Xã hội càng hiện đại, càng phát triển thì nhu cầu thông tin của con người càng lớn. Bởi thế, một quốc gia phát triển thì không thể thiếu sự đồng hành phát triển của báo chí. Sức mạnh của báo chí bắt nguồn từ khả năng cung cấp thông tin nhanh chóng, tạo diễn đàn trao đổi đa chiều, hình thành các chiều hướng dư luận xã hội khác nhau. Khi báo chí liên tục cập nhật thông tin về một vấn đề nào đó và thu hút được nhiều luồng ý kiến, phân tích, bàn luận và tranh luận thì có thể hình thành áp lực xã hội ngày càng lớn, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành vi của cá nhân, tổ chức. Nếu ba nhánh quyền lực Nhà nước được coi là quyền lực cứng mang tính thể chế thì quyền lực của báo chí là quyền lực mềm, dựa trên khả năng thông tin, thuyết phục, và thay đổi nhận thức của cá nhân. Những thông tin đa dạng và dư luận xã hội đa chiều trên báo chí có thể tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tâm lý, từ đó có thể nhanh chóng thay đổi hành vi của cá nhân, tổ chức.
1. Vai trò của báo chí trong kiểm soát quyền lực
Báo chí đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội: chức năng thông tin - giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng giám sát, phản biện; chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí; chức năng kinh tế - dịch vụ xã hội… Vai trò của báo chí lớn như vậy, nên báo chí được nhiều quốc gia coi như “quyền lực thứ tư” là thứ quyền lực đứng sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi báo chí phản ánh một sự việc hiện tượng trong xã hội, nhiều sự kiện, nhiều điều tốt đẹp được phát huy, nhiều bất công được giải toả. Từ đó, vai trò giám sát và phản biện của báo chí đem lại những ích lợi cho xã hội. Bởi trong xã hội luôn tồn tại những vấn đề tiêu cực, cần được đấu tranh, nhằm điều chỉnh nhận thức và hành vi, từ đó loại trừ dần các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Không chỉ đấu tranh, phê phán, báo chí còn thực hiện vai trò đề xuất các biện pháp để khắc phục những hạn chế tồn tại, thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của xã hội, của quốc gia. Báo chí luôn cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi giải quyết các vấn đề đang đặt ra;
Vai trò và sức mạnh giám sát xã hội của báo chí đối với các Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước là theo dõi, phát hiện những việc làm tốt, những sai phạm của tổ chức, cá nhân, qua đó khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải thích, giải đáp trước công luận, trước nhân dân và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hoạt động của nhà nước diễn ra thường xuyên và liên tục trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do vậy, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm phòng, chống tình trạng lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
2. Kiểm soát quyền lực đối với Nhà nước pháp quyền XHCN
Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cần Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để tạo môi trường pháp lý cho mọi hoạt động. Quyền lực nhà nước, là yếu tố cần thiết để duy trì trật tự xã hội, tuy nhiên quyền lực Nhà nước luôn có xu hướng bị lạm dụng bởi những người nắm giữ. Do vậy, quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát. Quyền lực nhà nước thường được sử dụng để cưỡng chế và loại bỏ những vật cản, những hành vi gây trở ngại cho việc thực hiện lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Khi đó, nếu quyền lực này được sử dụng hợp lý sẽ đem lại sự phát triển cho xã hội; ngược lại, nếu nó bị lạm dụng, sẽ gây hậu quả cho xã hội. Vì vậy, quyền lực nhà nước cần được điều chỉnh kịp thời và được kiểm soát thường xuyên.
Ở Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc thiết lập cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là cần thiết, nhằm ngăn chặn khả năng lạm quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích. Trong Hiến pháp năm 2013, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước đã được ghi nhận. Sự phân công và kiểm soát quyền lực được thể hiện ngay trong việc phân định phạm vi quyền lực đối với từng cơ quan nhà nước. Cụ thể, Quốc hội được trao quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quyền tư pháp.
Để bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước không những chỉ từ phía các cơ quan quyền lực nhà nước, mà còn cần sự tham gia giám sát xã hội “từ bên ngoài” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, các tập thể lao động, cộng đồng hoặc cá nhân... Giám sát xã hội đối với các cơ quan nhà nước là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của Chính phủ, nhằm bảo đảm cho các cơ quan này thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Trong đó, giám sát xã hội của báo chí là quá trình báo chí theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Giám sát của báo chí thể hiện tính khách quan, độc lập, công khai, do báo chí đứng ở bên ngoài đối tượng bị giám sát, nên việc giám sát được thực hiện một cách toàn diện; sự đánh giá, nhận xét, kết luận bảo đảm tính khách quan trong việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, giám sát của báo chí có phạm vi rộng hơn so với giám sát của các cơ quan nhà nước vì không chỉ dựa trên cơ sở pháp luật, mà còn xem xét dưới nhiều góc độ: đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, lối sống của cán bộ, công chức…, nên kết quả giám sát thường đem lại hiệu quả cao đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước. Giám sát của báo chí có tác dụng rất lớn bởi các kiến nghị phù hợp có thể dẫn đến những điều chỉnh đối với chính sách kinh tế xã hội.
Báo chí Việt Nam được Đảng, Nhà nước và xã hội thừa nhận có chức năng giám sát và phản biện xã hội. Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 quy định, báo chí ở nước ta là cơ quan ngôn luận của cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới, mà còn phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu: “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân”.[1] Báo chí Việt Nam là diễn đàn quan trọng, là phương tiện để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát quyền lực của báo chí đối với cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích, làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Các cấp ủy đảng trong các cơ quan báo chí cần tăng cường các hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức chính trị và chú trọng công tác phát triển đảng viên cho những người làm báo.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế giám sát của báo chí đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Rà soát, sửa đổi những quy định chồng chéo, mâu thuẫn và bổ sung những quy định mới liên quan đến giám sát của báo chí đối với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước; xác định cụ thể hơn phạm vi giám sát của báo chí; tăng cường sự phối hợp giữa giám sát của báo chí với giám sát xã hội của các tổ chức, cá nhân và hoạt động kiểm tra của các tổ chức đảng, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước…; quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và xử lý những kiến nghị của báo chí đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh và phẩm chất chính trị tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của các nhà báo về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Thứ tư, bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát xã hội của báo chí đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân, cơ quan báo chí có thể tiếp cận được với các quy định và thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Có cơ chế kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
TS Lê Thị Thúy
Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 2, tr. 238