Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bài học Cách mạng Tháng Tám về công tác xây dựng Đảng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày phát hành: 14/08/2019 Lượt xem 3121


Cách đây 74 năm, vào mùa thu năm 1945,  dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

 

 

Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý báu, trong đó có hai bài học quan trọng hàng đầu là bài học về xây dựng Đảng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

1. Bài học về xây dựng Đảng

Nhận thức rõ cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt và ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Đảng có vững, cách mạng mới thành công. Phải xây dựng Đảng thành một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lênin, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chỉ có 5.000 đảng viên mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”[1]. Điều đó thật tự hào. Bác nói: “ Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[2].

Đảng mạnh là do cán bộ, đảng viên của Đảng, gương mẫu đi đầu, lôi cuốn nhân dân đứng lên làm cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ. Chỉ riêng cuộc “Khủng bố trắng” của thực dân Pháp trong những năm 1931-1932, đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và những người yêu nước bị giam cầm, tù đày, giết hại. Trong 15 năm đấu tranh (1930-1945), đã có 14 đồng chí cấp Trung ương bị giết hại, trong đó có bốn đồng chí Tổng Bí thư của Đảng: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ.

Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nhiều điều quan trọng, nhưng Người đã lựa chọn và quyết định trước hết nói về Đảng, trong đó đã khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[3].

Trong gần 35 năm đổi mới vừa qua, nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo”[4].

Đại hội XII của Đảng (2016) đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”[5].

Cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành 2 nghị quyết và một quy định. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 6 về Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm  nhiệm vụ; Hội nghị Trung ương 8 đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,v.v...

Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định về xây dựng Đảng đã được triển khai nghiêm túc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng lên; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin yêu. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm qua nhiều nhiệm kỳ chậm khắc phục, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Dân số hiện nay khoảng hơn 96 triệu người sống ở trong nước và khoảng hơn 4 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, gấp gần 5 lần so với năm 1945 (khoảng hơn 20 triệu). Số lượng đảng viên hiện nay khoảng 5 triệu, gấp khoảng 1.000 lần so với năm 1945 (khoảng 5.000 đảng viên). Vấn đề đặt ra “đông” nhưng đã “mạnh” chưa? Cần phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

2. Bài học về xây dựng , củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Để chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết[6]. Người đã thành lập ra Mặt trận Việt Minh. Người cũng chỉ rõ: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”[7].Với quyết tâm: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do, Người đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[8].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 1 tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công khắp cả nước. Chiều ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định quyết tâm: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy[9].

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám để lại bài học quý giá phải củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong Di chúc, Bác dặn: “ Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải gìn giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình”[10].

Đại đoàn kết  toàn dân tộc là quy luật giành thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”[11]. Đại hội XII của Đảng xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc”[12].

Trong những năm qua khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội; tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương phù hợp. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả.

3. Tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Cách mạng Tháng Tám

Sắp tới, chúng ta Kỷ niệm 90 năm ngày lập Đảng (1930-2020), cũng là năm tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đại hội không chỉ xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước 5 năm tới (2021-2025) mà cho 10 năm tới (2021-2030) và tầm nhìn đến 2045. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm phấn đấu đến năm 2030- năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 – năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay nước phát triển theo định hướng XHCN.

Để đạt được mục tiêu trên cần tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là động lực và nguồn sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nhu cầu tự nhiên của sự nghiệp cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân; liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt; hợp tác giữa công nhân, nông dân, trí thức với doanh nhân là một động lực cho tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có cơ chế, chính sách phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng niềm tin, khát vọng phát triển để đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam trong nước và ngoài nước, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thực hiện tốt điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[13]./.

 

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia – sự thật, HN, 2011, tr.400.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.400.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.621- 622.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.89.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, tr.217.

[6],7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.230.

 

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.596.

[9] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 4, tr.3.

[10] Hồ Chí Minh: Sđd, tập 15, tr.621.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, HN, 2011,tr.65-66.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, tr.158.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.624.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết