Thứ Sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025

Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc trên môi trường mạng xã hội về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay[1]

Ngày phát hành: 19/01/2024 Lượt xem 1164


 

 

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, GS.TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ dẫn sâu sắc: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phải có phương pháp đúng, không thể chủ quan, nóng vội, không được né tránh, cầm chừng, thoả mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta[2].

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên quyết đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Cuộc đấu tranh này được tổ chức một cách bài bản, khoa học; không có vùng cấm; xử lý thấu đáo, có lý, có tình nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận trong nước và thế giới đánh giá cao. Thực chất tình hình như vậy nhưng trên môi trường mạng xã hội, một số thế lực thù địch lại tung ra luận điệu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng tham nhũng, tiêu cực, là “phổ biến” và “tất yếu” của chế độ một đảng”. Đây vẫn là thủ đoạn xuyên tạc quen thuộc “lấy bé xé ra to”, lấy hiện tượng quy thành bản chất để phủ định những gì chúng ta đã và đang làm được nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta có đầy đủ lý lẽ và chứng cứ thực tiễn để bác bỏ luận điệu này.

 

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ sự nguy hại và đánh giá đúng thực trạng, tình hình tham nhũng, thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

 

Tham nhũng, tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tha hóa biến chất luôn là những hiện tượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tham nhũng là một trong những biểu hiện của suy thoái, tha hóa, biến chất và nó là hiện tượng nghiêm trọng nhất. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tham nhũng là “giặc nội xâm” và Người yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh chống kẻ địch nguy hiểm này cùng với các căn bệnh khác như tha hóa, thoái hóa, biến chất. Đảng ta xác định tham nhũng cùng với tha hóa, biến chất là một trong những “nguy cơ lớn” đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.

 

Nhận rõ sự nguy hại của tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất, trong các kỳ đại hội Đảng, nhất là những đại hội vừa qua, Đảng ta đã luôn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ phòng, chống các loại tệ nạn này. Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu rõ “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng bộ máy lãnh đạo quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ nạn tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”[3]. Đại hội XII của Đảng xác nhận: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi…”[4]. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”[5].

 

Những đánh giá của Đảng như vậy là rất công khai, nghiêm túc, thể hiện bản lĩnh của Đảng nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất mức độ và tác hại của các hiện trạng tiêu cực vẫn đang diễn biến phức tạp. Đây là sự nhìn nhận khách quan, khoa học. Có thể thấy rằng việc xác định một bộ phận không nhỏ là sự đánh giá định tính nhưng rất chính xác. Không nhỏ nghĩa là đã có con số đáng kể, có lớn nhưng chưa phải số đông, đáng kể nhưng vẫn là thiểu số, không phải đa số. Số liệu cụ thể cho thấy, trong năm 2022, qua kiểm tra, giám sát Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật của Đảng đối với 38 tổ chức Đảng, 166 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật 19 tổ chức đảng và 43 đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã thi hành kỷ luật gần 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có gần 10 Ủy viên Trung ương Đảng. Với số lượng gần 70 trường hợp bị xử lý trong hàng nghìn cán bộ do Trung ương quản lý cũng như gần 10 trường hợp kỷ luật trong hàng trăm ủy viên Trung ương thế không thể coi đó là phổ biến.

 

Thứ hai, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Nhận thức rõ tham nhũng, tha hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ đảng viên sẽ làm suy yếu Đảng, giảm quyền lực của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chung của đất nước, Đảng và Nhà nước có quyết tâm chính trị cao trong việc phòng, chống các biểu hiện tiêu cực này. Bởi vậy việc phòng, chống tham nhũng, tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị.

 

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đảng ta đã xác định nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng. Tại các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng ta thường xuyên ban hành các nghị quyết liên quan đến phòng, chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất. Đại hội XII của Đảng xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó điều đầu tiên là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[6]. Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”[7].

 

Cụ thể hóa các quan điểm, chủ trưởng của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống các tệ nạn này; Các cơ quan chuyên trách được kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động và phát huy hiệu quả. Cùng với những giải pháp quyết liệt trong nước, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều văn bản pháp lý quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực cảu cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất đã đạt được những kết quả tích cực. Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp đầu năm mới 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Năm 2022, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có nhiều điểm mới, đạt nhiều kết quả cụ thể, được cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao”. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trước một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, sẽ làm “chậm sự phát triển đất nước”; có thể khẳng định và thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta giữ vững ổn định chính trị xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế”.

 

Thứ ba, tình trạng tham nhũng, tha hóa, biến chất về nhân cách là “quốc tế nạn” chứ không phải ở chế độ một đảng cầm quyền.

 

Quy luật của tự nhiên và xã hội là luôn có sự phát triển không đồng đều. Trong một khu rừng, cùng một loại cây hoặc muông thú nhưng nhất định có cá thể mạnh, yếu và khuyết tật. Ngay trong một cây rất tươi tốt cũng có cành mục, cành khô. Trong đời sống xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Tham nhũng và suy thoái, tha hóa nhân cách cũng vậy, ở đâu cũng có thể có nhưng không thể là phổ biến ở bất cứ chế độ nào. Tham nhũng, tha hóa biến chất về nhân cách của những phần tử xấu lại có chức, có quyền là căn bệnh nan y đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Tham nhũng, suy thoái là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia khi quyền lực nhà nước bị thao túng, lợi dụng để trục lợi. Đây là “quốc tế nạn” ở mọi thể chế chính trị. Chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng suy thoái, thoái hóa trong đội ngũ cán bộ. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn rất nhức nhối, mang tính phổ biến, xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong đó nhiều nhất lại ở các quốc gia có chế độ đa đảng do giai cấp tư sản lãnh đạo. Nhiều quốc gia không phải đảng cộng sản cầm quyền như Hàn Quốc, Malaysia, Colombia, Brazil, Ukraine… tham nhũng xảy ra rất nghiêm trọng.

 

Chúng ta có thể dẫn chứng cụ thể một số vụ việc nghiêm trọng về tham nhũng và bê bối, thoái hóa về nhân cách. Ngay cả Nghị viện châu Âu (EP) cũng vừa vướng vào bê bối tham nhũng. Cụ thể, giới chức Bỉ ngày 11/12/2022 đã bắt 4 cá nhân với cáo buộc nhận tiền và quà từ một quốc gia vùng Vịnh. Trong số 4 người này có nghị sĩ Hy Lạp là Evakaili, một trong 14 phó chủ tịch EP và Francisco Giogi, cố vấn của EP. Vừa qua, cựu nghị sĩ Ukraine Kostiantyn Zhevago bị bắt ở Pháp vì bị cáo buộc tham ô gần 200 triệu USD ở quê nhà. Rồi nữa, tháng 7/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải từ chức vì bê bối về nhân cách…

 

Như vậy, chúng ta có đủ căn cứ để bác bỏ luận điệu “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng tham nhũng, tiêu cực là cái “phổ biến” và “tất yếu” của chế độ một đảng”. Luận điệu này hết sức xảo trá, méo mó về lý luận và lệch lạc về thực tiễn nên không thể lừa dối được ai.

 

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quyết liệt trong điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, nhất định cuộc đấu tranh trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt nhiều thắng lợi, Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, sự nghiệp cách mạng của chúng ta nhất định thành công./.

 
GS.TS Vũ Văn Hiền


[1] Chuyên đề được hoàn thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài KX.04.33/21-25.

[2] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.37

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.29

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.185

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.95

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.217

 

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.194

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết