Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

1010 năm Thăng Long-Hà Nội: Mãi là biểu tượng rạng rỡ của đất nước Việt Nam

Ngày phát hành: 05/10/2020 Lượt xem 2177

 

Hàng nghìn năm trước Hà Nội đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu nghiệp lớn. Ngày nay, những dấu ấn, di sản mà tiền nhân để lại đã trở thành nguồn động lực to lớn cho Hà Nội vững bước trong thời đại tri thức và sáng tạo, để Thăng Long-Hà Nội mãi mãi là biểu tượng rạng rỡ của đất nước Việt Nam.

* Kinh đô muôn đời
Hà Nội là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hàng nghìn năm trước đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu nghiệp lớn, từ kinh đô Cổ Loa của Nhà nước Âu Lạc cách đây hơn 2000 năm đến kinh đô Thăng Long của Nhà nước Ðại Việt hơn 1000 năm trước và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1010, đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã ban Chiếu rời đô, từ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình về thành Đại La. Trong chiếu dời đô có đoạn: “Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện thế nhìn sông, tựa núi. Đất ấy rộng, lại bằng phẳng, cao ráo mà sáng sửa, dân cư không phải cái nạn tối tăm, ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giàu thịnh đông vui, xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời”.
Về tên gọi thăng Long, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Toàn thư, Tập I, H, tr 241).
Sách Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long cũng luận giải và khẳng định: “Tên gọi Thăng Long chứa đựng một ý nghĩa lớn. Trước hết, tên gọi rồng bay (Thăng Long) gợi tả được khí thế mạnh mẽ vươn lên của kinh thành. Nhưng tên gọi rồng bay còn thể hiện một khát vọng hòa bình, đời sống hạnh phúc, tự do của dân tộc Việt Nam thời bấy giờ… Hơn thế nữa, biểu tượng rồng bay còn chứa đựng ý niệm thiêng liêng trở về cội nguồn Rồng-Tiên và mơ ước về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước” (tập 1, tr.1222).
Mang vận mệnh Kinh thành của một quốc gia luôn phải đối mặt với binh đao, lửa đạn, Thăng Long-Hà Nội ôm trọn khát vọng rồng bay từ một nền văn hiến ngàn đời. Kể từ ngày đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” làm nơi định đô, mọi kẻ thù xâm lược đều thất bại. Mỗi khi đất nước nguy nan, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng qua những trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Đó là Đông Bộ Đầu năm 1258, Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789, Hà Nội mùa đông năm 1946... và đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Trải qua hơn 10 thế kỷ từ khi Lý Thái Tổ-Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô, Thăng Long-Hà Nội đã luôn thể hiện một bản lĩnh phi thường, từ trong gian khó đau thương, "bay" lên hiên ngang và bất khuất. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách, lưu danh muôn đời.

 



* Đổi mới, sáng tạo và phát triển
Đi qua những thăng trầm của lịch sử, kinh thành Thăng Long trước đây - Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vũng vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc.
Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (năm 1999) mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018”.
Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, Hà Nội gương mẫu đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua gần 35 năm đổi mới khẳng định mạnh mẽ sức vươn của Thủ đô anh hùng, nhất là dấu ấn trong thực hiện quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố rộng lên gấp hơn 3 lần kể từ ngày 1-8-2008.  
Trong nhiều năm, Hà Nội trở thành địa phương liên tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giai đoạn 2006-2010 đạt 10,73%; giai đoạn 2011-2015 đạt 9,23%. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục thể hiện rõ sức vươn ngày càng mạnh mẽ, GRDP tăng bình quân 7,23%/năm. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và trên 8% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% về GRDP và trên 19% về thu ngân sách.
Hà Nội hiện là một trong những trung tâm thương mại, tài chính-tiền tệ của cả nước. Công nghiệp phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.
   Hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, như: cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; Đường Vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường Vành đai 2… Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng trên địa bàn. Cùng với đó, quy trình, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến, hình thành tuyến phố kiểu mẫu... hướng tới xây dựng đô thị thông minh. 
   Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa-xã hội để tiếp nối truyền thống nghìn năm văn hiến, xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử... Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
  Công tác giáo dục, y tế có sự phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước, cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2019 giảm còn 0,42%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 90%; đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao.
   Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 4/2020, Hà Nội có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 356/386 xã (chiếm trên 92%) được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
   Hà Nội cũng đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình.
Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới 246 Thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế, vai trò là trái tim của cả nước.
Trải qua hơn 10 thế kỷ với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; đồng thời trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa sức mạnh, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc./.

 

Minh Duyên (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết