Thứ Ba, ngày 07 tháng 05 năm 2024

Tọa đàm “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam".

Ngày phát hành: 20/12/2019 Lượt xem 1054

Chiều 18/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam".

 

 

GS, TS. Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; GS, TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì tọa đàm. Gần 20 bài tham luận sâu sắc về nội dung, phong phú về chủ đề của các đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học đã được gửi tới ban tổ chức.

Tọa đàm tập trung bàn sâu vào 3 lĩnh vực: Lý luận về phúc lợi xã hội (PLXH) và vai trò của Công đoàn trong chăm lo PLXH cho công nhân, người lao động; thành tựu và hạn chế trong chăm lo PLXH cho công nhân, viên chức, người lao động ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị những định hướng lớn về đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện PLXH cho công nhân, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, với sứ mệnh là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, người lao động, những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao phúc lợi xã hội (PLXH) cho công nhân, viên chức, người lao động như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm công đoàn”, “Quỹ trợ vốn” cho người lao động, chương trình sử dụng Thẻ đoàn viên hưởng các ưu đãi giảm giá, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp (KCN); đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động...

Đến nay các hoạt động trên đang tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao PLXH, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách PLXH cho công nhân, viên chức, người lao động còn một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động: Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, đã được triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức như bán, cho thuê, cho thuê mua. Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên cho đến nay, việc đầu tư phát triển loại hình nhà ở này vẫn còn khá chậm bởi những khó khăn về nguồn vốn, ưu đãi thu hút đầu tư, những vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất khi phát triển các dự án nhà thương mại, KĐT mới; những khó khăn về trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP;…

Thứ hai, các công trình phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa, thể thao như: Nhà tập thể thao đa năng, nhà sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc còn rất thiếu so với nhu cầu đời sống tinh thần của công nhân lao động. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở các KKT, KCN còn nhiều khó khăn, do liên quan đến quỹ đất, vốn đầu tư.

Thứ ba, về y tế, giáo dục: Nhu cầu nhà trẻ, trường mầm non, trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa,… tại các khu vực tập trung đông công nhân rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu còn hạn chế. Các trường công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ dưới 36 tháng, thiếu cơ sở vật chất. Trong khi đó các trường tư thục có học phí cao so với thu nhập của công nhân, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Việc xây dựng và phát triển hệ thống các bệnh viện công và bệnh viện tư hoạt động theo cơ chế không vì mục đích lợi nhuận còn gặp nhiều khó khăn. Công nhân lao động tại các KCN chủ yếu tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ và ngày nghỉ nên phải khám chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập.

Bên cạnh đó, yêu cầu của hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế cũng đang đặt lên vai tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiều nhiệm vụ nặng nề.

Trong bối cảnh đó, vấn đề chăm lo PLXH cho công nhân, viên chức, người lao động cần được nghiên cứu sâu sắc, nhất là các hình thức PLXH và nguồn lực thực hiện. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước cần nghiên cứu đẩy mạnh các hình thức, cơ chế huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo PLXH cho xã hội nói chung và công nhân, viên chức, người lao động nói riêng. Với trách nhiệm của mình, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện các cơ chế chính sách, hình thức PLXH với Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt hơn nữa việc chăm lo PLXH cho công nhân, viên chức, người lao động.

Với 15 tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc chăm lo phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp lao động bao gồm công nhân, viên chức, người lao động trên tất cả các phương diện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các cấp Công đoàn luôn coi trọng và dành nhiều sự quan tâm cho công tác nữ công, đề xuất chính sách cán bộ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo lợi ích chính đáng của lao động nữ.

Để nâng cao phúc lợi xã hội, hệ thống Công đoàn Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm; đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ dạng cho không, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, Công đoàn các cấp cần thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; tăng cường huy động nguồn lực, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước để nâng cao phúc lợi xã hội, phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội...

 Các tham luận tại tọa đàm cũng đề cập tới nhiều nội dung thiết thực như, thực trạng chế độ PLXH cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất; giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện phúc lợi cho công nhân, viên chức, người lao động...

Phát biểu kết luận tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh:Tọa đàm đã giúp mọi người nhận thức rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa của vấn đề phúc lợi xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của phúc lợi xã hội để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Cần tham mưu, tư vấn để Đảng, Nhà nước quan tâm hơn tới vấn đề phúc lợi xã hội thể hiện ở chủ trương, chính sách, quy chế, quy định cụ thể hơn, bố trí nguồn lực xứng đáng hơn. Công đoàn cần tiếp tục nắm vững phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, người lao động trên lĩnh vực này./.

 

PV

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết