Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Nhìn lại 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Ngày phát hành: 18/09/2018 Lượt xem 6147

        * Nhìn lại chặng đường 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
       Nhìn lại 30 năm, những thành quả của đổi mới, trong đó có đóng góp của đầu tư nước ngoài thật to lớn. Việt Nam từ một quốc gia nghèo (GDP đầu người 1989 là 100 USD) đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP đầu người năm 2017 là 2.400USD), quốc gia có tốc độ hội nhập ấn tượng, là đối tác chiến lược của các quốc gia lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.
       Trong giai đoạn 3 năm đầu (1988-1990) Việt Nam mới thu hút được 213 dự án FDI với tổng vốn đăng kí gần 1,8 tỷ USD; năm năm sau (1991-1995) thu hút được 3.935 dự án với tổng vốn đăng kí 20,8 tỷ USD. Kết quả thu hút FDI những năm đầu đã đặt nền móng cho những thay đổi chính sách sau này, tạo nên các thành quả to lớn mà FDI đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu tính riêng năm 2017,  vốn đăng ký FDI đã đạt 30,78 tỷ USD, tăng 13,7%  so với năm 2016, vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD. Và nếu tính từ năm 1988 đến tháng 8-2018, Việt Nam đã thu hút được 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực là 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD. Nguồn vốn này đã góp phần to lớn làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế Việt Nam cũng như vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. 
        Như vậy, 30 năm qua, kể cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế, FDI luôn là khu vực phát triển năng động, có tác động thúc đẩy chuyển dịch các ngành kinh tế của nước ta. Đặc biệt, thành quả đem lại không chỉ giúp thay đổi diện mạo của nền kinh tế; cải thiện đời sống và tăng thu nhập bình quân của người lao động, mà còn thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực; trong đó, đặc biệt là xuất, nhập khẩu và dịch vụ; góp phần từng bước hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường hiện đại.
         - Đóng góp nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng và xuất khẩu
        Đầu tư nước ngoài đã đóng góp nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng và xuất khẩu. Đến nay, khu vực FDI chiếm  khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 
        Riêng năm 2017, khu vực FDI xuất khẩu 155,4 tỷ USD chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu gần 30 tỷ USD, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 108,79 tỷ USD, tăng 14,2%  so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu đạt 17,9 tỷ USD.
- Đóng góp vào việc giải quyết việc làm và  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một nhân tố cơ bản để kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển. Khu vực FDI đã tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm, với khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và 4-5 triệu lao động gián tiếp. Đồng thời cũng góp phần nâng dần vị thế của lao động Việt Nam. Quá trình làm việc trong các doanh nghiệp có vốn FDI, người lao động đã trưởng thành trên nhiều mặt: tác phong công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, trình độ chuyên môn và quản lý, trình độ ngoại ngữ... Rất nhiều lao động của Việt Nam sau thời gian làm việc trong các doanh nghiệp có vốn FDI, đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, nòng cốt trong các doanh nghiệp, hoặc đã tích lũy kinh nghiệm, đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng và trở thành đối tác lớn của doanh nghiệp FDI. 
- Góp chuyển giao và phát triển công nghệ
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài cũng đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI thường nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, các quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cũng được chuyển giao cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý Việt Nam. Nhờ đó, nhiều công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý người Việt Nam có thể đảm đương tốt các vị trí của lao động nước ngoài. 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khu vực FDI đã góp phần đưa Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, giúp Việt Nam phát triển tầm vóc cao hơn đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. 
Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2018, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 10,72 tỷ USD, chiếm 44 % tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký). 

* Loại bỏ các mảng tối là một đòi hỏi cấp thiết
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, điện tử.
  Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
  Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với mục đích tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; trong đó, có những sự cố môi trường nghiêm trọng như trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, Vedan Đồng Nai; bên cạnh việc sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn lãng phí.
  Cùng với đó, có không ít các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam vướng vào nghi án chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đặc biệt, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhiều dự án FDI chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý của khối doanh nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng; đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.
  Về cơ cấu đầu tư, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và kết cấu hạ tầng của nền kinh tế còn rất ít, đầu tư từ các nước phát triển như Hoa Kỳ và EU vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng…
  Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc nhìn thẳng vào sự thật còn có nhiều tồn tại trong thu hút và sử dụng FDI thời gian qua để thấy rõ các nguyên nhân, tìm giải pháp để loại bỏ các mảng tối trong bức tranh FDI là một đòi hỏi cấp thiết đối với quản lý nhà nước về FDI trong giai đoạn tới./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết