Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hội đồng Lý luận Trung ương thăm và trao đổi khoa học với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Ngày phát hành: 30/12/2021 Lượt xem 1378

 

Vừa qua, đoàn cán bộ của Hội đồng Lý luận Trung ương do đồng chí GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực dẫn đầu đã đến thăm và trao đổi khoa học với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. GS. VS. Châu văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng tham gia và chỉ đạo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, PGS. TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã báo cáo tóm tắt về: Những vấn đề cơ bản, mới của khoa học và công nghệ vũ trụ thế giới và khu vực Đông Nam Á; Tổng quan nghiên cứu và ứng dụng vũ trụ của Việt Nam; những đề xuất cho giai đoạn 2030 tầm nhìn 2040; và những thông tin cơ bản của Dự án Trung tâm Vũ trụ.

 

 

 

Các thành viên Hội đồng và các nhà khoa học tại Trung tâm cùng trao đổi về các vấn đề khoa học và công nghệ vũ trụ

Báo cáo đề cập đến một số vấn đề thời quan trọng như: Công nghệ vũ trụ đang bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thương mại hoá, hội nhập và đổi mới; Dự báo kinh tế vũ trụ thế giới sẽ phát triển để trở thành một thị trường trị giá 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030; Các cuộc chạy đua để chuẩn bị công nghệ để tìm kiếm sự sống trên Hoả tinh ở tầm quốc gia; và sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia lân cận trong Đông Nam Á.

 

PGS. TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc trung tâm báo cáo tóm tắt về phát triển vũ trụ trên thế giới và tại Việt Nam

Việt Nam đã có những hoạt động nghiên cứu bước đầu trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ từ những năm 1980, nhưng các nghiên cứu làm chủ công nghệ vũ trụ đặc biệt công nghệ vệ tinh mới chỉ được bắt đầu thực hiện thông qua “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020” từ năm 2006. 

 

Cho đến nay, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: phóng 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, 2; 01 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 và các hệ thống trạm thu – trạm điều khiển vệ tinh; Riêng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tự phát triển 03 vệ tinh nhỏ (PicoDragon – 2013, MicroDragon – 2019, NanoDragon – 2021) và hiện đang triển khai thực hiện dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt vào 2/2021.

 

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện “Chương trình Khoa học và Công nghệ Vũ trụ” từ năm 2008.  Chương trình có mục đích tạo ra tiềm lực về khoa học công nghệ vũ trụ, nhằm từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh, đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, đồng thời phát triển các phần mềm, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện đang vận hành vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của nước ta (VNREDSat-1, đã phóng lên quỹ đạo năm 2013) cũng như đang chế tạo vệ tinh rađa đầu tiên (LOTUSat-1) trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

 

Tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngoài Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Viện Công nghệ Vũ trụ, có nhiều đơn vị chuyên nghiên cứu về ứng dụng công nghệ vũ trụ, đặc biệt là viễn thám như Viện Địa lý, Viện Địa chất, Viện Địa chất- Địa vật lý biển, Viện Tài nguyên môi trường biển (Hải Phòng), Viện Hải dương học (Nha Trang), Viện nghiên cứu Tây Nguyên…Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã đóng góp quan trọng trong phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, GS. VS. Châu văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng chia sẻ về những khó khăn trong suốt quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vì Việt Nam chưa có nghị quyết hoặc chỉ thị của Đảng về vấn đề phát triển khoa học công nghệ vũ trụ.

 

Các đại biểu tham quan khu vực Đài thiên văn

 

GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch thường trực của Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá cao những nỗ lực Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đồng thời bày tỏ ấn tượng về những kết quả ban đầu đã đạt được của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong 10 năm phát triển. Ông cũng chia sẽ về khó khăn chung của những người làm khoa học, đặc biệt là khoa học công nghệ vũ trụ - một ngành công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong bối cảnh cạnh tranh và nguy cơ chảy máu chất xám hiện nay.

 

 

Đoàn đại biểu tham quan công trường xây dựng của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết