Thứ Tư, ngày 01 tháng 05 năm 2024

Bài học về phát huy hiệu quả các nguồn lực, tận dụng lợi thế vùng Thủ đô phục vụ cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở Bắc Ninh

Ngày phát hành: 15/04/2022 Lượt xem 948

Khu vực trung tâm đô thị, hành chính ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Bá Đô

 

Sau một năm tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; toàn Đảng, toàn dân ta khấn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Song, sự xuất hiện với diễn biến vô cùng phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng của làn sóng thứ 4 đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 5-2021, tỉnh Bắc Ninh cùng với Bắc Giang là hai địa phương bùng phát dịch hết sức phức tạp, các ca nhiễm trong khu cụm công nghiệp, các ca mắc mới liên tục tăng nhanh, bất ngờ... đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn có đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước như Samsung, Canon, Goertek, Orion....

 

Trong bối cảnh đó, Bắc Ninh đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Với sự lãnh đạo tập trung, quyết liệt, chuyển động nhanh, biến áp lực thành động lực, thích ứng linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ, bảo đảm đúng, trúng trong kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân. Tỉnh đã tổ chức đối thoại, thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “3 nhất”, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho công nhân, người lao động, không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

 

Thành công bước đầu được chứng minh bằng những con số cụ thể, đó là: Ước thực hiện cả năm 2021 kinh tế tăng trưởng 6,9% vượt kế hoạch đề ra, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước (đứng thứ 7 Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; dư nợ tín dụng tăng 19,7%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%; thu ngân sách nhà nước vượt 11,7% dự toán năm; các động lực tăng trưởng mới được quan tâm, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai đề án “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển, an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững, tạo dựng môi trường chính trị ổn định.

 

Tỉnh Bắc Ninh, với vị trí là một đô thị động lực trong vùng Thủ đô, cùng với Hà Nội và Vĩnh Phúc tạo thành tam giác tăng trưởng, phát triển Vùng đô thị lớn; nằm trên 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đô thị Bắc Ninh có chức năng Vùng về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, đào tạo, y tế - nghỉ dưỡng và logistics; chia sẻ với Hà Nội về nhà ở và giảm áp lực giao thông.

Thời gian qua, Bắc Ninh đã tận dụng tốt các thời cơ, chú trọng đến các động lực tăng trưởng mới, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động các nguồn lực cho sự phát triển, trong đó có thể nhắc đến đó là:

 

(1 Phát huy sức mạnh đoàn kết của hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo với cách làm phù hợp tạo quyết tâm, nỗ lực mới trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh từ thực tiễn cũng như yêu cầu của sự phát triển.

 

(2) Lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều hội nghị làm việc với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết luận các định hướng phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo hướng bền vững, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.

 

(3) Đấy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế, phát triến các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường và nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phấm. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách ưu đãi, tham gia các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị. Chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thay đổi cơ cấu phù hợp, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi sản xuất, số hóa thương mại nông sản và tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; Phát triển thương mại và dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thị trường khu vực thành thị và nông thôn.

 

 

(4) Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị địa phương, xây dựng chính quyền kiến tạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; hiện đại hóa công cụ theo kiến trúc tổng thể về chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh...

 

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh, Bắc Ninh tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đấy mạnh phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Trước mắt năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tận dụng các cơ hội, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Thứ hai, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đấy nhanh quá trình đô thị hóa. Đấy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp mới thành lập; Thu hút có chọn lọc các nguồn lực mới như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị, chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nhân lực... Tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Phát triển các cụm công nghiệp theo chiều sâu; hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao.

 

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khắc phục khó khăn, khôi phục các hoạt động kinh doanh, dịch vụ gắn với các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh bằng các mô hình an toàn thích ứng linh hoạt. Thực hiện tốt đề án phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu.

 

Thứ tư, chú trọng đến các động lực tăng trưởng mới, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh thông qua công tác quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng hiện đại; năm 2022 hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển bền vững, “đô thị xanh”, và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị tỉnh Bắc Ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với việc lập, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch chung các đô thị; quy hoạch phân khu đô thị. Đấy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

 

Thứ năm, từng bước giải quyết vấn đề kết nối giao thông tỉnh và kết nối với các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, trước mắt tập trung đấy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh và từng bước triển khai đầu tư các công trình để đạt chuấn tiêu chí Thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chí của thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh, tập trung triển khai, phối hợp triển khai các công trình có tính chất liên vùng như đường Vành đai 4 (kết nối Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh), cầu kênh Vàng (kết nối Bắc Ninh - Hải Dương), đường TL285B kết nối với QL3 đi Hà Nội và Thái Nguyên, TL277B kết nối với cầu Hà Bắc 2 - đường vành đai 4...

 

Dự báo trong thời gian tới trong quá trình phát triến, chúng ta còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đe thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trước mắt là việc sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của địa phương; tỉnh Bắc Ninh trân trọng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đe tỉnh thực hiện tốt các mục tiêu, chiến lược phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; chỉ đạo tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý tốt thị trường, không để tăng giá đột biến, nhất là vật tư, nguyên nhiên vật liệu, điện, dịch vụ vận tải, giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất; nghiên cứu, ban hành các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" theo tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27-4-2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, làm cơ sở thu hút đầu tư có chọn lọc; cho phép nâng mức bội chi ngân sách địa phương lên để chi đầu tư dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và một số dự án ODA trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

 

Đào Hồng Lan

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết