Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Bình đẳng giới - cốt lõi của sự phát triển bền vững

Ngày phát hành: 30/11/2021 Lượt xem 12137

 

Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hai năm gần đây, đại dịch COVID-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng và phụ nữ, trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. 

 Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Tại Việt Nam, các mục tiêu bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ, các cơ quan cũng như các tổ chức cả trong và ngoài nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước không ngừng được hoàn thiện, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với sự tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc… để giải quyết các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới.
Mục tiêu đặt ra để giải quyết vấn đề ở các khía cạnh: đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây cũng chính là những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2010.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Điều đó thể hiện trước hết ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Báo cáo số 362/BC-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tỷ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Cụ thể: Tỷ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%, cấp huyện là 14% và cấp cơ sở là 18,1%; tới khóa XII, các tỷ lệ tương ứng đạt lần lượt là 10%, 13,3%, 14,3% và 19,07%. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, khóa XIII đạt 24,2%, khóa XIV đạt 27,31%.
Kết quả bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nữ giới chiếm đến 47,3% lực lượng lao động chính của cả nước. Tính đến tháng 10/2019, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp do nữ doanh nhân đứng đầu, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỷ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỷ lệ tiến sĩ đạt 30,8%.
Cùng với đó, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Theo kết quả của Tổng điều tra, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam đã được khống chế ở mức ổn định nhiều nhờ nỗ lực đưa SRB về mức cân bằng tự nhiên với mức 111,5 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Nhờ tính hiệu quả của hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trước, trong và sau sinh, tỷ số tử vong của bà mẹ đã giảm từ 69 ca trên 100 nghìn ca sinh sống năm 2009 xuống còn 46 ca trên 100 nghìn ca sinh sống năm 2019. Những nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng giới còn được lồng ghép trong lĩnh vực văn hóa và thông tin thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, từ năm 2011 đến khoảng giữa năm 2020, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới. Cụ thể: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định và đều được xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, hai năm qua, trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do COVID-19... điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Và việc lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

 Tiếp tục nỗ lực vì xã hội bình đẳng, tiến bộ
Bên cạnh những thành tựu đạt được, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại và gây nhiều thiệt hại không chỉ cho đối tượng yếu thế mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Bất bình đẳng giới cũng được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình. Báo cáo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần người phụ nữ, thậm chí tác động không tốt đến hành vi, tinh thần của trẻ em trong gia đình có phụ nữ bị bạo hành. Báo cáo cũng ước tính, bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ước khoảng 1,8% GDP năm 2018.
Về kinh tế, trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với với mức 31,8% của lao động nam. Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) mức lương bình quân hàng tháng khi làm cùng một công việc của lao động nữ đạt khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân 5,19 triệu đồng của lao động nam.
Đáng lo ngại, đại dịch COVID-19 đã khiến cho tình trạng bất bình đẳng giới có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động. Chẳng hạn, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%. Trước đại dịch, không có sự khác biệt trong tỷ lệ thất nghiệp của nam giới và nữ giới, nhưng khoảng cách chênh lệch này đã xuất hiện kể từ quý III/2020.
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo trên (ngày 26/10/2021), bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhấn mạnh, nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa. Phụ nữ Việt Nam đang phải mang “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phụ nữ đã phải đảm nhận công việc chăm sóc trong gia đình nhiều gấp đôi so với nam giới, mà đây là rào cản hàng đầu ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và thăng tiến trong lực lượng lao động. Đại dịch đã làm gia tăng sự phân chia công việc không công bằng này.
Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới, hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể.
Trước đó, ngày 3/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP. Theo đó, trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2021, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đảng và Nhà nước luôn kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể trong lĩnh vực chính trị, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương và giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm lần lượt là 50%, dưới 30% vào năm 2025, và khoảng 60%, dưới 25% năm 2030; Tỷ lệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ đạt ít nhất 27% năm 2025 và 30% năm 2030.
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngoài việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình được trả công của phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra yêu cầu đến năm 2025, có 80% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Con số này phấn đấu đến năm 2030 lần lượt là 90% và 70%. Bên cạnh đó, còn nhiều chỉ tiêu cần phấn đấu nâng cao hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, thông tin và truyền thông./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết