I. Đặt vấn đề
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; “Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%”; “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP”...
Để đạt được các mục tiêu trên, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ phải “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”; “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Điều đó cho thấy việc hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển, đóng một vai trò trọng yếu trong việc tạo động lực phát triển nhanh - bền vững, để đạt được các mục tiêu phát triển đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay đã trải qua một nửa nhiệm kỳ (2021 - 2025), mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng so với những mục tiêu đặt ra cho đến năm 2025, thì còn nhiều thách thức lớn, trong đó có vấn đề phải tiếp tục đẩy mạnh huy động và sử dụng có hiệu quả cao hơn nữa các nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới,
II. Những vấn đề lớn đặt ra cần giải quyết
1. Cần nhận diện rõ hơn ví trí, vai trò và cấu trúc của các nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới
Nếu như trong các giai đoạn trước đây, tăng trưởng - phát triển nền kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; dựa chủ yếu vào khai thác nguồn lực đất đai, tài nguyên giá rẻ; vào nguồn lao động lao động trình độ thấp, giá lao động rẻ; vào trình độ công nghệ thấp và trung bình; vào nền sản xuất sản phầm hàng hóa, dịch vụ chất lượng nhìn chung không cao. Nhưng từ năm 2011 đến nay, trong Văn kiện các Đại hội, Đảng xác định phải đẩy mạnh chuyển nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính điều này đã đặt ra phải thay đổi tư duy về huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển, thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:
- Nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong mọi lĩnh vực và cấp độ phải được đặt lên hàng đầu (chi phối toàn bộ công tác đào tạo, sử dụng, đãi ngộ các loại nguồn nhân lực).
- Nguồn lực khoa học - công nghệ (thể hiện tập trung ở tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; ở làm chủ, đổi mới, phát triển và nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế) phải được coi trọng hơn.
- Nguồn lực tài nguyên đất đai và các tài nguyên khác phải được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao và bền vững hơn, theo hướng phát triển xanh.
- Nguồn lực tài chính (của cả nhà nước, doanh nghiệp và xã hội) phải được hướng vào quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn cho các lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn của đất nước; phát triển nguồn lực tài chính xanh.
- Nguồn lực thông tin - dữ liệu ngày càng trở nên quan trong hơn đối với sự phát triển của một quốc gia hiện đại (đặc biệt là dữ liệu số hóa, phục vụ cho phát triển nền kinh tế số, nền hành chính số và xã hội số).
- Nguồn lực thể chế phát triển (thể chế phát triển được xây dựng phù hợp và hiệu quả tới mức nào) ngày càng đóng vai trò là nhân tố quyết định tạo động lực phát triển của một quốc gia, cũng như trên bình diện toàn cầu.
- Thể chế hội nhập quốc tế (trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng) ngày càng đóng vai trò trọng yếu trong việc kết nối “sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”, trở thành một nguồn lực phát triển không thể thiếu đổi với sự phát triển của một quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hơn.
Trong bối cành đất nước đang phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, thì tầm quan trọng của các nguồn lực liên quan đến trí tuệ, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải ngày càng được coi trọng hơn. Đồng thời, trong quá trình chuyển sang phát triển theo chiều sâu, trong một số lĩnh vực, ở một mức độ nhất định, vẫn cần phải sử dụng có hiệu quả các giải pháp phát triển theo chiều rộng; tuy nhiên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực này (nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên, tài chính…). Điều này liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ “ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển”; “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước” (Văn kiện Đại hội XIII).
2. Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế để thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành nguồn lực - động lực then chốt cho sự phát triển
Trong thời gian tới, theo tinh thần của Đại hội XIII, phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ quan trọng là: Xây dựng Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; gắn liền với đó là xây dựng và hoàn thiện Thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Thể chế KHCN); xác định thể chế này là một bộ phận hợp thành hữu cơ - cốt lõi của thể chế tổng hợp phát triển nhanh - bền vững, tạo nên động lực chủ yếu cho sự phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước trong giai đoạn mới. Để phát huy hiệu lực và hiệu quả cao, thể chế KHCN phải được xây dựng đáp ứng với yêu cầu:
- Phù hợp với đặc điểm mang tính bản chất của hoạt động KHCN là lao động trí óc, sáng tạo; nhân tố con người sáng tạo đóng vai trò cốt lõi.
- Phải có tính “vượt trước”, có thể “đón nhận kịp thời” các cơ hội phát triển KHCN & ĐMST trên thế giới, nhất là các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; để tạo được động lực chủ đạo thúc đẩy đất nước phát triển nhanh - bền vững. Đống thời, xây dựng thể chế KHCN phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của nước ta nói chung, và với điều kiện và trình độ phát triển của mỗi vùng, lĩnh vực.
- Chế định phù hợp về mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - xã hội trong lĩnh vực KHCN & ĐMST: phải xem xét, xây dựng thể chế KHCN theo quan điểm “Nhà nước mạnh - Thị trường hiệu quả - Xã hội (các chủ thể hoạt động khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp…) năng động, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, định hướng chiến lược phát triển; các chủ thể nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong phát triển ứng dụng.
Cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế KHCN đồng bộ về cấu trúc thành phần theo các chức năng, lĩnh vực cụ thể; có thể nêu khái quát như sau:
(i). Thể chế hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới phục vụ cho các nhu cầu phát triển các lĩnh vực của xã hội, nhất là về kinh tế (có thể gọi là thể chế “bên cung” (hay thể chế cung).
(ii). Thể chế phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội…hướng tới đẩy mạnh (thúc đẩy) ứng dụng các các sản phẩm KHCN để phát triển (có thể gọi là thể chế “bên cầu” hay thể chế cầu).
(iii). Thể chế tạo mối liên kết giữa hoạt động KHCN với việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào phát triển các lĩnh khác (có thể gọi là thể chế liên kết cung - cầu).
(iv). Thể chế quản lý triển khai các nhiệm vụ KHCN, nhất là các nhiệm vụ của Nhà nước. Đây là thể chế chứa đựng tổng hợp các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giải trình của các chủ thể khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN & ĐMST.
(v). Thể chế phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đây là thể chế có nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
(vi). Thể chế tự chủ của các cơ sở hoạt động KHCN & ĐMST.
(vii). Thể chế tài chính cho phát triển KHCN (trong đó có việc thúc đấy phát triển các loại quỹ KHCN & ĐMST). Đây là thể chế có nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về tài chính đối với mọi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (chung và phù hợp với từng lĩnh vực).
(viii). Thể chế phát triển tiềm lực KHCN. Đây là thể chế chứa đựng nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về phát triển tiềm lực mọi mặt KHCN.
(ix). Thể chế phát triển nguồn nhân lực KHCN. Đây là thể chế chứa đựng nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
(x). Thể chế hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN. Đây là thể chế chứa đựng nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(xi). Thể chế phát triển và bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả; thể chế chuyển giao công nghệ…Đây là thể chế chứa đựng nội dung chế định tổng hợp các cơ chế, chính sách về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả; thể chế chuyển giao công nghệ…, có thể còn các thể chế thành phần khác.
3. Kiên quyết giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án đầu tư đang bị “treo”, chậm tiến độ
Hiện nay, vì những lý do khác nhau, trong cả nước đang tồn đọng hàng ngàn dự án bị “treo”, “nằm bất động”, bị “chết đứng”, hoặc bị chậm tiến độ hàng chục năm. Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc Hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đến tháng 10/2022, cả nước còn có hàng nghìn dự án chậm tiến độ, số lượng có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án; trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ[1]. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án, trong đó có nhiều dự án phải xử lý hình sự.
Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến, chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành, tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha.
Quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, bất cập, sử dụng không hiệu quả và tiềm ẩn thất thoát lớn nguồn thu ngân sách nhà nước. Đến tháng 12/2021, vẫn còn 28 địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; vẫn còn 305.043ha diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao về địa phương chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng.
Đoàn giám sát của Quốc hội đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất...
Hiện nay, qua phản ánh trực tiếp của người dân, doanh nghiệp, dư luận báo chí và báo cáo của các địa phương, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính…; làm cho việc triển khai các dự án đầu tư, thị trường bất động sản bị đình trệ, ảnh hưởng trự tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, tại các dự án đầu tư bị “treo”, bị chậm tiến độ nhiều năm đang “chôn” hàng triệu nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, vốn tín dụng từ các ngân hàng, vốn từ thị trường chứng khoán…; gây thiệt hại không chỉ về kinh tế, hiệu quả đầu tư, mà còn tác động tiêu cực nghiêm trọng đến các vấn đề xã hội như đời sống, ăn ở, công ăn việc làm, trật tự an toàn xã hội, niềm tin của người dân…Điều này đặt ra phải khẩn trương hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để giải quyết có hiệu quả tình trạng dự án “treo”, chậm tiến độ, trong đó, tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:
- Phải hoàn thiện đồng bộ phương pháp, cơ chế, chính sách để nâng cao cơ sở khoa học - thực tiễn, chất lượng công tác quy hoạch phát triển, quy hoạch, kế hoạch xây dựng các dự án, gắn liền với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mang tính khả thi, công khai, minh bạch; khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch; khắc phục triệt để tình trạng “quy hoạch treo”, không phù hơp với thực tế.
- Chế định rõ công khai, minh bạch quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất các cấp, các đơn vị, các chủ thể, cá nhân, nhất là những người đứng đầu, có liên quan đến xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển, dự án phát triển, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và các dự án đầu tư (nhất là vấn đề có liên quan đến sử dụng đất và các nguồn lực đầu tư); kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển.
- Chế định rõ, minh bạch quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của các chủ đầu tư (nhất là trách nhiệm về sử dụng đất và các loại nguồn lực, trách nhiệm hoàn thành và đưa dự án đầu tư vào vận hành theo đúng cam kết và theo quy định của luật pháp); ban hành các chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm.
- Hoàn thiện đồng bộ Luật đất đai (và các luật liên quan như Luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật xây dựng…), trong đó có những nội dung quan trọng về xác định giá đất, chế độ đến bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo việc làm, nhà ở…
- Điều tra, đánh giá đầy đủ thực trạng các dự án “treo”, chậm tiến độ hiện nay trên tất cả các địa phương; làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan; xây dựng các giải pháp mang tính chất “tình thế” (có tính đến các yếu tố lịch sử, cơ chế, chính sách thay đổi qua các thời kỳ), trình các cấp có thầm quyền phê duyệt, để làm cơ sở xử lý dứt điểm các dự án “treo”, chậm tiến độ đã nhiều năm.
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc ý kiền chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 965/CĐ-TTg, ngày13 tháng 10 năm 2023, về khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản; khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai. Trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải “quy định phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”; “đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa các khâu trung gian”, “không gây thất thoát ngân sách nhà nước, không để tham nhũng tiêu cực và không để sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm”.
4. Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công
Vốn đầu tư toàn xã hội là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vốn đầu tư không chỉ là số lượng, mà quan trọng hơn là hiệu quả đạt được. Hiện nay, đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước vẫn đang chiếm một tỷ trọng lớn, khoảng gần 30% toàn bộ ngân sách nước[2]. Đối với Việt Nam, đầu tư công đang đóng vai trò quan trọng là động lực, “đầu kéo” thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa, và là một công cụ chính yếu để nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đầu tư công (bao gồm cả các dịch vụ công ích) còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém; tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí còn khá phổ biến; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, trục lợi từ ngân sách còn nhiều và có những vụ việc nghiêm trọng; hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng thấp (ví dụ như 12 đại dự án thuộc Bộ Công thương)[3]. Hiện nay tình trạng chậm triển khai dự án và chậm giải ngân trong đầu tư công đang diễn ra phổ biến ở nhiều bộ ngành và địa phương; có nơi đã trả lại một phần vốn đầu tư công cho Trung ương. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: quy hoạch, kế hoạch phát triển không chính xác, không phù hợp, phải thay đổi nhiều lấn; chất lượng xây dựng dự án đầu tư thấp; có những “lỗ hổng”, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển; sự phân công, phân nhiệm giữa các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan chưa rõ ràng, minh bạch; tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm; sự chi phối của lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực; thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc…Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
i) - Cần phải quát triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng về đầu tư công: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới. Theo tinh thần chỉ đạo này, cần rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công ở tất cả các bộ, ngành, địa phương trong cả nước; xây dựng phương án cơ cấu lại đầu tư công phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn.
ii) - Khẩn trương hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, trong đó chế định rõ hơn, công khai, minh bạch các vấn đề sau đây: chế định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của tất cả các chủ thể (đơn vị và cá nhân) liên quan đến từng khâu của quá trình đầu tư công (xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án; thẩm định, phê duyệt; chỉ đạo, quản lý triển khai; nghiệm thu; đưa vào sử dụng…). Chế định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giải trình của các chủ đầu tư. Đặc biệt các quy định này không được mang tính “nhiệm kỳ”, mà phải mang tính xuyên suốt toàn bộ quá trình đầu tư các dự án, chương trình; khắc phục triệt để tình trạng “đùn đẩy”, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức. Do đó, phải khẩn trương sửa đổi luật pháp, cơ chế, chính sách về đầu tư công và các luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan; đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, minh bạch; khắc phục được những “điểm nghẽn” hiện nay.
iii) - Triển khai rà soát lại toàn bộ các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công; cắt bỏ những khâu, những thủ tục không hợp lý, gây phiền hà, nghiên cứu bổ sung những quy định mới theo tinh thần tăng cường trách nhiệm quyết định và trách nhiệm giải trình của các cấp, các đơn vị, cá nhân, nhất là những người đứng đầu. Đẩy mạnh quá trình số hóa đầu tư công, tạo cơ sở để minh bạch hóa quá trình đầu tư công
iv) - Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế giám sát đầu tư công khách quan, khoa học, tinh gọn, phù hợp với thực tế, hiệu quả; xử lý nghiêm các sai phạm.
5. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển từ xã hội
Đến nay, đầu tư phát triển từ xã hội (gồm đầu tư của nhân dân, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư của doanh nghiệp FDI) đã chiếm khoảng gần 80% tổng đầu tư toàn xã hội (cơ cấu vốn đầu tư năm 2022: khu vực Nhà nước - 24,5%; khu vực ngoài Nhà nước - 57,5%; khu vực FDI - 18,2%). Điều đó cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nguồn lực đầu tư phát triển ngoài Nhà nước. Nguồn lực đầu tư phát triển từ xã hội không ngừng tăng lên, đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của đất nước, nhưng cũng đang gặp những khó khăn, trở ngại, như: Môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư vẫn còn những khó khăn, trở ngại (như về tiếp cận quyền sử dụng đất, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; thủ tục hành chính còn phức tạp và nhiều tầng nấc, kéo dài, chi phí lớn, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa cao; có những cơ chế, chính sách thay đổi không dự đoán trước được; thiếu cơ chế công khai, minh bạch giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…). Theo điều tra, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI (năm 2022) có tới 43% chủ đầu tư không nhận được kết quả trả lời đúng hẹn từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước, thậm chí phải đi “vòng vèo” qua “nhiều cửa”, kéo dài nhiều năm; 43% ý kiến cho rằng quyết định đầu tư kinh doanh bị trì hoãn hoặc phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do không giải quyết được kịp thời các thủ tục hành chính. Trên thực tế, trong 10 năm gần đây, chỉ số gia nhập thị trường của doanh nghiệp bị giảm xuống. Hiện nay chi phí “tuân thủ” đang còn lớn và phải đối mặt với thách thức từ những quy định không hợp lý của 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính; phí - lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức[4].
Để tiếp tục đẩy mạnh huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư từ xã hội, cần phải tập trung xử lý một số vấn đề chủ yếu sau đây:
- Quán triệt sâu sắc hơn, cụ thể hóa và thể chế hóa đầy đủ và đồng bộ hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được hiến định trong Hiếp pháp 2013 là: “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” (Điều 32, khoản 2); “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33); “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” (Điều 51, khoản 3). Các chế định nêu trên trong Hiến pháp cần phải được cụ thể hóa và thể chế hóa đầy đủ và đồng bộ hơn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.
- Cần phải triển khai rà soát lại tất các các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục cấp phép kinh doanh, thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực; xóa bỏ tất cả các loại “giấy phép con”, các quy định trái với Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
- Rà soát lại và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần, chủ thể kinh tế; xây dựng môi trường pháp lý đảm bảo sự bình đẳng, công khai, minh bạch cho tất cả các thành phần và chủ thể kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc, mâu thuẫn, “nút thắt” về pháp luật, cơ chế, chính sách và thủ tục (nhất là về sự bình đẳng trong tiếp cận quyền sử dụng đất, tiếp cận tài chính - tín dụng và các nguồn lực phát triển khác, tiếp cận thị trường…)[5].
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp lớn, hiện đại trong các lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn, có khả năng liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn ra thị trường thế giới, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời xây dựng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ nền kinh tế dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
- Điều chỉnh định hướng chiến lược, cơ chế, chính sách, mục tiêu và tiêu chí thu hút FDI, để đón nhận có hiệu quả quá trình chuyển dịch các chuỗi cung ứng trong giai đoạn mới, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và hiệu quả tổng hợp đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước; liên kết có hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, cung ứng đầu vào và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa có chất lượng và hiệu quả cao trong các lĩnh vực theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các hình thức hợp tác, đối tác công - tư trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
6. Xây dựng thị trường tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thị trường tài chính đóng vai trò như hệ thống mạch máu nuôi tất cả các chủ thể kinh tế. Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam tuy có bước phát triển quan trọng, nhưng vẫn chưa phát triển cao, chưa tương xứng so với tiềm năng, chưa hội nhập sâu rộng thị trường tài chính quốc tế, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước; còn tiềm ẩn nhiều rủi ro (tình trạng cờ bạc, rửa tiền, chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường, giao dịch nội gián, trục lợi bảo hiểm, tham nhũng, gian lận, sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau...)[6]. Thị trường tài chính chưa trở thành kênh chủ đạo bền vững trong việc huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực tài chính trong xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, thị trường tài chính phải đóng vai trò trọng yếu trong việc huy động và điều tiết các nguồn lực tài chính cho sự phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới cần phải phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, trong đó cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng đồng bộ thị trường tài chính công khai, minh bạch. Thị trường tài chính phải đảm tính khách quan, chính xác để tạo tính thanh khoản cho tất cả các nguồn lực khác (như vốn tài nguyên, vốn sản xuất, vốn con người, vốn xã hội…), nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội.
- Xây dựng cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm trong nước, từng bước kết nối với thị trường tài chính quốc tế; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, hướng các nguồn lực tài chính vào cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, hiện đại, ổn định, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, thiết chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát đối với hoạt động của hệ thống thị trường tài chính (nhất là giám sát rủi ro hệ thống; giám sát xây dựng, thực thi chính sách và xử lý sai phạm; giám sát và sử lý sai phạm trong thị trường tín dụng phi chính thức…).
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tất cả các nguồn lực của đất nước (nhất là các nguồn lực công) phải được kiểm kê, đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ; được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững. Áp dụng hợp lý, đúng đắn và hiệu quả nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng và phân bổ các nguồn lực.
7. Hoàn hiện đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển và phát huy nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - là nhân tố chủ thể của quá trình huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tạo động lực cho đất nước phát triển đất nước nhanh - bền vững.
Nguồn lực con người ở mọi cấp độ và trong tất cả các lĩnh vực, suy cho cùng, là nhân tố quyết định trong việc kết nối, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển. Trình độ và chất lượng nguồn nhân lực cũng được thể hiện ở trình độ và chất lượng của nền kinh tế - xã hội. Ở nước ta, trong quá trình đổi mới, việc phát triển nguồn lực con người đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ việc thực hiện “Đột phá chiến lược về đào tạo nhân lực” và đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện, như[7]: Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao; nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội[8]; trình độ đào tạo nhìn chung còn thấp, chất lượng không cao, cơ cấu trình độ nhân lực được đào tạo còn rất bất hợp lý[9]. Vị trí của giáo dục đại học Việt Nam trong tương quan khu vực và thế giới còn thấp; theo Báo cáo của WER chỉ đứng thứ 45/142 trên thế giới và thứ 7/10 trong khu vực (chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar).
Trong giai đoạn mới, trước yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ cấu đội ngũ, ngành nghề, trình độ, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực sẽ có những thay đổi rất lớn, chứa đựng cả những cơ hội và thách thức. Do đó, phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Xin nêu một số giải pháp chủ yếu sau:
- Cần nhận thức rõ (trên thực tế) vai trò và tầm quan trọng có tính quyết định của đội ngũ nhân lực KHCN, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đối với sự phát triển của đất nước theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào KHCN & ĐMST. Có thể nói chất lượng nguồn nhân lực có vai trò quyết định đối với chất lượng và tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Đội ngũ nhân lực này phải bao gồm đồng bộ các loại nhân lực: nhân lực lãnh đạo - quản lý các cấp; nhân lực chuyên gia tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển; đội ngũ chuyên gia, chuyên viên trực tiếp thực hiện các hoạt động KHCN & ĐMST; đội ngũ nhân lực làm các nhiệm vụ gắn với ứng dụng, phát triển KHCN trong các tổ chức kinh tế, xã hội; đội ngũ doanh nhân; đội ngũ nhân viên, công nhân lành nghề, trình độ cao thực hiện các hoạt động ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, đơn vị (trong đó phải kể đến các chủ hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao)…Sự đồng bộ của đội ngũ nhân lực này ở mọi cấp độ, mới đảm bảo cho sự phát triển, ứng dụng KHCN & ĐMST thực sự có hiệu quả cao.
- Cần phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”. Cần nhận thức sâu sắc mục tiêu của “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là làm thay đổi và nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền giáo dục; xây dựng được một nền giáo dục năng động và sáng tạo, thường xuyên đối thoại với thực tiễn, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, đổi mới mục tiêu giáo dục có ý nghĩa chi phối toàn cục; phải xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, từ hệ giá trị xã hội, giá trị con người, tiêu chí nguồn nhân lực của giai đoạn mới để xây dựng hệ mục tiêu mới của giáo dục, đào tạo được khái quát ở hai nội dung cơ bản liên quan mật thiết với nhau là phẩm chất con người (nhân cách) và năng lực chuyên môn.
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cao đột phá chiến lược về phát triển con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển con người” - chủ thể và mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển đất nước theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Có thể nói phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao là đột phá của các đột phá. Có thể khái quát những giá trị cơ bản, cốt lõi về phát triển con người - nguồn nhân lực cần tập trung đào tạo trong giai đoạn mới là: i) - Nhân cách, đạo đức, lối sống; trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, đề cao dân chủ gắn với ý thức thượng tôn pháp luật; ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; ii) - Năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; iii) - Tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thức tư; iv) - Năng lực thực hành sáng tạo, hiệu quả; v) - Kỹ năng sống, năng lực liên kết, hợp tác, hoạt động cộng đồng và hội nhập… Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo đối với tất các loại, các cấp nguồn nhân lực, đáp ứng với yêu cầu của giai đoạn mới.
- Cần đổi mới tư duy chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc gia cũng như ở cấp độ ngành, lĩnh vực, địa phương trong ngắn hoạn, trung hạn và dài hạn; xác định đây là một bộ phận hợp thành hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh - bền vững đất nước. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng, phát huy tài năng, đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong mọi lĩnh vực.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ môi trường đạo đức và môi trường thể chế, môi trường pháp lý, để thúc đẩy nâng cao tinh thần “sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của mọi chủ thể trong xã hội, trước hết là cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; khắc phục có hiệu quả “căn bệnh” né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Để có thể huy động, sử dụng và phát huy cao mọi nguồn lực cho phát triển nhanh - bền vững đất nước, cần phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng là: Phải đổi mới thể chế, cơ chế, pháp luật, chính sách về huy động, sử dụng các nguồn lực; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với các nguồn lực; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực huy động và sử dụng các nguồn lực của đất nước. Phát huy vai trò của nhân dân, doanh nghiệp trong việc huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Doanh nghiệp phải là trung tâm của ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
PGS.TS Trần Quốc Toản
Chuyên gia cao cấp
[1] Riêng Hà Nội, trong nhiều năm có tới hơn 700 dự án “treo”, chậm tiến độ hàng chục năm; vừa rồi đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá.
[2] Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước có tỷ trọng trong tổng số giảm (từ 34,9% năm 2010 còn 31,7% năm 2015; 30,76% năm 2020 là và 25,6% năm 2022), nhưng vẫn là tỷ trọng lớn trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn.
[3] Trong trả lời chất vấn tại Quốc hội, ngày 6/11/2023, trả lời chất vấn về vấn đề quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay xử lý khoảng độ 90% tài sản công, còn khoảng 10% - bằng khoảng gần 1.000 tài sản công vẫn chưa được xử lý. Trong đó có khoảng độ 500 tài sản công đang còn để lãng phí và bỏ không, tạo nên sự lãng phí. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn ĐBQH Bến Tre) cho biết, hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Cùng một công trình, dự án, nếu là đầu tư tư nhân thì chỉ bằng phân nửa hoặc tối đa cũng chỉ bằng 2/3 so với tổng mức vốn đầu tư công.
[4] Ví dụ, năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa, trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Có thể thấy, chi phí logistics ở Việt Nam đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
[5] Theo phát biểu giải trình của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều ngày 07/11/2023, cho biết: trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cử 23 đoàn về làm việc với các địa phương về việc thực hiện luật pháp, cơ chế, chính sách, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; qua phàn ảnh của các địa phương cho thấy có tới 513 “vướng mắc” cần được tháo gỡ; các đại biểu Quốc hội cũng phản ánh có đến 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật có hiệu lực; vấn đề phân cấp ủy quyền giữa các cấp vẫn còn những bất cập, nhiều địa phương, nhiều cơ quan vẫn không muốn phân cấp vì lợi ích, sợ mất đi quyền lực. Bí thư một tỉnh phía Bắc cho biết để giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để làm công trình đường giao thông đã phải trình 24 thủ tục hành chính và phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì mới được giải quyết.
[6] Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, sáng 6/11/2023, Thống đốc Nhân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất lớn, tỷ lệ dư nợ trên GDP trên 120% GDP và đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
[7] Đảng Cộng sán Việt Nam: Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 82-83; NXB Chính trị quốc gia, Hà nội - 2021
[8] Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Thống kê: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu) thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.
[9] Theo Báo cáo điều tra của Tổng Cục Thống kê về lao động và việc làm Việt Nam năm 2019, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu), thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học. Hiện tỷ lệ đào tạo giữa các bậc là 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp (thế giới thường là 1 đại học - 4 cao đằng - 25 trung, sơ cấp).