Thứ Sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024

Tọa đàm khoa học về thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Bộ Công Thương

Ngày phát hành: 23/02/2019 Lượt xem 976

Chiều ngày 21/02/2019, tại Bộ Công Thương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm khoa học Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là giai đoạn 10 năm (2011-2020).

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm

 

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực HĐLLTW, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Cương lĩnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì Tọa đàm.

Cùng tham gia Tọa đàm, còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Đảng ủy, Công đoàn, Văn phòng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ, một số Cục, Vụ của Bộ Công Thương và các đồng chí thành viên Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu khái quát mục đích, yêu cầu của buổi Tọa đàm. Đồng chí đề nghị Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chia sẻ những nhận thức, kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm qua của ngành mình. Làm  rõ những gì đã làm được; những vấn đề còn tồn tại, bất cập; định hướng trong giai đoạn phát triển tiếp theo; từ đó xác định rõ lộ trình phát triển. Qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đặc biệt, trong 10 năm trở lại, nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, đáng tự hào, tuy nhiên, khi định vị mình trong sự phát triển của thế giới, chúng ta thấy vẫn còn nhiều việc phải làm. Với mục tiêu đặt ra đến giữa thế kỷ, Việt Nam trở thành nước công nghiệp, thì ngành công nghiệp nào, lĩnh vực nào được coi là mũi nhọn. Đồng chí lưu ý, việc xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp trong điều kiện mới, cần phải có sự thay đổi về tư duy, bởi vì, phát triển công nghiệp không thể thành công nếu chỉ dựa trên tư duy truyền thống, khi mà hoàn cảnh đã thay đổi.

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh 

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, thành công nổi bật của Bộ Công Thương chính là thành công của công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Từ thực tiễn hoạt động của ngành những năm qua, có thể rút ra một số bài học lớn như sau:

Thứ nhất, đó là sự thay đổi nhận thức một cách sâu sắc về quan điểm phát triển của các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý, bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Trong công nghiệp, đó là việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ cấu lại các động lực phát triển trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời tạo ra các động lực tăng trưởng mới với việc tham gia của khu vực kinh tế ngoài nhà nước...

Về xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mới nổi có mực độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới. Đây là thành quả của việc Việt Nam đã chuyển dịch về hội nhập theo hướng tiếp cận ở trình độ cao hơn với việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu hơn, đa dạng hơn so với các FTA trước đây. Đáng ghi nhận là Việt Nam đã thực hiện từng bước dịch chuyển từ quốc gia nỗ lực tham gia hội nhập sang thành quốc gia dẫn dắt quá trình hội nhập với việc chủ động tham gia đàm phán với các nước khác về việc hình thành các khu vực thương mại tự do.

 

Quang cảnh buổi Tọa đàm

 

Thương mại nội địa đã trở thành trụ cột quan trọng của phát triển ngành với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao. Đáng lưu ý là Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển thương mại điện tử với sự hỗ trợ của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và sự phát triển của hệ thống điện thoại thông minh.

Thứ hai, thay đổi về tư duy, nhận thức trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành Công Thương từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách hành chính ngành Công Thương, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước của ngành Công Thương theo hướng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước... Thường xuyên quán triệt, tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tăng cường nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về phát triển ngành Công Thương để tạo lập được nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị của Ngành.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe thêm 5 báo cáo chuyên đề về các vấn đề như: công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển thị trường trong nước gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; hội nhập kinh tế Việt Nam; mở rộng thị trường xuất khẩu Việt Nam; ngành điện đồng hành với nhu cầu phát triển của đất nước.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân đánh giá cao công tác chuẩn bị và chất lượng các báo cáo của Bộ Công Thương, đã bám sát yêu cầu tổng kết Cương lĩnh trong lĩnh vực đẩy mạnh công nghiệp hóa và đổi mới mô hình tăng trưởng;  có những phân tích, nhận định xu hướng trong thời gian tới. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, cần phải đầu tư nâng cao hơn nữa khả năng phân tích, dự báo của các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương trong công tác tổng kết Cương lĩnh và làm rõ những nội hàm mới nhằm bảo đảm các Nghị quyết của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển và vị thế mới của đất nước trong các thập niên tiếp theo./.

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết