Thứ Hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024

Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở Việt Nam (phần 1)

Ngày phát hành: 12/04/2022 Lượt xem 3155

Bức tranh trồng cây gây rừng góp phần bảo vệ môi trường

 

1. Mở đầu

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò vô cùng to lớn, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, trải dài theo vĩ độ đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp đặc sắc. Chúng ta đã khai thác tốt lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển khá toàn diện, duy trì tăng trưởng, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, có lợi thế cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, giảm nghèo bền vững... có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực, đầu vào và tài nguyên cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Là quốc gia có đông dân số sinh sống và làm việc trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, xác định nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế trọng điểm, Đảng đã có nhiều chỉ đạo, lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xem là bước phát triển mới của Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết số 26 - NQ/ TW khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” có vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng, ngoài phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng,... bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong bối cảnh mới, Nghị quyết về “Tam nông” của Đảng đã bổ sung người nông dân - chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 được xem là cốt lõi của Nghị quyết.

Trên quan điểm về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, mục tiêu chính yếu cần nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; chủ động triển khai một bước các biện pháp thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn,...

Môi trường nông thôn được quan tâm nhiều hơn, đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội, sản xuất ngày càng hướng dần hơn đến bền vững, thuận thiên, bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, kinh tế nông thôn phát triển đa dạng, chuyển dần sang các hoạt động phi nông nghiệp, cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển những hình thức và quy mô sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị hàng hóa cao. Phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trên cơ sở có chọn lọc, loại bỏ dần các ngành, nghề ô nhiễm, không thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế dịch vụ và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên toàn cầu. Những tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khu vực nông nghiệp nông thôn hiện nay tăng trưởng chậm lại, chưa bền vững, nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, bảo quản chế biến kém, tổn thất trước, trong và sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn. Mặc dù, công tác phòng chống thiên tai đã được quan tâm và đầu tư, hiện đại hóa, chuyển dần sang chủ động phòng ngừa, song việc sản xuất hiện nay, đứng trên quan điểm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cùng với sản xuất theo chuỗi, sản xuất hàng hóa thì người nông dân nói riêng và nông thôn nói chung vẫn còn gặp nhiều rủi ro cần tiếp tục có các định hướng, chiến lược trong thời kỳ mới để bảo đảm tính bền vững.

 

2. Kết quả thực hiện nghị quyết TW-26 đối với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

 

2.1. Về công tác bảo vệ môi trường 

Trong hơn mười năm qua, môi trường nông nghiệp, nông thôn đã có những chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tích cực nhờ những định hướng chỉ đạo đúng đắn từ nghị quyết 26/NQ-TW “đã được cụ thể hóa và đi tới được người dân trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trong đó, đặc biệt là nội dung môi trường. Tính đến tháng 4 năm 2021, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên cả nước khoảng 5.248, chiếm 63,8% tổng số xã trên toàn quốc, vượt so với chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 26/NQ-TW, trong đó các tiêu chí môi trường luôn được chú trọng đánh giá. Có thể đúc rút được một số kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua như sau:

Thứ nhất, nhiều địa phương chủ động triển khai công tác chỉ đạo, điều hành trong xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định chuyên đề riêng về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành[1]; các Sở, ngành có liên quan phụ trách các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng đã cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn của Trung ương và đánh giá kết quả thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý chuyên ngành[2], cụ thể: 100% (63/63) địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường cấp xã, huyện; 51/63 địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao, 23/63 địa phương đã ban hành quy định, hướng dẫn về xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, từng địa phương. Nhiều đơn vị cấp huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện nội dung môi trường trong xây dựng nông thôn mới[3].

Thứ hai, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự thay đổi vượt bậc, từ phương thức quản lý, quy trình vận hành đến tỷ lệ thu gom và biện pháp xử lý. Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn theo quy định, còn lại 04 tỉnh, thành phố đang tổ chức lập, phê duyệt là TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai. Quy hoạch xử lý CTR (trong đó có hợp phần CTR nông thôn) cũng là một nội dung trong quy hoạch NTM. Đã có gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch NTM, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ[4]. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch xử lý rác thải tập trung cho khu vực nông thôn và đầu tư hệ thống xử lý chất thải cấp tỉnh, liên huyện. Các hình thức xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn phổ biến được sử dụng là chôn lấp, đốt, làm phân compost…trong đó, chôn lấp vẫn là giải pháp chủ yếu. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 66% hiện nay, nhiều địa phương ở cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90%. Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. Hầu hết các địa phương đều ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Thứ ba, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy định có sự tăng trưởng nhanh qua các giai đoạn, công tác xã hội hóa hoạt động cấp nước sạch nông thôn được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt chuẩn tăng mạnh, đến tháng 6/2019, cả nước có 56,69% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT (tăng khoảng 17,6%). Tỷ lệ này có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các tỉnh thuộc các khu vực.

Thứ tư, nhiều địa phương đã bước đầu xây dựng các hệ thống thu gom và các hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý nước thải sinh hoạt của các cụm dân cư, thôn xã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt như hồ, ao, kênh, rạch, sông, suối… trên địa bàn. Cả nước có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Ô nhiễm các làng nghề từng bước được khắc phục, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến hơn so với giai đoạn 2011-2015, 47/47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng được xác định theo Quyết định 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đã được quan tâm và có các giải pháp xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường, phần lớn các làng nghề này đều đã có hoặc đang kế hoạch để di dời các cơ sở sản xuất tới các cụm khu công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn. Việc đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại làng nghề đã được quan tâm, cải thiện; đến nay đã có 423/1.951 làng nghề có hệ thống xử lý chất thải, chiếm 21,7%, trong đó 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Thứ năm, công tác bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề được quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt; các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng được đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, khu chế xuất đã có chuyển biến và có kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, trên phạm vi cả nước, đã có 221/251 KCN, khu chế xuất (ngoài khu kinh tế) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt chỉ tiêu đề ra. Đối với các KCN còn lại, các cơ sở hoạt động trong KCN này đều có hệ thống xử lý nước thải theo cơ chế miễn trừ đấu nối bảo đảm yêu cầu về BVMT. Công tác BVMT tại các CCN đã được thực hiện và có bước chuyển biến rõ nét. Cả nước hiện có 669/807 CCN đi vào hoạt động với diện tích đất 21.616,5 ha, trong đó đã cho thuê 9.703 ha (tỷ lệ lấp đầy bình quân 58%), thu hút khoảng 9.818 dự án, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó  276 CCN có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 160 CCN có hệ thống tách nước mưa và nước thải; 109 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tử lệ 15,8%, tăng 58 cụm so với năm 2017 và tăng hơn 2 lần tỷ lệ CCN có HTXLNT tập trung so với năm 2015 (khoảng 6%); 10 CCN có hệ thống quan trắc tự động nước thải. Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ CCN có HTXLNT tập trung ít nhất (3%), nhiếu nhất là vùng Đông Nam Bộ (43%).[5] Chăn nuôi đã chuyển dịch từ nông hộ sang tập trung, dịch chuyển theo quy hoạch vùng; chất thải chăn nuôi hiện nay đã được quan tâm thu gom xử lý và bắt đầu hình thành thị trường trao đổi chất thải chăn nuôi theo hình thức hàng hóa. Các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề (và các đối tượng không phải là làng nghề) cũng đang dần được tách bạch hơn. Đặc biệt, năm 2020 Quốc hội đã thông qua Luật BVMT sửa đổi với nhiều quy định mới, cụ thể về BVMT nông thôn, làng nghề, trong đó lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ (nhằm duy trì điều kiện sống cho người dân nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực) trên cơ sở điều tiết các hoạt động dân sinh, kinh tế có tác động đến chất lượng môi trường nông thôn thông qua công tác kiểm kê, thống kê, theo dõi và quản lý bằng các công cụ phù hợp (như quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đầu tư hạ tầng phù hợp; thực hành sản xuất sạch và an toàn; tận thu quay vòng tái sử dụng các sản phẩm phụ, vật chất thải bỏ, chất thải...); các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm (đặc biệt là các nguồn nước) được theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường.

 Hiện có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản chuyên biệt hoặc có điều khoản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề lồng ghép trong văn bản chung. Đây là một trong những chuyển biến rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề. Các tỉnh, thành phố còn lại chưa có quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó có địa phương không có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

Thứ sáu, công tác cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân (nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước, môi trường sống hộ gia đình…) không ngừng được quan tâm, chú trọng góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Nhiều hộ gia đình đã có nhà tiêu được xây dựng khép kín, nhà tắm hợp vệ sinh, có hệ thống thoát nước, thu gom và biện pháp xử lý nước thải phù hợp, không để chảy tràn ra môi trường. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn không thể đầu tư xây dựng công trình nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước, một số địa phương đã huy động kinh phí để hỗ trợ (từ nguồn vốn vay, các dự án hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ,…) người dân thực hiện xây dựng các công trình[6].

Thứ bảy, bên cạnh các giải pháp thu gom, xử lý chất thải, các giải pháp nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân, ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiến bộ, thực hiện canh tác, sản xuất theo đúng quy trình được đẩy mạnh nhằm vừa tăng chất lượng và sản lượng sản phẩm nông nghiệp vừa giảm thiểu được chất thải ra môi trường đã, đang được đẩy mạnh trong khu vực nông thôn. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều tình thành phố đã ban hành các cơ chế khuyến khích người nông dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tới sức khỏe của người nông dân và môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường đất. Người nông dân và các cơ sở sản xuất cũng đã và đang được trang bị các kiến thức liên quan tới sản xuất đúng quy trình, sử dụng vừa đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các phong trào đẩy mạnh việc thu gom bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện triển khai rộng khắp trên địa bàn nông thôn trong toàn quốc.

Thứ tám, công tác xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm tiếp tục được đẩy mạnh. Đến hết năm 2020, tổng kinh phí đã bố trí cho hoạt động xử lý, cải tạo phục hồi hơn 478 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng hơn 330 tỷ đồng và ngân sách đối ứng của địa phương hơn 147 tỷ. Tổng diện tích khu vực ô nhiễm hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu được xử lý là 72.530 m2. Tổng thể tích đất được xử lý, cải tạo phục hồi là 74.147 m3. Nhiều địa phương đã rất nỗ lực trong việc phân bổ nguồn lực cho xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề như: Hà Nam, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Trà Vinh….

 

2.2. Về thích ứng với biến đổi khí hậu

Việt Nam được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) xác định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nông nghiệp Việt Nam là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do các tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh các giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 26/NQ-TW là phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn liền với thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Được sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trừ trung ương đến địa phương và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Thứ nhất, các cơ chế, chính sách liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu nói chung và thích ứng biến đổi khí hậu trong phát triển tam nông đang ngày được hoàn thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2008-2020 có những bước tiến đáng kể, chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2008-2012 và 2012-2020, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 có đề cập về các mục tiêu và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong đó có duy trì và bảo đảm hợp lý quỹ đất cho nông nghiệp; nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc điểm sinh thái các vùng, địa phương, tận dụng các cơ hội để phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển và ứng dụng các công nghệ sinh học, các quy trình tiên tiến hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu;  xây dựng các cơ chế, chính sách, tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp. Các tỉnh thành địa phương cũng đã xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong đó có các giải pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với địa phương mình, đồng thời lồng ghép biến đổi khí hậu vào trong các kế hoạch phát triển kinh tế trong đó có phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của địa phương mình. Cùng với đó, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị đinh số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trên thế giới.

Thứ hai, các mô hình cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày các được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm thiểu được những tác động do biến đổi khí hậu gây ra và tận dụng những lợi thế do biến đổi khí hậu mang lại để tạo ra các giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều các mô hình được các đoàn thể, các tổ chức xã hội và tư nhân xây dựng và triển khai thành công tại các địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp tại các địa phương theo hướng bền vững.

Thứ ba, các công nghệ hiện đại đã và đang được các tỉnh thành phố ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu. Công nghệ, cơ giới hóa đã và đang dần được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp từ khâu tưới nước, thu hoạch, làm sạch nông sản, chế biến thức ăn, nuôi trồng thủy sản…, các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp kéo dài thời gian bảo quản và tăng giá trị sản phẩm. Nhờ có ứng dụng các công nghệ mới, năng suất các cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên, sản lượng của nhiều sản phẩm như gạo, hồ tiêu, hạt điều, cà-phê, cao-su, chè, cá, tôm tăng nhanh.

Thứ tư, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ đã và đang giúp cho việc gia tăng giá trị, sức tiêu thu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giúp cho việc ứng dụng các giải pháp quản lý và công nghệ nhằm thích ứng biến dổi khí hậu và tăng năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Một số mô hình về chuyển đổi quy mô lớn có thể kể đến như “Cánh đồng mẫu lớn”, “Chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín”, “Hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới”, “Doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp”, hoặc các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần…Trong các mô hình này, người nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho việc gia tăng chuỗi giá trị của sản phẩm thông qua việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình này được áp dụng linh hoạt cho các địa phương khác nhau và cho từng loại sản phẩm khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và biến đổi khí hậu của từng địa phương, giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương một cách hiệu quả.

Thứ năm, năng lực nhận thức về việc canh tác, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được tăng lên đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Việc ứng dụng các thông tin về khí hậu, thời tiết đã được dần được người nông dân tiếp nhận, đưa vào trong các phương thức canh tác mới nhằm nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm từ đó nâng cao được mức thu nhập của người dân, cải thiện đời sống đáng kể của người nông dân.

 

 

2.3. Về phòng, chống thiên tai

 Trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu thường xuyên được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, đã từng bước chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, việc phối hợp thực hiện giữa các Bộ, ngành và các địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện trên các mặttừ hoàn thiện thể chế, chính sách, kiện toàn bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ, đến việc xây dựng và thực hiện các phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra so với những năm trước đây.

Thứ nhất, thể chế, chính sách về và phòng chống thiên tai được tăng cường; năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đã được nâng lên một bước; cơ sở hạ tầng về phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH được quan tâm đầu tư; thiệt hại về người và tài sản do thiên tai đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Hoạt động ứng phó với BĐKH đã được quy định trong Luật BVMT 2014 và sửa đổi năm 2020; Luật KTTV 2015; Luật Phòng chống giảm nhẹ thiên tai 2013 và sửa đổi năm 2020; các văn bản hướng dẫn được ban hành; tổ chức bộ máy về ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai tiếp tục được kiện toàn[7].

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV từng bước được củng cố, nâng cấp theo hướng tự động hóa, đồng bộ, tăng dày mật độ trạm, ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai nguy hiểm, việc đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc khí tượng tự động, đồng bộ với mục đích chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu[8]; công tác dự báo bão đã được nâng lên rõ rệt, dần tiếp cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; dự báo mưa lớn, lũ, rét đậm, nắng nóng có nhiều cải thiện[9]. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cấp quốc gia đã được cập nhật cho các năm 2012, 2016 và 2021.

Hoạt động tăng cường kiến thức, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh[10]. Các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão được quan tâm đầu tư hơn[11]; hệ thống đê sông, đê biển tiếp tục được củng cố[12]; an toàn hồ đập tiếp tục được triển khai[13]. Thiệt hại do thiên tai trong giai đoạn 2008-2017 đã giảm  38% về người và 29% về vật chất so với giai đoạn 1998-2007[14]. Công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ từng bước được tăng cường, góp phần khắc phục các thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân[15].

Thứ hai, các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng được triển khai tích cực; việc chủ động di dời, sắp xếp dân cư ở các vùng có nguy cơ thiên tai đạt nhiều kết quả; các chương trình, đề án, dự án chống ngập cho các địa phương đã và đang được triển khai. Bản đồ ngập lụt đến cấp xã (tỷ lệ 1:10.000) cho 28 tỉnh/TP ven biển đã được xây dựng; đang triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đối với toàn bộ các hồ chứa lớn.

Đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc chủ động di dời, sắp xếp dân cư ở các vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng[16] với hơn 70.000/85.900 (đạt 81%) hộ được bố trí dân cư ổn định[17]. Đã xây dựng được hơn 900 cụm, tuyến dân cư và hơn 132.000 căn nhà cho nhân dân ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long[18], đang tiếp tục được triển khai, đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 44.800 hộ dân. Đã hỗ trợ khoảng 14.000/23.500 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung[19]

Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án chống ngập đã được triển khai, sắp hoàn thành[20], một số đang và bắt đầu thực hiện[21].  Đối với Cần Thơ, Cà Mau cũng như một số tỉnh ven biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các dự án chống ngập đã bắt đầu triển khai[22].

Thứ ba, bước đầu đã thực hiện các nghiên cứu, thí điểm một số giống lúa; áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; đã đề ra định hướng phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với BĐKH.

Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH đã được đề ra trong Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp, nông thôn ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020[23]. Đến nay, một số giống lúa thích nghi với điều kiện úng ngập, chịu mặn, chịu phèn… đã được nghiên cứu, ứng dụng[24]; một số biện pháp canh tác thích ứng với BĐKH cũng đã được nghiên cứu, triển khai.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH với sự thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp theo hướng phải phát triển thuận thiên; coi nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên; chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ “lúa-thủy sản-hoa quả” sang “thủy sản-hoa quả-lúa”….

 

2.4. Tài nguyên nước, đất đai 

Quy hoạch tài nguyên nước cấp quốc gia bắt đầu được triển khai xây dựng đối với các lưu vực sông lớn ở 52/63 tỉnh, TP. Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước đã được triển khai[25]; Các chính sách tưới tiêu tiết kiệm nước trong nông nghiệp được ban hành[26], đã áp dụng với khoảng 150.000 ha đất cây trồng cạn và 400.000 ha đất lúa[27]. Công tác bảo vệ nguồn nước tiếp tục được tăng cường; 11 quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, triển khai cho cả mùa lũ và mùa cạn[28]. Đã đánh giá được hiện trạng khai thác, tình hình suy giảm nước dưới đất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 cấp quốc gia và của các tỉnh, TP đã được phê duyệt; cơ sở dữ liệu về đất đai tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, đã có 117 huyện thuộc 32 tỉnh, TP cơ bản hoàn thành và đưa CSDL vào vận hành, khai thác, sử dụng[29]. Việc sử dụng đất hợp lý tiết kiệm, và hiệu quả đã được quan tâm[30]; chính sách “dồn điền, đổi thửa”, tích tụ đất đai, cánh đồng mẫu lớn bước đầu đạt được một số kết quả[31]; diện tích đất trồng lúa được bảo đảm[32] với hệ số sử dụng đạt 1,95 lần/năm, tăng cao hơn so với năm 2015 (đạt 1,83 lần/năm).

(Còn tiếp)

GS.TS Trần Hồng Thái*

Và nhóm tác giả**

 


 

 



* Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng, thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

** TS. Ngô Tiền Giang, PGS. TS Mai Văn Khiêm, TS. Đỗ Tiễn Anh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.



[1] Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 21/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 11/1/2017 của UBND tỉnh về việc hành động cải thiện cảnh quan, môi trường, chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lập lại trật tự xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

[2] Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về phê duyệt Đề án thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường để tăng cường việc tham gia giám sát của cộng đồng đối với việc xả thải của các cơ sở trên địa bàn; Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Đề án số 4113/ĐA-UBND về thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.

[3] Thường vụ Huyện ủy huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/HU ngày 05/6/2019 về việc lãnh đạo, chỉ đạo trồng hoa, cây cảnh, cây xanh, xây bể chứa rác thải nguy hại và tăng cường thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện.

[4] Báo cáo về triển khai thực hiện Chương trình đầu tư xử lý CTR giai đoạn 2011 - 2020 ngày 08/05/2019 của Bộ Xây dựng.

[5] Báo cáo 206/BC-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ về công tác BVMT làng nghề - 2018, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018.

[6] Hội Liên hợp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã ven biển tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020” với tổng số nhà vệ sinh do Hội hỗ trợ xây dựng đến nay là 23.476 nhà.

Hội Liên hợp phụ nữ Việt Nam đã đã hỗ trợ gần 150.000 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp hàng triệu hộ tiếp cận vốn vay để xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh

[7] Cục BĐKH, Tổng cục KTTV trực thuộc Bộ TNMT, Tổng cục Phòng chống thiên tai trực thuộc Bộ NNPTNT được tái cơ cấu và thành lập.

[8] Mạng lưới trạm KTTV quốc gia hiện có 1778 trạm KTTV. Trong đó, tỉ lệ tự động hóa các hoạt động quan trắc khí tượng đạt 40,1% (một số yếu tố như gió, mưa đạt hơn 80%), thủy văn đạt 39,4% và hải văn đạt 70,7%.

[9] Đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 03 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%. Trong năm 2019-2020 đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết nhất là tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ qua đó giảm thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ bằng 9,6% so với năm 2016.

[10] Kết quả 05 năm thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (Quyết định 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009): khoảng 1.900/6.000 xã triển khai các hoạt động về Quản lý rủi ro thiên tai (QLRRTT) dựa vào cộng đồng, trong đó 1.320 xã xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai (RRTT); 1.475 giảng viên cấp tỉnh được đào tạo; biên soạn và chuyển giao 24.023 cuốn tài liệu đào tạo, tập huấn cho các cơ quan, chính quyền và đội ngũ giảng viên cấp tỉnh của 63 tỉnh/thành phố; tuyên truyền, phổ biến 50 phim ngắn trên các kênh truyền hình quốc gia; Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào 04 cấp học; Có 67 dự án của 12 tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thực hiện các hoạt động tại cộng đồng cho 704/1.786 xã.

[11] Năm 2017, đã  công bố danh sách 59 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại 23 tỉnh với sức chứa cho tối đa 42.464 tàu cá. Đến nay, trên toàn quốc có 82 cảng cá đang hoạt động tại địa bàn của 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so với quy hoạch, trong đó có 25 cảng cá loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão); có 57 cảng cá loại II (có 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng).

[12] Các chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được thực hiện từ năm 2006; từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang từ 2009; đến nay đã đầu tư nâng cấp 887/2.861km đê, đạt gần 30% so với kế hoạch.

[13] Chương trình bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả khai thác các hồ chứa được thực hiện từ năm 2003; đến năm 2016, đã sửa chữa được 663/1.813 hồ. Năm 2016, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập cũng đã được triển khai cho giai đoạn 2016-2022 ở 34 tỉnh; đã đầu tư xây dựng mới các hồ chứa lớn ở các tỉnh Bắc miền Trung, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

[14] Cụ thể, số người chết và mất tích bình quân giai đoạn 2008-2017 là 317 người/năm, giảm 38% so với giai đoạn 1998-2007  (509 người); thiệt hại vật chất giai đoạn 2008-2017 là 688 triệu USD/năm giảm 29% so với giai đoạn 1998-2007 (967 triệu USD/năm).

[15] Trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn từng bước hiện đại hóa với 04 trung tâm vùng tìm kiếm cứu nạn, được trang bị 07 tàu SAR. Trong năm 2017 đã huy động 469.624 lượt người và 9.793 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất đá và tìm kiếm cứu nạn. Kết quả đã tìm kiếm, cứu nạn 2.196 vụ, 5.735 người và 380 phương tiện; kêu gọi, hướng dẫn cho 881.710 tàu thuyền/3.838.903 lượt người di chuyển, tránh trú an toàn khi có bão và áp thấp nhiệt đới; di dời 109.259 hộ dân/344.655 người ở vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn; gúp dựng lại và tủ sửa 79.358 nhà dân, cơ sở y tế và trường học; khám bệnh miễn phí cho 4.578 người dân; khử khuẩn, làm sạch 1.377 giếng nước; khắc phục, gia cố 28.241 m đê và 2.825m kênh mương và bờ kè sông suối, nạo vét và khơi thông 8.680 m dòng chảy; sửa chữa, san gạt giải tỏa 1.210 km đường giao thông.

[16] Theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể là: (1) 2013 – 2020: bố trí ổn định 160.000 hộ, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 bố trí ổn định 55.900 hộ, bao gồm: 32.100 hộ vùng thiên tai; 6.600 hộ vùng đặc biệt khó khăn; 8.600 hộ vùng biên giới, hải đảo; 8.600 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng; (2) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án bố trí dân cư từ 1,5% - 2%/năm; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt từ 70% - 80%, sử dụng điện đạt từ 90% - 95%; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố đạt từ 70% - 80%.

[17] Các dự án bố trí dân cư đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các hộ di dân, bao gồm: 2.826 km đường giao thông nội vùng, 209 công trình thủy lợi nhỏ, 368 hệ thống nước sinh hoạt, 638 giếng (bể), 193 trạm biến áp, 477 km đường điện trung và hạ thế, 666 phòng học, 7 công trình trạm y tế, 65 nhà văn hóa, 75 cầu nông thôn.

[18] Quyết định số 173/2001/QÐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 1, đã hoàn thành 804 dự án, gồm 734 cụm, tuyến và 70 bờ bao khu dân cư có sẵn (đạt tỷ lệ 100%); xây dựng 102.105/109.768 căn cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở trong các cụm, tuyến dân cư (đạt 93%). Giai đoạn 2, đã xây dựng 178/179 dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn, xây dựng 29.865 căn nhà trên tổng số 35.024 căn nhà (đạt 85.37%).

[19] Thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014, tính đến tháng 6/2018, các địa phương miền Trung đã hỗ trợ được khoảng 14.000/23.500 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt 59,5% so với kế hoạch, trong đó có 5/13 tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ. Hiện nay Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thực hiện đến hết năm 2021.

[20] Dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc- Thị Nghè, từ 12/2010, đến nay đã thi công và lặp đặt xong các hạng mục chính; Dự án nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn; Dự án nạo vét, kiên cố hóa, khơi thông dòng chảy, liên kết hệ thống tiêu thoát nước chống ngập kênh Trần Quang Cơ (dự kiến hoàn thành cuối 2018); Dự án hỗ trợ kỹ thuật chông ngập nước sử dụng vốn ODA của Hà Lan (kết thúc cuối 2013).

[21] Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố HCM có xét đến yếu tố BĐKH (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư xây dựng 9.926, 68 tỷ; Dự án xây dựng 03 hồ điều tiết Bàu Cái, Gò Dưa và hồ Khánh Hội; Dự án Quản lý rủi ro ngập lụt khu vực TP Hồ Chí Minh được ADB chấp nhận đầu tư trong 2019; Dự án xây dựng cống kiểm soát triều Kinh Lộ và Công kiểm soát triều Thủ Bộ; Dự án cống kiểm soát triệu sông Kinh; Dự án xây dựng các tuyến đê bao như: Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi từ Tỉnh Lộ 8 đến Rạch Tra, Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn), Tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh; Dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm.

Các dự án nạo vét trục thoát nước sông Cần Giuộc, rạch Ông Bé, rạch Thầy Tiêu, rạch Xóm củi, Rạch Tra- kênh Xáng- An Hạ - Kênh Xáng Lơn. Các công trình tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương- Bến Cát- Nước lên (giai đoạn 1). Dự án nạo vét Cầu Sa (giai đoạn 2). Dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa rạch Cung, rạch Lồng Đèn (rạch Cung nối dài). Dự án hỗ trợ kỹ thuật rà soát nghiên cứu khả thi và thiết lập chi tiết Cống kiểm soát triều Tân Thuận. Dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh (dự án ngừng sử dụng vốn ODA vay từ Ngân hàng thế giới, hiện chuyển sang sử dụng nguồn vốn khác, cụ thể của Ngân hàng phát triển châu Á (04 dự án thành phần 2, 2A, 6A và 6B). Dự án thành phần 4A và 4B sẽ sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện.

[22] Từ 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao sức chống chịu với BĐKH, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân tại 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) cũng triển khai một số dự án xây dựng công trình chống ngập, chống lũ, mặn và hạn ở Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng.

[23] Quyết định 819/2016/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2016  phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp, nông thôn ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020.

[24] Bộ giống lúa thích nghi với điều kiện úng ngập U17, U20 và U21; các giống chịu mặn như M6; các giống chịu phèn như Tép lai; các giống chịu hạn như CH2, CH3, CH5, CH133 (Viện Cây lương thực, thực phẩm); các giống thuộc seri LC (của Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật).

[25] Đến 5/2018, có 52/63 tỉnh, TP đã ban hành quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh. Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 đã được ban hành và triển khai từ năm 2014 theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23/01/2014.

[26] Chính sách ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Nghị định 54/2015/NĐ-CP), chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước (Nghị định 77/2018/NĐ-CP) đã được ban hành. Đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (Quyết định số 1788/QĐ-BNN-TCTL ngày 19/5/2015).  Các tiêu chuẩn, quy trình về tưới tiêu tiết kiệm đã và đang được xây dựng; chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước đã được ban hành.

[27] Cụ thể, đến 2017, tổng diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 150.000 ha; tưới tiết kiệm nước cho cây lúa ở các địa phương theo kỹ thuật tưới nông lộ phơi, ngập khô xen kẽ được lồng ghép trong các biện pháp canh tác như hệ thống canh tác lúa thâm canh (SRI), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; đã có 29 tỉnh ứng dụng SRI, với tổng diện tích đạt 394.894 ha.

[28]  Các sông: Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Hồng, Hương, Ba - Hinh, Trà Khúc, Mã, Cả, Đồng Nai, Kôn.

[29] Đến cuối năm 2017, đã có 237/700 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 63 tỉnh/TP đã triển khai xây dựng CSDL đất đai, trong đó có 117 huyện thuộc 32 tỉnh/TP cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng. Đến 5/2018, đã có 132/713 đơn vị cấp huyện xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính (chiếm 18,5% trên tổng số huyện).

[30] Việc giao, cho thuê đất cơ bản đúng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng, đối tượng, mục đích và thời hạn sử dụng. Việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đã được triển khai thực hiện ở một số địa phương. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Có 41/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp.

[31] Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã nâng thời hạn giao đất, cho phép tích tụ đất đai. Số lượng trang trại đều tăng qua các năm (vùng đồng bằng sông Hồng từ 3.512 trang trại năm 2011 tăng lên 6.133 trang trại năm 2014, vùng trung du miền núi phía Bắc từ 593 trang trại tăng lên 1.456 trang trại…), bình quân 1 trang trại sử dụng 4,54 ha đất. Riêng ở An Giang, số hộ sử dụng đất nông nghiệp có quy mô từ 5-10 ha tăng lên trên 2 lần (từ 895 hộ tăng lên 2030 hộ). Số lượng hộ sử dụng đất trên 05 ha trong nông nghiệp và thủy sản đã tăng từ 13-21% lên trong giai đoạn 2011-2016.

[32] Theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2020 đất trồng lúa cần giữ và bảo vệ là 3,812 triệu ha. Theo Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến 2020, diện tích đất trồng lúa cần giữ và bảo vệ là 3,730 triệu ha. Tính đến hết năm 2016, diện tích đất trồng lúa của cả nước là 4.136,18 nghìn ha, giảm 6.908 ha so với năm 2015, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 166,46 nghìn ha (chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu giữ diện tích đất lúa đến năm 2016 tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 là 3.970,42 nghìn ha). Hiện nay, hệ số sử dụng đất trồng lúa đạt 1,95 lần/năm, tăng cao hơn so với năm 2015 (đạt 1,83 lần/năm).

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết