Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tìm hiểu tư tưởng của Mác-Enghen về quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một số nước

Ngày phát hành: 29/07/2019 Lượt xem 2708


Đây là kiểu quá độ đã và đang diễn ra ở một số nước trên thế giới kể từ khi cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917. Những thành công và thất bại, sự phát triển và đổ vỡ, những sáng tạo và sai lầm, vấp váp, sự trì trệ và cải cách, đổi mới ở những nước đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đưa lại những bài học xương máu rất quan trọng, có ý nghĩa phổ quát cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên thực tiễn đó cũng đặt ra một loạt vấn đề cần được làm rõ hơn về mặt lý luận như: nội dung và tính chất của thời kỳ quá độ, quan hệ sở hữu và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần… Nhưng để làm rõ những vấn đề như vậy không thể bằng phương pháp tư biện, duy lý, giáo điều, mà phải trên cơ sở của thực tiễn. Như Mác - Enghen đã từng chỉ rõ rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công phải đặt nó trên mảnh đất hiện thực. Đó là hiện thực của những nước đã từng hoặc đang đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hơn 100 năm qua; đó là hiện thực của cả nhân loại đang vận động, phát triển và đi lên phía trước.

  1. Nhận thức về khả năng thực tế

Trước hết cần nhận thức rõ khả năng thực tế của kiểu quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước còn kém phát triển. Khả năng này được Mác - Enghen đề cập tới vào cuối đời; sau này Lênin đã nêu lên thành một luận điểm về khả năng nổ ra cách mạng vô sản ở một nước tư bản chủ nghĩa còn kém phát triển, và đó là cơ sở lý luận cho cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 (giờ đây cả về mặt lý luận và thực tiễn đều cho thấy rằng không thể đồng nhất thắng lợi của cách mạng vô sản về mặt giành chính quyền với thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa). Về điều này, sau khi Mác qua đời, Enghen đã thừa nhận những sai lầm của ông và Mác (trong lời nói đầu tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 – 1850”, xuất bản năm 1895), khi trước đó hai ông đã “tuyệt đối không thể nghi ngờ gì về cách mạng vô sản Pháp sẽ nổ ra và thắng lợi cuối cùng của giai cấp vô sản”. Nhưng cuộc cách mạng đó đã không diễn ra như nhận định của hai ông. Enghen đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm rằng quan điểm của các ông là ảo tưởng, rằng trạng thái phát triển kinh tế ở châu Âu lúc bấy giờ “còn rất lâu mới chín muồi cho việc xoá bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”[1]. Chính vì vậy khi nói về thời kỳ quá độ, Enghen đã nêu rõ “cần phải suy nghĩ kỹ”, không được nôn nóng, vội vàng, vì đây là “vấn đề khó nhất trong tất cả các vấn đề còn tồn tại” (trong thư gửi Conrad  Schmidt ngày 01 tháng 7 năm 1891)[2]. Mức độ khó khăn phức tạp lại càng cao hơn khi quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước còn kém phát triển. Nhưng từ thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới, từ lý luận về lợi thế của các nước đi sau, Enghen đã nêu lên tính tất yếu của phương thức “quá độ rút ngắn”: rằng không chỉ đối với nước Nga, mà còn đối với tất cả các nước đang ở giai đoạn phát triển tiền tư bản chủ nghĩa hoặc chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đều “không những có thể mà còn chắc chắn… rút ngắn một cách đáng kể quá trình phát triển lên chủ nghĩa xã hội và có thể tránh được phần lớn những đau khổ và những cuộc đấu tranh mà ở Tây Âu… phải trải qua”[3]. Trên thế giới, quá trình phát triển rút ngắn cũng đã từng diễn ra ở nhiều nước. Chế độ nô lệ ở nhiều nước Châu Á ít điển hình và ngắn hơn ở châu Âu. Nhưng chế độ phong kiến ở nhiều nước Châu Âu lại ra đời chậm hơn chế độ phong kiến ở châu Á, song lại kết thúc sớm và chuyển nhanh sang chế độ tư bản chủ nghĩa (như ỏ Anh giai cấp Tư sản đã lật đổ Vua Charlens I vào năm 1789…). Chế độ phong kiến ở nhiều nước châu Á ra đời rất sớm, phát triển cực thịnh và tồn tại rất dài (như ở Nga đến tận năm 1917, Trung Quốc đến tận năm 1911, Việt Nam - năm 1945…). Trong lịch sử hiện đại, một số nước ở châu Á lại có quá trình phát triển rút ngắn để sớm trở thành nước tư bản chủ nghĩa phát triển, hoặc mới phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapor… Nhưng quá trình phát triển rút ngắn nêu trên ở các nước thường diễn ra trong khuôn khổ một hình thái kinh tế - xã hội. Phương thức “quá độ rút ngắn” lên chủ nghĩa xã hội mà Enghen nêu lên sẽ phức tạp hơn nhiều bởi nó chứa đựng hai quá trình đan với nhau, hòa với nhau, đó là vừa phải thực hiện quá trình phát triển rút ngắn vừa phải thực hiện quá trình quá độ từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác, từ chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác, trong khi còn thiếu nhiều những tiền đề mà đáng lẽ chủ nghĩa tư bản phát triển phải tạo lập. Đây là điều chưa có tiền lệ. Ở đây rất cần phải lưu ý đầy đủ đến những ý kiến của Mác coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên và không thể dùng sắc lệnh để bỏ qua hẳn một giai đoạn phát triển của lịch sử, mà chỉ có thể rút ngắn tiến trình đó mà thôi. Điều này có nghĩa là các chế độ xã hội phát triển nối tiếp nhau không phải và không thể là một sự “nhảy cóc” - đứt đoạn tuyệt đối, dù có phát triển rút ngắn thì chế độ xã hội sau không chỉ kế thừa các thành tựu của chế độ xã hội trước, mà vẫn phải xây dựng - phát triển các điều kiện, tiền đề kinh tế - xã hội khách quan mang tính lịch sử tất yếu mà các chế độ xã hội trước phải làm, nhưng bằng phương thức khác để rút ngắn và tránh được phần lớn những đau khổ và “làm dịu bớt những cơn đau đẻ” như Mác - Enghen nói.

2. Những vấn đề đặt ra khi thực hiện quá độ lên CNXH từ những nước kém phát triển

Như vậy, để thực hiện phương thức quá độ rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội từ các nước còn kém phát triển cần nhận thức rõ các vấn đề sau đây:

- Thực trạng trình độ phát triển của đất nước khi bước vào thời kỳ quá độ.

- Nhận thức rõ những gì là thành tựu của chế độ xã hội trước cần được kế thừa; những tiền đề kinh tế - xã hội khách quan, tất yếu nào mà các chế độ xã hội trước phải làm nhưng chưa hoàn thành, nay chế độ mới phải tiếp tục.

- Những phương thức, phương pháp nào để vừa phát triển rút ngắn vừa thực hiện bước quá độ (yếu tố, điều kiện khách quan, chủ quan nào, cơ chế nào cho phép thực hiện).

Nhìn lại xuất phát điểm của các nước đi lên chủ nghĩa xã hội trước đây, hầu như tất cả đều chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản mà mới kết thúc chế độ phong kiến, kể cả nước Nga. Ở các nước đó, các yếu tố, lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa mới phát triển ở giai đoạn đầu. Các nước Đông Âu (các nước XHCN Đông Âu trước đây) có các yếu tố tư bản chủ nghĩa phát triển hơn nhưng cũng còn ở trình độ thấp, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ II không hoàn toàn do kết quả vận động khách quan nội tại của các nước đó. Mông Cổ còn mang nặng tính chất của một xã hội nông nghiệp du mục. Điểm chung nhất của tất cả các nước đó là chủ nghĩa tư bản chưa phát triển và chưa xây dựng được đầy đủ các điều kiện kinh tế - xã hội khách quan làm tiền đề cho xã hội xã hội chủ nghĩa, như ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Sau khi giành chính quyền về tay cách mạng vô sản, xét về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu có những đặc điểm sau:

- Lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp. Sản xuất nhỏ, sản xuất tiểu nông còn phổ biến. Chưa có lực lượng sản xuất hiện đại. Nền sản xuất công nghiệp lớn chưa chiếm ưu thế.

- Phân công lao động xã hội và xã hội hóa lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp.

- Năng lực sở hữu của tất cả các chủ thể (cả sở hữu cá thể, sở hữu tư nhân…) đều còn thấp. Điều này không thể không phản ánh vào trình độ lãnh đạo, quản lý sản xuất kinh doanh của nhà nước cách mạng.

- Kinh tế hàng hóa còn ở trình độ thấp. Điều này có ý nghĩa là giá trị trao đổi chưa trở thành cơ sở nền tảng của quan hệ sở hữu. Do đó các yếu tố của lực lượng sản xuất chưa có đủ điều kiện và không gian vận động và phát triển mạnh trong kinh tế thị trường.

- Những đặc điểm trên của lực lượng sản xuất tất yếu phản ánh khách quan vào quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu với trình độ và quy mô xã hội hóa còn thấp (cả về quy mô, mức độ liên kết, hiệu quả…). Sự tồn tại đa dạng các chế độ sở hữu, hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế là một thực tế khách quan; phản ánh cấu trúc, tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Bởi vì, còn nhiều hình thức sở hữu chưa phát huy hết tác động tích cực của nó, chưa trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

3. Bản chất quá trình phát triển quan hệ sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH từ những nước kém phát triển

Những vấn đề trên có liên quan trực tiếp đến các quan điểm và giải pháp về xây dựng hệ thống quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu, về quốc hữu hóa, xóa bỏ các hình thức sở hữu tư nhân, thiết lập sở hữu tập thể trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Để hiểu đúng thực chất các vấn đề đó cần phải trở lại những luận điểm rất quan trọng của Mác và Enghen về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất (cũng tức là quan hệ sở hữu). Mác - Enghen chỉ rõ: “Bất cứ một sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ chiếm hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên những lực lượng sản xuất mới, không còn phù hợp với quan hệ sản xuất cũ nữa”[4]. “Đối với công trường thủ công, đối với giai đoạn phát triển ban đầu của đại công nghiệp, không thể có hình thức sở hữu nào khác ngoài quyền tư hữu, không có chế độ xã hội nào khác ngoài chế độ xã hội xây dựng trên cơ sở tư hữu”[5]. “Quyền sở hữu của người lao động đối với tư liệu sản xuất của mình là cơ sở của nền sản xuất nhỏ, mà nền sản xuất nhỏ lại là điều kiện tất yếu để phát triển nền sản xuất xã hội và cả tính tự do của bản thân người lao động”[6]. “Không, không thể (thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức), cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu (xã hội)”. “Chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo thì khi đấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[7]. “Hoàn toàn rõ ràng là cho đến nay, lực lượng sản xuất vẫn chưa phát triển đến mức… khiến cho chế độ tư hữu trở thành xiềng xích ngăn cản sự phát triển của các lực lượng sản xuất đó”[8]. “Tách rời… việc thủ tiêu chế độ tư hữu - với những tiền đề của bản thân việc thủ tiêu đó, xem xét nó bên ngoài mọi mối liên hệ với thế giới hiện thực như một điều bịa đặt ngu ngốc đơn giản nơi thư phòng…”[9]. “Thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội và việc cải tạo này là kết quả tất yếu của sự phát triển công nghiệp”[10]. “Chừng nào mà nền đại công nghiệp còn chưa đạt tới một trình độ phát triển khiến nó có thể hoàn thoát khỏi gông xiềng của tài sản tư hữu thì chừng đó, nó vẫn không cho phép phân phối sản phẩm của nó theo một cách nào khác, ngoài cái cách hiện hành, thì chừng đó, nhà tư bản vẫn cứ bỏ túi món lợi của y, còn người công nhân ngày càng nhận rõ trong thực tiễn rằng tiền công là gì”[11]. “Chủ nghĩa cộng sản sinh ra từ nền đại công nghiệp và những hậu quả của nền đại công nghiệp, từ sự xuất hiện của thị trường thế giới và cuộc cạnh tranh không thể kìm hãm được do sự xuất hiện của thị trường thế giới gây ra”[12]. “Việc biến chế độ tư hữu phân tán dựa trên cơ sở lao động của bản thân các cá nhân thành chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, là một quá trình lâu dài, gian khổ và đau đớn hơn nhiều so với việc biến chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thực tế đã dựa trên một quá trình sản xuất xã hội, thành chế độ sở hữu xã hội”[13]. Đối với những nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ tiền tư bản chủ nghĩa hoặc chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, những luận điểm rất quan trọng nêu trên của Mác - Enghen chỉ rõ những vấn đề sau:

(1) Việc xây dựng quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu thoát ly tính chế định của tính chất và trình độ lực lượng sản xuất, trình độ xã hội hóa lực lượng sản xuất là một sai lầm và không hiệu quả, dần dần làm mất đi động lực phát triển.

(2) Sự tồn tại của các hình thức quan hệ sở hữu cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa… là yêu cầu khách quan trong biện chứng tương quan với tính đa dạng về trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất khi chưa phát triển tới trình độ đủ điều kiện phủ định khách quan các hình thức sở hữu đó. Do đó không thế xóa ngay lập tức các hình thức sở hữu cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa…

(3) Xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không phải là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội (mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xoá bỏ chế độ bóc lột), mà việc thủ tiêu chế độ tư hữu đó (để đưa đến xóa bỏ chế độ bóc lột) phải là kết quả tất yếu của sự phát triển của lực lượng sản xuất của nền đại công nghiệp, của phương thức sản xuất công nghiệp được xã hội hóa cao đưa tới xã hội hóa quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu - tiền đề kinh tế - xã hội khách quan để xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Do đó không thể đặt kết quả có trước nguyên nhân.

(4) Nói “quá độ bỏ qua …” là bỏ qua việc xác lập chế độ chính trị - nhà nước tư bản chủ nghĩa, bỏ qua các phương thức tước đoạt phi kinh tế, bỏ qua các giải pháp tàn bạo (mà Mác nói là các lỗ chân lông của nó đẫm máu và bùn), đảm bảo cho quá trình phát triển nhân bản hơn, vì lợi ích của cả các chủ thể sở hữu, của người lao động, của nhà nước và của toàn xã hội. Nhưng không thể bỏ qua việc tạo lập các tiền đề kinh tế - xã hội mà đáng lẽ các chế độ xã hội trước đó phải thực hiện đó là:

+ Phát triển nền công nghiệp lớn, hiện đại; phát triển lực lượng sản xuất, nhất là lực lượng sản xuất hiện đại và xã hội hóa lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội; trên cơ sở đó mà xác lập các quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu, xã hội hóa quan hệ sở hữu phù hợp trong mỗi bước phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất. Phát triển năng lực sở hữu của các chủ thể và nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

+ Thực hiện việc tích tụ - tập trung tư bản (vốn) trong quá trình phát triển gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển nền kinh tế hàng hóa với đa dạng các hình thức sở hữu.

+ Phát triển nền dân chủ xã hội.

+ Xây dựng nhà nước pháp quyền.

Nói tới “Phát triển rút ngắn” thì chính là tập trung vào “rút ngắn” quá trình phát triển các nội dung nêu trên. Việc thực hiện “rút ngắn” như thế nào các nội dung trên không chỉ phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mà còn phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, yếu tố thời đại.

(5) Vấn đề quốc hữu hóa: Sau khi giành chính quyền, nhà nước cách mạng có thể và cần thiết thực hiện quốc hữu hóa tài sản (đối tượng sở hữu) của một số chủ thể. Nhưng quốc hữu hóa tài sản của ai? Vì mục đích gì? Việc tước đoạt cơ sở kinh tế của các đối tượng chống đối, phản cách mạng đương nhiên là cần thiết, nhưng đó trước hết là vì lý do chính trị. Còn việc quốc hữu hóa tài sản của các chủ sở hữu cá thể, tư nhân khác thì sao? Trên thực tế đã có sự nhầm lẫn, nhận thức không đúng và đã đồng nhất quốc hữu hóa (và sau này là tập thể hóa) với xã hội hóa và với chủ nghĩa xã hội. Về vấn đề này cần thấu hiểu cảnh báo của Enghen như sau: “Từ khi Bismarck lao vào quốc hữu hóa thì người ta xuất hiện một thứ chủ nghĩa xã hội giả hiệu…, tuyên bố thẳng ra rằng bất cứ sự quốc hữu hóa nào, ngay cả quốc hữu hóa theo kiểu Bismarck, cũng đều là chủ nghĩa xã hội cả. Hiển nhiên là nếu quốc hữu hóa ngành thuốc lá cũng là chủ nghĩa xã hội thì Napoleon và Metternich cũng có thể được tính vào số người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội. Nếu vì những lý do chính trị và tài chính hết sức bình thường mà chính phủ Bỉ tự xây dựng lấy những tuyến đường sắt chủ yếu, Bismarck quốc hữu hóa những đường sắt chủ yếu của Phổ…, thì đó hoàn toàn không phải là biện pháp xã hội chủ nghĩa, dù trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác. Nếu không thì công ty thương mại đường biển của nhà vua, công trường thủ công sành sứ của nhà vua, thậm chí người may quần áo cấp đại đội trong quân đội, cũng đều là những thiết chế xã hội chủ nghĩa”[14]. Enghen chỉ rõ rằng nhà nước “buộc phải” nắm lấy (tức quốc hữu hóa) “chỉ trong trường hợp mà tư liệu sản xuất …đã thực sự vượt quá sự quản lý của các công ty cổ phần, và do đó việc quốc hữu hóa trở thành không thể tránh khỏi về mặt kinh tế, chỉ  trong trường hợp đó thì việc quốc hữu hóa - ngay cả khi do nhà nước hiện nay (tức nhà nước tư sản) thực hiện - mới có ý nghĩa là một bước tiến về kinh tế, mới có ý nghĩa đã đạt tới một giai đoạn mới để bản thân xã hội nắm lấy mọi tư liệu sản xuất”[15]. Như vậy việc quốc hữu hóa, hay tập thể hóa tư liệu sản xuất phải đảm bảo tính tất yếu khách quan về kinh tế, tính tất yếu về chính trị, tính tất yếu về mặt xã hội và trên cơ sở của xã hội hoá cao, đảm bảo cho sự phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội và của người lao động, mới có được tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu quốc hữu hóa không trên cơ sở của tất yếu kinh tế, không trên cơ sở của xã hội hóa cao, biến thành cục bộ hoặc vô chủ hoá, kém hiệu quả thì không thể đảm bảo tính chất xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, sau khi giành chính quyền và trong quá trình xây dựng đất nước, nhà nước vô sản có thể và cần thiết quốc hữu hoá, xây dựng các cơ sở kinh tế của nhà nước (doanh nghiệp nhà nước), nhưng với phạm vi nào, lĩnh vực nào, quy mô nào và phải đáp ứng các yêu cầu khách quan là điều rất cần được xem xét cụ thể theo quan điểm và biện chứng khách quan của sự phát triển. Không thể đồng nhất mọi quốc hữu hóa, tập thể hóa với chủ nghĩa xã hội.

(6) Việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với đa dạng các hình thức, quy mô, trình độ quan hệ sở hữu được chế định bởi chính sự đa dạng về quy mô, trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất, trong sự cạnh tranh và hợp tác với nhau trong nền kinh tế hàng hóa, thúc đẩy nhau cùng phát triển, nâng cao trình độ xã hội hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sự đào thải các đơn vị, các hình thức sở hữu kém hiệu quả là tất yếu khách quan. Trong quá trình đó, không phải bằng phương thức quốc hữu hóa và tập thể hóa không trên cơ sở tính tất yếu kinh tế, đồng thời hạn chế sự phát triển của các hình thức sở hữu khác (được coi là phi chủ nghĩa xã hội) khi chúng còn đang là những nhân tố tích cực, là tăng cường được tính chất xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, đó là một điều sai lầm, là trái với biện chứng khách quan của sự phát triển. Vì như Mác - Enghen đã chỉ rõ: chính sự phát triển của lực lượng sản xuất - của các thành phần kinh tế và xã hội hóa lực lượng sản xuất ngày càng cao trong thời kỳ quá độ sẽ đẩy mạnh quá trình phát triển và xã hội hóa quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu (chứ không phải quốc hữu hóa, tập thể hóa không đảm bảo tất yếu kinh tế), làm cho tính chất xã hội của quan hệ sở hữu ngày càng tăng lên, mang nhiều tính chất sở hữu xã hội cao hơn. Đó mới chính là quá trình phát triển đảm bảo cho tính định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng tăng lên trong nền kinh tế. Đương nhiên, còn có vai trò của những yếu tố khác như quản lý - điều tiết của nhà nước, các chính sách phân phối, chính sách xã hội của nhà nước để đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội, song trong báo cáo nghiên cứu này chưa đề cập tới. Báo cáo nghiên cứu cũng chưa đề cập tới vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong quá trình phát triển.

(7) Về vấn đề lợi dụng các hình thức sở hữu công xã nông thôn trong quá trình phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa: Đây là một vấn đề quan trọng đối với các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ còn kém phát triển, cần phải được nhận thức cho đúng. Vấn đề này được Mác và Enghen đề cập tới vào cuối thập kỷ 1870 - 1880 của thế kỷ 19. Khi đó, tại các nước Châu Âu chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh mẽ, các hình thức sở hữu chung bị tan rã, trong khi đó tại nước Nga và một số nước khác, hình thức sở hữu công xã nông thôn về ruộng đất vẫn còn tồn tại khá điển hình. Một số nhà tư tưởng của Nga và châu Âu, trong đó có Chernysevski - một nhà tư tưởng lớn của Nga - cho rằng “Công xã nông dân Nga là một phương tiện để chuyển từ hình thái xã hội hiện tồn sang một giai đoạn phát triển mới, một mặt cao hơn công xã Nga và mặt khác, cao hơn xã hội tư bản chủ nghĩa Tây Âu”, “đó là ưu thế của nước Nga” [16]. Về vấn đề này, vào năm 1882, trong lời nói đầu viết cho lần xuất bản cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” bằng tiếng Nga, Mác - Enghen đã nêu một cách dự đoán như sau: “ Bây giờ thử hỏi: công xã Nga … có thể chuyển thẳng lên hình thức sở hữu ruộng đất cao hơn, hình thức sở hữu ruộng đất cộng sản chủ nghĩa, được không, hay là trước hết nó cũng phải trải qua các quá trình tan rã vốn có ấy của sự phát triển lịch sử của phương Tây ? Câu trả lời duy nhất có thể có hiện nay đối với câu hỏi đó là như sau: nếu như cách mạng Nga báo hiệu một cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây, thành thử cả hai cuộc cách mạng ấy bổ sung cho nhau, thì chế độ sở hữu ruộng đất ở Nga sẽ có thể trở thành khởi điểm của một sự phát triển cộng sản chủ nghĩa”[17]. Như vậy, Mác - Enghen nói về khả năng có thể với điều kiện là cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây phải nổ ra và hỗ trợ cho cách mạng vô sản ở Nga. Sau khi Mác qua đời, nghiên cứu kỹ thực trạng xã hội Nga, Enghen đã nêu rõ hơn vấn đề này trong “Lời bạt viết cho tác phẩm Về vấn đề xã hội ở Nga”[18]. Để trả lời cho câu hỏi: Liệu sở hữu công xã có thể dùng làm điểm xuất phát… bỏ qua toàn bộ thời kỳ tư bản chủ nghĩa để lập tức biến độ sở hữu công cộng XHCN hiện đại được hay không ?, “Liệu nước Nga… có thể không cần phải trải qua những đau khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa mà vẫn chiếm đoạt được mọi thành quả của chế độ ấy bằng cách tiếp tục phát triển những tiền đề lịch sử sẵn có của bản thân mình ? ”, Enghen đã phân tích và chỉ ra rằng: Công xã Nga đã tồn tại hàng trăm năm nhưng chưa bao giờ có xu hướng phát triển thành một hình thức sở hữu chung cao hơn” [19]; “Quả thật: chưa ở đâu và chưa bao giờ, chế độ cộng sản ruộng đất, do chế độ thị tộc lưu lại, lại sản sinh ra được từ chính bản thân nó một cái gì khác ngoài sự tan rã của chính nó” [20]; “chỉ riêng một việc là nền sản xuất TBCN ở Tây Âu tuy tồn tại song song với công xã Nga… -  chỉ riêng việc đó không thôi thì không thể tiếp sức cho công xã Nga sản sinh ra hình thức xã hội mới được”. Nó chỉ có thể trở thành khởi điểm cho một sự phát triển mới khi cách mạng vô sản ở các nước TBCN tiên tiến ở Tây Âu nổ ra và thắng lợi. “Đó là điều kiện tiên quyết tất yếu để nâng công xã Nga lên cùng một trình độ phát triển như vậy”[21]. “Chỉ khi nào nền kinh tế TBCN đã bị đánh bại tại quê hương của nó và ở những nước đã phát đạt, chỉ khi nào những nước lạc hậu qua tấm gương ấy mà biết được rằng “việc đó đã được tiến hành thế nào” - thì những nước lạc hậu ấy mới có thể bước vào con đường phát triển rút ngắn như vậy”, “nó tiếp thu được những kết quả tinh thần của sự phát triển TBCN”, “Điều đó không chỉ đúng với nước Nga, mà với tất cả các nước đang ở trong giai đoạn tiền TBCN”[22]. Nhưng các cuộc cách mạng vô sản ở Tây Âu đã không mở ra (cho đến tận bây giờ). Do đó, chế độ sở hữu công xã nông dân vẫn phải đi theo quy luật vốn có của nó. Enghen đã chỉ rõ điều kiện tiên quyết cho sự hình thành nền đại công nghiệp là “cái gọi là công cuộc giải phóng nông dân”, nhưng đồng thời chính điều đó cũng mở ra một kỷ nguyên tan vỡ nhanh chóng của chế độ sở hữu công xã về ruộng đất. Khi chủ nghĩa tư bản ở Nga bắt đầu phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19, những cơ sở sản xuất công nghiệp được thiết lập, đó là những “lưỡi rìu chặt vào gốc rễ của công xã Nga”, dẫn đến sự tan ra mạnh của chế độ sở hữu công xã ở Nga.

Trước Cách mạng tháng Mười Nga, 1917, Lênin cũng đã đấu tranh quyết liệt với “phái Dân Tuý”, khi phái này phủ nhận sự xuất hiện CNTB ở Nga và cho rằng chế độ công xã nông thôn Nga và giai cấp nông dân gắn với chế độ công xã này mới là khởi điểm và động lực trung tâm cho cách mạng XHCN ở Nga. Lênin đã phân tích và chỉ rõ sự phát triển mạnh mẽ “không kìm hãm nổi’ của chủ nghĩa tư bản ở Nga, gắn với đó là quá trình đang tan rã của công xã nông thôn và phân hóa giai cấp trong nông dân Nga; chỉ rõ tính chất “mị dân”, phản khoa học, phi lịch sử, phi biện chứng của những tư tưởng dân tuý; chỉ rõ sự phát triển của CNTB ở Nga gắn liền với phát triển công nghiệp và phân công lao động xã hội đã đặt giai cấp công nhân vào vị trí trung tâm tiên phong của lực lượng cách mạng và tính tất yếu của cách mạng vô sản.

Những luận điểm của Mác, Enghen, Lênin và thực tiễn sự tan rã của sở hữu công xã nông dân ở Nga (cũng như ở các nước khác trên thế giới) đã cho thấy logic khách quan, biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu trong sự phát triển; cần phải tránh cả ảo tưởng và cả chủ quan, duy ý chí. Về điều này, cần thấu hiểu luận điểm quan trọng sau đây của Enghen: “xét về mặt lịch sử thì không thể nào một giai đoạn phát triển kinh tế thấp hơn sẽ phải giải quyết những nhiệm vụ và những xung đột chỉ nảy sinh và chỉ có thể nảy sinh trong một giai đoạn phát triển cao hơn nhiều. Tất cả các hình thức công xã thị tộc có trước sự xuất hiện của nền sản xuất hàng hóa và sự trao đổi tư nhân đều chỉ giống với xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai ở mỗi một điểm là: một số vận dụng nhất định, những tư liệu sản xuất, là thuộc quyền sở hữu chung và sử dụng chung của một nhóm nhất định. Những nét giống nhau đó không làm cho hình thức xã hội thấp đó có khả năng tạo ra được từ chính bản thân nó cái xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai, sản phẩm đặc biệt và cuối cùng do chủ nghĩa tư bản sản sinh ra. Mỗi kết cấu kinh tế đều phải giải quyết các vấn đề của chính nó, này sinh từ bản thân nó; nhận giải quyết các vấn đề của một kết cấu hoàn toàn xa lạ thì thật là một điều hoàn toàn vô nghĩa”[23].

(8) Phát triển năng lực sở hữu:

Năng lực sở hữu của tất cả các chủ thể vừa là kết quả vừa là nhân tố thúc đẩy quá trình phát triển. Khác với kiểu quá độ lên CNXH từ các nước TBCN phát triển, trong đó năng lực sở hữu của tất cả các chủ thể đã được “đào luyện”, sàng lọc và nâng lên trong quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên qua tất cả các nấc thang lên trình độ cao nhất, xã hội hoá cao nhất, thích ứng với bước quá độ trực tiếp lên CNXH. Trong kiểu quá độ lên CNXH từ các nước còn kém phát triển, năng lực sở hữu của tất cả các chủ thể từ người lao động, đến đội ngũ doanh nhân, đến hệ thống quản lý nhà nước còn rất nhiều yếu kém do lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, công nghiệp chưa phát triển, phân công lao động xã hội và xã hội hoá nền sản xuất chưa cao; nhất là nền kinh tế hàng hoá còn ở trình độ thấp, giá trị trao đổi chưa tạo được vị thế chủ đạo trong quan hệ sở hữu và do đó chưa giải phóng được mạnh sức sản xuất. Trong phương thức quá độ rút ngắn, năng lực sở hữu sẽ được nâng cao gắn liền với quá trình phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; qua các hình thức quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu và các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh thích hợp, từ thấp lên cao. Đây cũng là quá trình phát triển có tính cạnh tranh - đào thải - ra đời nhân tố mới, chủ thể sở hữu mới và phát triển lên trình độ cao hơn. Song trong kiểu quá độ này, vai trò chủ quan của Nhà nước là rất quan trọng, vì Nhà nước không chỉ có nhiệm vụ phải tự nâng cao năng lực sở hữu của mình, ban hành khuôn khổ pháp lý cho quá trình phát triển mà còn phải tổ chức quá trình đào tạo và nâng cao năng lực sở hữu cho mọi chủ thể đáp ứng với đòi hòi của quá trình phát triển rút ngắn.

Như vậy có thể thấy rằng đối với các nước quá độ lên CNXH từ trình độ còn kém phát triển, thời kỳ quá độ không chỉ là quá độ chính trị (như đối với các nước TBCN phát triển quá độ lên CNXH), mà còn là thời kỳ quá độ về kinh tế - xã hội rất phức tạp, nhiều vấn đề quan trọng phải thực hiện, trong đó trọng tâm là phát triển lực lượng sản xuất, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; cùng và gắn liền với đó là hình thành hệ thống quan hệ sản xuất - quan hệ sở hữu phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và quá trình xã hội hoá nền sản xuất. Nhận thức đúng các quy luật khách quan của sự phát triển, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi nước và vận dụng có hiệu quả các yếu tố của thời đại, với các giải pháp đúng đắn hoàn toàn có thể thực hiện thành công phương thức quá độ rút ngắn lên CNXH.

 

                                                                          PGS.TS Trần Quốc Toản

 



[1]. Mác – Enghen tuyển tập, tập VI, trang 600, 603, 604

[2] . Mác – Enghen Toàn tập, NXB CTQG, HN, 1997, T.22, trang 168.

[3] Mác – Enghen Toàn tập, NXB CTQG, HN, 1997, tr.632

[4] . Mác – Enghen tuyển tập, tập 1, tr. 452 - 453

[5] . Mác – Enghen tuyển tập, tập 1, tr., 453

[6] . Mác – Enghen tuyển tập, tập 3 tr., 591

[7] .Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 455

[8]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 453

[9]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 434

[10]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 452

[11]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 435

[12]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 1 tr., 433

[13]. Mác – Enghen tuyển tập, tập 3 tr., 594

[14] .Mác, Enghen, toàn tập, NXB CTQG, HN, 1994, T.20, tr. 385 - 386

[15] . Mác, Enghen, toàn tập, NXB CTQG, HN, 1994, T.20, tr. 385

[16] Mác - Enghen, toàn tập, NXB CTQG, HN 1995, T.22, Tr 626 - 627

[17] Như trên, Tr.633

[18] Như trên, Tr.622

[19] Như trên, Tr.628 - 629

[20] Như trên, Tr.630

[21] Như trên, Tr.630

[22] Như trên, Tr.632

[23] Như trên, Tr.631-632

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết