Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là mối quan hệ đa diện, đa chiều và đa cấp độ. Hiện nay đang có những cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển. Có thể khái quát thành một số quan niệm sau:
(1) Quan niệm “kinh tế là kinh tế, văn hóa là văn hóa”. Quan niệm này cho rằng văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực có bản chất khác nhau, có mục tiêu khác nhau, mặc dù có quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển. (2) Quan niệm mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế theo thuyết “Quyết định luận kinh tế”.Theo quan niệm này, người ta cho rằng kinh tế quyết định sự phát triển văn hóa, văn hoá là một cái gì đó “phát sinh” từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi. Khi xem xét mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, người ta xem văn hoá đứng ngoài kinh tế, do kinh tế làm nền tảng và quyết định, nghĩa là chỉ thấy quan hệ một chiều, trong đó văn hoá giữ vai trò thụ động. (3) Quan niệm văn hóa không trên nền tảng của kinh tế : Quan niệm này cho rằng “Thực ra, chưa bao giờ kinh tế là nền tảng của văn hoá cả. Kinh tế, hay cơ sở vật chất, chỉ là phương tiện giúp người ta nhận thức các giá trị văn hoá mà thôi. Kinh tế chưa bao giờ là cơ sở của văn hoá. Văn hoá không phải là tất cả, nhưng văn hoá có mặt ở tất cả. Văn hoá là một mặt của hiện tượng đời sống bên cạnh mặt kinh tế, mặt chính trị... Các mặt ấy tương tác với nhau, quan hệ biện chứng với nhau để tạo ra đời sống. (4) Quan niệm văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực trong hoạt động của xã hội con người độc lập tương đối với nhau, nhưng gắn bó với nhau rất chặt chẽ, hữu cơ: Theo quan niệm này, văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực độc lập tương đối nhưng luôn tùy thuộc lẫn nhau trong quá trình phát triển. Kinh tế không tự phát triển nếu không dựa trên nền tảng của văn hóa và văn hóa cũng không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Văn hóa và những phẩm chất của nó không thể tự vận động nếu tách rời yếu tố chính trị, kinh tế. Văn hoá và kinh tế là hai lĩnh vực có tác động qua lại với nhau. (5) Quan niệm coi văn hóa là mục tiêu, còn kinh tế chỉ là phương tiện: Quan niệm này cho rằng “nói đúng ra, kinh tế chỉ là phương tiện để con người đạt mục đích mà mình đặt ra”, bài học rút ra là phải thoát khỏi cái bẫy của chủ nghĩa kinh tế. Không được nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề nóng bỏng về văn hóa, về xã hội và con người.
Trên cơ sở tổng kết nhận thức lý luận và thực tiễn lãnh đạo xây dựng đất nước, Đảng ta xác định: “ Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này được cụ thể hóa ở chủ trương : Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) xác định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội…Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện”. Trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội XI nêu: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức về quan điểm trên của Đảng cũng đang có sự khác nhau trong cách nhìn nhận về bản chất của kinh tế và văn hóa, và về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Có thể nêu ra một số biểu hiện sau:
- Có ý kiến coi “kinh tế là nền tảng vật chất và văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, vậy nền tảng của kinh tế là gì ? nền tảng của văn hóa là gì ? Cái gì là nền tảng chung của cả kinh tế và văn hóa ? Đây là điều các cách tiếp cập chưa làm rõ. Hơn nữa khi coi “văn hóa là nền tảng tinh thần” thường gắn phát triển văn hóa với các hoạt động văn hóa, mà chưa làm rõ văn hóa “được sinh thành, vận động và phát triển” trong - trên nền và là kết quả của sự vận động và phát triển toàn bộ các mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh – kinh tế là cốt lõi nhất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, do những điều kiện lịch sử cụ thể, có thể có những lĩnh vực hoạt động của xã hội nổi trội (như chống giặc ngoại xâm chẳng hạn…), thì văn hóa trong những lĩnh vực đó sẽ phát triển mạnh hơn.
- Các nhận thức và cách tiếp cận phần nhiều dừng lại ở kết quả đã hình thành của lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực văn hóa, mà chưa đề cập sâu tới bản chất của các quá trình vận động, phát sinh, phát triển của kinh tế và văn hóa gắn với bản chất vận động và phát triển của con người và xã hội.
- Thường xem xét kinh tế và văn hóa là “hai mặt” hay hai lĩnh vực hoạt động của xã hội, rồi xem xét sự “tác động” lẫn nhau với tính cách “kinh tế là nền tảng vật chất” và “văn hóa là nền tảng tinh thần”; có khuynh hướng đề cao tính quyết định của kinh tế (quyết định luận kinh tế); lại có khuynh hướng đề cao quá mức vai trò của văn hóa như có tính “quyết định mục tiêu, chỉ lối dẫn đường, tạo động lực cơ bản cho phát triển kinh tế); chưa thấy rõ (hay làm rõ) cả hai mặt này có chung cội nguồn như thế nào, chế định nhau thế nào, vận động độc lập tương đối với nhau theo nghĩa nào, phạm vi nào.
- Cách hiểu “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế” cần được hiểu như thế nào cho đúng bản chất khoa học và thực tiễn. Vì nói tới “mục tiêu” là nói tới cái chưa có, cái cần hướng tới; vậy “cái chưa có, cái cần hướng tới” sẽ làm thế nào để tạo động lực hiện thực phát triển kinh tế - là cái đang hiện tồn. Liệu có thứ văn hóa nào có trình độ vượt xa trình độ của đời sống hiện thực không (?). Nếu không làm rõ điều này rất dễ rơi vào duy ý chí.
Đề xuất cách tiếp cận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển
Để làm rõ hơn các vấn đề trên, có lẽ cần phải hiểu rõ hơn về bản chất của văn hóa trong quá trình vận động và phát triển của con người và xã hội loài người mà cốt lõi là quá trình lao động sản xuất và sáng tạo. Văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử bằng lao động của mình trên cả hai lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa". Điều đó cho thấy văn hóa không chỉ đơn thuần là lĩnh vực tinh thần, văn hóa không chỉ là kết quả của các hoạt động của con người, xã hội được phản ánh vào lĩnh vực tinh thần, mà nó còn chính là toàn bộ các giá trị do con người tạo nên gắn với toàn bộ quá trình hoạt động của con người, trong đó cốt lõi nhất là quá trình lao động sản xuất và sáng tạo. Nếu không thấy rõ bản chất của quá trình này sẽ không thấy rõ văn hóa được “ra đời” như thế nào từ toàn bộ các hoạt động của con người và gắn với quá trình phát triển kinh tế như thế nào để hình thành những giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống…” mà con người đã phát triển quá trình lao động sản xuất từ thấp lên cao, từ thủ công lên công cụ hiện đại, từ cá nhân và gia đình lên xã hội, quốc gia và ngày nay là quốc tế hóa. Trong quá trình lịch sử lâu dài đó, hai sáng tạo đầu tiên là ngôn ngữ và công cụ lao động – đó cũng là sản phẩm văn hóa đầu tiên của loài người. Ngôn ngữ là văn hóa phi vật vật thể, còn công cụ lao động thường được gọi là văn hóa vật thể, nhưng thực chất trong công cụ lao động còn chứa đựng các giá trị văn hóa sâu sắc – các giá trị này không phải là vật chất, nếu thiếu đi các giá trị này thì các vật thể cũng không còn là vật thể văn hóa nữa. Như vậy văn hóa ra đời và phát triển từ trong bản chất và song hành với quá trình phát triển lao động sản xuất xã hội, và đi liền với đó là sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sự phát triển của xã hội và các thiết chế xã hội. Không có quá trình lao động sản xuất xã hội cũng không có cả kinh tế và văn hóa. Về nguyên tắc trình độ nền sản xuất xã hội càng cao thì trình độ của nền văn hóa cũng càng cao.
Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phù hợp với một trong những khái niệm “cổ xưa” nhất về văn hóa, nhưng có thể là khái niệm phản ánh đúng bản chất nhất quả trình hình thành và phát triển văn hóa là“Văn hóa là gieo trồng, sự gieo trồng”
Trong tiếng Anh từ “culture” (văn hóa) có xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại nghĩa là “gieo trồng”. Khái niệm này thể hiện rõ mối quan hệ giữa con người (xã hội con người) với tự nhiên, với chính quá trình hoạt động của con người (xã hội con người), trước hết là hoạt động sản xuất xã hội, và gắn với đó là toàn bộ các hoạt động khác của mỗi con người, gia đình, cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc, quốc gia, giữa các quốc gia, tạo ra bản chất của con người và xã hội loài người, và do đó tạo ra bản chất và nền tảng cốt lõi của văn hóa.
Từ khái niệm này, nếu đi vào phân tích sâu sẽ thấy rõ các vấn đề đặt ra sau đây trong quá trình phát triển văn hóa:
- Ai gieo trồng ? vì mục đích gì ?; Gieo trồng cái gì ? ( “cây, con gì”…); Gieo trồng trên đất nào? Môi trường nào?; Chăm sóc thế nào? Ai chăm sóc ?; Kết quả thế nào? Hoa thơm, trái ngọt; hay cỏ dại, hay trái đắng, độc hại?; Gieo trồng cho ai? Ai được hưởng lợi (hay hệ quả); Hạt giống cho mùa sau là gì?
Vấn đề phát triển văn hóa - con người liên quan trực tiếp đến các nội dung trên trong suốt chiều dài phát triển của mỗi con người, của mỗi gia đình, cộng đồng và của mỗi quốc gia - dân tộc trong mỗi bước phát triển của nền kinh tế - xã hội và tương tác với tự nhiên. Điều đó nói lên rằng, xem xét văn hóa, phát triển văn hóa chỉ đơn giản theo cách tiếp cận là lĩnh vực tinh thần, tồn tại và vận động độc lập tương đối trong tương tác với sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sẽ không thấy rõ bản chất sâu xa – cội nguồn của văn hóa, không thấy rõ quá trình văn hóa phát sinh, phát triển (thậm chí có những mai một đi) dựa trên những nền tảng như thế nào của nền sản xuất xã hội – đời sống xã hội.
Về Bản chất của Văn hóa: Với khái niệm “văn hóa là sự gieo trồng”, nói lên quá trình tương tác mang tính bản chất giữa chủ thể con người với giới tự nhiên và giữa con người với nhau trong quá trình tương tác (lao động sản xuất) với tự nhiên và trong mọi quan hệ xã hội trong một thể thống nhất biện chứng. Xét trong quan hệ như vậy, thì văn hóa không đơn giản chỉ là “hình thái tinh thần”, hình thành từ tư tưởng – tinh thần, mà trong bản chất nó là một mặt thể hiện của đời sống xã hội của con người, mà trước hết là nền sản xuất xã hội – phương thức sản xuất xã hội, trong đó con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của nền (hay phương thức) sản xuất này. Văn hóa, theo nghĩa đó nó thể hiện bản chất con người bên trong cốt lõi của nền sản xuất xã hội đó, trình độ sản xuất xã hội đó, của đời sống xã hội đó. Do đó chính nền sản xuất, trình độ nền sản xuất – phương thức sản xuất cùng với môi trường, điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân tộc là cơ sở nền tảng quan trọng nhất quyết định hình thành nền văn hóa, hình thành gía trị con người - giá trị xã hội - giá trị cốt lõi của văn hóa.
Hay có thể nói như thế này được không: cốt lõi bên trong mang bản chất con người của nền sản xuất xã hội là văn hóa.
Như vậy, các hiểu “văn hóa là nền tảng tinh thần” của xã hội là đúng, song chưa đầy đủ, nó dễ bị hiểu thoát ly với đời sống hiện thực, chỉ trên bề mặt của đời sống hiện thực, của nền sản xuất xã hội, mà không thấy rõ nền tảng tinh thần đó ở đâu ra, cơ sở vật chất của nó (hay làm nền tảng cho nó) ra đời, tồn tại, “sống”, vận động và phát triển là gì (?). Khi chưa có nền sản xuất công nghiệp thì không thể có lối sống công nghiệp với những giá trị xã hội và giá trị con người tương ứng, và do đó chưa thể có nền văn hóa của xã hội công nghiệp. Nền văn hóa của xã hội công nghiệp không thể ra đời trên nền tảng của “tư tưởng công nghiệp ”, mà nó chỉ có thể ra đời và phát triển trong và cùng với quá trình công nghiệp hóa. Sự ra đời và phát triển của nền văn hóa của xã hội công nghiệp nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế hiện nay cũng có nhiều nội dung và đặc trưng khác với sự hình thành nền văn hóa của xã hội công nghiệp cổ điển trước đây. Vì vậy cách nhìn nhận văn hóa thoát ly trình độ và sự phát triển của nền sản xuất xã hội và đời sống hiện thực sẽ không thấy rõ được bản chất cốt lõi của văn hóa và quá trình vận động – phát triển của nó trong hiện thực.
Nói đến phát triển văn hóa – con người và nền sản xuất xã hội hiện nay có một cách hiểu, cách tiếp cận coi đó là những phạm trù tồn tại độc lập tương đối và tương tác với nhau. Đây có thể là một cách tiếp cận sai lầm khi chỉ nhìn trên bề mặt của hai quá trình, bởi vì về mặt học thuật người ta có thể khu biệt hóa để nghiên cứu, song trên thực tế đó là những quá trình nằm trong cùng nền tảng tồn tại xã hội (lao động sản xuất xã hội và thiết chế xã hôi) đan xen và tác động nhân quả với nhau để tạo nên cùng một bản chất của xã hội thể hiện cô đúc ở giá trị con người và giá trị xã hội trong mỗi bước phát triển (ví dụ của biểu hiện nhận thức sai lầm là hoạch định và thực thi chính sách và giải pháp phát triển văn hóa, phát triển con người nhiều khi tách biệt nhau và tách biệt với thể chế phát triển kinh tế - xã hội).
Xét về bản chất cốt lõi nhất, sâu xa nhất thì văn hóa với con người là một và nó được hình thành trên nền tảng của nền sản xuất xã hội. Cốt lõi của sự phát triển văn hóa, phát triển con người là phát triển các giá trị văn hóa – giá trị con người – giá trị xã hội của một nền sản xuất xã hội – phương thức sản xuất xã hội. Chính thể chế chính trị, thể chế kinh tế - xã hội, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và hiệu quả là cơ sở nền tảng để hình thành và phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, sự phát triển văn hóa, con người lại tác động trở lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nói đến phát triển văn hóa, phát triển con người mà lại không xuất phát (không gắn hữu cơ) với những đòi hỏi, yêu cầu hình thành các giá trị xã hội tương ứng với nền sản xuất xã hội, phương thức sản xuất xã hội, trình độ sản xuất xã hội sẽ dễ rơi vào duy ý chí.
Cách tiếp cận trên không phải là theo “quyết định luận kinh tế”, cũng không coi văn hóa chỉ thuộc lĩnh vực tinh thần, mà coi nền lao động sản xuất xã hội là nền tảng cơ bản nhất của cả phát triển kinh tế và văn hóa, kinh tế và văn hóa là hai phương diện thể hiện của nền sản xuất xã hội đó, trong quá trình phát triển hình thành những nội dung tồn tại độc lập tương đối với nhau và tương tác với nhau trên nền tảng cơ bản của nền sản xuất xã hội đó theo nguyên tắc “nền sản xuất – phát triển kinh tế thuộc tính thứ nhất, văn hóa thuộc tính thứ hai”.
PGS.TS. Trần Quốc Toản