Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Ngày phát hành: 12/01/2021 Lượt xem 642
Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra ngày 11/1, tại Hà Nội.

 

 

Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đạt được trong năm 2020. Nổi bật là những hoạt động giảm nghèo, thực hiện chính sách người có công, an sinh xã hội, việc làm và đào tạo nghề trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt hơn trong năm 2021 như: Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, thống nhất, huy động sự chung tay của toàn xã hội; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, hội nhập quốc tế theo khung kỹ năng nghề quốc gia gắn với báo cáo nhu cầu thị trường và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đón Tết cổ truyền dân tộc trong tình hình dịch bệnh COVID -19 còn diễn biến phức tạp. Các cơ quan, địa phương đơn vị cần thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2021 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt là phải chăm lo Tết thật tốt cho các đối tượng người nghèo, người cô đơn, người có công với cách mạng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2020, thực hiện mục tiêu “kép" của Chính phủ vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% đề án trong chương trình công tác năm 2020 được hoàn thành. Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Đáng chú ý, giáo dục nghề nghiệp đã nâng cao chất lượng, gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Năm 2020, cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, vượt 0,9% kế hoạch; tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, dù chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng ước cả năm 2020 đã giải quyết việc làm cho hơn 1,3 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm trước. Ước 5 năm 2016 - 2020, cả nước giải quyết việc làm gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra. Hết năm 2020, cả nước có khoảng 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; hơn 13,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, chỉ trong hai năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp ba lần giai đoạn 10 năm trước đây và về đích trước hai năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt các nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025; và mục tiêu, nhiệm vụ trong tâm của năm 2021. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hướng tới mục tiêu phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra các mục tiêu chính như: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu COVID"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Toàn ngành tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cũng như cải thiện, nâng cao đời sống người có công, nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi có hiệu lực thi hành; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em, phụ nữ./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết