Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Công tác dân vận chính quyền góp phần phòng ngừa điểm nóng,vụ việc phức tạp

Ngày phát hành: 19/09/2018 Lượt xem 5158

I. Một trong những điều kiện hết sức quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ là phải thường xuyên giữ vững ổn định chính trị. Thực tiễn thế giới và trong nước, nơi nào để xảy ra điểm nóng thì đều chịu ảnh hưởng, tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội; cá biệt khi để điểm nóng lây lan nhanh chóng như một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi đã dẫn đến chính quyền sụp đổ.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội qua 30 năm đổi mới, ở một số địa phương trong cả nước đã để xảy ra “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, điển hình như: vụ nông dân Thái Bình khiếu kiện xảy ra ở hầu hết các xã năm 1997-1999; bạo động ở Tây Nguyên tháng 2/2002 và tháng 4/2004; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) năm 2012; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012; vụ đòi lại đất liên quan đến tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2011; vụ tập trung người Mông trái phép ở Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011; vụ gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai năm 2014; các vụ việc ở giáo phận Vinh lợi dụng sự cố môi trường biển dự án Formosa (Hà Tĩnh) tụ tập gây rối từ tháng 4/2016 đến nay; vụ lấn chiếm đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tháng 4/2017, vụ kích động gây rối tại Phan Rí (Phan Thiết, Bình Thuận) tháng 6/2018…

Từ tổng kết thực tiễn trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị lãnh đạo công tác dân vận của Đảng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân: Ngày 18/02/1998 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 30-CT/TW “về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về “quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, ngày 14/7/2014 Ban Bí thư ra Kết luận số 114 về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp”, ngày 13/5/2016 Ban Bí thư ban hành Kết luận số 03-KL/TW về tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị khóa X về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”…

 Chính quyền các cấp đã tiếp tục thể chế các quan điểm của Đảng về công tác dân vận thành các văn bản pháp luật để mỗi tổ chức, đơn vị và người dân thực hiện, góp phần phòng ngừa xảy ra vụ việc phức tạp và điểm nóng.

Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Quốc hội, Chính phủ đã sớm ban hành các văn bản pháp luật để Nhân dân thực hiện như: Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI “về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, ngày 19/6/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP “quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”, ngày 09/01/2015 Chính phủ ban hành Nghị định 04-NĐ/CP “về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính, Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”… Trước khi ban hành các văn bản pháp luật, Quốc hội đều tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân nên vừa phát huy quyền làm chủ của dân vừa nâng cao được chất lượng các văn bản pháp luật. Trên cơ sở các văn bản trên, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức thực hiện ở các cấp góp phần tích cực ngăn ngừa, hạn chế “điểm nóng” xảy ra.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính quyền các cấp đã quan tâm, nắm bắt tình hình Nhân dân, nhiều nơi tổ chức tốt công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, quan tâm và tích cực xử lý, giải quyết các kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Công tác xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt và sự phối hợp trong vận động, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng, nhất là các vùng có tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế để xảy ra những vụ việc phức tạp và điểm nóng.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận còn có những hạn chế, bất cập, như: Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật chưa được nhiều địa phương quan tâm nên sự chuyển biến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân chưa tốt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm.

Một số địa phương, ban, ngành chức năng ít sâu sát cơ sở, ít gần gũi Nhân dân, nhất là ở vùng có tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm kinh tế, an ninh, quốc phòng nên việc nắm các mâu thuẫn, các tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân không chắc, không thường xuyên vì thế dễ phát sinh những vụ việc phức tạp và điểm nóng. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt ở một số nơi làm chưa tốt nên thường bị động khi có những vụ việc phức tạp xảy ra. Giữa các lực lượng có lúc, có nơi thiếu sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ nên hiệu quả nắm tình hình còn hạn chế.

Công tác quản lý thông tin còn nhiều lúng túng, chưa có biện pháp hiệu quả quản lý được những thông tin kích động của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, đồng thời chưa xử lý nghiêm, đúng mức người vi phạm pháp luật trên lĩnh vực truyền thông. Một số địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội nên số hộ nghèo còn cao, thiếu việc làm nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân chậm được cải thiện là nguyên nhân hết sức quan trọng làm cho Nhân dân bức xúc, bất bình. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về đất đai, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ còn có những sơ hở, sai phạm, gây bất bình trong Nhân dân, dễ gây nên những vụ việc phức tạp, điểm nóng.

Nguyên nhân của chính của những hạn chế, bất cập đó là: Một số cấp ủy đảng buông lỏng lãnh đạo chính quyền trong quản lý nhà nước về đất đai, về phòng chống tham nhũng, về thực hiện đầu tư, về phát huy dân chủ với Nhân dân… thiếu kiểm tra, đôn đốc và bố trí người đứng đầu chính quyền không đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ. Một bộ phận cán bộ chủ chốt chính quyền, nhất là người đứng đầu thiếu gương mẫu, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh trong chỉ đạo điều hành, nhất là kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp khi đã xảy ra điểm nóng, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực yếu.

II. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp là làm tốt công tác phòng ngừa để không xảy ra điểm nóng. Để làm tốt công tác phòng ngừa, chính quyền các cấp phải thực hiện tốt công tác dân vận trên các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung chỉ đạo, điều hành và vận động các tầng lớp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao rõ nét đời sống vật chất và tinh thần cho người dân

Trên thực tế, nếu địa phương nào, đất nước nào tạo được môi trường tốt, có cơ chế, chính sách phù hợp để Nhân dân, doanh nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát minh, sáng chế… thì kinh tế tăng trưởng nhanh. Trên cơ sở kinh tế phát triển để giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Như C.Mác từng khẳng định “lợi ích là động lực trực tiếp”. Vì thế cách phòng ngừa điểm nóng hiệu quả nhất là chính quyền chỉ đạo, điều hành và thực hiện tốt công tác dân vận để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Điểm nóng, vụ việc phức tạp dễ phát sinh khi chính quyền để người dân nghèo đói, thất nghiệp, tiêu cực xã hội gia tăng…

2. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trọng tâm là quản lý nhà nước về đất đai và phòng chống tham nhũng lãng phí

Theo tổng hợp thì trên 70% đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân là lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Tình trạng vi phạm dân chủ trong đền bù giải phóng mặt bằng, vi phạm pháp luật trong quản lý đất công vẫn diễn ra, có địa phương trở thành điểm nóng, gây bức xúc nhất trong Nhân dân. Cùng với quản lý nhà nước về đất đai, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản, mua bán đất đai, khoáng sản, mua bán tài sản công, sử dụng ngân sách, thực hiện các dự án… còn diễn ra phức tạp làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với chính quyền. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về đất đai, phòng chống tham nhũng, lãng phí là biện pháp tích cực, hiệu quả để giảm phát sinh điểm nóng.

3. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân

Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật nhưng việc tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân thì còn nhiều hạn chế. Do thiếu nhận thức đầy đủ về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của công dân không tốt nên phát sinh tiêu cực phức tạp. Người dân và các doanh nghiệp thường trực tiếp làm việc nhiều hơn với chính quyền các cấp, với các cơ quan chức năng của chính quyền nhưng nhiều nơi ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của công chức, viên chức không tốt, cá biệt nhũng nhiễu, vòi vĩnh, xử lý chậm trễ. Bên cạnh đó, việc giải quyết các kiến nghị chính đáng, các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân của một số cơ quan chưa tốt, chưa kịp thời cũng gây bức xúc lớn trong Nhân dân. Đó cũng là sơ hở, điểm yếu để các thế lực thù địch lợi dụng kích động gây ra điểm nóng.

4. Góp phần xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt xây dựng chính quyền cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh

Thực tế từ trước đến nay, ở đâu hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh thì không thể xảy ra điểm nóng. Trước hết là làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, gương mẫu, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong các bộ máy của hệ thống chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là việc giải quyết những công việc liên quan trực tiếp đến người dân. Vừa qua, các điểm nóng chủ yếu xảy ra ở cơ sở vì thế nếu chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình Nhân dân, phát huy dân chủ, giải quyết tốt đơn thu khiếu nại tố cáo, chăm lo công tác an sinh xã hội… thì hạn chế được rất lớn. Phải kiên quyết khắc phục bệnh thành tích khi phân loại tổ chức cơ sở Đảng, phân loại cơ sở. Có một số nơi hệ thống chính trị cơ sở được phân loại trong sạch, vững mạnh nhưng khi xảy ra điểm nóng thì tê liệt, không chỉ đạo, điều hành được Nhân dân.

5. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân

Trung ương và Chính phủ đã có các văn bản quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ hoặc đột xuất đối thoại với Nhân dân và chỉ đạo tốt công tác tiếp dân. Nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, đặc biệt sau tiếp xúc, đối thoại với dân, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các kiến nghị, đề xuất chính đang của dân là giải pháp hợp lòng dân, yên dân.

6. Chủ động xây dựng cốt cán và người có uy tín trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt ở vùng giáo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh

Công tác nắm tình hình Nhân dân, nắm tâm tư, nguyện vọng để tham mưu hoặc trực tiếp giải quyết là nhiệm vụ rất quan trọng. Để nắm chắc tình hình nhất là tình hình vùng đồng bào có đạo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì yêu cầu chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức phải sâu sát cơ sở, gần gũi Nhân dân và quan tâm xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt. Để xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt và người có uy tín thì từng cơ quan chức năng như công an, quân đội, cơ quan nội vụ, trực tiếp là Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc phải có phương pháp phù hợp, hiệu quả đối với đặc điểm từng vùng, miền khác nhau trong cả nước. Địa phương nào mà chính quyền xây dựng được lực lượng chính trị nòng cốt và có cơ chế để các lực lượng này phối hợp chặt chẽ với nhau thì việc nắm thông tin, chất lượng công tác tham mưu cho chính quyền sẽ hiệu quả hơn. Đó cũng là biện pháp phòng ngừa phát sinh khiếu kiện đông người, phát sinh điểm nóng một cách chủ động nhất, kịp thời nhất.

7. Nâng cao chất lượng công tác dân vận của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức chính quyền các cấp

Trước hết, chính quyền các cấp chủ yếu là người đứng đầu phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang phải tự giác học tập, nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, để vừa trực tiếp tuyên truyền, vừa vận động Nhân dân thực hiện. Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc nào thì phải học tiếng đồng bào đó để có thể giao tiếp, trao đổi với đồng bào, có như thế mới hòa nhập, gắn bó với đồng bào…

 III. Vấn đề phòng ngừa không để xảy ra điểm nóng là rất quan trọng, tức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì thế phải xác định đúng nguyên nhân để rút ra bài học bổ ích cho việc phòng ngừa xảy ra điểm nóng. Các bài học quan trọng đó là:

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt phát triển kinh tế - xã hội, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đột phá để nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân để người dân tin tưởng gắn bó với Đảng, Nhà nước. Thực tiễn cho thấy đây là bài học kinh nghiệm quý báu nhất, lâu dài nhất. Địa phương nào lãnh đạo chỉ đạo yếu để việc làm thiếu, thất nghiệp tăng, tỷ lệ nghèo đói cao… là mầm mống phát triển bất bình xã hội, giảm sút mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền.

2. Các cấp ủy đảng lựa chọn, bố trí được những cán bộ có đức, có tài, sống gương mẫu, liêm khiết, công tâm… làm người đứng đầu các cấp, các ngành, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh người tham nhũng, tiêu cực, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, bức xúc chính đáng của công dân.

3. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, có cơ chế để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực, nhất là phối hợp xử lý có hiệu quả các mâu thuẫn nội bộ phát sinh./.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết