Chủ Nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024

Tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển Nông nghiệp - vấn đề và giải pháp

Ngày phát hành: 14/08/2018 Lượt xem 5856

1. Những hình thức tích tụ, tập trung đất đai những năm qua và vấn đề đặt ra


Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang


Qua kết quả nghiên cứu, khảo sát trên cả nước cho thấy, việc tích tụ, tập trung đất đai đã và đang diễn ra với các hình thức chủ yếu là:


+ Dồn điền, đổi thửa. Khi thực hiện chủ trương giao cho hộ gia đình quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài, để bảo đảm công bằng, ruộng đất giao cho hộ “có gần, có xa, có tốt, có xấu”, làm cho một hộ có rất nhiều mảnh ruộng nhỏ, lẻ (thống kê cho thấy, các hộ thường có tới 5-7 mảnh, có nơi đến 10-12 mảnh) ảnh hưởng xấu tới sản xuất. Với sự hộ trợ, giúp đỡ của hợp tác xã, chính quyền thôn, xã, các hộ đã tự nguyện hoán đổi các thửa ruộng đất với nhau (có hoặc không có trả tiền chênh lệch do vị trí gần, xa, tốt, xấu) để giảm số thửa, tăng diện tích mỗi thửa của hộ. Hiện nay, các hộ có trung bình 2-3 thửa. Dù tổng diện tích đất của hộ không tăng lên, nhưng việc dồn điền đổi thửa đã góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất của hộ.


+ Góp đất vào tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, các hộ gia đình đã tự nguyện liên kết thành lập Tập đoàn sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp. Tham gia tập đoàn hay hợp tác xã nông nghiệp, nhưng các hộ vẫn tự chủ canh tác trên ruộng đất của mình. Tập đoàn, hợp tác xã làm dịch vụ cho hộ các khâu làm đất, tưới tiêu nước, cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; cung cấp cho hộ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng (giảm khả năng mua phải hàng giả, kém chất lượng), với chi phí thấp (do hợp tác xã, tập đoàn mua số lượng lớn, ổn định ở các công ty cung ứng). Sự ra đời các Tập đoàn, hợp tác xã làm hình thành các vùng sản xuất tập trung cùng một sản phẩm, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều về chất lượng, kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Nếu các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất làm tốt vai trò của mình thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho các hộ thành viên. Nhưng tình hình phổ biến hiện nay là các tập đoàn, hợp tác xã cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn hoạt động, năng lực cán bộ quản lý hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước nên phạm vi và hiệu quả hoạt động còn rất thấp, hạn chế khả năng hỗ trợ các hộ gia đình.


+ Các hộ mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ khác để mở rộng sản xuất, trở thành trang trại hoặc các hộ quy mô lớn. Hình thức mua, nhận chuyển quyền sử dụng đất diễn ra nhiều ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Một số hộ có năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất mua lại quyền sử dụng đất của những hộ có ít ruộng đất (1-2ha) làm không đủ ăn, bán đất để có vốn chuyển sang làm nghề khác; những hộ nợ nần nhiều không có khả năng trả nợ, càng để kéo dài thì nợ và lãi ngày càng lớn, phải bán đất để trả nợ; những hộ con cái đã ra thành phố làm việc, sinh sống, có đất nhưng không còn người sản xuất nông nghiệp. Việc mua lại quyền sử dụng đất giúp hộ mua yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Tuy nhiên, hình thức này gặp một số trở ngại. Số hộ muốn bán đất (bán quyền sử dụng đất) không nhiều (nhất là ở các tỉnh phía Bắc);  họ bán đất chỉ khi bị hoàn cảnh bắt buộc, không còn cách nào khác; bởi tâm lý lo ngại công việc không ổn định, không bảo đảm cuộc sống khi chuyển nghề (làm công nhân ở các khu công nghiệp, làm thuê, làm buôn bán, dịch vụ…), khi gặp khó khăn thì đất đai, nông nghiệp vẫn là cứu cánh để bảo tồn cuộc sống. Đất đai còn là tài sản mà các hộ gia đình muốn để lại cho các thế hệ con, cháu (Giá trị tài sản này chỉ ngày càng tăng lên). Giá đất ngày càng tăng lên cũng là trở ngại cho các hộ muốn mua đất để mở rộng sản xuất vì phải bỏ ra chi phí đầu tư ngày càng lớn. Việc mua, bán quyền sử dụng đất giữa các hộ nhiều trường hợp chỉ được xác nhận bằng những giấy viết tay giữa các hộ, có làm chứng của các hộ xung quanh, cơ sở pháp lý không vững chắc.Một trở ngại khác đối với hình thức mua quyền sử dụng đất là quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được quá 10 lần hạn mức giao đất (như vậy là tối đa không quá 30ha đối với các hộ ở miền Nam và tối đa không quá 20ha đối với các hộ ở miền Bắc). Hiện nay, một số hộ có đất vượt quá hạn mức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đã phải nhờ nhiều người khác đứng tên một phần diện tích đất của mình.


+ Hình thức hộ thuê đất của các hộ khác để mở rộng sản xuất diễn ra ngày càng phổ biến. Giá cả, thời hạn thuê, phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận (Giá cho thuê thường căn cứ vào thu nhập đem lại cho các hộ gia đình ở địa phương khi tự mình canh tác trên đất đó). Người đi thuê thường muốn thuê thời hạn dài để yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Người cho thuê thường muốn cho thuê thời hạn ngắn để điều chỉnh giá. Qua khảo sát cho thấy thời hạn cho thuê thường là 10-20 năm hay dài hơn tùy theo từng vùng, từng điều kiện sản xuất (cây hàng năm hay cây lâu năm) và sau 5 năm thương lượng lại giá thuê cho phù hợp với tình hình. Hình thức thuê đất để canh tác dễ được cả hai phía hộ đi thuê và hộ cho thuê chấp nhận. Hộ đi thuê có đất để mở rộng sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều khi mua đất, không bị giới hạn bởi hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với hộ cho thuê, việc cho thuê vừa có thu nhập từ cho thuê đất vừa có tiền công từ việc làm thuê trên đất đó hoặc làm việc khác; hết thời hạn cho thuê đất vẫn là của họ. 


+ Doanh nghiệp liên kết sản xuất với hộ gia đình. Trong một số năm gần đây, hình thức doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất với hộ gia đình phát triển ngày càng nhiều. Các hộ gia đình vẫn canh tác trên diện tích đất của mình theo sự hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp; doanh nghiệp bỏ vốn mua, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mua lại sản phẩm do hộ sản xuất ra. Các hộ không cần có vốn vẫn có giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm về chất lượng, với giá rẻ hơn tự mua (do doanh nghiệp mua với số lượng lớn), canh tác theo quy trình kỹ thuật tiên tiến nên đạt năng suất cao hơn tự mình canh tác và không lo tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp có được lượng sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp ngay cho thị trường hay cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hình thức liên kết này cũng gặp một số trở ngại, vướng mắc. Đất của các hộ gia đình tham gia liên kết với doanh nghiệp nằm xen kẽ với đất của các hộ không tham gia liên kết, ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, cải tạo đồng ruộng để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất của hộ và giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các hộ xung quan không tham gia liên kết làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm của hộ liên kết; các doanh nghiệp còn có lo ngại khi giá sản phẩm trên thị trường cao, một số hộ gia đình bán sản phẩm cho các đối tượng khác mà không bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng (thực tế đã có tình huống này).


+ Hình thức doanh nghiệp mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ để mở rộng sản xuất có trong thực tế nhưng hiện nay còn chưa nhiều. Lý do là vì doanh nghiệp thường cần nhiều đất nhưng có ít người bán và vướng mắc do quy định về mục đích sử dụng đất, nên doanh nghiệp chỉ có thể mua được thêm một số diện tích ở gần diện tích doanh nghiệp đã có để mở rộng sản xuất. 


+ Hình thức phổ biến hơn là doanh nghiệp thuê đất của hộ nông dân để sản xuất. Đây là hình thức phù hợp, đáp ứng được cả yêu cầu của doanh nghiệp và hộ gia đình. Doanh nghiệp có đất để sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều khi mua quyền sử dụng đất. Hộ gia đình tăng thêm thu nhập (từ cho thuê đất, làm thuê cho doanh nghiệp hoặc công việc khác) và vẫn là người có quyền sử dụng đất khi hết thời hạn cho thuê. Hiện nay, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít (chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) trong khi tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất lớn. Vì vậy, đây là một xu hướng tốt, rất cần hỗ trợ, khuyến khích để phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, có năng suất, hiệu quả cao, có khối lượng nông sản hàng hóa lớn, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường và xuất khẩu. Hiện nay, ở các địa phương, nhiều doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài) đã thuê đất đai (quyền sử dụng đất) của hộ gia đình, đất công ích của thôn, xã để trồng lúa, rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hoa, nuôi cá, lợn, bò… rất phong phú, đa dạng. Một số doanh nghiệp lớn như Vincom, TH* True Milk muốn thuê hàng nghìn ha đất để sản xuất. 


Trở ngại đối với doanh nghiệp thuê đất hiện nay là phải vận động, thương lượng với từng hộ gia đình, khi cần có một diện tích đất lớn, phải vận động, thương lượng với hàng trăm, hàng nghìn hộ, mặc dù đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền thôn, xã và hợp tác xã (ở những nơi có hợp tác xã thì thuận lợi hơn cho doanh nghiệp). Còn có những hộ có ruộng đất nằm xen kẽ trong vùng đất doanh nghiệp đã thuê, dù được doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương vận động (kể cả đổi cho hộ diện tích đất tương đương ở vị trí khác) nhưng vẫn kiên quyết không cho doanh nghiệp thuê. Trước thực trạng này, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, có địa phương, chính quyền đứng ra ký hợp đồng thuê đất của hộ gia đình rồi ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại của chính quyền. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, theo chức năng của mình, cơ quan chính quyền chỉ chứng thực, xác nhận hợp đồng kinh tế giữa các chủ thể chứ không phải là một bên ký kết hợp đồng; hơn nữa, nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không thức hiện đúng hợp đồng thì chính quyền lấy tiền đâu để trả cho hộ. Một trở ngại khác đối với doanh nghiệp khi thuê đất là quy định về mục đích sử dụng đất, nhất là đối với đất trồng lúa. Có một số diện tích đất trồng lúa cho năng suất, hiệu quả rất thấp, nhưng không thể cho thuê để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi cá… dù hiệu quả cao hơn nhiều vì nằm trong quy hoạch là đất trồng lúa.


+ Hình thức hộ gia đình góp đất, chuyển giá trị đất thành cổ phần của doanh nghiệp, hộ gia đình trở thành cổ đông, đồng chủ sở hữu doanh nghiệp, đồng thời là người lao động trong doanh nghiệp. Hình thức này tạo quan hệ gắn bó, gắn kết lợi ích của hộ gia đình với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp giảm bớt chi phí thuê hay mua quyền sử dụng đất. Khó khăn, rủi ro đối với hộ gia đình góp đất tham gia hình thức này là doanh nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày, một số năm đầu chưa có thu nhập, lợi nhuận để chia cổ tức cho hộ gia đình hay doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên hộ không những có thu nhập mà có thể còn  mất cả vốn góp (mất đất). Do đó, hình thức này hiện nay chưa nhiều, có một số doanh nghiệp thực hiện nhưng mức độ thành công khác nhau. Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) đã vượt qua những khó khăn ban đầu, thành công trong việc nâng cao thu nhập, mức sống của các hộ gia đình góp đất, trở thành cổ đông của công ty. Hiện nay, ngoài đất của các hộ góp cổ phần, Công ty còn thuê đất của nhiều hộ dân trong vùng để mở rộng diện tích canh tác. Tuy nhiên, một số công ty cao su (thuộc Tập đoàn cao su) có sự tham gia góp đất của nhiều hộ gia đình ở một số tỉnh Tây Bắc thì chưa thực sự thành công, ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ góp đất vào công ty như những cổ đông.


Tóm lại, việc tích tụ, tập trung đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hình thành sản xuất lớn trong nông nghiệp đang diễn ra dưới nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng. Có những hình thức đã đem lại những kết quả tích cực, có những hình thức gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, có một số vấn đề mà hầu hết mọi hình thức tích tụ, tập trung đều gặp phải, đều cần phải xem xét tháo gỡ, như: vấn đề hạn mức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa; thị trường mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất chưa phát triển, công khai, minh bạch; tâm lý giữ đất còn phổ biến trong nông dân; doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức để vận động, thuyết phục các hộ cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết sản xuất với doanh nghiệp; tình trạng một số hộ không cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác; vấn đề sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp…


2. Tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai trong thời gian tới


a. Một số vấn đề về nhận thức, quan điểm


Từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, đất đai phân tán, manh mún, phương thức canh tác cổ truyền, lạc hậu, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hình thành và phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao thì tích tụ, tập trung đất đai là yêu cầu khách quan, tất yếu, là tiền đề, điều kiện để cải tạo đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất lớn; xây dựng hệ thống thủy nông, tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng suất trên một đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sing an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị, xã hội. Chúng ta đã có những bài học cải cách ruộng đất và tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp. Ngày nay, khi đất đai đã được giao cho hộ nông dân sử dụng ổn định, lâu dài, để tích tụ, tập trung ruộng đất cần phải tuyên truyền, vận dộng, thuyết phục các hộ gia đình thấy rõ lợi ích trước mắt và lâu dài của mình và của xã hội, tự nguyện, tự giác tham gia, không sử dụng biện pháp hành chính, áp đặt, cưỡng bức, không chạy theo thành tích, làm mang tính phong trào; không tích tụ, tập trung đất đai rồi để hoang hóa hay sử dụng kém hiệu quả, mà phải phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, từng địa phương, với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu… không máy móc, áp đặt.


Tích tụ, tập trung đất đai phải bảo đảm hài hòa các lợi ích: lợi ích của nông dân (người cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất), lợi ích của doanh nghiệp (hộ thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất), lợi ích của Nhà nước. Trong mối quan hệ lợi ích này, Nhà nước có nhiều quyền lực, sức mạnh để bảo vệ lợi ích của mình; doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có nhiều lựa chọn (làm hay không làm, làm bằng cách nào, làm ở đâu, khi nào) chỉ làm khi có lợi ích; chỉ có hộ gia đình nông dân là những người yếu thế, ít khả năng lựa chọn nên dễ bị tổn thương, thiệt thòi; vì vậy, trong các lợi ích cần hết sức chú ý, quan tâm tới lợi ích của người nông dân, của các hộ gia đình.


Tích tụ, tập trung đất đai là cần thiết, quan trọng, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Tích tụ, tập trung đất đai chỉ là tạo tiền đề, điều kiện để phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, để nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao năng suất trên một đơn vị đất canh tác, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tóm lại là để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thì ngoài tích tụ, tập trung đất đai, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như điều kiện tự nhiên (chất lượng đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết), năng lực quản lý, trình độ, kỹ năng của người lao động, đặc biệt là việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp. Chỉ có công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ mới tạo ra được sự phát triển có tính đột biến, nhảy vọt về năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, ngày nay, khoa học công nghệ có vai trò lớn hơn quy mô đất đai trong việc phát triển nông nghiệp sản xuất lớn.


Đối với sản xuất nông nghiệp, do tính đặc thù của mình, các đối tượng lao động là những sinh vật sống, có những yêu cầu hết sức khắt khe, không phải tích tụ, tập trung đất đai quy mô càng lớn thì hiệu quả đem lại càng cao, mà tùy từng điều kiện cụ thể về thời tiết, khí hậu, đất đai từng vùng, từng loại cây, con được sản xuất, tùy trình độ tổ chức, quản lý, trình độ khoa học, công nghệ của cơ sở sản xuất mà có quy mô đất đai phù hợp đem lại hiệu quả cao nhất. Đây chính là nguyên nhân tồn tại nhiều hình thức tổ chức sản xuất với nhiều quy mô trong nông nghiệp ở những nước có nền kinh tế phát triển cao. Ở những nước này, bên cạnh những doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn vẫn tồn tại số lượng rất lớn các trang trại, các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Đây là các trang trại, hộ gia đình có quy mô đất đai đủ lớn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước, từng lĩnh vực sản xuất và đều có công nghệ sản xuất cao, là thành viên của các hợp tác xã, các hiệp hội ngành nghề, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để được cung ứng vật tư, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ở những nước này, phát triển nền nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao không phải chỉ có các doanh nghiệp nông nghiệp, tất cả nông dân đều chuyển thành người làm công trong các doanh nghiệp này mà còn nhiều trang trại, hộ sản xuất lớn, những hình thức tổ chức sản xuất có sức sống lâu dài, có vai trò quan trọng trong sản xuất.


Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp là vấn đề kinh tế, lấy việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp là mục tiêu phấn đấu, là tiêu chuẩn đánh giá, nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng, tác động lớn về mặt xã hội, đặt ra nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết. Đó là việc làm thay đổi nhận thức, tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ; việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở nông thôn, giữ vững ổn định xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tích tụ, tập trung đất đai cùng với hiệu quả kinh tế, cần phải quan tâm đến hiệu quả xã hội. Tích tụ, tập trung đất đai là vấn đề quan hệ giữa các hộ trong nội bộ nông dân và quan hệ giữa hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng Nhà nước có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng, bởi Nhà nước là người ban hành Luật pháp, cơ chế chính sách tạo ra môi trường thể chế cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, tích tụ, tập trung đất đai nói riêng; là người quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyết định có hay không hạn mức giao đất, hạn mức được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các chính sách tài chính về đất đai… để điều tiết hoạt động của cả hộ gia đình và doanh nghiệp.


a. Một số vấn đề cần tập trung thực hiện để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai hiện nay


Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình nông dân thấy những lợi ích của tích tụ, tập trung đất đai, giới thiệu những mô hình, những điển hình thành công để mọi người học tập; vận động, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, uốn nắn kịp thời những sai sót, tổng kết, rút kinh nghiệm để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai thuộc địa bàn.


Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật pháp, cơ chế, chính sách có liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật pháp, cơ chế, chính sách cần được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp và ngăn chặn những người lợi dụng tích tụ, tập trung đất đai để đầu cơ, kiếm lời; phát huy vai trò của cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện đúng vai trò của quản lý nhà nước. Trong điều kiện pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do đó, có khả năng ngăn chặn được những hộ, doanh nghiệp dùng tiền mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung được diện tích đất lớn nhưng mục đích không phải là để sản xuất nông nghiệp mà để thực hiện mục đích khác như chuyển thành đất xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp; pháp luật cũng ngăn cấm việc “phát canh, thu tô”, mua quyền lợi sử dụng đất rồi cho người sản xuất thuê lại, thì có thể bỏ quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho phép tích tụ, tập trung đất đai phù hợp với khả năng quản lý, sử dụng có hiệu quả của người nhận chuyển nhượng. Bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cũng cần phải bỏ quy định “phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp” (Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội) đối với diện tích đất vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời cần đánh thuế vào những thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình, của doanh nghiệp không sản xuất, cũng không chuyển nhượng, không cho thuê đất để đưa vào sản xuất mà để hoang hóa; riêng đối với đất của doanh nghiệp, cần quy định thời hạn để đất hoang hóa; không sản xuất bao nhiêu năm thì phải thu hồi để thúc đẩy việc đưa đất vào sản xuất, chống đầu cơ. 


Cùng với luật pháp, cơ chế, chính sách, Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các mục đích, nhu cầu khác nhau: đất công nghiệp, đất xây dựng đô thị, khu dân cư, các công trình phúc lợi xã hội, đất xây dựng kết cấu hạ tầng, đất quốc phòng, an ninh…, trong đó, có quy hoạch đất trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm quy hoạch sử dụng đất gắn kết, thống nhất với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, ở các vùng, địa phương, phù hợp với sự thay đổi của tình hình đất nước trong từng giai đoạn. Quy hoạch khoa học, hợp lý, rỡ bỏ một trong những rào cản hiện nay, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai. 


Phát triển thị trường chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất để việc chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất được thực hiện theo cơ chế thị trường. Giá cả chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất giữa các hộ, giữa các hộ và doanh nghiệp do thị trường xác định. Các hộ hay doanh nghiệp thuê đất công ích do thôn, xã quản lý thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất. Nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp là nguồn cung cấp thông tin về thị trường đất đai (những người muốn thuê, muốn mua, những người muốn cho thuê, muốn bán quyền sử dụng đất, diện tích, vị trí các thửa đất, chất lượng đất, thu nhập do thửa đất đem lại…) và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi cho các giao dịch, hạn chế phát sinh các tiêu cực.


Nhà nước vừa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, phát triển các trang trại, như tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; khuyến khích sự liên kết giữa các hộ, trang trại, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… 


Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, thông tin phục vụ phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển các viện, các trung tâm nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao các loại giống mới, các kỹ thuật, quy trình mới, các máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.


Đặc biệt, cần phải quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ở nông thôn phát sinh cùng với việc tích tụ, tập trung đất đai. Đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là những lao động dôi dư để tạo điều kiện cho những lao động này chuyển đổi nghề nghiệp, tìm được việc làm mới ở nông thôn, các đô thị, các khu công nghiệp hay làm việc ở nước ngoài qua xuất khẩu lao động. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đa dạng các ngành nghề ở nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp đưa các cơ sở sản xuất về nông thôn, sử dụng lực lượng lao động đông đảo ở nông thôn, từ kế thừa, phát huy các ngành nghề, sản phẩm truyền thống của từng địa phương tới phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới cần nhiều lao động, như may mặc, giầy da hay sử dụng các nguyên liệu tại địa phương như chế biến nông, lâm, thủy sản… Để hạn chế tình trạng phân hóa xã hội quá mức, hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, cùng với nguồn lực của nhà nước, cần huy động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội xây dựng hạ tầng an sinh xã hội đa dạng ngày càng hoàn thiện, có hiệu quả ở nông thôn, nhất là quan tâm tới phát triển bảo hiểm sản xuất nông nghiệp và bảo hiểm xã hội lao động nông thôn./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết