Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thực trạng xu hướng biến đổi mức sinh hiện nay ở Việt Nam

Ngày phát hành: 21/11/2021 Lượt xem 9162


 

Giới thiệu

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia. Mức sinh ở nước ta trong gần 30 năm vừa qua đã giảm tương đối nhanh. Xu hướng giảm sinh này đang có tác động mạnh mẽ tới tốc độ già hóa dân số. Tỷ trọng số trẻ em giảm diễn ra đồng thời với tỷ trọng số người già tăng lên trong cơ cấu dân số.  Tỷ trọng số người già đang tăng nhanh hơn trong mười năm vừa qua đã đưa Việt nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Mức sinh giảm xuống thấp hơn mức sinh thay thế ở một số vùng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới làm tăng nhanh hơn tỷ trọng số người già trong xã hội. Già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu thực trạng xu hướng biến đổi mức sinh hiện nay ở nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc có thể kịp thời cung cấp những bằng chứng mới để xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp.

 

1.Xu hướng giảm sinh trong xã hội hiện đại

Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cả quy mô và cơ cấu dân số của một quốc gia. Mức sinh vừa là một yếu tố tác động, vừa là một chỉ báo phản ánh mức độ phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên Thế giới[1]. Ở hầu hết các nước đang phát triển, có mức thu nhập từ trung bình trở lên, mức sinh đều biến đổi theo xu hướng giảm về mức sinh thay thế  hoặc  đang xuống thấp hơn. 

Xu hướng biến đổi mức sinh ở các nước trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được khái quát qua lý thuyết về thời kỳ quá độ dân số. Khi bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các xã hội sẽ đồng thời trải qua thời kỳ quá độ dân số, chuyển từ thời kỳ có mức sinh và mức chết đều cao sang thời kỳ có mức sinh và mức chết đều thấp. Thời kỳ quá độ dân số được coi là kết thúc khi khi mức sinh giảm chạm ngưỡng mức sinh thay thế và ổn định (tương ứng với TFR/số con trung bình là 2,10 con/phụ nữ).

Từ lý thuyết về thời kỳ quá độ dân số và thực tiễn biến động dân số ở một số quốc gia đầu tiên tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có thể đưa ra nhận xét là ở các quốc gia đó, quá trình giảm mức sinh đã diễn ra một cách tự nhiên theo tiến trình phát triển kinh tế-xã hội. Ở các quốc gia đó các chính phủ không tổ chức thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ.

Ở hầu hết các nước đang phát triển (developing countries) trong những năm 1960-1970x, đã thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ nhằm thúc đẩy giảm mức sinh nhanh hơn, bởi vì, mức sinh tương đối cao trong thời kỳ đó đã cản trở nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở các quốc gia này. Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia đã sớm thực hiện thành công chính sách dân số-KHHGĐ. Hai quốc gia này đã thực hiện được mục tiêu đạt mức sinh thay thế trong những năm đầu của thập kỷ 1980x. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần đưa Hàn Quốc và Singapore trở thành những con rồng (kinh tế) của châu Á từ những năm 1980x.

Quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên Thế giới cũng như ở một số địa phương tại Việt Nam hiện nay đã có tác động làm cho mức sinh không dừng lại ở mức sinh thay thế, và mức sinh có xu hướng đi xuống thấp hơn rõ rệt so với mức sinh thay thế (TFR 2,1 con).

 

2. Biến đổi mức sinh và già hóa dân số ở Việt Nam

Biến đổi mức sinh ở nước ta cũng tuân theo quy luật chung về biến đổi mức sinh như ở các nước phát triển và đang phát triển trên Thế giới. Mức sinh luôn có xu hướng giảm trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.

Trong hơn 30 năm vừa qua, mức sinh ở nước ta đã giảm gần một nửa (từ mức sinh TFR 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019) góp phần làm giảm tốc độ tăng quy mô dân số trong giai đoạn này.[2] 

Mức sinh giảm trong hơn 30 năm vừa qua ở nước ta là một yếu tố quan trọng không chỉ ảnh hưởng tới quy mô dân số, mà còn có ảnh hưởng mạnh tới cơ cấu dân số. Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi (trẻ em) đã giảm từ 39,2 năm 1989 xuống còn 24,3% năm 2019; Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi đã tăng từ 56,1 lên 68,0%; và tỷ trong dân số từ 65 tuổi trở lên (người già) cũng tăng từ 4,7 lên 7,7%, một cách tương ứng.

Già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm rất nhiều không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. Già hóa dân số đang từng bước tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.[3] 

Từ kết quả phân tích các số liệu thống kê dân số và so sánh với các quốc gia khác trên Thế giới, Việt Nam là một trọng số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới [4]. Già hóa dân số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già là một quá trình biến đổi xã hội mang tính quy luật ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng ở nước ta, già hóa dân số lại đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, bởi vì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất (khoảng 30 năm).

Xu hướng giảm sinh về ngưỡng mức sinh thay thế là yếu tố chính tác động làm tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở nước ta trong hơn 30 năm vừa qua. Từ 1989-2019, tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số đã tăng hơn 64%. Riêng trong vòng 10 năm gần đây (2009-2019), mặc dù mức sinh được giữ tương đối ổn định ở mức sinh thay thế, tỷ trọng số người già đã tăng thêm khoảng 20% trong khi quy mô dân số chỉ tăng khoảng 11%. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (2021), tỷ trọng số người già ở nước ta sẽ tăng thêm 100% trong vòng 20 năm tới. Khi đó, khoảng năm 2040, tỷ trọng số người già sẽ vượt ngưỡng 14%, và Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ già hóa dân số, và có cơ cấu dân số già.

 

3.Xu hướng giảm sinh hiện nay ở Việt Nam

Từ 2005 đến nay, mức sinh ở nước ta biến động không đáng kể và dao động quanh mức sinh thay thế. Do vậy, trong khoảng 15 năm gần đây, tốc độ tăng tự nhiên của quy mô dân số ở nước ta tương đối ổn định ở mức từ 0,9-1,0%. Đây là một mức tăng quy mô dân số hợp lý, bảo đảm có một tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tương đối cao từ 66-70% dân số (cơ cấu dân số vàng), góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.[5]

 

 

  Biểu đồ 1. Biến động mức sinh ở Việt Nam, 2005-2019

Nguồn: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trung ương, 2019.

 

Biến đổi mức sinh ở Việt Nam tuân theo quy luật chung về biến đổi mức sinh như ở các nước châu Á và trên Thế giới. Mức sinh luôn có xu hướng giảm trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội. Biến động mức sinh luôn chịu sự chi phối của hai nhóm yếu tố chính, đó là:

(i) nhóm các yếu tố liên quan tới tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, như vị thế xã hội của phụ nữ, bình đẳng giới, trình độ học vấn, nghề nghiệp, đô thị hóa, cải thiện mức sống, v.v… Những yếu tố này mang tính khách quan và luôn có tác động làm cho mức sinh giảm xuống.

(ii) nhóm các yếu tố liên tới các giải pháp chính sách dân số. Các giải pháp chính sách có thể được xây dựng nhằm tác động làm cho mức sinh giảm xuống, như chính sách dân số-KHHGĐ ở các nước đang phát triển trong thời kỳ từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Các chính sách cũng  có thể được xây dựng nhằm tác động làm cho mức sinh tăng lên như các chính sách khuyến khích sinh đẻ ở nhiều nước phát triển hiện nay (Nhật Bản, Nga, Singapore). Căn cứ vào diễn biến thực trạng mức sinh, mỗi quốc gia sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm thực hiện các mục tiêu dân số.

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, khi phân tích các số liệu về biến động mức sinh ở nước ta (Biểu đồ 1), có thể đặt ra một câu hỏi là tại sao trong giai đoạn 2009-2019, chỉ số TFR lại có thể tăng nhẹ từ 2,03 lên 2,09 trong bối cảnh hầu hết các chỉ báo phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đều đạt kết quả ấn tượng?

Từ quy luật chung về xu hướng giảm sinh ở các nước đang phát triển ở châu Á, như Trung Quốc hay Thái Lan, chỉ số TFR ở nước ta năm 2019 phải thấp hơn so với năm 2009 trong bối cảnh kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển nhanh và Việt Nam còn chưa thực hiện chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con. Do đó, với câu hỏi nêu trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích các số liệu thô của Tổng cục Thống kê năm 2020 được công bố trong cuốn “Kết quả Toàn bộ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019”.

Nhóm nghiên cứu sử dụng các số liệu về dân số theo nhóm tuổi, giới tính (Biểu 5, tr. 240) và số con sinh ra trong 12 tháng trước thời điểm điều tra 01/4/2019 theo nhóm tuổi phụ nữ (Biểu 24, tr.791) để tính toán chỉ số TFR của cả nước và theo các vùng kinh tê-xã hội. Kết quả phân tích số liệu thu được cho thấy chỉ số TFR của nước ta năm 2019 là 1,85.

Tiếp tục thực hiện phân tích số liệu theo sáu vùng kinh tế-xã hội, kết quả thu được cho thấy, chỉ số TFR của cả 6 vùng đều thấp hơn so với các kết quả đã công bố. Ở vùng Trung du và miền Núi phía Bắc, TFR là 2,38 (so với kết quả công bố 2,43); Ở vùng Đồng bằng sông Hồng 2,04 (vs 2,35); Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 2,11 (vs 2,32); Vùng Tây Nguyên 2,32 (vs 2,43); Vùng Đông Nam Bộ 1,27 (vs 1,56); Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 1,50 (vs 1,80).

 

Hộp 1. Điều tra chọn mẫu

 

 Trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, việc thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của trên 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019. Để có thể thu thập những số liệu thống kê xã hội cần thiết, có liên quan, như tình hình sinh, chết, di cư của người dân, thông tin về lao động việc làm, điều kiện sống của các hộ dân cư và một số thông tin khác, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện với quy mô mẫu 9% hộ dân cư trên cả nước.[6]

 

Một câu hỏi tiếp theo đặt ra là tại sao kết quả phân tích số liệu mới thu được về chỉ số TFR 1,85 năm 2019 ở Việt Nam khác với kết quả đã công bố chính thức của Tổng cục Thống kê là 2,09. Nhóm nghiên cứu có thể giải thích như sau: hai kết quả này khác nhau bởi vì có thể đã sử dụng không cùng một nguồn số liệu. Kết quả TFR 2,09 có thể là từ những kết quả phân tích số liệu mẫu 9%. Kết quả mới TFR 1,85 thu được từ những kết quả phân tích “Kết quả Toàn bộ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019” (Số liệu Biểu 5 và Biểu 24).

Khi so sánh với quốc gia láng giềng Thái Lan, trong hơn 10 năm qua, quốc gia này đã để cho TFR liên tục ngày càng xuống thấp, từ mức khoảng 1,8 con vào năm 2010, xuống 1,6 năm 2015, và xuống còn 1,5 con năm 2020. Tỷ trọng số người già trong cơ cấu dân số Thái Lan đã tăng từ 8 lên12% trong giai đoạn 2010-2020.[6] 

Với giả định, xu hướng giảm sinh ở Việt Nam diễn ra tương đồng như Thái Lan, mức sinh và tỷ trọng số người già (8%) ở nước ta đang tương tự như Thái Lan vào thời điểm năm 2010. Nếu vậy, đến năm 2030, tỷ trọng số người già sẽ tăng từ 8 lên 12%. Kịch bản này phù hợp với dự báo của nhà nghiên cứu Giang Thanh Long về khả năng Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ 2036 với giả định của kịch bản mức sinh trung bình giai đoạn 2019-2069 [7]

Như vậy, trong bối cảnh những biến đổi xã hội theo hướng tích cực đã diễn ra trong giai đoạn 2009-2019, và quá trình chuyển đổi chính sách của chúng ta từ Dân số-KHHGĐ sang Dân số-Phát triển mới chỉ bắt đầu từ cuối năm 2017, xu hướng giảm TFR từ 2,03 xuống còn 1,85 là hợp lý. Xu hướng giảm này được phản ánh rõ nét ở 5/6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước. Bằng chứng mới về xu hướng giảm sinh ở nước ta trong giai đoạn 2009-2019 cũng tương thích với các số liệu đã công bố về mức tăng tỷ trọng số người già thêm 20% trong cơ cấu dân số nước ta như nêu ở trên, cũng như xu hướng tăng nhanh tỷ trọng số người già ở Thái Lan hay Trung Quốc trong mười năm vừa qua.

 

4. Một số vấn đề và giải pháp chính sách

Không thể đi ngược lại với quy luật về xu hướng giảm sinh đang diễn ra nhưng với việc chuyển đổi kịp thời các mục tiêu chính sách và xây dựng các giải pháp chính sách dân số phù hợp, chúng ta có thể kiểm soát không để mức sinh giảm quá nhanh, và làm chậm lại tốc độ già hóa dân số. Từ  mối quan hệ chặt chẽ giữa xu hướng giảm sinh và tốc độ già hóa dân số nhanh ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, với thực trạng mức sinh TFR đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế, nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải có các giải pháp chính sách mới được xây dựng và thực thi một cách kịp thời.

-Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã xác định rõ nhiệm vụ: “Trên cơ sở dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, ”. [8] Việc nghiên cứu dự báo đúng thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu dân số trong giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng các giải pháp chính sách dân số phù hợp nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2045.

Tổng cục Dân số cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc thường xuyên theo dõi diễn biễn thực trạng mức sinh (TFR). Việc tổ chức phân tích số liệu “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019“ để rà soát lại chỉ số TFR và dự báo đúng xu hướng biến đổi của nó là rất cần thiết.

-Về xây dựng Luật dân số. Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế chủ trì xây dựng. Nội dung dự thảo này đang được viết trên cơ sở Việt Nam ổn định, duy trì được mức sinh thay thế trong giai đoạn 2009-2019, và có thể tiếp tục ổn định, duy trì được mức sinh thay thế trong giai đoạn 2019-2029 theo mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam 2021-2030.

Những nội dung của Luật Dân số khi được thông qua trong năm 2022 cần phải phản ánh chính xác các biến đổi xã hội với xu hướng giảm sinh đang diễn ra, cũng như thực tế xã hội Việt Nam có thể đã bước vào thời kỳ có TFR thấp hơn mức sinh thay thế, và đất nước thực sự đang có tốc độ già hóa dân số nhanh như Thái Lan hay Trung Quốc.

Những quy định của Luật Dân số cần được thực hiện ổn định, thống nhất trên phạm vi cả nước, có hiệu lực thi hành đến giai đoạn sau năm 2030, để bảo đảm các quy định này được thực thi một cách hiệu quả nhằm kiểm soát mức sinh, và làm chậm lại tốc độ già hóa dân số. Cần chuyển đổi mục tiêu chính sách dân số từ sinh đủ 2 con sang sinh từ 2-3 con.

 -Chính sách nhà ở. Một rào cản quan trọng cho việc khuyến sinh là các điều kiện về nhà ở còn hạn chế đối với người lao động, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ ở khu vực độ thị, các khu công nghiệp. Cần xây dựng chính sách nhà ở xã hội phù hợp ở các đô thị lớn, khu công nghiệp cho các nhóm đối tượng nêu trên. Các giải pháp về khuyến khích kết hôn, sinh con trước tuổi 30 cần gắn với những hỗ trợ được thuê nhà với giá ưu đãi hay được vay vốn trả góp trong dài hạn.

-Dịch vụ trông giữ trẻ. Một rào cản, khó khăn nữa đối với các cặp vợ chồng/phụ nữ trong việc sinh con, sinh thêm con ở khu vực độ thị, các khu công nghiệp là thiếu hay có ít các dịch vụ trông giữ trẻ, nhất là với các nhóm trẻ dưới 03 tuổi. Cần xây dựng, phát triển ngay các chính sách về phúc lợi xã hội có liên quan tới việc phát triển các dịch vụ trông giữ trẻ em từ bậc tiểu học trở xuống, bao gồm cả nhóm trẻ dưới 03 tuổi, ở các đô thị và khu công nghiệp. Hệ thống các dịch vụ này được phát triển tốt sẽ giúp cho các bà mẹ yên tâm lao động sản xuất, đồng thời không trì hoãn hay ngại việc sinh con.

-Việc làm của phụ nữ có con nhỏ. Trong xã hội hiện đại hầu hết phụ nữ trong độ tuổi lao động đều có nhu cầu về việc làm ổn định. Việc chăm sóc, nuôi con nhỏ là một yếu tố có thể cản trở tới việc làm ổn định của họ. Trong chính sách bảo hiểm xã hội cần có các quy định về tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ, tăng số ngày nghỉ có phép để chăm sóc con ốm, linh hoạt chế độ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi, v.v…

-Giáo dục tiểu học. Một cản trở việc sinh 2-3 con đối với đông đảo người lao động là chi phí đi học tốn kém của trẻ em. Trong thực hiện chính sách giáo dục, cần có các giải pháp miễn giảm học phí cho các bậc học từ tiểu học trở xuống đối với đứa trẻ thứ hai trở lên, nhằm có thể góp phần khuyến khích người phụ nữ sinh đủ 2 con trở lên. Các giải pháp chính sách này cần được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Việc xây dựng và thực thi các giải pháp chính sách mới về khuyến sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2045. Hệ thống các chính sách về khuyến sinh (nhà ở, dịch vụ trông giữ trẻ, việc làm phụ nữ có con nhỏ, giáo dục, v.v…) phải được xây dựng đồng bộ, và thực hiện thống nhất ở các địa phương. Cần chuyển đổi ngay mục tiêu chính sách dân số từ sinh đủ 2 con sang sinh từ 2-3 con.

Từ yêu cầu: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số…”[9] chúng ta phải có ngay các giải pháp chính sách mới nhằm thích ứng với già hóa dân số trước xu hướng mức sinh có thể giảm xuống dưới ngưỡng TFR 1,70 trong giai đoạn từ nay đến 2030.

 

TS. Hà Việt Hùng

TS. Đặng Thị Minh Lý

Học viện Chính trị quốc gia  Hồ Chí Minh

 

Tài liệu tham khảo

1.Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Thực trạng và các yếu tố tác động đến mức sinh tại Việt Nam. Hà Nội, tháng 6 năm 2021.

2.Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Nxb Thống kê tháng 12/2019.

3.Tổng cục Thống kê, 2021. Sđd.

4.Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019. Sđd

5.Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam. Hà Nội, tháng 7 năm 2021.

6.PRB, World Population Datasheet 2010, 2015, 2020. www.prb.org

7. Tổng cục Thống kê, tháng 7-2021. Sđd

8.ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.148

9.Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021. Sđd, tr.151.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết