹ-Ấn, Trung-Nga-Ấn, “3 thế giới” mới, cục diện “các cường quốc già cỗi và các cường quốc mới trỗi dậy khó phân cao thấp”, thế giới “G-0”…(Calleo David, 2009). Tuy nhiên, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các cường quốc sẽ thay đổi khó lường; những quá trình dịch chuyển nói trên có thể chững lại, thậm chí đảo chiều.

Tóm lại, trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi. Các chuyên gia bắt đầu nhắc đến nhóm E7 (Emerging 7) với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế cho nhóm G7  bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hình thành của trật tự kinh tế thế giới mới sẽ kéo theo những thay đổi lớn đối với hệ thống kinh tế thế giới như các luật lệ kinh tế quốc tế mới, sự hình thành nên các trung tâm tài chính mới hay các thị trường hàng hóa mới trên quy mô toàn cầu.

 

 2. Toàn cầu hóa biến đổi với diện mạo mới, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại

Ở một số nước phát triển, quá trình toàn cầu hóa được nhìn nhận là đã đi quá xa và quá nhanh, là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, gây ra sự phân cực trong xã hội của các quốc gia này[2]. Điều này dẫn đến sự đòi hỏi ngày một gia tăng của cử tri ở một số nước phát triển về việc cần phải điều chỉnh quá trình này, với kết quả là xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số cường quốc trên thế giới. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các dòng thương mại hàng hóa và đầu tư có nguy cơ suy giảm. Quá trình toàn cầu hóa và mở cửa nền kinh tế theo cách thức truyền thống đang được đánh giá lại trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, xét trong dài hạn, cần phải khẳng định rằng bất chấp những khó khăn cản trở, xu hướng toàn cầu hóa vẫn đang phát triển và làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội theo chiều hướng tích cực, nhất là ở những nền kinh tế đang phát triển. Xu hướng toàn cầu hóa có thể không phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng như giai đoạn trước mà đi vào chiều sâu, thể hiện qua việc ký kết những FTA thế hệ mới hay sự liên thông ngày càng cao của các thị trường tài chính toàn cầu.

Khái niệm Toàn cầu hóa 4.0 lần đầu tiên cũng được đề cập tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sỹ) tháng 1/2019. Chủ đề của Hội nghị lần này là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. WEF nhận định toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đặc trưng bởi các tiến bộ công nghệ đang tạo ra đột phá với tốc độ chưa từng có. Những chuyển biến này đang thay đổi cách các cá nhân, chính phủ và công ty tương tác với nhau, đồng thời, thay đổi cả thế giới. Tất cả trở thành một thế giới phẳng, nhưng ở góc độ nào đó, toàn cầu hóa lại đang tồn tại những bất cập nhất định.

Gọi toàn cầu hóa 4.0 thực chất là để chỉ xu hướng toàn cầu hóa mới dựa trên những đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, cũng có thể đánh giá một cách tương đối đây là lần thứ tư xu hướng toàn cầu hóa có sự thay đổi bước ngoặt. Toàn cầu hóa 4.0 sẽ biến đổi quá trình toàn cầu hóa sang giai đoạn mới với những thay đổi sâu sắc và toàn diện hơn, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những công nghệ với tốc độ và quy mô chưa từng có.

Toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định: "Toàn cầu hóa sản sinh ra kẻ thắng, người thua và không có thêm nhiều người thắng trong khoảng 24, 25, 30 năm qua song chúng ta phải 'chăm sóc' những người thua cuộc sau khi họ bị bỏ lại phía sau".[3] Vì vậy, toàn cầu hóa bao trùm phải trở thành một mục tiêu cơ bản của xu hướng toàn cầu hóa trong bối cảnh mới.

Xét trong ngắn hạn, sau một thời gian tăng trưởng nhanh, với tăng trưởng nóng trong thập niên 2000, nền kinh tế toàn cầu đã chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng chậm hơn, song lạm phát cũng giảm tốc. Sự điều chỉnh rõ rệt nhất diễn ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, hiện tượng này vẫn tiếp tục trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại gia tăng.

Bản chất của hiện tượng này được cho là xuất phát từ vấn đề phát triển theo tính chất chu kỳ của kinh tế thế giới. Các nhân tố làm nên sự phát triển nhanh của kinh tế thế giới trong chu kỳ vừa qua như toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại thông qua ký kết các hiệp định tự do thương mại, sự mở rộng của các chuỗi sản xuất toàn cầu... đều đã tới hạn. Kinh tế thế giới đang chững lại để chờ sự đột phá mới của lực lượng sản xuất, dự kiến xuất phát từ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, còn phải kể đến những vấn đề khác có khả năng gây ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu như cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung hay nguy cơ xung đột địa chính trị tại các khu vực trên thế giới.

Sau khủng hoảng 2008, kỷ nguyên của thị trường tự do đã thay đổi. Mô hình thị trường tự do đang đòi hỏi sự gia tăng trở lại vai trò điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế. Sự gia tăng vai trò điều tiết của nhà nước, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng sẽ tạo ra những cản trở đáng kế đối với xu hướng tự do hoá và toàn cầu hoá kinh tế. Kể từ sau khủng hoảng, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng khiến cho thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Nhiều nước áp dụng chính sách kích thích cầu trong nước, kích thích sản xuất trong nước để bù đắp lại những mất mát về cầu nước ngoài do khủng hoảng xảy ra.

Xu hướng bảo hộ, co cụm xuất hiện ngay cả ở những nền kinh tế lớn như Anh thể hiện qua sự kiện Brexit hay như Mỹ với những tuyên bố chính sách kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Do thiếu sự quan tâm của Mỹ, quá trình toàn cầu hóa sẽ trở nên thiếu dẫn dắt, thiếu phối hợp và ít gắn kết hơn. Trong khi đó, các nước mới nổi như Trung Quốc tuy muốn đóng vai trò chủ động, tích cực hơn vẫn chưa có đủ sức mạnh và uy tín để thiết kế những luật chơi mới được nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Các thể chế quốc tế cũng bộc lộ rõ hơn những hạn chế của mình: WTO vẫn chưa thể kết thúc vòng đàm phán Đôha do sự bất đồng về lợi ích thương mại giữa các nhóm nước và giữa những nền kinh tế lớn; IMF khó khăn trong việc ngăn chặn các cuộc khủng hoảng; các thoả thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu dù có đạt được một số tiến bộ trong thời gian gần đây sẽ khó có thể cụ thể hoá và thiếu nguồn lực triển khai...

Sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ chính là dấu hiệu của việc điều chỉnh mô hình phát triển của các nền kinh tế, dự báo sẽ làm thay đổi phương hướng phát triển của kinh tế thế giới. Ví dụ trong giai đoạn hiện nay, Mỹ là cường quốc đang thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, mặc dù vẫn giữ cam kết về thương mại tự do nhưng với điều kiện phải có sự “công bằng”. Mỹ kiên quyết sẽ không đánh đổi lợi ích quốc gia để hệ thống tự do thương mại ảnh hưởng tới doanh nghiệp và việc làm của Mỹ. Trong nửa đầu năm 2018, Mỹ đã đưa ra hai chính sách lớn đề cao chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump đó là giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp Mỹ và tăng rào cản thương mại với hàng nhập khẩu từ các nước nhằm thu hút đầu tư, tăng việc làm trong nội bộ nước Mỹ.

 

3. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tạo ra những thay đổi lớn đến kinh tế thế giới[4]

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng, đặc biệt với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robots, internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3 chiều (hay còn gọi là công nghệ chế tạo đắp dần), công nghệ nano, công nghệ sinh học, cơ sở dữ liệu lớn...Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm, sản xuất và các quan hệ chính trị - xã hội. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Tốc độ phát triển của những đột phá trong cách mạng công nghiệp lần này là không có tiền lệ trong lịch sử[5]. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở qui mô lớn các sản phẩm trên phạm vi toàn cầu được rút ngắn đáng kể. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như kể trên với tốc độ rất nhanh, tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Nhờ vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp – toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia.

Ngoài ra, CMCN 4.0 đang tạo ra sự điều chỉnh lớn của nền kinh tế thế giới: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp: doanh nghiệp có những công nghệ mới sẽ tăng trưởng nhanh, các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ sẽ bị thu hẹp, kể cả đào thải. Những thành quả công nghệ sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới: các quốc gia dựa vào khai thác tài nguyên sẽ suy giảm, các quốc gia dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ gia tăng sức mạnh.

 

4. Biến đổi khí hậu và sự bùng nổ của đại dịch COVID-19

Thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều những thảm họa thiên tai khó lường và hết sức nguy hiểm. Biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng, có thể làm đảo lộn những tiến bộ xã hội - kinh tế mà thế giới đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua. Nó làm cho xung đột xuất hiện nhiều hơn bởi làn sóng người dân rời khỏi các khu vực bị hạn hán, hoặc bị nước biển dâng cao sẽ đe dọa sự ổn định của các lãnh thổ còn lại. Một số chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu có thể cản trở quá trình toàn cầu hóa, khi các quốc gia sẽ chuyển sang xu thế hướng nội để bảo tồn các nguồn tài nguyên khan hiếm. Những thay đổi không cân bằng và rủi ro trên sẽ có chiều hướng gia tăng mạnh và ngày càng trở thành vấn đề chung của toàn cầu.

Nguy cơ về biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh thực hiện những mô hình phát triển mới, thích ứng với những thay đổi về môi trường như tăng trưởng xanh. Những nền kinh tế chuyển đổi thành công sang mô hình mới này sẽ có nhiều dư địa phát triển và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; ngược lại, những nền kinh tế chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nước sẽ tuỳ vào điều kiện và lợi thế của mình để lựa chọn những chiến lược, những ngành phát triển phù hợp.

Năm 2020 chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19, đây là cú sốc mang tính toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các trung tâm của chuỗi, các quốc gia chịu tác động nặng nề cũng đồng thời là các trung tâm của mạng sản xuất toàn cầu. Khi đại dịch bùng nổ, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất tạm dừng lại. Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại, từ đó làm suy giảm tăng trưởng nền kinh tế thế giới nói chung và nhiều quốc gia, khu vực nói riêng.

Do tác động của COVID-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu năm 2020 được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá sẽ thu hẹp “từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD”. Theo dự báo của UNCTAD, năm 2021 dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm thêm 5-10% và có thể bắt đầu phục hồi từ năm 2022.[6] Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, khả năng dòng FDI phục hồi là rất khó khăn.

Thương mại toàn cầu gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng và dòng FDI toàn cầu cũng đang chịu tác động tiêu cực từ Đại dịch COVID-19. Vào ngày 4/8/2020, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã dự báo thương mại toàn cầu giảm 13% trong năm 2020. Cấu trúc sản xuất toàn cầu mang tính tập trung cao độ, một số trung tâm lớn trên thế giới cung ứng đầu vào, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu, vì thế cú sốc COVID-19 tác động đến các trung tâm sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, một số quốc gia chuyển sang “tự cung tự cấp” trong thời kỳ dịch bệnh như một biện pháp phản ứng trước đại dịch COVID-19 sẽ càng làm cho thương mại toàn cầu thêm tồi tệ.[7]

Đại dịch COVID-19 tác động đến hai trụ cột trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là thương mại và đầu tư, do đó cũng sẽ tác động làm suy giảm tăng trưởng sản lượng toàn cầu. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 24/6, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay [2020] ước giảm 4,9% (Hoài Hà, 2020). Dự báo của IMF trong tháng 4 vừa qua cũng phản ánh tình hình kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, tăng trưởng thế giới giảm 3%. Dự báo của Ngân hàng Thế giới cho nền kinh tế toàn cầu thậm chí còn tồi tệ hơn, cụ thể tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,2% năm 2020. Tăng trưởng kinh tế Mỹ được IMF dự báo giảm 8%, tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 10,5%, Nhật Bản giảm 5,8% và Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp 1%. Tăng trưởng kinh tế thế giới và tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam đều suy giảm sẽ tác động trực tiếp đến thương mại, đầu tư của nước ta.

Tác động của COVID-19 đến việc làm toàn cầu cũng rất mạnh mẽ. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (ILO), trong quý II/2020, “tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14%”, “tương đương 400 triệu lao động toàn thời gian”. Mức giảm việc làm toàn cầu còn mạnh hơn so với dự báo trước đó của ILO (Nhật Đăng, 2020). Suy giảm việc làm bên cạnh nguyên nhân sản xuất đi xuống, còn do việc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng tạo ra áp lực chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ hơn, đặc biệt việc áp dụng công nghệ mới từ cuộc cách mạng CN 4.0. Ví dụ, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh, giáo dục đào tạo v.v…đều tăng cường sử dụng hình thức trực tuyến. Điều đó cho thấy tiềm năng của mạng internet đã chưa được khai thác một cách đầy đủ từ trước đến nay. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đã có những phiên họp trực tuyến; Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vào những ngày tháng 6 và mới đây, Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN họp trực tuyến rất thành công. Nhiều trường học các cấp, nhiều cuộc họp trong và ngoài nước đã tiến hành trực tuyến. Điều này giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian đi lại cho mọi người. Tuy nhiên, thể chế đi liền với đó cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng trước quá trình chuyển đổi đó.

Đại dịch COVID-19 thực sự đã gây ra những tổn hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung, các quốc gia nói riêng. Cùng với các yếu tố khác, đại dịch đã làm cho kinh tế thế giới đi vào suy thoái và khủng hoảng sâu sắc, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, như công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Các vấn đề toàn cầu như thương mại, đầu tư, quan hệ quốc tế nói chung và cạnh tranh các nước đều bị ảnh hưởng. Cho đến nay, chưa có ai dự báo được đại dịch covid-19 sẽ kết thúc vào lúc nào. Vì vậy, sự thích ứng trong trạng thái bình thường mới là cần thiết đối với mọi quốc gia.

(Còn tiếp)

 

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn

Phó Chủ tịch HĐLLTW



[1] Năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Cùng với Trung Quốc là sự nổi lên của Ấn Độ, Nga, Braxin và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Braxin đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào cuối năm 2011. Thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Braxin (BRIC), sự mở rộng của khối này, kết nạp thêm Nam Phi để trở thành nhóm BRICS và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác

[2] Trong các báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thời gian gần đây, bất bình đẳng gia tăng là một trong những thách thức lớn nhất về kinh tế. Kể từ năm 2015, 1% dân số, những người giàu nhất thế giới, đã và đang sở hữu lượng tài sản lớn hơn lượng tài sản của phần còn lại của thế giới (Oxfam (2017). Trong giai đoạn 1980-2016, nhóm giàu nhất 1% hưởng lợi 27% từ tăng trưởng kinh tế, gấp đôi giá trị mà nhóm 50% nghèo nhất nhận được (Báo cáo bất bình đẳng toàn cầu năm 2018).

[3] Meredith, Sam (2019), “World leaders must identify an 'inclusive' approach to globalization at Davos, WEF founder says”, CNBC, truy cập ngày 14/2/2019 tại địa chỉ https://www.cnbc.com/2019/01/17/davos-wef-founder-says-world-leaders-must-identify-new-approach-to-globalization.html

[4] Phần này được thực hiện dựa trên báo cáo của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (2016), Một số đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tác động đến Việt Nam, Báo cáo chuyên đề, Hà Nội

[5] Để đo tốc độ lan truyền của công nghệ, một số chuyên gia sử dụng tiêu chí thời gian mà sản phẩm công nghệ đạt ngưỡng 50 triệu người sử dụng. Theo tiêu chí này, tốc độ lan truyền công nghệ tăng mạnh trong giai đoạn gần đây: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử sụng, điện thoại cần 75 nă, radio cần 38 năm, TV cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần 3,5 năm.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết