Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Tình hình mới và một số vấn đề đặt ra về xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân

Ngày phát hành: 06/06/2019 Lượt xem 2145

 

1. Tình hình mới tác động đến xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân

Hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, tuy nhiên có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức mới đe dọa an ninh quốc gia. Sự điều chỉnh, triển khai chính sách chiến lược của các nước lớn thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt có tác động trực tiếp đến Việt Nam. Điển hình là việc Mỹ triển khai chính sách, chiến lược mới nhằm củng cố sức mạnh từ bên trong, thực thi đường lối dân túy, đặt lợi ích quốc gia lên trên các cam kết quốc tế; tập trung kiềm chế Trung Quốc, Nga; đẩy mạnh cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc; thực hiện chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” để đối trọng với chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn, xây dựng “cường quốc biển”; quyết liệt triển khai chiến lược “Vành đai và con đường”, trong đó xác định Đông Nam Á là mắt xích quan trọng hàng đầu. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt, quyết liệt tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đan xen đối với an ninh, lợi ích quốc gia các nước, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, mặc dù quan hệ Việt - Mỹ có bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhưng Mỹ tiếp tục gây sức ép với Viêt Nam về các vấn đề kinh tế, thương mại; can thiệp về dân chủ, nhân quyền, công khai ủng hộ, hậu thuẫn các tổ chức, nhóm “xã hội dân sự”, số chống đối trong nước. Quan hệ Việt - Trung duy trì xu thế ổn định, tuy nhiên hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn là trở ngại trong quan hệ giữa hai nước, tác động tiêu cực đến chủ quyền, an ninh biển đảo của Việt Nam; bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động gây mất an ninh, trật tự. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh ASEAN thiếu sự thống nhất về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc gia tăng hoạt động xác lập thực thi quyền kiểm soát thực tế “đường lưỡi bò”, gia tăng sức ép “gác tranh chấp, cùng khai khác”.

Các cơ quan đặc biệt nước ngoài gia tăng các hoạt động thu thập tình báo, thâm nhập nội bộ. Các tổ chức phản động lưu vong tăng cường liên kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, chống đối lợi dụng các vấn đề phức tạp ở trong nước để phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự; triệt để sử dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, móc nối, lôi kéo, phát triển lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước.

Biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng nghiêm trọng. Một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không chấp hành các quy định của Đảng. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao gây tâm lý tiêu cực trong nhân dân... là những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.

Xung đột xã hội gia tăng, nhất là xung đột về đất đai có xu hướng chuyển hóa thành các mâu thuẫn đối lập với chính quyền tại một số địa bàn. Tình trạng tập trung đông người khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự, chiếm giữ trụ sở chính quyền cơ sở, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng diễn ra ở nhiều địa phương có nguy cơ phát sinh thành các “điểm nóng”. Tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược liên quan đến vấn đề “Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, hoạt động lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc, liên kết phục hồi FULRO ở Tây Nguyên, hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình ở phía Bắc...

Tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Các tệ nạn xã hội: cờ bạc, mại dâm vẫn diễn ra phổ biến ở địa bàn cơ sở. Tình hình trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Những thách thức an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tội phạm công nghệ cao, chiến tranh mạng, khủng bố quốc tế... cũng trở thành nguy cơ lớn đe dọa an ninh toàn cầu, an ninh quốc gia của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

2. Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân

Tình hình và bối cảnh quốc tế, trong nước vừa là thời cơ, thuận lợi, vừa có những nguy cơ, thách thức đan xen tác động đến việc xác định mục tiêu, cách thức xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Tình hình diễn biến phức tạp ở các địa bàn trọng điểm có nguy cơ phát sinh những tình huống mất an ninh, trật tự nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, bố trí thế trận bảo vệ an ninh, trật tự.

Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân trong bối cảnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên tác động tiêu cực đến lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với lực lượng vũ trang.

Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân trong điều kiện tổ chức bộ máy của Bộ Công an kiện toàn, đổi mới căn bản theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường cho cơ sở; xây dựng Công an xã chính quy; nhiều đơn vị có sự hợp nhất, sáp nhập.

Vấn đề xã hội hóa và việc huy động tiềm lực của cả xã hội, nhất là các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân và tham gia thế trận an ninh nhân dân. Việc phát triển kinh tế tư nhân, sự gia tăng hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đặt ra yêu cầu mới trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các doanh nhiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xây dựng, phát triển nền công nghiệp an ninh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong bối cảnh tình hình mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhiều chiều đến việc sử dụng lực lượng, phương tiện bảo vệ an ninh, trật tự; các thế lực thù địch và tội phạm triệt để lợi dụng thành tựu khoa học, công nghệ để chống phá.

Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ; gia tăng sự đan xen lợi ích giữa các quốc gia trong quan hệ với Việt Nam; sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam và những lợi ích, an ninh của Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhiều; đặt ra những vấn đề mới trong huy động tiềm lực, sức mạnh quốc tế, của cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới tham gia bảo vệ an ninh quốc gia; vấn đề xây dựng thế trận an ninh nhân dân ở địa bàn ngoài nước.

Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân đảm bảo phát huy hai loại hình thế trận, nhưng không bị chồng chéo, lãng phí nguồn lực; nhất là chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị của hai lực lượng tại một số địa bàn, lĩnh vực.

3. Bổ sung nhận thức mới về xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân

Xây dựng nền an ninh nhân dân là quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, chính sách huy động sức mạnh tổng hợp về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đó là quá trình xây dựng đồng bộ tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế - khoa học, công nghệ và tiềm lực, an ninh tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ an ninh, trật tự.

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân là việc tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện và triển khai các biện pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm; phòng ngừa, giải quyết, đấu tranh xử lý trong những tình huống cụ thể.

Xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh là tạo ra nền tảng cơ bản cho việc xây dựng, tổ chức thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển mạnh mẽ, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại là điều kiện quan trọng hàng đầu, xuyên suốt, tạo ra tiềm lực, sức mạnh vật chất, tinh thần để xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân.

Nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố, phát triển theo hướng toàn dân, toàn diện, trên cơ sở sự ổn định, phát triển bền vững của mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Quá trình xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân phải huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại, yếu tố nội lực với yếu tố ngoại lực.

Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân là bộ phận quan trọng của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước; có sự tham gia một cách thường xuyên, tự giác, được tổ chức của đông đảo quần chúng nhân dân và các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng.

Xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố vững chắc lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước là vấn đề cốt lõi, chiến lược trong xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Phát huy vai trò của đông đảo các tầng lớp nhân dân là điều kiện tiên quyết, quyết định hiệu quả xây dựng nền an ninh nhân dân và trận an ninh nhân dân.

Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, với việc thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại trong quá trình xây dựng nền an ninh nhân dân và triển khai thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp thế trận trong nước với thế trận ở nước ngoài; huy động tiềm lực từ bên ngoài để tăng cường tiềm lực, sức mạnh của nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

Xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân có điểm chung là việc huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó có sự tham gia của đông đảo nhân dân, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, với mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân vững chắc là tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc và ngược lại. Vì vậy, sự kết hợp chặt chẽ là tất yếu khách quan, là mối quan hệ chiến lược, cộng hưởng sức mạnh tổng hợp, giúp tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh, phòng ngừa, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, do sự khác nhau về lực lượng, phương tiện, phạm vi và mục tiêu cụ thể, cần có phương pháp, cách thức, tổ chức phù hợp với đặc thù của từng loại hình nền và thế trận, đảm bảo sự kết hợp thường xuyên, chặt chẽ, phát huy được hiệu quả của cả hai loại hình trong hoà bình, cũng như khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, chiến tranh.

Lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, có trách nhiệm tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự; phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, triển khai các mặt công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trực tiếp xây dựng, triển khai các đề án, phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng trên các địa bàn, mục tiêu, tuyến, lĩnh vực trọng điểm; gắn kết chặt chẽ giữa thế trận nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân với huy động sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm.

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân; thực sự vì dân, gần dân, được dân tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ. Xây dựng gắn liền với bảo vệ lực lượng, chống “phi chính trị hóa”, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến biến”, “tự chuyển hóa”; đảm bảo đứng vững trước các tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự lôi kéo của các thế lực thù địch và bọn tội phạm. Tập trung nguồn lực hiện đại hóa một số lực lượng quan trọng, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự trong mọi tình huống. Bố trí hợp lý cơ cấu, tổ chức của các lực lượng nghiệp vụ, nhất là ở các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm. Tăng cường cho Công an cấp huyện, các đơn vị trực tiếp chiến đấu; xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, trong sạch, vững mạnh, đảm nhiệm có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

4. Một số đề xuất

Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, ban, ngành và tính cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân.

Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia. Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp; tạo được sự đồng thuận cao và sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ; chủ động, tích cực vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia bảo vệ an ninh quốc gia.

Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động cho được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; có chính sách thỏa đáng đối với những trường hợp bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản, danh dự trong tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào trên các địa bàn, nhất là ở các vùng dân tộc, tôn giáo, các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự; xây dựng phong trào trong các doanh nghiệp, trường học. Kết hợp chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào cách mạng khác trong phạm vi cả nước và ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Huy động nhân lực, vật lực, tài lực của nền kinh tế phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Tăng cường nghiên cứu khoa học an ninh, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong bảo vệ an ninh, trật tự, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Nâng cao năng lực công nghiệp an ninh, chủ động sản xuất phương tiện, trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với thực tế chiến đấu của các lực lượng nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong bối cảnh sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Có cơ chế huy động sự tham gia, đóng góp, ủng hộ về vật chất, tinh thần, trí tuệ rộng rãi của xã hội trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, phát huy sức mạnh thời đại, tranh thủ nguồn lực quốc tế, của người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân.

Kết hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ giữa xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là tại các vùng chiến lược, địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo; tổ chức xây dựng phù hợp với đặc thù của từng loại hình, đảm bảo sự phát huy được hiệu quả trong hoà bình, cũng như khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, chiến tranh. Kết hợp với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, chính sách ngoại giao nhân dân. Tạo ra thế trận tổng hợp về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại trong hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và phương án trên phạm vi cả nước cũng như từng vùng, miền, địa phương.

Giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng vũ trang trọng yếu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân, có sức mạnh tổng hợp, sức chiến đấu cao. Nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược và khả năng ứng phó với mọi tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Công an nhân dân theo hướng tinh gọn, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Xây dựng Công an xã chính quy, đảm nhiệm có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

 

 

Đại tá, PGS.TS Trần Anh Vũ

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết