Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Văn hóa trong các mô hình phát triển xã hội - Bài học cho Việt Nam

Ngày phát hành: 15/11/2018 Lượt xem 3866

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa

 

1. Có nhiều quan niệm khác nhau về phát triển. Về cơ bản, người ta đều thống nhất quan điểm coi phát triển là một hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, xã hội và tư duy, với đặc tính là sự chuyển biến từ thấp lên cao, mà đặc trưng là khuynh hướng tiến bộ, là sự biến đổi từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.

Trong lĩnh vực xã hội, cũng có nhiều quan niệm khác nhau về phát triển xã hội.

Những quan niệm đầu tiên về phát triển chỉ coi phát triển xã hội là sự tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua các chỉ số như thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm quốc nội... Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng cao của nhận thức, người ta nhận thấy rằng, không phải mọi sự tăng trưởng kinh tế đều làm cho sự biến đổi xã hội theo chiều hướng tốt lên. Bởi kinh tế chỉ là một khía cạnh, một lĩnh vực trong đời sống xã hội. Có những nơi, những khu vực, tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chỉ tập trung vào một số người; tình trạng bần cùng, nghèo nàn, bất công vẫn xuất hiện. Sự tuyệt đối hóa, quá đề cao yếu tố kinh tế trong phát triển còn dẫn đến nảy sinh tình trạng tuyệt đối hóa giá trị vật chất, coi thường các giá trị tinh thần.

Điều đó đã khiến người ta thấy rằng cần phải có nhận thức mới về phát triển xã hội.Theo đó, phát triển xã hội, ngoài yếu tố quan trọng là tăng trưởng kinh tế, còn phải tính các nhân tố xã hội khác. Đó là sự công bằng, chính trực; là sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tình cảm, là tình yêu thương đồng loại, sự bao dung. Trong công trình Social Development in an Uncertain World (UNRISD Research Agenda 2010–2014, Switzerland, March 2011), theo nghĩa rộng, phát triển xã hội được hiểu là quá trình thay đổi dẫn đễn sự cải thiện phúc lợi cho con người, quan hệ xã hội và các thể chế xã hội và công bằng, bền vững và phù hợp với các nguyên tắc quản trị dân chủ và công bằng xã hội[1]. Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc B.Gali cho rằng, “phát triển xã hội là một quá trình hướng đến việc thiết lập một nền dân chủ ổn định cho phép không ngừng nâng cao điều kiện sống (vật chất và tinh thần) cho quần chúng nhân dân theo một cách thức mang tính nhân văn và công bằng”[2].

Với những điều đã trình bày như trên, có thể thấy rằng, khi nói đến phát triển xã hội cần phải đề cập đến cả sự phát triển những giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần của các cá nhân và cộng đồng, xã hội.

2. Quá trình phát triển xã hội được đánh giá thông qua các mô hình phát triển xã hội. Các mô hình này giúp xác định rõ diễn tiến căn bản trong nội tại một hoặc một nhóm quốc gia với các đặc điểm phát triển tương đồng, các chuyển biến kinh tế - xã hội đồng hướng nhằm thỏa mãn phát triển kinh tế và phát triển con người. Đề cập đến mô hình phát triển xã hội là đề cập đến những yếu tố thể hiện những đặc trưng chung nhất như bản chất, cấu trúc, cơ sở kinh tế, xã hội, văn hóa tạo nên sự phát triển của một quốc gia. Qua đó, chúng ta có thể biết được những yếu tố cơ bản, mang tính trụ cột, nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước[3].

Trên thế giới, tùy theo tiêu chí phân chia mà có các mô hình phát triển xã hội khác nhau, như mô hình Đông Á, Đông Nam Á; mô hình phương Đông, mô hình phát triển xã hội phương Tây,… Việc phân chia này chỉ mang tính tương đối. Vì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, trên cơ sở đặc thù riêng của mình, có mô hình phát triển xã hội khác nhau.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đề cập đến mô hình phát triển xã hội của Nhật Bản và Liên Xô. Việc lựa chọn này được xem xét trên các tiêu chí tương đồng với Việt Nam ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, mô hình phát triển xã hội của Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia có diện tích nhỏ, chủ yếu là các đảo, tài nguyên ít. Sau năm 2010, hiện nay, Nhật Bản, không còn là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới nữa, song mô hình phát triển xã hội của Nhật Bản vẫn là mô hình mà nhiều quốc gia cần học hỏi.

So với các quốc gia phát triển khác trên thế giới, Nhật Bản có điểm xuất phát chậm hơn. Ở thế kỷ XIX, khi các nước phương Tây có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, Nhật Bản lúc đó vẫn là nước chưa phát triển. Trước sự lạc hậu của đất nước, Nhật Bản đã có những cải cách đáng kể; họ đã tiến hành hiện đại hóa đất nước, cử nhiều đoàn đại biểu ra nước ngoài học tập để thông qua đó, áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật, giáo dục, phương thức quản lý của phương Tây trong quá trình cải cách. Trong quá trình này, Nhật Bản tiếp thu có chọn lọc những điểm hay, tích cực của các quốc gia khác vào đất nước mình. Chẳng hạn, Nhật Bản áp dụng hệ thống quản lý hành chính có tính chất tập trung và trật tự từ nước Pháp; từ nước Đức, Nhật Bản có ý tưởng xây dựng một hệ thống giáo dục được xây dựng xung quanh một số trường đại học quốc gia ưu tú; từ nước Anh, đó là mô hình trường học dựa trên nền tảng những nguyên tắc đạo đức quốc gia; và từ Mỹ - là quan điểm nhà trường có trách nhiệm phát triển toàn diện trẻ em[4]. Nhờ đó, ngay từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia có sự phát triển nhanh chóng.

Sau thành công của cải cách Minh Trị thế kỷ XIX, đến những năm 50 của thế kỷ XX, Nhật Bản lại sa vào khủng hoảng do bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bước ra từ đống đổ nát, chịu thiệt hại nặng nề từ chiến tranh, nhưng sau đó Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc thông qua một số chính sách phát triển trọng tâm như sau.

Về kinh tế, cùng với việc nhận các nguồn vốn bên ngoài, Nhật Bản đã tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm,… Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty của Nhật Bản luôn đưa ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, tạo thương hiệu cho hàng hóa sản xuất tại Nhật Bản.

Về khoa học công nghệ và giáo dục: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã nỗ lực trong việc phát triển, nâng cao khoa học công nghệ thông qua việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và đội ngũ công nhân lành nghề, có thể sử dụng được các kỹ thuật tiên tiến trong lao động, sản xuất. Nhật Bản đã tập trung đầu tư vào các nghiên cứu phát triển; nhập khẩu các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài. Trong quá trình này, Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến khoa học ứng dụng. Chỉ trong vòng gần ba thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước đạt trình độ cao về tự động hóa, sản xuất thiết bị điện tử. Cùng với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh, Nhật Bản cũng thích nghi nhanh với những biến đổi của khoa học kỹ thuật trên thế giới. Bắt đầu từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp chế tạo rồi chuyển sang công nghiệp điện tử và công nghệ cao, ôtô và điện máy. Các sản phẩm của Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới bởi chất lượng cao, giá cả hợp lý cùng với chế độ hậu mãi tốt.

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, an sinh xã hội của Nhật Bản cũng có những bước tiến bộ. An sinh xã hội của Nhật Bản bao gồm nhiều tầng bậc, đảm bảo cho mỗi công dân có được sự phát triển an toàn, ổn định nhất; đảm bảo sự công bằng và mọi người đều được hưởng lợi của thành quả phát triển kinh tế. Chẳng hạn, năm 1985, chi phí an sinh xã hội của Nhật Bản là gần 35.780 tỷ yên, chiếm 13,71% thu nhập quốc dân. Năm 1995, chi phí an sinh xã hội tăng lên đạt hơn 64.730 tỷ yên, chiếm 17,09% thu nhập quốc gia. Năm 2001, Nhật Bản dành 81.400 tỷ yên cho an sinh xã hội, chiếm 22,0% thu nhập quốc dân[5]. Đảm bảo an sinh xã hội, sự công bằng không những tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế Nhật Bản, mà còn tạo ra sự ổn định về văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước.

Đánh giá về thành công của Nhật Bản, người ta cho rằng, Nhật Bản đã thu nhận những kiến thức và kỹ năng của nước ngoài, nâng cao kỹ năng đó cho phù hợp với hệ thống của mình, mà nhiều người thường sử dụng cụm từ thành công của Nhật bản = văn hóa truyền thống + kỹ thuật phương Tây, trên nền tảng những con người Nhật Bản có niềm tin chung rằng, sống trong bối cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, để có thể phát triển đất nước, cần phải phát triển nguồn nhân lực, dựa trên  các yếu tố cơ bản, như giá trị tinh thần, đúng hẹn, kỷ luật, lịch sự và cầu toàn[6]. Thành công này không thể không kể đến vai trò của nhà nước; văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử của đội ngũ công chức Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản qua các giai đoạn luôn cố gắng tạo ra sự ổn định chính trị, tạo ra những hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế; an sinh xã hội, đảm bảo sự công bằng, dân chủ, minh bạch trong các hoạt động điều hành của mình.

Thứ hai, mô hình phát triển xã hội của Liên Xô (cũ).

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Liên bang Xôviết được thành lập. Trong khoảng thời gian từ những năm 20 đến trước những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Xô từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng mạnh, khoa học, giáo dục và y tế phát triển. Để thực hiện được điều đó, Liên Xô đã thực hiện mô hình kế hoạch hóa, tập trung cao độ. Trong lĩnh vực kinh tế, tất cả các hoạt động sản xuất, trao đổi, lưu thông, phân phối đều được kế hoạch hóa. Trong chừng mực nhất định, nhờ đó, trong khoảng thời gian tồn tại của mình, nền kinh tế của Liên Xô có bước phát triển mạnh mẽ. GDP đầu người luôn có sự tăng cao. Các lĩnh vực trong nền kinh tế luôn có sự phát triển vượt bậc. Chẳng hạn, “chỉ trong khoảng 15 năm sau khi ra đời, Liên Xô đã đi một quãng đường lịch sử mà các nước tư bản lớn đã phải trải qua khoảng 100 năm. Tính đến năm 1937, tổng giá trị sản lượng nông nghiệp của Liên xô tăng gấp 6 lần năm 1913. Nếu so sánh về tốc độ phát triển công nghiệp Liên Xô đã nhanh hơn gấp 15,3 lần so với thế giới tư bản trong những năm 1913-1937”[7].

Cùng với lĩnh vực kinh tế, Liên Xô cũng giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Giáo dục, y tế, bảo hiểm luôn được Nhà nước Xôviết coi trọng. Người dân được thụ hưởng chế độ học hành, khám chữa bệnh không mất tiền. Liên Xô cũng là quốc gia có sự giúp đỡ nhiều về vật chất và tinh thần cho nhiều quốc gia khác trên thế giới trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình, cho sự tiến bộ của nhân loại ở thế kỷ XX. Chẳng hạn, đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô đã nhiệt tình giúp đõ với tinh thần vô tư và trong sáng những vũ khí, khí tài trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ; giúp đỡ máy móc, khoa học, công nghệ, chuyên gia và đào tạo nhân lực…. để xây dựng và kiến thiết đất nước.  

Trong lĩnh vực chính trị, Liên Xô cũng thực hiện phương châm tập trung hóa. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Đảng Cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười, lãnh đạo nhân dân Xôviết đấu tranh chống chủ nghĩa phátxít, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nhân loại khỏi thảm họa phátxít.

Tuy nhiên, trong khoảng những năm 80 thế kỷ XX, trước những biến động của tình hình thế giới, nền kinh tế Liên Xô bắt đầu có sự phát triển chậm lại; các lĩnh vực khác của đời sống xã hội có dấu hiệu khủng hoảng. Sự cải tổ của Liên Xô năm 1985[8] không làm cho tình hình sáng sủa thêm; trái lại, ngày càng tồi tệ và dẫn đến sự sụp đổ năm 1991.

Có nhiều lý giải cho sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, như Liên Xô đã bị đuối trong cuộc đua với chủ nghĩa tư bản, bị tác động bởi các thế lực chống cộng, mô hình kế hoạch hóa đã không kích thích sự năng động cá nhân… Song, ở đây, không thể không đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Có thể thấy, trong những giai đoạn đầu tồn tại và phát triển của mình, Đảng Cộng sản Liên xô đã thực hiện tốt vai trò, chức năng lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển, tiến bộ. Tuy nhiên, khi xã hội có những chuyển biến cả về điều kiện kinh tế, xã hội lẫn khoa học kỹ thuật, cũng như sự gia tăng của các âm mưu chống đất nước mình, với tư cách đảng lãnh đạo cầm quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô đã có dấu hiệu khủng hoảng trong xây dựng, tổ chức Đảng, trong đường hướng phát triển, công tác cán bộ, quan hệ với quần chúng nhân dân… và dần dần mất sức chiến đấu. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng đánh dấu sự chấm dứt vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô.

3. Nếu “văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[9], thì có thể thấy rằng, văn hóa đã đóng vai trò quan trọng trong các mô hình phát triển xã hội trên, nhưng cũng là nhân tố cản trở, thậm chí trong chừng mực nào đó, đã là tác nhân gây ra sự sụp đổ của một mô hình xã hội, như mô hình Liên Xô. Sự thành công và thất bại của các quốc gia trên cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá, thấy được vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển xã hội. Vai trò quan trọng của văn hóa biểu hiện ở chỗ, nó có thể là động lực cho một mô hình phát triển xã hội, có tác động tích cực đến sự phát triển xã hội thông qua sự thúc đẩy sự công bằng, chính trực trong xã hội; ngược lại, nó cũng có thể kìm hãm sự phát triển của xã hội, thậm chí làm sụp đổ một mô hình phát triển xã hội, như trường hợp mô hình Liên Xô nói trên.

Chính văn hóa là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản. Sự phát triển đó đã hình thành nên một mô hình phát triển xã hội điển hình mà người ta hay đề cập, đó là thành công của Nhật Bản = kỹ thuật phương Tây + văn hóa truyền thống Nhật Bản. Các giá trị văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, như trọng gia đình, lễ nghĩa, chữ tín, là nhân tố quan trọng cho sự thành công của Nhật Bản, tạo nên sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần trong mỗi con người Nhật Bản. Nền văn hóa đó thẫm đẫm trong mỗi con người Nhật Bản và ngày càng được phát huy trong quá trình biến đổi của xã hội, văn hóa Nhật Bản.

Văn hóa đã thấm sâu vào các hoạt động của xã hội và con người Nhật Bản, cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lẫn trong các ứng xử hàng ngày. Người Nhật Bản luôn giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm; luôn tuân thủ kỷ luật chặt chẽ, kiên trì trung thành, tiết kiệm. Họ cũng là những con người có tinh thần dân tộc,… Văn hóa Nhật Bản cũng đã hình thành nên con người Nhật Bản hiếu học, không ngừng nỗ lực học hỏi, tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại.

Trở lại với mô hình phát triển xã hội của Liên Xô trong giai đoạn đầu, chính những lý tưởng cao đẹp, chủ nghĩa nhân văn cao cả đã hình thành nên những con người Xôviết luôn sống xả thân vì những lý tưởng cao đẹp, nền văn hóa đó đã cứu nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa phát xít và thảm họa hạt nhân; đã giúp đỡ, hỗ trợ vô điều kiện nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới.

Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, cũng chính đất nước Liên Xô với nền văn hóa đó lại bị sụp đổ vào năm 1991. Tại sao một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả, một nền văn hóa đã hình thành những con người Xôviết từng sáng tạo nên những giá trị có sức hấp dẫn nhân loại tiến bộ, biến nhiều khát vọng tốt đẹp thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn lại có thể sụp đổ nhanh chóng đến không ngờ?

Theo chúng tôi, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa của Liên Xô được cấu thành nên từ những lĩnh vực văn hóa cụ thể, như văn hóa chính trị, văn hóa đảng, văn hóa kinh doanh,… Do đó, có thể thấy rằng, không phải những giá trị văn hóa cao đẹp, chủ nghĩa nhân văn cao cả của nền văn hóa Xôviết sụp đổ, mà trong nền văn hóa đó, ở các lĩnh vực đặc thù của văn hóa, đặc biệt là các lĩnh vực văn hóa tạo nên định hướng phát triển của một quốc gia, như văn hóa lãnh đạo quản lý, văn hóa chính trị của tầng lớp tinh hoa đã không theo kịp với sự phát triển của đời sống xã hội. Có thể, do những hoàn cảnh đặc thù trong giai đoạn đầu hình thành Nhà nước Xôviết cũng như trong thời kỳ đấu tranh chống phát xít, văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa chính trị của Liên Xô phù hợp với bối cảnh lịch sử lúc đó. Tuy nhiên, trong thời bình, khi những điều kiện lịch sử đã có sự vận động, biến đổi, việc Đảng áp dụng nguyên xi văn hóa lãnh đạo, quản lý cũ vào hoàn cảnh mới – đất nước hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu hàng đầu, mà không kịp thời và chủ động có sự thay đổi cho tương xứng với thực tiễn, đã tỏ ra không còn phù hợp, trở nên xơ cứng, trì trệ và thiếu sức sống.

 

Quê hương

 

3. Qua hai mô hình phát triển trên, có thể thấy rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình phát triển xã hội, Việt Nam không thể bỏ qua yếu tố văn hóa. Việc phân tích, làm rõ văn hóa trong một số mô hình phát triển xã hội cho thấy cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, trong nhận thức về vai trò của văn hóa trong mô hình phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần tập trung chú trọng vào hệ thống các nhân tố cốt lõi trong cấu trúc của những mô hình phát triển xã hội này, như coi trọng vai trò của văn hóa truyền thống, quan tâm đến sự phát triển con người, đề cao vai trò của giáo dục, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại,… Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ công hòa ra đời, Đảng ta đã đưa ra quan điểm, chính sách đúng đắn coi văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội và con người; đề cao vai trò của giá trị văn hóa truyền thống và giáo dục – đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, xuất phát từ thực tiễn đất nước dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, cũng như tham khảo bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của các mô hình phát triển xã hội nêu trên, với mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện một số nội dung cơ bản sau trong quá trình xây dựng mô hình phát triển xã hội của mình:

Thứ nhất, tiếp tục kế thừa và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa nhân loại trong xây dựng mô hình phát triển xã hội hiện nay.

Kế thừa và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống chúng ta sẽ tạo ra sự cố kết, tiếp nối văn hóa trong mỗi con người Việt Nam. Việc giữ vững bản sắc dân tộc giúp chúng ta định vị và khẳng định được vị thế dân tộc mình trong quan hệ với các dân tộc khác trên thế giới; đồng thời, tạo nên lõi bất biến trong quá trình tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng cần phải có dựa trên quan điểm biện chứng, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra một luận điểm sâu sắc có giá trị phương pháp luận: "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ (…). Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý (…). Cái gì tốt, thì phải phát triển thêm (…). Cái gì mớihay, thì ta phải làm (…). Đó là mục đích đời sống mới”[10].

Thứ hai, nâng cao hơn nữa tính văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với tư cách hiện tượng xã hội, thẫm đẫm trong các hoạt động của con người, trong sự biến đổi, phát triển của đời sống xã hội, văn hóa cũng cần có sự biến đổi cho phù hợp. Sự sụp đổ của Liên Xô, như đã phân tích ở trên, có phần do sự xơ cứng, trì trệ, lạc hậu, chậm đổi mới cho thích ứng… của văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa chính trị của đảng cầm quyền. Do đó, đây cũng là bài học quý giá cho Việt Nam trong mục tiêu xây dựng mô hình phát triển của mình. Chúng ta cần phải không ngừng nâng cao văn hóa đảng, văn hóa chính trị, đặc biệt là văn hóa chính trị của đội ngũ đảng viên, cán bộ, lãnh đạo quản lý; cần thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý. Bởi lẽ, như Hồ Chí Minh đã khẳng định, “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[11].

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao văn hóa ứng xử, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh…; qua đó, giúp cho mỗi người khắc phục được truyền thống lạc hậu, hay tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong các quan hệ ứng xử hàng ngày; sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật;…

Thứ ba, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; tiếp tục đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Nhật Bản đã thành công trong việc áp dụng giáo dục tiên tiến, các thành tựu khoa học kỹ thuật trong quá trình phát triển của mình. Trong bối cảnh của sự phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; Tuy nhiên, cần thấy rằng, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ không chỉ là tập trung cho các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ; mà còn cần phát triển cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tạo sự hài hòa giữa các thành tựu vật chất và tinh thần, tránh được sự khủng hoảng do sự phát triển quá nhanh của đời sống vật chất, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần có những lộ trình vững chắc, tránh nóng vội, tránh coi đối tượng được giáo dục là đối tượng thử nghiệm cho các quan điểm, nghiên cứu giáo dục chưa chín muồi. Việc tiếp thu các quan điểm, mô hình giáo dục trên thế giới cần tính đến đặc thù của Việt Nam, và tránh sự chắp vá.

Có thể thấy rằng, sự thành công của Nhật Bản thông qua việc thực hiện một số chính sách trên cũng là những nội dung mà Việt Nam đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, đổi mới đã hơn 30 năm, mà hiện tại ở Việt Nam, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn nhân lực được huy động… Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và nhưng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Trên một số mặt, một số lĩnh vực,một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới… Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra”[12].

Mục tiêu xây dựng mô hình phát triển xã hội tốt đẹp; các chủ trương, chính sách để thực hiện cũng đã được các quốc gia áp dụng thành công, mà cụ thể là Nhật Bản. Vậy, tại sao vẫn tồn tại những hiện tượng trên? Điều này cho thấy, vấn đề của Việt Nam hiện nay là việc tổ chức thực hiện các quan điểm, chủ trương đó. Nhưng bằng cách nào, cần những phương tiện gì để chúng ta có thể thực hiện được, đó là bài toán cần sớm có lời giải.

Trong công trình Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói-Tại sao các quốc gia thất bại, Daron Acemoglu và James A.Robinson cho rằng, chính thể chế là nguyên nhân cơ bản cho sự phát triển, thịnh vượng, hay nghèo đói, kém phát triển của các quốc gia[13]. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, thể chế là do con người tạo ra, con người cũng là người vận hành các thể chế. Con người là mục tiêu của sự phát triển văn hóa, nhưng văn hóa cũng do con người sáng tạo ra. Do đó, điểm mấu chốt ở đây trong việc thực hiện các chủ trương, giải pháp trên, hay học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển xã hội của nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chính là vấn đề con người: Con người Việt Nam trong mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, con người Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa pháp luật, văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý, ứng xử… Dưới góc độ văn hóa, lựa chọn điểm nào trong đó làm mấu chốt và đột phá cho mô hình phát triển xã hội Việt Nam là điều cần phải xem xét thấu đáo./.

 

GS.TS. Phạm Văn Đức

PGS.TS. Cao Thu Hằng



[1]UNRISD Research Agenda 2010–2014 (2011), Social Development in an Uncertain World, Switzerland, 2011, p.2.

[2] Dẫn theo: Lưu Văn An (2014), Lý thuyết và mô hình phát triển xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, tr.33.

[3]Lưu Văn An (2014), Lý thuyết và mô hình phát triển xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, tr.26, 27.

[4]Japan: a Story of Sustained excellence, Trong: Strong Performers and successful reformers in education: lessons from PISA for the United States, OCED 2010, pp139.

[5] Xem: Vấn đề già hóa dân số và chính sách an sinh xã hội tại Nhật Bản, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:  http://cpv.org.vn/quoc-te/tin-tuc/van-de-gia-hoa-dan-so-va-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-tai-nhat-ban-114821.html; 00:50 22/02/2012

[6]5 things that make Japan successful, website Japan info: http://jpninfo.com/7252; May 12, 2015.

[7] Tô Huy Rứa (1998), Sáng mãi con đường Cách mạng Tháng Mười, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia & Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,  Cách mạng Tháng Mười tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr58.

[8] Xem: Daniel and Alfred Stainherr (1991), Economic reform in the Soviet Union: Pas de Deux between disintegration and macroeconomic destabilization, Princeton Studies in the Internetional Finance, No 71, November 1991, Princeton University.

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.3,Nxb. Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội, tr.458.

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.112-113.

[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.672.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.67-68.

[13]Daron Acemoglu và James A.Robinson (2013), Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói-Tại sao các quốc gia thất bại,Nxb Trẻ.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết