Thứ Hai, ngày 29 tháng 04 năm 2024

Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019: Tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đối thoại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên ​

Ngày phát hành: 28/02/2019 Lượt xem 1310

Tổng thống Trump trả lời các câu hỏi tại họp báo

 

          Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) đã kết thúc sau hai ngày làm việc (27 và 28-2-2019). Dẫu không đạt bước đột phá, song với việc được đánh giá là “rất tốt đẹp và mang tính xây dựng”, đồng thời hai bên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục gặp nhau trong tương lai, là một dấu mốc tích cực trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai.

          * “Mang tính xây dựng” nhưng không đạt tuyên bố chung

          Hơn 8 tháng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều Tiên thứ nhất ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp nhau lần thứ hai tại khách sạn Sofitel Metropol Hà Nội, Việt Nam.

          Với kỳ vọng vạch ra được các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, qua đó duy trì hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thảo luận nhiều vấn đề từ phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt, khả năng phát triển kinh tế của Triều Tiên,...

          Sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp báo kéo dài khoảng 30 phút tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội. Tham dự cuộc họp báo có Ngoại trưởng Mike Pompeo.

          Tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Trump cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

          Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chia sẻ nhiều vấn đề và đã "có một thời gian hữu ích", "khi rời hội nghị, bầu không khí rất tốt, rất thân thiện". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để ký thỏa thuận giữa hai bên".

          Theo ông Trump, khúc mắc chính trong đàm phán khiến hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này là việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt, nhưng chưa có đủ các bước phi hạt nhân hóa tương xứng. Tổng thống Mỹ cho biết, Chủ tịch Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng lớn về các điều kiện để thực hiện mục tiêu này. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon (Dông-piên) nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, song Mỹ "muốn nhiều hơn" thế. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Ông tin tưởng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vì ít nhất đến nay không có thêm vụ thử tên lửa nào.

          Tổng thống Trump cũng cho rằng Triều Tiên có tiềm năng trở thành "cường quốc kinh tế". Theo ông, Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên rất nhiều trong công cuộc phát triển kinh tế và Nga cũng vậy. Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt nếu Triều Tiên thiện chí.

          Theo Tổng thống Trump, hội nghị thượng đỉnh lần hai "không phải là không đạt được tiến bộ" vì Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Ông Trump hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục gặp nhau "trong tương lai", song không đưa ra một thời gian biểu cụ thể nào. Ông cho rằng mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên vẫn tốt đẹp.

        Chiều 28/2, sau khi lên chuyên cơ Air Force One để về nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In) để thông báo kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội.

          * Dư luận hy vọng Mỹ-Triều sẽ tiếp tục đàm phán          

          Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc, nhiều nước đã đưa ra những phản ứng ban đầu về kết quả hội nghị:

          Tại Hàn Quốc, Nhà Xanh - tức Phủ tổng thống Hàn Quốc - đã đánh giá cao những gì đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tổ chức ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2. Trong một tuyên bố sau khi cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc, Nhà Xanh cho biết Hàn Quốc lấy làm tiếc vì hai bên không đạt thỏa thuận, song đánh giá rằng hai bên đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết". Tuyên bố cũng nêu rõ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo.

          Các chính đảng ở Hàn Quốc cũng đã đưa ra những đánh giá về kết quả hội nghị. Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc đã bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sớm gặp lại nhau sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vừa kết thúc tại Hà Nội.

          Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính, cũng đã bày tỏ lấy làm tiếc vì Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được thỏa thuận tại hội nghị, song cũng hy vọng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ được nối lại trong thời gian sớm nhất.

          Trong khi đó, đảng Bareunmirae, một đảng đối lập nhỏ ở Hàn Quốc, thì mô tả cuộc gặp lần hai là "sự vất vả có ích" cần có để thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Đảng này cũng đánh giá cao cam kết của ông Kim Jong-un không tiến hành thêm vụ thử hạt nhân, trong khi ông Trump cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng.

          Còn Đảng tự do thiểu số Dân chủ và hòa bình (PDP) thì kêu gọi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho một cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ ba.

          Tại Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố đánh giá sự "chân thành" của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng "đối thoại Mỹ - Triều sẽ được tiếp tục". Phát biểu tại họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá hai bên đã chứng tỏ sự chân thành tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai để thảo luận về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng  cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội sau khi nhận được các thông tin chính thức từ Triều Tiên và Mỹ.

          Theo Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết chiều ngày 28-2, phái đoàn Bộ Ngoại giao Triều Tiên do Thứ trưởng Ri Kil-song dẫn đầu đã rời Việt Nam đi Trung Quốc.

          Tại Nga, đại diện giới lập pháp Nga cũng đã đưa ra những bình luận đầu tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc. Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ, vì đây là nhân tố đảm bảo an ninh và chủ quyền của Triều Tiên.

          Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Mikhail Kozlov nhận định Mỹ đã không nhượng bộ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân và đây là lý do khiến 2 bên không đi đến được tuyên bố chung tại Hà Nội ngày 28-2.

          Tại Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ tiếc nuối khi không có thỏa thuận nào đạt được tại Hội nghị thưởng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF của Đức khi đang có chuyến thăm quân đội Đức đồn trú tại Mali, Ngoại trưởng Heiko Maas cho rằng nếu tại hội nghị thượng đỉnh này, các bên cùng nhất trí đạt được một thỏa thuận để Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ trở nên an toàn hơn rất nhiều. Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

          Theo nhận định của giới chuyên gia, việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm gặp và ngồi cùng bàn đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên, đã trở thành sự kiện lịch sử đặc biệt và một lần nữa làm nổi bật thêm giá trị của ngoại giao đối thoại như là phương tiện trung gian phù hợp nhất cho các triển vọng hòa bình. Song các vấn đề giữa Mỹ và Triều Tiên rất phức tạp, nên việc giải quyết mối quan hệ này sẽ cần nhiều thời gian và nhiều cuộc đàm phán nữa để xây dựng lòng tin và sự thấu hiểu sâu sắc hơn về những lo ngại và mục tiêu của nhau.

          Các chuyên gia cũng nhận định rằng, tính chất phức tạp và "thế giằng co" giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân đã khiến cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội chưa đạt được một bước ngoặt mang tính đột phá. Tuy vậy, đối thoại trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai quốc gia từng thù địch suốt 7 thập niên đã tạo ra cơ hội quý giá để hai bên hiểu nhau và ít nhiều xây dựng lòng tin đối với nhau. Dù một giải pháp lâu dài vẫn còn ở tương lai xa, nhưng thế giới đã bắt đầu nhận ra rằng tiếp tục đối thoại mới là cách tốt nhất để tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

 

Thanh Lâm (tổng hợp)

[Nguồn: TTXVN]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả Nguyễn Ngọc Quyên

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết