Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Xây dựng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam trong thời kỳ mới (Phần 1)

Ngày phát hành: 14/10/2020 Lượt xem 14074

 

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Trên cơ sở định hướng và yêu cầu đặt ra cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng cũng chỉ ra một trong ba đột phá chiến lược là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt, tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Như vậy, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước đã đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao. Vấn đề đặt ra là, tại sao nguồn lực con người có vai trò ý nghĩa đặc biệt to lớn như thế; đâu là yêu cầu, nội dung, điều kiện, giải pháp để xây dựng, phát huy tối đa nguồn lực con người vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc? Bài viết này xin được góp phần làm rõ thêm những vấn đề đó.

 

 

1. Đối với chúng ta: Con người vừa là mục tiêu của cách mạng, vừa là động lực của công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước

Mọi cuộc cách mạng từ xưa đến nay, nói cho cùng, đều được đặt ra với lý do con người và nhằm đạt được mục đích vì con người. Yếu tố quan trọng nhất làm nên tính chất khác biệt căn bản của một cuộc cách mạng chính là nó được thực hiện do aivì ai. Cách mạng Hà Lan giữa thế kỷ thứ XVI, Cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII, hay Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII, đều là những cuộc cách mạng nổi tiếng, đánh dấu bước chuyển lịch sử của nhân loại từ thời Trung cổ sang thời Cận đại. Không ai có thể phủ nhận tính chất tiến bộ nhất định của những cuộc cách mạng đó với việc xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến, xác lập một phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tiến bộ hơn, năng suất lao động cao hơn và tạo điều kiện cho sự cải thiện cuộc sống của một bộ phận những người lao động. Tuy nhiên, tất cả các cuộc cách mạng đó cuối cùng vẫn chỉ đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản, vì túi tiền của những ông chủ giàu có mà thôi, nghĩa là “do” và “vì” một bộ phận người rất rất thiểu số trong xã hội. Sự tiến bộ của lực lượng sản xuất và năng suất lao động, rốt cuộc chỉ phục vụ cho mục đích bóc lột, làm giàu của giới chủ tư sản. Dù có giương lên khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” như Cuộc cách mạng Pháp hay đưa những tuyên ngôn đầy chất nhân đạo, văn minh như Tuyên ngôn độc lập, kết quả của Chiến tranh cách mạng Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không thể tước bỏ. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, thì cuối cùng, giai cấp tư sản, kẻ chiến thắng trong các cuộc cách mạng ấy cũng vẫn hiện nguyên hình là những kẻ bóc lột, những kẻ chiếm lấy vị thế “ăn trên, ngồi chốc” đối với chính nhân dân của mình, không thể cùng hội, cùng thuyền, nhường cơm, xẻ áo với đông đảo nhân dân lao động trong cùng một đất nước. Hơn thế nữa, những cuộc cách mạng ấy đã mang lại sức mạnh vũ khí, tăng cường nguồn lực vật chất cho giai cấp tư sản để họ đi khắp thế giới, xâm chiếm thuộc địa, áp đặt chế độ thống trị hà khắc, bóc lột đến tận xương, tận tủy những dân tộc chậm phát triển, trà đạp lên mọi giá trị luân lý và văn hóa của con người.

Trong lịch sử thế giới cận đại, có thể kể ra vô vàn những con số, sự kiện khủng khiếp mà giai cấp chiến thắng trong các cuộc cách mạng tư sản đã gây ra cho các dân tộc thuộc địa. Ví dụ với Ấn Độ, trong hơn một trăm năm đế quốc Anh cai trị tiểu lúc địa Ấn Độ, bao gồm cả Pakistan và Bangladesh, trên vùng đất này đã có ít nhất 3 vụ, trong đó số người chết được ước tính cao nhất lên đến cả chục triệu người mỗi vụ. Đó là: Đại dịch hạch giữa thế kỷ XIX, Đại nạn đói các năm 1876-1878, Nạn đói Ấn Độ năm 1899-1900. Đặc biệt, làm sao chúng ta có thể quên được 80 năm đô hộ của thực dân Pháp đối với đất nước Việt Nam. Chính những con người đã giương lên ngọn cờ “tự do, bình đẳng, bác ái” trong Cách mạng Pháp lại là những người đã biến những thành tựu của cuộc cách mạng ấy thành sức mạnh để dìm những cuộc đấu tranh vì độc lập của đất nước, tự do và quyền sống của con người Việt Nam trong bể máu, áp đặt lên giống nòi chúng ta một chế độ cai trị thực dân áp bức khắc nghiệt hơn thời trung cổ. Làm sao chúng ta có thể quên được những con cháu của 

George Washington, trong khi vẫn rao giảng về “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của mọi người, đã nã súng giết hại 504 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ ở Quảng Ngãi nội trong buổi sáng ngày 16-3-1968; đã ném bom rải thảm vào khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12-1972, giết hàng trăm người dân, nhân viên y tế, bệnh nhân vô tội; đã rải hàng triệu lít chất độc da cam xuống miền Nam, để lại di chững bệnh tật cho hàng triệu người trong nhiều thế hệ; v.v. và v.v.. Không phải một người cộng sản nào, mà Terry Eagleton, chính là một giáo sư từ nước Anh đã nhận xét “Lịch sử của chủ nghĩa tư bản, bên cạnh nhiều thứ khác, là một câu chuyện của chiến tranh toàn cầu, bóc lột thuộc địa, tội diệt chủng và nạn đói”[1].

Nhắc lại những điều ấy tưởng không thừa để chúng ta có thể so sánh, nhìn nhận một cách khách quan, chỉ ra sự khác biệt của cuộc cách mạng mà nhân dân ta đã và đang tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một cuộc cách mạng vì con người với đầy đủ ý nghĩa cao cả, nhân văn. Thứ nhất, đường lối nhất quán, trước sau như một của Đảng ta là lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng để giành lấy độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang ấm no, hạnh phúc, cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho nhân dân, cho cả dân tộc. Mục tiêu cao cả ấy là vì con người, hay theo nghĩa hiện thực, cụ thể là vì nhân dân, vì cả dân tộc, mà không phải vì một nhóm người trong một giai cấp, tầng lớp người nhỏ bé trong xã hội. Cũng vì mục tiêu ấy, cuộc cách mạng của chúng ta hướng tới việc giáo dục, xây dựng con người, làm cho mọi người trong xã hội đều có thể sống hòa hợp hạnh phúc trong cộng đồng xã hội đúng như nguyên nghĩa gốc của từ communism là commune-cộng đồng. Đó cũng chính là mục tiêu mà Hồ Chí Minh, Người tìm ra con đường cứu nước ta, Người sáng lập ra Đảng ta đã xác định như một ham muốn tột bậc của đời mình là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2].

Thứ hai, cuộc cách mạng của chúng ta không chỉ vì nhân dân ta, vì dân tộc ta, mà còn đồng thời vì cuộc sống tốt đẹp của các dân tộc trên thế giới, hướng tới một cộng đồng nhân loại tự do, hạnh phúc, không có người bóc lột người. Ngay trong Chương trình tóm tắt của Đảng năm 1930 đã chỉ rõ: “Đảng phổ biến khẩu hiệu “Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là với quần chúng vô sản Pháp”[3]. Sự “liên kết” ở đây hay sự “thực hành liên lạc” trong “Sách lược vắn tắt của Đảng” được quan niệm là liên hệ, phối hợp để cùng nhau đấu tranh vì mục tiêu giải phóng, mang lại tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho các dân tộc. Bởi thế, hai đặc trưng trên cũng trở thành “lửa thử vàng” cho tất cả các cuộc cách mạng, các đảng chính trị hiện đại. Một khi những người tổ chức cách mạng hay lãnh đạo một đảng chính trị mà đàn áp một bộ phận nhân dân, dân tộc mình, dùng sức mạnh vũ lực hay đồng tiền để tước đoạt hay áp chế các dân tộc khác, thì dứt khoát họ đã dẫm lại bước chân của những cuộc cách mạng tư sản sơ khai, đẩy chế độ của mình đi theo con đường đế quốc, hoàn toàn xa rời chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, cuộc cách mạng của chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi hoàn toàn khi tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì “nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày giàu mạnh thêm”. Nhưng “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”[4]. Đó chính là một cuộc biến đổi cách mạng từ chế độ này sang chế độ khác tiến bộ hơn. Nói như Hồ Chí Minh, “Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”[5]. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải được xây dựng bằng lao động, theo lộ trình, đòi hỏi sự sáng tạo và có thời gian. Chính con người, cụ thể là nhân dân lao động, chứ không phải ai khác, là lực lượng lao động sáng tạo để thực hiện cuộc các mạng ấy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó là một điều hiển nhiên và dễ hiểu. Xong vẫn có một số người nhìn vào sự phát triển của một số nước phương Tây rồi quay về trong nước chê bai, ỉ eo rằng: “chủ nghĩa xã hội gì mà nghèo thế, mà khó thế!”, rằng “không sang phương Tây mà xem chủ nghĩa tư bản giãy chết!”. Họ đã cố tình quên đi hoặc vô ý mà không hiểu rằng, những thành tựu ấy là do công sức, nước mắt, mồ hội và cả máu của những người lao động chính quốc và những của cải bóc lột từ các thuộc địa mà có được. Hơn nữa, thời gian hòa bình xây dựng hàng trăm năm và một loạt điều kiện khởi đầu là không gì có thể thay thế được để phát triển kinh tế, xây dựng các cơ sở vật chất, kỹ thuật cho một đất nước. Đặc biệt, quá trình phát triển nền sản xuất công nghiệp đã dần dần cải tạo, xây dựng, chuẩn bị nên nguồn lực con người có lối sống kỷ luật, văn hóa công nghiệp, có các phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt hơn cho quá trình phát triển hiện đại. Đó chính là điều mà từ một trăm năm trước, V.I. Lênin đã từng cảnh báo rằng, sự bảo đảm cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội chính là phải “đưa ra và thực hiện được một kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản”, một kiểu tổ chức có tính “kỷ luật mới” để có được năng xuất lao động cao hơn. Nhưng thứ “kỷ luật mới” ấy chỉ có thể xuất hiện từ những điều kiện vật chất của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa. Và V.I. Lênin đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch điện khí hóa nước Nga (Gô-en-rô) để nhằm tới mục đích kép là xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và xây dựng những con người mới có kỷ luật, văn hóa lao động mới. Đó là hai điều kiện mà theo V.I. Lênin, “sẽ làm cho những nguyên tắc của chế độ cộng sản, những nguyên tắc của một đời sống văn minh không có bọn bóc lột, không có các nhà tư bản, không có địa chủ, không có bọn con buôn, hoàn toàn thắng lợi”[6] ở nước Nga.

Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn vấn đề con người và nguồn lực con người, càng thấy rõ hơn sự cần thiết, những yếu tố bảo đảm cho việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong xây dựng, phát triển đất nước. Cương lĩnh 1991 đã nhấn mạnh yêu cầu chăm lo bồi dưỡng hình thành con người mới, những con người “có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”[7], đủ sức lực, trí lực và đạo đức để đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh 2011 tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”[8]. Cùng với xây dựng con người và gắn liền với xây dựng con người, Cương lĩnh 2011 yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tính chất nhân văn và tiến bộ, làm cho văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Từ cơ sở nhận thức và định hướng đường lối của Cương lĩnh 2011, Đại hội XII của Đảng đã tiếp tục cụ thể hóa, làm rõ hơn nội dung, yêu cầu của vấn đề xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII chỉ rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”[9].

 

2. Những vấn đề đặt ra về xây dựng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam trong điều kiện mới

Thực hiện đường lối chung của Đảng, trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo dựng nên một “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” chưa từng có, trong đó có những thành tựu nổi bật về lĩnh vực phát triển con người.

Trước hết, đời sống vật chất của con người Việt Nam đã được đã được cải thiện không ngừng cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới xây dựng, phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và phát triển hạ tầng kỹ thuật của đất nước. Thu nhập bình quân đầu người trong cả nước đã đạt gần 3.000 USD năm 2020, tăng hơn 2 lần so với thời điểm 2010 là 1.332 USD và tăng khoảng 30 lần so với năm 1990[10]. Diện tích bình quân nhà ở tăng từ 17,9 mét vuông năm 2010 tăng lên khoảng 25 mét vuông năm 2020. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã đạt đến 76,3 tuổi, trong đó số năm sống khỏe sau tuổi 60 là 17,2 năm, đứng thứ 42/183 nước trên thế giới. Cũng trong khoảng thời gian 10 năm ấy, công tác xóa đói, giảm nghèo chuyển dần theo hướng giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm gần 5 lần, từ 14,2 % giảm còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đầu tư của nhà nước cho các khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là đường giao thông, hạ tầng giáo dục, y tế, được quan tâm hơn. Dịch vụ y tế ngày càng được hoàn thiện về hệ thống, nâng cao về chất lượng khám, chữa, phòng bệnh, thuận lợi về điều kiện tiếp cận. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế từ 60,9% năm 2010 đã tăng lên 90,7% năm 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính chung trong giai đoạn 10 năm 2011-2020, cả nước đã huy động được khoảng 2.967.057 tỷ đồng, tương đương khoảng 134,8 tỷ USD[11] cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực sự góp phần cải thiện toàn diện điều kiện sống của cư dân khu vực nông thôn. An ninh con người, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đều được quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn, nhất là đối với các đối tượng yếu thế. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam được cải thiện một bước, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển con người trung bình cao của thế giới. Công tác bảo vệ môi trường sống, ứng phó với những nguy cơ từ an ninh phi truyền thống như nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... được chú trọng, đã chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Đời sống tinh thần của con người Việt Nam đã được cải thiện không ngừng, mang lại môi trường sống và các điều kiện ngày càng tốt đẹp, phong phú và toàn diện hơn cho cuộc sống của nhân dân. “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang dần trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái phương hại đến văn hóa, lối sống con người được chua trọng”. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy trong các lĩnh vực của xã hội. Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật ngày càng phát triển phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình và nâng cao về chất lượng. Nhiều di sản văn hóa của dân tộc được công nhận, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. Hệ thống truyền thông đại chúng phát triển nhanh, ngày càng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu phong phú về thông tin, giáo dục, giao lưu, giải trí của người dân. Hiện nay cả nước có 868 cơ quan báo chí, truyền thông, trong đó có 180 cơ quan báo in, 660 tạp chí in, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 2 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương, 5 tổ chức truyền hình của các bộ, ngành, với 87 kênh phát thanh, 191 kênh truyền hình. Số lượng nhà báo được cấp thẻ là 19.166 người. Chỉ tính riêng năm 2019, gần 60 nhà xuất bản cả nước đã xuất bản trên 33.000 cuốn sách với hơn 400 triệu bản in, hàng nghìn sách điện tử đã được phát hành. Số xuất bản phẩm đã đạt bình quân 5 bản/người/năm. Tính đến tháng 1-2020, cả nước đã có 68,17 triệu người sử dụng Internet chiếm tỷ lệ 70% dân số Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng Internet, đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong học tập, mở mang hiểu biết, tăng cường kết nối, giao lưu trong nước và trên toàn cầu, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Định hướng chiến lược “giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu” được cụ thể hóa, tổ chức thực hiện trên thực tế, mang lại những kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo quốc dân được tiếp tục mở rộng, hoàn thiện theo tất cả các cấp học, các loại hình giáo dục và các chuyên môn đào tạo, theo hướng tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo được bảo đảm về tỷ lệ, tăng lên về nguồn lực, giúp cho việc tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo được phát triển cùng với các chính sách đãi ngộ được đổi mới. Sự phát triển của hệ thống giáo dục, đào tạo quốc gia, không chỉ bảo đảm cho mọi người dân đều có quyền, khả năng được hưởng thụ nền giáo dục suốt đời, góp phần đào tạo nguồn lực con người cho công cuộc đổi mới, mà còn là một yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần hình thành nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ, xây dựng những con người mới, chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, chuyển giao, ứng công nghệ. Tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia từng bước được tăng cường. Khoa học xã hội  và nhân văn đã thực sự góp phần xây dựng cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Khoa học tự nhiên tiếp tục phát triển có trọng tâm, trọng điểm, một số lĩnh vực đạt trình độ khu vực, trình độ chung của thế giới. Việc đầu tư cho đổi mới công nghệ đã có bước chuyển biến, chú trọng hướng về các doanh nghiệp làm trung tâm. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có bước phát triển ban đầu đáng trân trọng. Đến nay cả nước đã có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, đã hình thành nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta tăng lên hằng năm, năm 2019 đã xếp thứ 42 trên tổng số 129 quốc gia trên thế giới, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện rộng rãi đồng thời với việc tăng cường pháp chế, trật tự, kỷ cương xã hội. Việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng gia đình văn hóa mới”, “Xây dựng nông thôn mới” v.v. được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh. Đó chính là những yếu tố quan trọng góp phần to lớn, có hiệu quả vào việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, quyền được tham gia quản lý xã hội, tham gia quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức xã hội. Mặt khác, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, thể hiện sự thái độ không khoan nhượng của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, được nhân dân ủng hộ. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn bị lôi ra ánh sáng trong các vụ trọng án. Nhiều cán bộ, kể cả những cán bộ cao cấp, thiếu ý thức rèn luyện đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, thiếu tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, không thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sa vào tham nhũng, tiêu cực, đã bị xử lý kỷ luật đảng nghiêm khắc, đã phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã không chỉ ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, lợi dung chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị để xâm hại của cải, tài sản, ảnh hưởng xấu đến tiến trình xây dựng, phát triển đất nước; sàng lọc để loại thải những phần tử cơ hội, vụ lợi, đạo đức không trong sáng ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo; mà còn qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Một kết quả quan trọng, có ý nghĩa chi phối đối với quá trình xây dựng và phát huy nguồn lực con  người chính là sự hoàn thiện thể chế bảo đảm cho quyền, lợi ích chính đáng, môi trường và điều kiện cho phát triển tự do, bình đẳng, cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mọi người dân theo phương châm: “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người, xác lập các nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý bảo vệ và thực thi các quyền, các điều kiện bảo đảm lợi ích chính đáng của con người. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhiều luật, bộ luật được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cập nhật để điều chỉnh hợp lý, chặt chẽ các vấn đề về quyền tự do sáng tạo, quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật; quyền tự do và trách nhiệm trong hoạt động báo chí, truyền thông đại chúng; quyền dân chủ trong tiếp cận thông tin, phát và nhận thông tin; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo; vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia và công dân trên mạng; v.v… Cùng với hệ thống luật pháp của Nhà nước, nhiều quy định, chế độ của Đảng được ban hành như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” quy định cụ thể 9 biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Quy định số 8-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” v.v..  Sự hoàn thiện hệ thống luật pháp ngày và các chế định của Đảng tạo ra môi trường thuận lợi, các điều kiện rõ ràng, minh bạch cho công tác xây dựng, phát huy nguồn lực con người trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động được đào tạo qua đào tạo từ 40% năm 2010 đã tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao cũng tăng lên, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ xây dựng...

Tóm lại, những thành tựu xây dựng, phát huy nguồn lực con người trong 10 năm qua là rất to lớn, toàn diện. Đó chính là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với những thành tựu to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cũng nghiêm khắc chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực xây dựng và phát huy nguồn lực con người.

“Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm”, môi trường văn hóa xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Chưa có giải pháp cần thiết và đủ khả năng ngăn chặn, đẩy lùi “sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống” gây bức xúc trong xã hội cả về tinh thần và trật tự xã hội. Trong xã hội còn có những hiện tượng “phân hóa giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng”, chưa kiểm soát soát và giải quyết tốt “các mâu thuẫn xã hội, xung đột xã hội phát sinh”, chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội chưa hiệu quả, sự thụ hưởng thành tựu phát triển chưa đồng đều, hài hòa trong nhân dân các khu vực. “Đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao, nhất là giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục làm người, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống còn “có lúc, có nơi bị xem nhẹ”. “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế”. “Chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa”, chưa thu hút nhân tài, chưa khơi dậy và phát huy sức sáng tạo. Đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, chưa xuất phát từ yêu cầu  phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý còn năng nề về thủ tục, chưa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, công trình...

 

 

Công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu, đòi hỏi mới về xây dựng và phát huy nguồn lực con người.

Trước hết, bối cảnh thế giới đã và đang có những thay đổi vô cùng to lớn dưới tác động của những biến động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong khi hòa bình, hợp tác phát triển vẫn đang là xu thế chung, cần thiết cho cuộc sống của mọi quốc gia, dân tộc, thì xung đột cục bộ, cạnh tranh chiến lược, nhất là cạnh tranh giữa các cường quốc đang diễn ra ngày càng phức tạp và gay gắt hơn. Tranh chấp không gian sống, nhất là tranh chấp biển đảo trên Biển Đông do chính sách cường quyền nước lớn vẫn còn phức tạp, có nguy cơ nổ ra xung đột bất cứ lúc nào. Các nước lớn vừa cạnh tranh, vừa thỏa hiệp, hợp tác với nhau vì mục đích lợi ích của mình. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cường quyền trong quan hệ quốc tế có chiều hướng gia tăng. Các thể chế toàn cầu cũ hầu hết không còn giữ được vai trò, vị thế ban đầu trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Các thể chế đa phương khu vực, toàn cầu mới đã và đang hình thành cũng chứ đủ sức thuyết phục, chưa đủ khả năng thay thế các thể chế cũ. Các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không dễ giải quyết.

Cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư, một mặt mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, nhất là các quốc gia giàu có, có tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ mạnh. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức không nhỏ đặt ra đối với nhiều nước, nhất là các nước nhỏ, hạn chế về tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ chưa phát triển. Nếu không tranh thủ các điều kiện thuận lợi, tận dụng các nguồn lực, các khả năng để phát triển theo kịp những tiến bộ do cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, một số quốc gia có thể bị tụt hậu nhanh chóng.

Kinh tế thế giới đang đối mặt trước nguy cơ khủng hoảng, suy thoái có tính chu kỳ. Đại dịch COVID-19 diễn ra sau 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ tác động trực tiếp làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng trước mắt, mà còn tiếp tục ảnh hưởng trong một thời gian nữa, tạo ra sự thay đổi không nhỏ trong cơ chế vận hành và các mối quan hệ trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Những vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường sống, dịch bệnh, v.v. đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng nặng nề đến an ninh cuộc sống của con người, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong nước, sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực Cương lĩnh 1991 và nhất là 10 năm thực hiện cương lĩnh 2011, đất nước ta đã thu được những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước đã được nâng lên, đời sống nhân dân đã được cải thiện căn bản, rõ rệt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế của đất nước phát triển chưa bền vững, trong khi sự hội nhập quốc tế đã rất sâu và phải thực hiện một loạt cam kết quốc tế ở trình độ cao của những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những nguy cơ về tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, diễn biến hòa bình… chưa ngăn chặn, đẩy lùi một cách cơ bản, có mặt, có nơi, có lúc còn biểu hiện gay gắt, phực tạp. Vấn đề bảo vệ hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính - trị xã hội, là những thách thức trực tiếp đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong bối cảnh chung của thế giới và trong nước, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045, thời điểm kỷ niệm tròn 100 năm ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta phải trở thành “nước phát triển (- hoặc nước công nghiệp hiện đại), có thu nhập cao”. Để có thể đạt được mục tiêu đó, yếu tố quyết định chính là xây dựng và phát huy được nguồn lực con người Việt Nam, làm cho con người Việt Nam được phát triển tự do, toàn diện, kết tinh được các giá trị văn hóa truyền thống quý báu, có đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tiếp thu chọn lọc được tinh hoa văn hóa của nhân loại, được đào tạo, chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, tri thức, kỹ năng sống, năng lực lao động sáng tạo, phát huy được tối đa trí tuệ, tài năng, khát vọng phát triển trong cuộc sống và lao động sáng tạo. Điều ấy cũng có nghĩa là những vấn đề và điều kiện trên đây đây đòi hỏi chúng ta phải nhận thức một cách đúng đắn, rõ ràng hơn, để trên cơ sở có những nội dung, chính sách, giải pháp tích cực, thiết thực, hiệu quả nhằm đổi mới và tăng cường công tác xây dựng, phát huy nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

(Còn tiếp)
GS.TS Tạ Ngọc Tấn

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW

 

[1]Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị - Hành chính, HN, 2012, tr. 227.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 4, tr. 187.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 4.

4Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 216.

 

[5]Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 238.

[6] Lê-nin toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2006, t. 43, tr. 337.

 

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2007, t. 51, tr. 144-145.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr. 76.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTWĐ, HN, 2016, tr. 126-127.

[10]  Tất cả các số liệu về kinh tế - xã hội Việt Nam trong bài viết này đều lấy từ “Tóm tắt Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”.

[11] Theo “Báo cáo số 02/BC-BCĐCTMTQG, ngày 27-4-2020: “Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”, của Ban chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết