Thứ Sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024

Cộng đồng quốc tế nỗ lực hạn chế virus corona lây lan

Ngày phát hành: 27/01/2020 Lượt xem 1160

Để đối phó với virus corona mới (2019-nCoV) đang lây lan, Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Ngày 27-1-2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên đường tới Trung Quốc để thảo luận cách thức kiểm soát dịch bệnh. Theo số liệu mới nhất của WHO, số các ca nhiễm virus corona đã lên tới hơn 2.700  ca, chủ yếu là tại Trung Quốc và 50 ca được xác nhận nhiễm ở 15 quốc gia khác, cướp đi sinh mạng của 80 người.

 

(Nguồn: AP)

 

* Nỗ lực hạn chế virus corona lây lan
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm phổi do virus corona lây lan, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp cách ly tỉnh Hà Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán được coi là tâm điểm bùng phát dịch bệnh, và khởi động cơ chế ứng phó cấp 1 đối với dịch bệnh. 
Chính phủ Trung Quốc thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới ngày 2-2, nhằm giảm các cuộc tụ tập đông người, phòng tỏa dịch bệnh lây lan và bảo vệ tốt hơn sức khỏe và sự an toàn của người dân. Theo kế hoạch ban đầu, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày 24-1 và sẽ kéo dài đến ngày 30-1. Các trường đại học, trường tiểu học cơ sở và trung học cơ sở, nhà trẻ trên toàn quốc sẽ hoãn bắt đầu kỳ học mới cho đến khi có thông báo tiếp theo. Những người không thể nghỉ phép do chiến dịch kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh có thể nghỉ bù theo Luật Lao động và sẽ được hưởng chế độ lương và thù lao phù hợp với các chính sách liên quan. 
          Ngày 27-1-2020, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra. Trong khi đó, Australia cũng đã xác nhận trường hợp thứ 5 nhiễm virus corona ở nước này là một phụ nữ 21 tuổi đã đáp chuyến bay cuối cùng rời Vũ Hán, tới thành phố Sydney của Australia trước khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa đối với thành phố Vũ Hán. Giới chức y tế Australia dự báo sẽ có thêm số người nhiễm bệnh do hoạt động du lịch mạnh mẽ giữa hai nước.
- Chính quyền khu hành chính Macau (Trung Quốc) tuyên bố sẽ không tiếp nhận các du khách đến từ tỉnh Hồ Bắc hoặc những người đã đến tỉnh này trong vòng 14 ngày trước đó, trừ phi họ trình được giấy xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, khẳng định họ không bị nhiễm virus nói trên. 
Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo sẽ cấm cư dân từ tỉnh Hồ Bắc hoặc những người đã từng tới tỉnh này trong 14 ngày qua, không được vào vùng lãnh thổ này này từ ngày 27-1. Quy định này không áp dụng đối với người dân Hong Kong và chưa có thời hạn chót đối với lệnh cấm này.
- Mông Cổ quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không cho phép ô tô và khách bộ hành qua biên giới Trung Quốc. Tất cả các trường học và trường đại học sẽ tạm thời đóng cửa tới ngày 2-3. Lệnh này cũng được áp dụng với các địa điểm công cộng khác. Các hoạt động tập thể, thi đấu thể thao và ngay cả các hội nghị cũng tạm thời bị hủy. 
-  Malaysia đã ban bố lệnh cấm tạm thời đối với các công dân Trung Quốc đến từ tỉnh Hồ Bắc. Lệnh cấm cũng có hiệu lực đối với những người đến Malaysia từ các địa phương lân cận tỉnh Hồ Bắc. Lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ sau khi tình hình đã bình thường trở lại. Malaysia đã có 4 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV.
  - Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo virus corona mới lên mức "cam", sau khi xác nhận có trường hợp thứ 4 nhiễm virus corona mới ở nước này. Mức cảnh báo "cam" là mức độ cao thứ ba trong hệ thống 4 bậc và thể hiện sự lây lan hạn chế của dịch bệnh trong nước. Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường kiểm tra-kiểm dịch nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của virus này và quản lý chặt chẽ hơn những người bị nghi ngờ đã bị nhiễm bệnh.
Trong khi đó, các hãng hàng không của Hàn Quốc đã quyết định miễn phí hủy vé bay tới Trung Quốc cho các hành khách. 
- Singapore cũng công bố một loạt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới. Theo đó, các học sinh và giáo viên từng đi du lịch tới Trung Quốc trong thời gian gần đây, được yêu cầu ở nhà trong vòng hai tuần. Bên cạnh đó, nước này cũng khuyến cáo các du khách nên hoãn mọi chuyến đi không cần thiết tới Trung Quốc và thông báo sẽ bắt đầu kiểm tra thân nhiệt của hành khách trên các chuyến bay từ Trung Quốc về Singapore. 
- Ấn Độ tăng cường cảnh giác tại các điểm nhập cảnh từ nước láng giềng Nepal, sau khi xuất hiện một trường hợp được xác nhận nhiễm corona mới ở Nepal. Các đội y tế đã được triển khai tại cửa khẩu biên giới với Nepal tại Jhulaghat và Jauljibi, huyện  Pithoragarh (bang Uttarakhand). 
- Nhật Bản thông báo sẽ thuê một máy bay tới thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, có thể là vào ngày 28-1, để đưa những công dân nước này về nước. Theo kế hoạch, máy bay này sẽ thực hiện nhiều chuyến bay qua lại từ sân bay Narita gần thủ đô Tokyo tới thành phố Vũ Hán vào thời điểm sớm nhất vì điều này còn tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với giới chức Trung Quốc. Máy bay này cũng sẽ vận chuyển hàng cứu trợ khi bay tới thành phố Vũ Hán nếu phía giới chức Trung Quốc yêu cầu. Hiện Nhật Bản có khoảng 560 công dân tại tỉnh Hồ Bắc. 
Trước đó, hãng hàng không All Nippon Airways Co đã đình chỉ mọi chuyến bay từ sân bay Narita tới thành phố Vũ Hán vào những ngày còn lại trong tháng này do lo ngại virus corona mới lây lan.         
-  Thái Lan đã cho máy bay vận tải C-130 túc trực để sẵn sàng sơ tán công dân nước này khỏi thành phố Vũ Hán nhưng Trung Quốc vẫn chưa cấp phép vì cho rằng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Đại sứ quán Thái Lan tại Trung Quốc đang tập hợp danh sách công dân muốn về nước và lên kế hoạch tổ chức các điểm đón. Hiện Thái Lan có khoảng 200-300 công dân ở Vũ Hán. Thái Lan cũng khuyến cáo người dân tránh đến những nơi đông người và nếu có đến thì nên đeo khẩu trang để tự bảo vệ.
- Italy hiện đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Vũ Hán. Kế hoạch sơ tán do Đơn vị Chống khủng hoảng thuộc Bộ Ngoại giao Italy phối hợp với chính quyền Pháp thực hiện. Dự kiến, công dân Italy sẽ được di chuyển (có thể bằng xe buýt) đến thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Công dân Italy sẽ bị cách ly trong hai tuần tại bệnh viện, tương ứng với thời gian ủ bệnh tối đa của virus. Cơ sở này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Italy hiện có khoảng 50 công dân đang cư trú tại thành phố Vũ Hán.
- Australia cũng lên kế hoạch kế hoạch sơ tán công dân nước này hiện bị mắc kẹt tại thành phố Vũ Hán. Hiện có khoảng 100 trẻ em Australia trong số những người bị mắc kẹt trong khu vực sau khi tới Vũ Hán dự lễ đón Tết Nguyên đán cùng người thân. Australia đã xác nhận có 4 bệnh nhân nhiễm virus corona, gồm 1 người ở bang Victoria và 3 người ở bang New South Wales.
- Mỹ đang sắp xếp một chuyến bay để sơ tán đội ngũ nhân viên làm việc tại lãnh sự quán Mỹ và các công dân Mỹ đang bị mắc kẹt tại Vũ Hán. Trong một thư điện tử gửi các công dân Mỹ tại Trung Quốc,  trên cho biết một máy bay sẽ rời thành phố Vũ Hán vào ngày 28-1 và đưa các hành khách tới thành phố San Francisco của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ hạn chế chỗ ngồi đối với các công dân bình thường. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh do công suất vận chuyển có giới hạn, nên sẽ dành ưu tiên cho những cá nhân có nguy cơ nhiễm virus corona cao hơn.
- Tây Ban Nha tuyên bố đang làm việc với Chính phủ Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) về việc khẩn trương đưa khoảng 20 công dân của mình rời khỏi Vũ Hán về nước.
- Anh cũng đề nghị giúp công dân nước này rời tỉnh Hồ Bắc trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Văn phòng Đối ngoại Anh còn cung cấp số điện thoại cho công dân Anh nếu họ cần sự trợ giúp. 
          - Nga tuyên bố, các hãng lữ hành đã ngừng bán tour sang Trung Quốc và đang đưa khách du lịch Nga về nước. Hiện có khoảng 7.000 du khách Nga đã mua tour du lịch trọn gói hiện vẫn đang ở Trung Quốc. Trong số này có khoảng 6.000 người đang trên đảo Hải Nam và số còn lại ở Trung Quốc Đại lục.
- Pháp đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán hàng trăm công dân từ tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tuần tới. Hiện Pháp có từ vài trăm đến 800 công dân đang sinh sống ở thành phố Vũ Hán. Theo đánh giá, quá trình sơ tán sẽ mất khoảng 14 ngày, trong đó gồm cả quá trình theo dõi sức khỏe các hành khách trở về từ thành phố này. Bộ Y tế Pháp xác nhận nước này tới nay đã phát hiện 3 ca nhiễm virus corona, đều là công dân Trung Quốc.
Pháp cũng quyết định ngừng tất cả các chuyến du lịch đến Trung Quốc cho đến ngày 21-2.
- Thụy Sĩ đã thắt chặt các quy tắc báo cáo y tế, trước lo ngại về đại dịch corona có thể lan sang nước này, một điểm đến phổ biến đối với khách du lịch châu Á. Theo đó, các bác sĩ và các phòng xét nghiệm phải báo cáo các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona cho chính quyền bang và liên bang trong vòng hai giờ. Thụy Sĩ cũng chuẩn bị tốt để đối mặt với bất kỳ sự bùng phát nào của virus corona và sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực quốc tế để ngăn chặn đại dịch.

 

* Việt Nam tích cực phòng, chống 
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn cả nước, chiều 27-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để nắm bắt tình hình và thống nhất những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 
Nhấn mạnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thủ tướng chỉ đạo cần “có những biện pháp kịp thời hơn, đồng bộ hơn, không được để dịch bệnh Corona bùng phát ở nước ta”.
Về tình hình diễn biến của dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tại Việt Nam, đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi, cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với nCoV đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng ổn định). Bộ Y tế cho biết, theo khuyến cáo của WHO và các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ và điều trị, với tình hình hiện tại, chưa cần thiết phải công bố dịch bệnh và chưa cần đóng cửa biên giới nước ta. 
          Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Vietjet Air đã thực hiện 4 chuyến bay chở hành khách Trung Quốc từ Việt Nam về Sân bay quốc tế Vũ Hán. Hiện không có hành khách nào trong số này có dấu hiệu nhiễm virus Corona và các chuyến bay về Việt Nam sẽ không chở khách. Tại Sân bay quốc tế Vũ Hán, tổ bay sẽ ở lại trên tàu bay. Các biện pháp phòng ngừa đều tuân thủ quy định của Việt Nam và Trung Quốc trong điều kiện phải phòng ngừa dịch bệnh.
          Riêng chuyến bay có hai khách Trung Quốc từ HAN-CXR (Hà Nội-Cam Ranh) ngày 16-1 vừa qua trên chuyến bay VJ783 của Vietjet Air, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định, các cơ quan chức năng đã yêu cầu tổ bay đi khám sức khoẻ ngay trước Tết khi biết thông tin và cách ly tại nhà không đi bay đến 30-1.
          Theo thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự kiến vào lúc 19h15 ngày 27-1, toàn bộ du khách đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) sẽ rời Đà Nẵng về nước. Để ngăn chặn, phòng lây lan bệnh, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, các hãng hàng không phối hợp với Sở Y tế Đà Nẵng, Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã triển khai công tác kiểm tra thân nhiệt của hành khách xuất, nhập cảnh, tạm ngừng khai thác các chuyến bay đến, đi từ thành phố Vũ Hán và các chuyến bay từ các nước khác đã có bệnh viêm đường hô hấp cấp xuất hiện.

* Ngành du lịch châu Á có nguy cơ tổn thất nghiêm trọng

Theo nhà kinh tế Anusorn Tamajai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Rangsit, dịch viêm phổi do chủng virus corona mới (2019-nCoV) có thể gây tổn thất lên tới 100 tỉ baht (3,26 tỉ USD) cho ngành du lịch Thái Lan và châu Á.
Ông Anusorn cảnh báo rằng, tác động của dịch viêm phổi có thể sẽ trầm trọng hơn tác động của dịch SARS (Hội chứng Viêm Đường hô hấp cấp) 17 năm trước đây. Nếu virus này không được kiểm soát vào tháng 3 tới thì tổn thất kinh tế có thể còn cao hơn. Dự báo, nền kinh tế Thái Lan có thể sẽ chỉ tăng trưởng 1,8-2,4% trong quý I và quý II năm nay. Các nền kinh tế châu Á khác có thể không hồi phục tăng trưởng ở mức trung bình 6% trong năm 2020 như dự kiến và tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 5,8%.
Du lịch là một động lực quan trọng của nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Thái Lan. Du lịch chiếm khoảng 21% nền kinh tế Thái Lan, trong khi doanh thu từ du khách nước ngoài đóng góp khoảng 12% GDP. Và Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, với 10,99 triệu lượt du khách tới Xứ sở chùa vàng trong năm 2019, tăng 4,4% so với năm 2018. Chính phủ Thái Lan đang đặt mục tiêu thu hút 41,8 triệu du khách nước ngoài trong năm 2020, với doanh thu 2.200 tỷ baht, khiến cho nước này trở thành một trong 6 quốc gia có thu nhập hàng đầu từ du lịch. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch Trung Quốc tới Thái Lan có thể sẽ giảm 1-2 triệu lượt vào năm nay, trong khi lượng du khách nước ngoài nói chung có thể sẽ giảm ít nhất 2%.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing cũng cho biết dịch viêm phổi lạ sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này trong năm 2020. Ông Chan Chun Sing cho biết, Singapore đang xem xét các biện pháp hỗ trợ cho những ngành chịu thiệt hại lớn như ngành du lịch trong đó có biện pháp giảm thuế bất động sản...  Hiện du khách Trung Quốc chiếm một lượng lớn trong khách du lịch nước ngoài tới Singapore. Đảo quốc Sư tử dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này giao động từ 0,5-2,5% trong năm nay./.

 

Phương Nam (tổng hợp)

[Nguồn: TTXVN]

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết