1. Thực trạng công tác nghiên cứu lý luận chính trị
a. Ưu điểm
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác lý luận nói chung và công tác nghiên cứu lý luận nói riêng. Công tác nghiên cứu lý luận đã cung cấp cơ sở lý luận - thực tiễn để hình thành, hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thể khái quát như sau:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, soạn thảo Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Giữa lúc cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp các châu lục, vừa nghiên cứu lý luận, vừa khảo sát thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy đường lối cứu nước đúng đắn: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Cuốn Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1927 - một trong các quốc bảo có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo, mà còn bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản. Hội nghị thành lập Đảng thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng... do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đây là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Hội nghị tháng 10 năm 1930 đã thảo luận và thông qua Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú chỉ đạo soạn thảo.
- Công tác nghiên cứu lý luận đã góp phần hình thành nên đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.
- Công tác nghiên cứu lý luận đã góp phần hình thành đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Đại hội II của Đảng (1951) đã thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam.
- Đại hội III của Đảng (1960) đã thông qua đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
- Công tác nghiên cứu lý luận góp phần hình thành lý luận về đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
+ Đại hội VI của Đảng (1986) chỉ rõ phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy. Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, tiếp thu những thành tựu lý luận, những kinh nghiệm mới phong phú của các đảng anh em, những kiến thức khoa học của thời đại. Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết có hệ thống sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, rút ra những kết luận đúng đắn, khắc phục những quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời.
Đại hội VI quyết định: Ban Chấp hành Trung ương Đảng xúc tiến việc xây dựng Cương lĩnh hoàn chỉnh cho toàn bộ cuộc cách mạng xã hội thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bản Cương lĩnh phải thể hiện trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, và sẽ trình Đại hội lần thứ VII của Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa VI (tháng 8/1990), Trung ương thảo luận Dự thảo lần thứ 10, một số ý kiến cho rằng chưa đủ cơ sở thực tiễn và lý luận để công bố Cương lĩnh cho cả thời kỳ quá độ. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội nước ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”[1].
+ Đại hội VII (1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991). Cương lĩnh 1991 đã phác họa ra 6 đặc trưng và 8 phương hướng và các định hướng lớn phát triển các lĩnh vực. Đây là thành quả lý luận quan trọng của thời kỳ đổi mới.
+ Sau Đại hội VII, Bộ Chính trị khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 18-3-1992 “về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, đánh dấu một bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò của công tác lý luận và trong tổ chức nghiên cứu lý luận phục vụ sự phát triển đất nước.
+ Đảng ta cũng đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề đề cập đến công tác nghiên cứu lý luận, như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, ngày 18/3/2002 về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, ngày 01/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI, về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Bắt đầu từ giai đoạn 1991-1995 đến nay đã có nhiều chương trình, đề tài cấp nhà nước và khoa học xã hội nói chúng, khoa học lý luận chính trị nói riêng. Về khoa học lý luận chính trị giai đoạn 1991-1995 có 10 chương trình với 155 đề tài; giai đoạn 1996-2000 có 7 chương trình với 56 đề tài, 13 chuyên đề; giai đoạn 2001-2006 có 5 chương trình với 91 đề tài; giai đoạn 2006-2010 có 10 chương trình với 91 đề tài; giai đoạn 2011-2016 có 4 chương trình với hơn 100 đề tài; giai đoạn 2016-2021 với 3 chương trình với hơn 100 đề tài...
Đảng ta và Nhà nước đã chỉ đạo tiến hành nhiều cuộc tổng kết lý luận - thực tiễn trên quy mô cả nước, như: Tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006); Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011); Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 (1992-2012); Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016); Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 (2011-2021), v.v...
+ Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh năm 2011.
Tổng quát lại, kết quả nghiên cứu lý luận chính trị đã cung cấp cơ sở khoa học để hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là Đảng ta đã ban hành 5 bản Cương lĩnh và 5 bản Hiến pháp.
Đại hội XI đã nhận định: “Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam”[2].
Đại hội XII nhận định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[3]. Đại hội khẳng định: “Những thành tựu đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[4].
b. Hạn chế, khuyết điểm
- Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị khóa VII về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay nhận định: Lý luận chưa đi sâu, đi sát cuộc sống, chưa ra khỏi tình trạng lạc hậu, chưa đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đổi mới. Công tác lý luận chưa phục vụ tốt việc cụ thể hóa và phát triển đường lối, hoạch định chính sách.
- Gần 20 năm sau, Đại hội XI của Đảng (2011) nhận định: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền và chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 tiếp tục nhận định: Nhìn chung, lý luận còn lạc hậu, tính dự báo thấp, kết quả nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ.
- Đại hội XII của Đảng (2016) nhận định: Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, qua 35 năm đổi mới, hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị, lý luận vẫn còn lạc hậu, công tác nghiên cứu lý luận còn bất cập.
Về nguyên nhân của những hạn chế, bất cập
Những hạn chế, bất cập của công tác nghiên cứu lý luận có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, nổi lên là:
Thứ nhất, nhiều cấp ủy chưa thực sự coi trọng công tác lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận nói riêng.
Các văn kiện của Đảng đều yêu cầu các cấp ủy đảng phải coi trọng lý luận, công tác lý luận, công tác nghiên cứu lý luận. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều cấp ủy chưa coi trọng công tác nghiên cứu lý luận.
Thứ hai, tổ chức bộ máy của hệ thống các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng chậm đổi mới. Việc tổ chức nghiên cứu lý luận chưa thật phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Văn kiện Đại hội XI xác định: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn”[5]. Văn kiện Đại hội XII xác định: “Đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng”[6]. Nhưng đến nay, mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu lý luận hầu như không có gì đổi mới.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ lý luận thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận nhận định: “Đội ngũ cán bộ lý luận chưa đồng bộ và nói chung trình độ chưa ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt là còn rất thiếu những chuyên gia lý luận đầu đàn trên các lĩnh vực chủ yếu”[7]. Hơn 20 năm sau, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị nhận định “Đội ngũ cán bộ lý luận đông, nhưng không mạnh, còn ít chuyên gia lý luận đầu đàn trên các lĩnh vực”. Ngay hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến nay chỉ còn 5 giáo sư.
Thứ tư, phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị còn có mặt hạn chế, bất cập.
Thứ năm, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ lý luận còn bất cập, chưa thật sự khuyến khích đội ngũ cán bộ lý luận say mê nghiên cứu (ngay chức danh, chức vụ lãnh đạo của Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chưa được xác định).
2. Kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu lý luận
Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã chỉ rõ phương châm, nhiệm vụ; các hướng nghiên cứu chủ yếu, các biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận từ nay đến năm 2030. Tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề:
Một là, các cấp ủy và chính quyền phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ vai trò của lý luận, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận.
Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII chỉ ra nguyên nhân yếu kém của công tác lý luận là lãnh đạo các cấp, các ngành trước hết là Trung ương chưa nhận thức được sâu sắc và đầy đủ tầm quan trọng của lý luận, chưa thực sự coi công tác lý luận là sự nghiệp của toàn Đảng. Hơn 20 năm sau, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI vẫn nhận định một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác lý luận. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, giải pháp đầu tiên là các cấp ủy, chính quyền phải thực sự coi trọng công tác lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận nói riêng, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lý luận chính trị.
Hai là, phát huy mạnh mẽ dân chủ, khuyến khích tìm tòi và sáng tạo trong nghiên cứu lý luận.
Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII xác định: “Xây dựng quy chế hoạt động nghiên cứu và quản lý công tác lý luận nhằm phát huy đầy đủ, tự do sáng tạo trong quá trình tìm tòi, khám phá chân lý. Các văn kiện Đảng sau đó đều đề cập đến phải ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Đại hội XI xác định: Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Sau 23 năm, kể từ khi ban hành Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 25/4/2015 Bộ Chính trị khóa XI mới ban hành Quy định số 285-QĐ/TW về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, Nhà nước. Đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng, tạo cơ sở để phát huy dân chủ, sáng tạo trong nghiên cứu lý luận, nhưng Quy định này đóng dấu MẬT và phạm vi chỉ trong các cơ quan đảng, Nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng quy chế trong nghiên cứu khoa học xã hội với phạm vi rộng hơn và quy định chi tiết, cụ thể hơn. Và cao hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Ba là, xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ lý luận chính trị nhất là chuyên gia đầu ngành.
Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII xác định: Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao đủ sức giải quyết những vấn đề do thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra. Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định: Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia đầu ngành; nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, nhất là năng lực phân tích, dự báo. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã xác định: Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học; có chính sách ưu đãi để xây dựng, sử dụng đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực. Khi xây dựng chiến lược này phải đề cập đến cán bộ khoa học lý luận chính trị. Hoặc là, xây dựng chiến lược riêng về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ lý luận chính trị, nhất là chuyên gia đầu ngành.
Bốn là, nghiên cứu lý luận chính trị phải gắn với hoạch định đường lối, định hướng chính sách, đưa lý luận vào cuộc sống.
Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: Công tác nghiên cứu lý luận phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn và xuất phát từ thực tiễn. Xây dựng hệ thống chương trình nghiên cứu có mục tiêu, yêu cầu nội dung cụ thể và thiết thực, được bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết. Trong thực tế, một số đề tài nghiên cứu trong các chương trình nghiên cứu còn trùng lặp. Tình trạng “vo tròn” kết quả nghiên cứu, ít có tính phát hiện vẫn còn xảy ra. Và quan trọng hơn, lâu nay các đề tài ít gắn với hoạch định đường lối, định hướng chính sách. Từ đó dẫn đến một số chính sách ban hành chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn và quan trọng nhất là có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm là, có cơ chế để kết luận, sử dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài, chương trình về lý luận chính trị.
Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị mới xác định: Quản lý tình hình hoạt động nghiên cứu lý luận, chú trọng khâu đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả nghiên cứu. Nghị quyết chưa đề cập đến cơ quan nào có trách nhiệm lắng nghe, kết luận, những vấn đề lý luận mà các đề tài, chương trình đã nghiên cứu.
Thực tế, có những vấn đề lý luận đã được đề xuất, dự báo từ sớm nhưng phải qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng mới được kết luận, đưa vào đường lối, chủ trương (phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảng viên làm kinh tế tư nhân...), nhưng cũng có nhiều vấn đề được nghiên cứu qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa được kết luận (tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị văn hóa, con người Việt Nam...).
PGS.TS Nguyễn Viết Thông
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.50, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2007, tr.178.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.185-186.
[3], 4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.65-66.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ XI, tr.256.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ XII, tr.201.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, toàn tập, t.52, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2007, tr.20.