Tổng kết 40 năm đổi mới về phát triển con người Việt Nam là công việc đồ sộ bởi thành tựu rất lớn, nhưng bật cập không ít, những thuận lợi có nhiều, nhưng những thách đố không hề nhẹ. Rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, khảo sát, điều tra, tổng kết, khái quát lý luận,… Chẳng hạn như: Cách tiếp cận mới về con người; Giải phóng các chức năng lao động của con người; Nguồn gốc hình thành và tiến hóa loài người; Phát triển toàn diện con người (thể lực, trí lực, tâm lực, kỹ lực); Hai khu vực sản xuất (sản xuất con người và sản xuất của cải); Vai trò chủ thể của con người trong xã hội; Phân hóa con người, các tầng lớp, và sự thay đổi vai trò của họ; Cá nhân hóa nhanh, mạnh; Học tập suốt đời và xã hội học tập; Các đặc tính tích cực và tiêu cực, hệ giá trị thay đổi nhanh chóng; Phát triển bền vững con người; Luật hóa quyền con người trong tất cả các lĩnh vực và nâng cao hơn nữa chất lượng luật hóa; Đảm bảo điều kiện thực hiện quyền con người theo tư tưởng con người là trung tâm; Tăng cường thực hiện quyền dân chủ trong đời sống xã hội; Thực hiện quyền tự do; Thực hiện quyền bình đẳng; Thực hiện quyền sở hữu tư liệu sản xuất; v.v… Trong khung khổ bài viết này chúng tôi lựa chọn trình bày ở đây một vài vấn đề mà chúng tôi thấy là quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay.
1- Hai cách tiếp cận về vấn đề con người.
Trong lịch sử, việc nghiên cứu con người Việt Nam với tính cách là một ngành khoa học độc lập, tổng hợp, khái quát dựa trên những thành tựu của các ngành khoa học khác có liên quan và thực tiễn đời sống con người, đã và đang tồn tại hai cách tiếp cận khác nhau. Nhưng việc khái quát và sử dụng chúng trong thực tế luôn tách biệt nhau.
Cách tiếp cận thứ nhất là cách tiếp cận truyền thống, định tính, vẫn thường được gọi theo ngôn ngữ chung là cách tiếp cận xây dựng con người. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới cách tiếp cận này là cách tiếp cận truyền thống, phổ biến trong lịch sử. Các mẫu hình con người ở các thời kỳ lịch sử cụ thể thường có những tiêu chí, chuẩn mực, phẩm chất định tính để xác định, đối chiếu, so sánh. Đồng thời, đó cũng là những tiêu chí, chuẩn mực, phẩm chất để mỗi người phấn đấu hướng theo, để các chủ thể xã hội xây dựng con người với tính cách là mẫu hình cần hướng tới. Cách tiếp cận này ở nước ta được sử dụng khá thành công, đặc biệt được Chủ tích Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương sử dụng nhất quán trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Trước những năm 1990 ở nước ta cách tiếp cận định tính là cách tiếp cận phổ biến duy nhất. Xây dựng con người mới nghĩa là xác lập một hệ thống các tiêu chí, đặc điểm, phẩm chất mới. Chúng tạo nên một mẫu hình người chung cho mỗi người và mọi người để vươn tới, để các chủ thể xã hội dựa vào đó đưa ra các quyết định, thực hiện các hoạt động khác nhau để mỗi người có thể nhanh chóng đạt đến các tiêu chí đó. Thí dụ, mẫu hình con người mới xã hội chủ nghĩa với các tiêu chí cụ thể như: yêu nước, tự cường dân tộc, yêu chủ nghĩa xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa; lao động chăm chỉ, có năng suất, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.
Cách tiếp cận thứ hai, xuất hiện và được sử dụng rộng rãi trên thế giới bắt đầu từ những năm 1990. Cách tiếp cận này được định lượng hóa thành các chỉ số cụ thể, có thể đo được và so sánh được giữa năm này với năm khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Mặc dù, nó vẫn còn bị hạn chế trên nhiều mặt, vẫn là một thước đo méo mó, không thể phản ánh đầy đủ và chính xác sự phát triển của mỗi con người cũng như của các cộng đồng xã hội. Nhưng, nó là một công cụ quan trọng để đo lường sự phát triển con người. Cách tiếp cận này được nhiều học giả gọi là cách tiếp cận phát triển con người. Nó được các chuyên gia của UNDP xây dựng trên nền tảng lý thuyết phát triển con người của Amartya Sen và Mahbub Ul Haq, xuất hiện vào những năm 1980. Nội dung căn bản của lý thuyết đó có thể tóm tắt một số luận điểm chính như sau: phát triển con người là nâng cao năng lực của con người; phát triển con người là mở rộng quyền tự do của mỗi người; phát triển con người là sự mở rộng dân chủ và sự tham gia dân chủ của con người; phát triển con người là quá trình mở rộng quyền tự do bình đẳng cho mọi người, tăng cường vai trò chủ thể của phụ nữ; phát triển con người là xóa bỏ nghèo đói của con người. Quan niệm về phát triển con người của Amartya Sen và Mahbub Ul Haq xem con người là trung tâm của sự phát triển, là tài sản của các quốc gia. Mục tiêu cơ bản của phát triển con người là tạo ra môi trường thuận lợi để con người có cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe và sáng tạo.
Cách tiếp cận phát triển con người của UNDP, với nền tảng lý luận là các tư tưởng của Amartya Sen và Mahbub Ul Haq, được cụ thể hoá bằng chỉ số phát triển con người HDI. Trong Báo cáo phát triển con người toàn cầu, được công bố lần đầu tiên vào năm 1990, cách tiếp cận phát triển con người của A.Sen và Mahbub Ul Haq đã được sử dụng để xác định phương pháp đo lường chỉ số HDI và trên cơ sở đó định hướng việc hoạch định chính sách phát triển con người và xã hội. Mặc dù, nó không bao hàm hết toàn bộ tư tưởng về phát triển con người của A.Sen và Mahbub Ul Haq (chỉ có ba điểm chính được nó chú ý nhất là: tuổi thọ, giáo dục và mức sống). Nhưng, nó đã trở thành một trong những thước đo quan trọng sự phát triển con người của các quốc gia trên thế giới đương đại. Cho đến nay đã có khoảng gần 700 báo cáo phát triển con người của các quốc gia và của UNDP ở quy mô toàn cầu. Chỉ số HDI đang được tiếp tục cải tiến, hoàn thiện.
Khác với cách tiếp cận định tính, cách tiếp cận định lượng với chỉ số HDI có ưu điểm là có thể đo và so sánh được mức độ phát triển con người của từng quốc gia trong những khoảng thời gian xác định cũng như so sánh được mức độ phát triển con người giữa các quốc gia trong cùng một thời gian. Cách tiếp cận phát triển con người của UNDP dù được các nước trên thế giới đưa vào tính toán, đo lường theo công thức của UNDP. Nhưng ở Việt Nam mới chỉ có 4 Báo cáo phát triển con người được hoàn thành dưới sự bảo trợ và hướng dẫn của các chuyên gia UNDP vào các năm 1999, 2006, 2011 và 2015. Các năm khác UNDP tính toán và công bố số liệu, xếp hạng thang bậc HDI của Việt Nam. Do vậy, số liệu và các đánh giá chuyên sâu về HDI của Việt Nam trong thực tế chưa được chú ý sử dụng nhiều.
Trong thực chất, cách tiếp cận định lượng, phát triển con người không trái ngược với cách tiếp cận định tính, xây dựng con người mà Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương ngay từ rất sớm trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Hai cách tiếp cận này bổ sung cho nhau. Việc nghiên cứu, đánh giá phát triển con người phải đồng thời sử dụng cả hai cách tiếp cận mới có thể toàn diện và đầy đủ, khách quan, khoa học. Xây dựng con người với các tiêu chí cụ thể, thích ứng với từng giai đoạn phát triển lịch sử, phát triển con người toàn diện, hay nâng cao năng lực, mở rộng quyền và cơ hội lựa chọn, dân chủ, bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển cũng đều là tất cả vì con người, do con người, cho con người, để phát triển con người. Chúng ta cần đồng thời tổng kết 40 năm đổi mới cả trên 2 cách tiếp cận này để đánh giá việc xây dựng và phát triển con người qua bốn thập niên qua và định hướng việc xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn tới với tầm nhìn đến năm 2045.
Chính vì vậy, theo chúng tôi cần đưa chỉ số phát triển con người thành một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển con người và xã hội giống như thế giới đang làm. Cần đầu tư và tiến hành làm các báo cáo phát triển con người hàng năm. Từ đó để có căn cứ đề hoạch định, điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, y tế và các chính sách khác để thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.
Mặt khác, trong đời sống xã hội cần kết hợp cả hai cách tiếp cận xây dựng và phát triển con người, tránh khuynh hướng sai lầm, siêu hình, tuyệt đối hóa một trong hai cách tiếp cận, tách rời hai cách tiếp cận đó với nhau. Điều này vừa đảm bảo giải quyết đúng đắn các vấn đề của thực tiễn đặt ra, nhìn nhận và đánh giá sự phát triển hiện thực của con người và xã hội đầy đủ, khách quan, toàn diện hơn; vừa chống lại quan điểm phủ nhận vô căn cứ chủ nghĩa Mác – Lê nin, lại vừa tiếp thu được thành quả tiến bộ của nhân loại về phát triển con người trong thời đại ngày nay. Muốn vậy cần phải đưa cả hai cách tiếp cận vào giảng dạy trong chương trình đại học cho các khối ngành y, kinh tế, nhân văn, và giáo dục. Đồng thời, vừa phải phổ thông hóa, tuyên truyền, giải thích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng nên xem là một trong nội dung của công tác văn hóa, tư tưởng, và của cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong điều kiện mới hiện nay.
2- Lý luận về nguồn gốc, về sự hình thành và phát triển con người.
Trong những thập kỷ qua các ngành khoa học, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, như sinh học phân tử, di truyền học, động vật học, thực vật học, khảo cổ học, cổ nhân học, v.v… đều phát triển mạnh, cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức mới, làm thay đổi nhiều nhận thức của con người về chính bản thân mình, về nguồn gốc và tiến hoá của con người và của sinh vật nói chung. Trong số những phát kiến mới của các khoa học có những thông tin, kiến thức mới có liên quan đến thuyết tiến hóa của Đác uyn.
Như chúng ta đều biết, năm 1859 Đác uyn công bố công trình “nguồn gốc các loài” trong đó có ‘cây sự sống” khẳng định rằng các loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên[1]. Thuyết tiến hóa đã được cộng đồng khoa học thế giới thừa nhận mà không có nghi ngờ gì. Sau đó, thậm chí còn được một số nhà khoa học khác như I.V.Mitchurin, T.D. Lysenko ở Liên xô phát triển thêm, trở thành lý thuyết độc tôn trong sinh học ở Liên xô và nhiều nước khác. Thuyết tiến hóa của Đác uyn là một trong ba tiền đề khoa học tự nhiên của chủ nghĩa Mác nói chung và của các tư tưởng về con người nói riêng.
Ăngghen dựa trên thuyết tiến hóa đã viết bản thảo “Biện chứng tự nhiên” trong đó có phần về “Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”, đã được xuất bàn thành sách riêng[2]. Trong đó Ăngghen khẳng định con người là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên hình thành theo thuyết tiến hóa qua hàng chục vạn năm. Trong quá trình tiến hóa rất lâu dài đó thì lao động và cùng với lao động là ngôn ngữ có vai trò rất to lớn đối với việc hình thành con người và ý thức của nó: Lao động đóng vai trò quyết định trong việc sáng tạo ra con người. Cho đến nay lý thuyết Đác uyn vẫn dược cộng đồng khoa học thừa nhận là đúng đắn. Nó vẫn được dạy trong các nhà trường phổ thông[3] và cho các sinh viên chuyên ngành sinh học ở bậc đại học và sau đại học, dù không còn vị trí độc tôn như xưa.
Thuyết tiến hóa Đác uyn giữ vị trí độc tôn tuyệt đối trong khoa học cho đến năm 1953 khi Francis Crick và James Watson phát hiện ra cấu trúc phân tử chuỗi xoắn kép của ADN trong tế bào. Càng về gần đây, khoa học càng đi sâu vào làm sáng tỏ cấu trúc của ADN thì thuyết tiến hóa của Đác uyn mất dần vị trí độc tôn trong việc lý giải sự tiến hóa của sinh vật. Đa số các nhà khoa học kết hợp cả 2 lý thuyết này để giải thích sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng của thế giới sinh vật mà con người là một loài trong thế giới đó. Những công bố mới của cổ nhân học, của khảo cổ học từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay lại khẳng định và nhấn mạnh những thiếu sót, sai lầm của của “cây sự sống” và thuyết tiến hóa của Đác uyn. Theo các công bố đó thì đột biến mới tạo ra giống loài mới, tiến hóa không thể có vai trò đó. Đột biến phải được ghi vào mã di truyền ADN và ARN mới tạo ra giống loài mới. Sự xuất hiện của con người trước hết là do đột biến. Không có đột biến thì không thể có bước chuyển từ vượn thành người.
Các nhà khảo cổ và cổ nhân học, đặc biệt là ở châu Âu, châu Mỹ đã công bố nhiều tư liệu khẳng định rằng sự xuất hiện của loài người trên trái đất trước hết là do đột biến sau đó mới có vai trò của tiến hóa. Nguồn đột biến trên trái đất thời thượng cổ chỉ có thể là phóng xạ hoặc hóa chất. Nhưng khả năng hóa chất là rất ít. Kết hợp với những bằng chứng khảo cổ học và cổ nhân học ở vùng Trung và Nam châu Phi[4] họ cho rằng, khu vực này có nhiều mỏ Uranium thời cổ đại là nguồn gây phóng xạ rất nhiều năm đã tạo nên đột biến trong nhiều cá thể của vượn người sống trong khu vực đó. Nhờ đột biến mà vượn người trở thành người về phương diện sinh học. Khu vực này khí hậu nóng ấm nên con người mới có thể tồn tại và phát triển được. Các xứ lạnh không thể là điều kiện tồn tại cho con người khi họ chưa đủ phát triển, chưa biết dùng lửa, chưa biết dùng vỏ cây, lá cây và các phương tiện khác để chống lạnh.
Sau khi xuất hiện, theo thời gian, loài người tiến hóa về phương diện sinh học, phát triển dần về cơ thể và ý thức. Họ di chuyển dần lên phía Bắc châu Phi. Sau đó tràn qua Ai cập rồi chia thành hai nhánh di cư. Nhánh thứ nhất tiến về châu Âu ở phía Bắc và Tây Bắc. Nhánh thứ hai tiến về phía Đông sang Nam Á rồi lên Đông Bắc Á, sau đó tiếp tục tiến qua Bắc Mỹ rồi Nam Mỹ. Trong quá trình đó, con người thích nghi dần với điều kiện môi trường và thời tiết, biết tạo ra các phương tiện sinh hoạt, tiếp tục tiến hóa và tổ chức thành xã hội[5]. Khi đã có đột biến sinh học thì lao động, ngôn ngữ và đời sống xã hội trở nên đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của con người, như Ăngghen đã khẳng định.
Hiện nay, các thông tin, công bố này đã bị lợi dụng để phản bác, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin về con người, và cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Trong thực chất, về phương diện khoa học, giới khoa học quốc tế chưa khẳng định rằng thuyết tiến hóa của Đác uyn sai lầm, dù rằng trong luận giải của ông có một số điểm hiện đang bị khoa học hiện đại xem xét lại. Họ cũng đã thừa nhận tính đúng đắn của thuyết di truyền và lý thuyết về cấu trúc AND, về các thành tựu mới như giải trình tự hệ gen người, về công nghệ chỉnh sửa gen, về nhân bản vô tính, v.v…. và sử dụng các thành tựu đó ngày càng phổ biến và hiệu quả hơn.
Nhưng, tất cả những cái đó cũng khẳng định rõ ràng hơn luận điểm của Ăngghen về tác dụng của lao động trong quá trình tiến hóa của loài người. Như đã nói ở các phần trên, các tư tưởng và luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin về con người, phát triển con người vẫn đúng đắn, là thế giới quan, phương pháp luận, là kim chỉ nam cho các hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.
Những thông tin, kiến thức mới của khoa học đã bổ sung, khẳng định thêm, chi tiết hóa và cụ thể hóa thêm luận điểm của Ăng ghen về tác dụng của lao động trong quá trình phát triển của con người và xã hội loài người.
Mặt khác, việc khẳng định về vai trò của đột biến gen trong sự chuyển biến từ vượn thành người là một giả thuyết mới của khoa học và cũng chỉ là một trong những tiền đề, điều kiện cho sự xuất hiện con người. Hiện nay giả thuyết đó vẫn chưa được mình chứng đầy đủ. Cũng tương tự như vậy các ngành di truyền học, sinh học phân tử, khoa học về gen,… đưa lại nhiều thông tin, kiến thức mới. Nhưng, chúng không bác bỏ hoàn toàn thuyết tiến hóa của Đác uyn. Do đó, cũng không thể bác bỏ tiền đề khoa học tự nhiên của lý luận Mác – Lê nin về con người.
Trình bày những nội dung trên chúng tôi muốn khuyến nghị rằng: Việc giảng dạy lý luận về con người cần phải có những chuyên đề bổ trợ chuyên sâu, cập nhật, tổng kết và giải thích các thành tựu mới của các khoa học tự nhiên cho cả giáo viên lẫn sinh viên và học viên trong các hệ thống đào tạo khác nhau[6]. Thiếu đi những hiểu biết chuyên sâu, cập nhật và có tính ứng dụng mà các chuyên đề cung cấp, người học chỉ biết đến các nội dung nguyên lý thì khi ra thực tế sẽ rất khó lý giải các vấn đề mới, các tình hướng cụ thể. Do vậy “bản lĩnh” khoa học và bản lĩnh chính trị sẽ dễ bị lung lay. Trong trường hợp này cần kết hợp cả thuyết tiến hóa của Đác uyn lẫn những thành tựu mới của khoa học hiện đại như lý thuyết về gene, sinh học phân tử, cổ nhân học, khảo cổ học, v.v… để luận giải chặt chẽ và chính xác hơn, đầy đủ hơn, cập nhật hơn vấn đề nguồn gốc loài người và vai trò của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người. Tổng kết 40 năm đổi mới về phương diện xây dựng và phát triển con người cũng nên tính đến khía cạnh này.
3- Giải phóng các chức năng lao động, các năng lực của con người
Vấn đề này nảy sinh trực tiếp từ các cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật (CMKHKT), cách mạng khoa học – công nghệ (CMKHCN) và cách mạng công nghiệp (CMCN) trong gần một thế kỷ vừa qua[7]. Khi con người lao động thủ công họ vừa phải thực hiện các công việc chế tạo, cải biến các sự vật cho phù hợp với nhu cầu của mình. Công việc đó là thực hiện chức năng chế tạo, hay chức năng công nghệ, thí dụ cải biến bông thành sợi, sợi thành vải,… Để thực hiện chức năng công nghệ thì con người cũng phải vận chuyển các sản phẩm, nguyên liệu, bán thành phẩm… nói cách khác là con người phải thực hiện chức năng vận chuyển. Nhưng, để thực hiện các chức năng trên thì lại phải hao phí một lượng năng lượng nhất định, nghĩa là con người cũng phải thực hiện chức năng năng lượng. Trước khi có công nghiệp thì con người đã sử dụng sức gió, sức nước, sức động vật thực hiện chức năng năng lượng thay mình. Khi cuộc CMCN lần thứ nhất diễn ra (thế kỷ XVII – XVIII) thì chức năng năng lượng được chuyển giao một phần cho máy hơi nước, chức năng công nghệ trong ngành dệt được giao cho máy dệt, trong ngành sợi nó được chuyển giao một phần cho máy kéo sợi…. ba chức năng nói trên (năng lượng, vận chuyển, công nghệ) được gọi là hệ chức năng thực hiện.
Cuộc CMCN lần thứ Hai (thế kỷ XIX) với nền tảng công nghệ là các máy móc hoạt động trên nguyên tắc điện – từ và động cơ đốt trong thì các chức năng này tiếp tục được con người chuyển giao cho máy móc trên quy mô sâu, rộng hơn. Nhưng để lao động sản xuất thì còn hai chức năng quan trọng là quản lý (giám sát và hiệu chỉnh kịp thời quá trình sản xuất) và lô gíc (kết nối hợp lý các tư tưởng, thông tin, quá trình, quy luật và sáng tạo tư tưởng, thông tin, chu trình, quy luật mới) thì con người vẫn phải thực hiện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Ba với nguyên tắc công nghệ nền tảng là điện tử, đã tạo nên nhiều máy móc tự động, máy tính, mạng Internet, rô bốt, công nghệ tin học, số hóa, các camera, cảm biến tự động… với các chương trình được mã hóa (programme – lập trình) bởi con người – những nhà lập trình tin học. Nhờ việc thiết lập các chương trình tự động theo dõi và điều khiển hoạt động của máy móc CMCN 3.0 đã tạo ra nền công nghiệp mới. Tự động hóa dựa trên việc lập trình và số hóa được đưa vào sản xuất và quản lý xã hội ngày càng nhiều. Đó cũng chính là bắt đầu quá trình chuyển giao từng phần cho máy móc chức năng quản lý, giám sát các quá trình sản xuất và hoạt động nói chung.
Cuộc CMCN lần thứ Tư mới bắt đầu ở một số nước công nghiệp phát triển cao trên thế giới. Nguyên tắc công nghệ nền tảng của nó là trí tuệ nhân tạo (AI)[8] và các công nghệ kết nối trí tuệ nhân tạo với các công nghệ khác của CMCN 4.0, như: sản xuất đắp dần, chỉnh sửa gen, các thiết bị tự hành, thiết bị đầu cuối thông minh, dữ liệu lớn, v.v.. và của cả CMCN 3.0 như các công nghệ số hóa, rô bốt, công nghệ laze,… Nếu CMCN 1.0 diễn ra trong khoảng 200 năm. CMCN 2.0 diễn ra trong khoảng 130 năm, CMCN 3.0 diễn ra trong khoảng 80 năm, thì CMCN 4.0 theo dự đoán hiện nay có thể kéo dài khoảng 50 – 60 năm, tức có thể diễn ra cho đến khoảng 2050 – 2060, nhưng tốc độ lan tỏa toàn cầu và mức độ sâu sắc sẽ nhanh hơn nhiều.
Bằng việc sử dụng phổ biến trí tuệ nhân tạo, CMKHCN và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tạo ra những đột phá mới trong việc giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện, chức năng quản lý và sẽ tạo nên những bước nhảy vọt trong việc giải phóng con người khỏi chức năng logic. Việc giải phóng con người khỏi chức năng quản lý có những bước tiến đột phá thực sự, do nó tạo ra các loại trí tuệ nhân tạo kết nối với các rô bốt, các công nghệ khác nhau, các dây chuyền sản xuất tự động hóa của nhiều lĩnh vực. Việc giải phóng con người khỏi chức năng logic cũng đã được bắt đầu từng bước khi các hệ thống máy tính xuất hiện, đặc biệt khi Internet và các thiết bị thông minh dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo ra đời. Nó thực sự biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trí thức trở thành nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất và quản lý. Nhưng đó là nguyên liệu đặc biệt, khác với các nguyên liệu truyền thống, vì dùng không hết, cùng lúc có thể nhiều người cùng dùng, các thế hệ khác nhau cũng có thể dùng, càng dùng càng sinh sôi, v.v…. Nhờ đó con người và xã hội sẽ có những thay đổi khó hình dung, đoán định.
Như vậy, cách mạng khoa học - công nghệ ở giai đoạn hiện nay cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đang giải phóng con người các chức năng thực hiện, chức năng quản lý và chức năng logic và chuyển sang cho hệ thống máy móc công nghiệp. Bằng cách đó chúng đang loại dần người lao động ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp, biến họ trở thành những chủ thể sáng tạo thực sự, tạo tiền đề vật chất và lực lượng sản xuất mới cho một nền kinh tế mới[9]. Khi đó việc giải phóng các năng lực của con người mới thực sự bắt đầu, bởi trước đến nay con người bị bó buộc trong các chức năng lao động và phụ thuộc và hệ thống máy móc và các quan hệ xã hội tương ứng với hệ thống đó kìm hãm. Khi được giải phóng trên tất cả các phương diện như vậy thì con người mới sử dụng hết các năng lực sáng tạo của bản thân mình. Điều đó cũng có nghĩa là việc giải phóng các năng lực của con người đã bước sang giai đoạn quyết định nhất. Nó không còn là đinh ốc, là vật phụ thuộc vào quá trình sản xuất trực tiếp với các dây chuyền công nghiệp như trước đây. Nó là chủ thể sáng tạo, toàn quyền sử dụng năng lực sáng tạo và phát huy tối đa các năng lực đó để phát triển chính mình và xã hội.
Việc giải phóng con người ngày nay không nên hiểu chỉ là giải phóng về phương diện chính trị, phương diện tư tưởng và phương diện kinh tế. Giải phóng con người bao hàm nội dung rộng lớn hơn, có tính chất triệt để hơn là giải phóng họ khỏi quá trình sản xuất trực tiếp, giải phóng khỏi hệ chức năng thực hiện, chức năng quản lý và chức năng logic. Đây chính là giải phóng về phương diện lực lượng sản xuất. Việc giải phóng về chính trị, tư tưởng, kinh tế chỉ được đảm bảo bền vững khi việc giải phóng về phương diện lực lượng sản xuất được thực hiện trọn vẹn. Đó là nội dung mới về việc giải phóng con người trong thời đại CMKHCN ngày nay. Mặc dầu ở nước ta hiện chủ yếu đang thực hiện các nội dung của CMCN 3.0, có cả những nội dung của CMCN 2.0 và đang muốn đón đầu CMCN 4.0. Nhưng tất cả những nội dung nêu trên đang và sẽ tới nước ta rất nhanh chóng.
Chúng tôi đề xuất nên bổ sung nội dung lý luận này vào chương trình giảng dạy cho cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong hai hệ thống đào tạo về lý luận chính trị ở nước ta hiện nay: hệ thống Học viện của Đảng và hệ thống các trường đại học, cao đẳng do Nhà nước quản lý. Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, cần triển khai nghiên cứu và sử dụng trong hệ thống tuyên giáo của Đảng và Nhà nước. Nội dung này cũng cần thiết phải là một nội dung tổng kết lý luận của 40 năm đổi mới và chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Mặt khác, nội dung lý luận này gắn liền với việc nghiên cứu và sử dụng các thành tựu của CMKHCN và CMCN 4.0 ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, do đó cần thiết nên triển khai nội dung này thành chuyên đề chuyên sâu cho các lớp nghiên cứu sinh về triết học, cho cả các lớp lý luận chính trị cao cấp - cán bộ nguồn của Học viện Hồ Chí Minh. Vấn đề này cần thiết được triển khai nghiên cứu sâu rộng thêm bởi trong nhiều thập niên tới cuộc CMKHCN và CMKN 4.0 sẽ tác động ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng vào nước ta. Việc giải phóng con người về phương diện lực lượng sản xuất sẽ có những biểu hiện đa dạng và những chuyển động khác nhau ở các vùng, lĩnh vực, ngành với các trình độ phát triển khác nhau của các lực lượng sản xuất. Việc quản lý, chỉ đạo, điều hành chắc chắn sẽ phải đụng chạm đến những nội dung này. Nghiên cứu sâu để quản lý và chỉ đạo các quá trình đó tốt hơn, hiệu quả hơn là việc cần làm.
4- Hai khu vực sản xuất con người và sản xuất của cải
Trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ, và cách mạng công nghiệp lần thứ Ba và lần thứ Tư hiện nay, sự phát triển kinh tế không hoàn toàn độc lập và có vai trò quyết định các lĩnh vực khác mạnh như các giai đoạn trước đây vào giữa thế kỷ XX trở về trước. Trong những điều kiện cụ thể nhân tố kinh tế có thể phải nhường chỗ cho các nhân tố xã hội, khoa học, công nghệ[10],...
Ở quy mô rộng lớn hơn, vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế học chính trị, từ thực tiễn thành công của các quốc gia khu vực và thế giới từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, một luận điểm mới đã được khái quát: trong xã hội hiện đại khu vực I quyết định khu vực II. Khu vực I được nói ở đây là khu vực “sản xuất con người”. Khu vực II là khu vực sản xuất của cải. “Sản xuất con người” bao hàm hai nội dung. Thứ nhất là tạo ra con người về phương diện sinh học, thể xác, là sinh đẻ và nuôi dưỡng để có thể lực tốt, sức bền lao động đảm bảo, chống chịu được áp lực nhiều mặt của đời sống. Nội dung thứ 2 của “sản xuất con người” là tạo ra trí lực, tâm lực, kỹ lực[11], tức là giáo dục và đào tạo, hay có thể gọi là giáo dưỡng, là xây dựng và phát triển phần “Người”. Nội hàm của giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng gồm cả giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội, cộng đồng, tự giáo dục. Hôm nay xã hội “sản xuất con người” như thế nào thì ngày mai không chỉ kinh tế mà cả xã hội sẽ như thế đấy. Việc nuôi dưỡng và giáo dưỡng thế hệ trẻ hôm nay sẽ quy định tốc độ, quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đó là thực chất nội dung luận điểm: khu vực I quyết định khu vực II hay khu vực sản xuất con người quyết định khu vực sản xuất của cải[12].
Luận điểm này phù hợp với thực tế phát triển thành công của nhiều quốc gia hiện nay và tinh thần của các tư tưởng về xây dựng và phát triển con người trong thời đại CMKHCN. Con người là tài sản quý báu nhất của các quốc gia. Việc đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho tương lai. Các nước như Hàn Quốc, Xingapo, Thái Lan, Malaixia và Trung Quốc từ những thập niên cuối của thế kỷ trước đã chú ý đầu tư cho giáo dục, đào tạo và nuôi dưỡng thế hệ trẻ để hai thập kỷ sau đó có được sự phát triển rộng khắp các lĩnh vực và với tốc độ nhanh, chất lượng tốt. Các nước Âu - Mỹ cũng đã tiến hành cải cách giáo dục, đào tạo từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1998 tại Boxton, Hoa kỳ, Đại hội triết học thế giới đã tổng kết và nhấn mạnh vai trò, các bài học về giáo dục và đào tạo cũng như về cải cách giáo dục, đào tạo trên thế giới. Tinh thần này cũng đã bắt đầu được thể hiện. Chỉ với những con người có thể lực, trí lực, tâm lực, kỹ lực tốt mới có thể tiến hành CMKHCN và CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế, xã hội và chính con người phát triển.
Các lý luận gia trên thế giới những thập kỷ gần đây đã chỉ ra những điểm, khâu đột phá khác nhau trong phát triển xã hội. Tài nguyên khoáng sản, thể chế, luật pháp, khoa học và công nghệ, v.v…đều đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Nhưng, xét đến cùng, con người là nhân tố quyết định nhất. Chính xác hơn, chất lượng con người, chất lượng dân cư sẽ quyết định định hướng, quy mô, tốc độ phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn, và sự phát triển chung của quốc gia. Sử dụng tài nguyên khoáng sản như thế nào, thể chế được xây dựng ra sao, khoa học và công nghệ được sử dụng và phát triển với tốc độ nào, rút cuộc, đều do chất lượng con người quyết định. Nhưng chất lượng con người ngày mai lại do việc nuôi dưỡng và giáo dưỡng hôm nay quyết dịnh. Sự phồn vinh của ngày mai hay tương lai của quốc gia phụ thuộc vào việc “sản xuất con người” trong hiện tại.
Theo chúng tôi, luận điểm “khu vực sản xuất con người quyết định khu vực sản xuất của cải” cần phải trở thành nguyên tắc lý luận nền tảng của cải cách giáo dục và đào tạo. Nó cũng cần phải làm nền tảng cho các chính sách về con người, về xây dựng và phát triển con người, trở thành một nội dung của nghị quyết mới về con người ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, khi mà một bộ phận không nhỏ con người trong xã hội đang suy thoái về tâm lực (đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị…), yếu kém về kỹ lực (nhất là kỹ năng mềm), quá nhỏ bé và yếu về thể lực (thấp, bé, nhẹ cân[13]), hạn chế về trí lực (chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp). Khi những phẩm chất cần thiết đó của con người, tức cũng là của lực lượng lao động của xã hội, chưa đảm bảo thì năng suất, chất lượng và hiệu quả của các hoạt động xã hội chắc chắn sẽ rất hạn chế. Khi đó khó có thể đẩy nhanh tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế, xã hội và con người. Chính vì vậy, tổng kết 40 năm đổi mới cần chú ý nhiều đến khía cạnh này trong tổng kết thực tiễn và chuẩn bị định hướng đường lối trong Đại hội XIV sắp tới.
Chúng tôi cũng kiến nghị nên đưa luận điểm “khu vực sản xuất con người quyết định khu vực sản xuất của cải” vào chương trình đào tạo triết học, kinh tế và lý luận chính trị trong hệ thống đào tạo của Đảng và Nhà nước ở bậc đại học và sau đại học, vào chương trình lý luận chính trị cao cấp. Luận điểm này không trái ngược với tinh thần duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Ngược lại nó là sự vận dụng, bổ sung, làm rõ hơn lý luận về con người của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Nó khẳng định tính đúng đắn của quan điểm “con người là trung tâm, là chủ thể của mọi sự phát triển” mà Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương và triển khai thực hiện từ hơn một thập niên đến nay./.
PGS.TSKH. Lương Đình Hải
Danh mục tài liệu tham khảo:
- C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
- Lương Đình Hải.- Định hướng ưu tiên phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2 (101) – 2019.
- Lương Đình Hải.- Cách mạng khoa học – công nghệ với giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực ở Việt Nam hiện nay.- Tạp chí Nghiên cứu Con người số 6 (99) – 2018;
- Lương Đình Hải.- Cách mạng khoa học - công nghệ và sự phát triển con người Việt Nam nhìn từ góc độ sức khoẻ.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5(98) – 2018.
- Lương Đình Hải.- Cách mạng KHCN và tác động của nó đến con người và xã hội Việt Nam.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5 (92) – 2017;
- Phong Trần (T/H).- Cuộc khủng hoảng mang tên thuyết tiến hóa. Trong https://trithucvn.co/chuyen-de/cuoc-khung-hoang-mang-ten-thuyet-tien-hoa.html, Thứ Sáu, 17/11/2017;
- Bạch Vân (tổng hợp).- Vén màn thuyết tiến hóa: hình vẽ phôi thai giả của Haeckel, vụ lừa đảo xuyên thế kỷ, trong https://trithucvn.net/kinh-te/ven-man-thuyet-tien-hoa-hinh-ve-phoi-thai-gia-cua-haeckel-vu-lua-dao-xuyen-the-ky.html Thứ Hai, 01/08/2016;
- Phong Trần (T/H).- Các hóa thạch của thuyết tiến hóa: Sự thật hay bị làm giả? trong https://trithucvn.net/khoa-hoc/cac-hoa-thach-cua-thuyet-tien-hoa-su-that-hay-bi-lam-gia.html Thứ Năm, 25/08/2016;
- Bạch Vân (tổng hợp).- Thuyết tiến hóa: 3 bằng chứng giả và thí nghiệm thất bại trong sách giáo khoa, trong https://trithucvn.net/kinh-te/thuyet-tien-hoa-cac-bang-chung-gia-va-thi-nghiem-that-bai-trong-sach-giao-khoa.html Thứ Tư, 10/08/2016;
- LX tổng hợp và chuyển dịch.- 9 lý do chứng minh thuyết tiến hóa của Darwin sai, trong https://trithucvn.net/khoa-hoc/9-ly-do-chung-minh-thuyet-tien-hoa-cua-darwin-sai.html Chủ Nhật, 14/10/2018;
- Phạm Việt Hưng.- DNA: Mật mã nhỏ xíu đang lật đổ thuyết tiến hóa. Trong https://trithucvn.net/khoa-hoc/dna-mat-ma-nho-xiu-dang-lat-do-thuyet-tien-hoa.html Chủ Nhật, 07/01/2024.
- Thiện Tâm.- Tính toán di truyền học: Mất quá lâu để vượn người tiến hóa thành người, trong https://trithucvn.net/khoa-hoc/tinh-toan-di-truyen-hoc-mat-qua-lau-de-hominini-tien-hoa-thanh-nguoi.html Thứ Ba, 07/08/2018;
- Phạm Việt Hưng.- Thuyết tiến hóa: Xác suất sự sống có thể hình thành tự phát là bao nhiêu? trong https://trithucvn.net/khoa-hoc/xac-suat-phu-nhan-kha-nang-su-song-co-the-hinh-thanh-tu-phat.html Thứ Bảy, 15/09/2018;
- Lê Quỳnh Ba biên tập.- Nguồn gốc của loài người, trong https://khoahoc.tv/nguon-goc-cua-loai-nguoi-101221, ngày 18/01/2020;
- Steve Trần.- Tổ tiên loài người đã bắt đầu di cư vòng quanh thế giới sớm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, trong https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/ 2351009/to-tien-loai-nguoi-da-bat-dau-di-cu-vong-quanh-the-gioi-som-hon-chung-ta-tung-nghi-rat-nhieu, ngày 13/12/2017, 03:35 PM;
- Nguồn gốc châu Phi gần đây của người hiện đại.- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ngày 18/7/2024, 15:30
-
[1] Mặc dầu từ năm 1866 G.Menden đã đề xuất thuyết di truyền, nhưng không dược thừa nhận nên rơi vào quyên lãng, đến năm 1900 được phát kiến lại. Nhưng cũng chưa được giới khoa học thừa nhận và sử dụng trong sinh học như thuyết tiến hóa.
[2] Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
[3] Chúng tôi đã tìm hiểu điều này. Ở Việt Nam trước đây tuyết tiến hóa được dạy ở lớp 10 hệ 10 năm, hiện nay được dạy ở lớp 12. Một số nước dạy ở lớp cuối của chương trình phổ thông, nhưng cũng có nước dạy ở lớp trên đó 1 lớp. Trên thế giới một số nước đã được khuyến cáo và cũng đã có một số nước dùng dạy lý thuyết tiến hóa Đác uyn.
[4] Thí dụ xem các công bố của gia đình 3 thế hệ nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh Louis Seymour Bazett Leakey từ những năm 1950 cho đến nay về các di chỉ khảo cổ học ở các nước khu vực Nam Phi châu.
[5] Về các nội dung này đã có nhiều tài liệu công bố bằng tiếng nước ngoài. Thời gian gần đây cũng đã có tiếng Việt. Thí dụ, xem: https://trithucvn.net/chuyen-de/cuoc-khung-hoang-mang-ten-thuyet-tien-hoa.html Thứ Sáu, 17/11/2017; https://trithucvn.net/kinh-te/ven-man-thuyet-tien-hoa-hinh-ve-phoi-thai-gia-cua-haeckel-vu-lua-dao-xuyen-the-ky.html Thứ Hai, 01/08/2016; https://trithucvn.net/khoa-hoc/cac-hoa-thach-cua-thuyet-tien-hoa-su-that-hay-bi-lam-gia.html Thứ Năm, 25/08/2016; https://trithucvn.net/kinh-te/thuyet-tien-hoa-cac-bang-chung-gia-va-thi-nghiem-that-bai-trong-sach-giao-khoa.html Thứ Tư, 10/08/2016; https://trithucvn.net/khoa-hoc/9-ly-do-chung-minh-thuyet-tien-hoa-cua-darwin-sai.html Chủ Nhật, 14/10/2018; https://trithucvn.net/khoa-hoc/dna-mat-ma-nho-xiu-dang-lat-do-thuyet-tien-hoa.html Thứ Ba, 02/08/2016; https://trithucvn.net/khoa-hoc/khung-long-van-ton-tai-30-000-nam-truoc-cau-hoi-lon-cho-thuyet-tien-hoa.html Thứ Tư, 25/07/2018; https://trithucvn.net/khoa-hoc/tinh-toan-di-truyen-hoc-mat-qua-lau-de-hominini-tien-hoa-thanh-nguoi.html Thứ Ba, 07/08/2018; https://trithucvn.net/khoa-hoc/xac-suat-phu-nhan-kha-nang-su-song-co-the-hinh-thanh-tu-phat.html Thứ Bảy, 15/09/2018; http://nghiencuuquocte.org/forums/topic/thuyet-tien-hoa-darwin-da-den-luc-cham-dut-su-lua-doi-vi-dai/ 10/01/2018 at 11:06; https://khoahoc.tv/nguon-goc-cua-loai-nguoi-101221, ngày 18/01/2020; https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/ 2351009/to-tien-loai-nguoi-da-bat-dau-di-cu-vong-quanh-the-gioi-som-hon-chung-ta-tung-nghi-rat-nhieu ngày 13/12/2017 03:35 PM; v.v…
[6] Hiện nay cả trong hệ thống đào tạo trong các trường Đảng lẫn hệ thống đào tạo của Bộ Giáo dục – đào tạo đều chưa có chương trình bổ trợ này
[7] Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[8] Artificial Intelligence
[9] Hiện nền kinh tế mới đó đang được gọi bằng nhiều tên khác nhau: nền kinh tế số, kinh tế mềm, kinh tế tri thức… Một số ý kiến cho rằng trên cơ sở đó một giai đoạn mới của sự phát triển xã hội đã bắt đầu được gọi bằng những cái tên như: xã hội thông tin, xã hội tri thức, xã hội học tập, xã hội số, xã hội 5.0, v.v…) cũng đã xuất hiện.
[10] Ưu tiên sức khỏe cộng đồng so với tăng trưởng kinh tế trong dịch Covid-19 vừa rồi trên thế giới là một thí dụ cụ thể.
[11] Kỹ lực là kỹ năng và kỹ xảo hợp thành, là phẩm chất phải có của con người và nhân lực trong thời đại ngày nay. Xem: Lương Đình Hải.- Định hướng ưu tiên phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 2 (101) – 2019.
[12] Xem Lương Đình Hải.- Cách mạng KHCN và tác động của nó đến con người và xã hội Việt Nam.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5 (92) – 2017; Cách mạng khoa học – công nghệ với giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực ở Việt Nam hiện nay.- Tạp chí Nghiên cứu Con người số 6 (99) – 2018; Định hướng ưu tiên phát triển con người Việt Nam… đã dẫn.
[13] Theo các số liệu mà chúng tôi có được, người Việt hiện nay xếp thứ tư từ dưới lên về tầm vóc. Xem: Lương Đình Hải.- Cách mạng khoa học - công nghệ và sự phát triển con người Việt Nam nhìn từ góc độ sức khoẻ.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5(98) – 2018.