Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường (phần 1)

Ngày phát hành: 13/07/2020 Lượt xem 4026

                                                                         

 

I. Cơ sở lý luận, thực tiễn của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường

 

 

Tăng trưởng kinh tế luôn là vấn đề được các nước đang phát triển quan tâm hàng đầu. Tăng trưởng kinh tế được thường được xem xét cả về số lượng và chất lượng, trong đó mặt số lượng thường được nhấn mạnh hơn. Về mặt số lượng, tăng trưởng kinh tế thường được đo đếm bằng tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm quốc dân (GDP) và thu nhập bình quân đầu người (GNI/người). Về mặt chất lượng, tăng trưởng kinh tế được nhìn nhận từ những yếu tố bên trong, gắn liền với tính chất, hiệu quả của quá trình tăng trưởng, như: năng suất lao động, chỉ số cạnh tranh, mức độ tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, mức độ ảnh hưởng đến môi trường, v.v..

Tăng trưởng kinh tế tạo ra cơ sở vật chất cho sự phát triển chung của xã hội. Chỉ có tăng trưởng kinh tế mới tạo ra các điều kiện cần thiết cho phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sống an toàn cho con người. Bản thân nội hàm của tăng trưởng kinh tế bao gồm hai mặt:số lượngchất lượng. Thông thường, trong giai đoạn đầu của phát triển, mặt tăng trưởng số lượng được quan tâm nhiều hơn, coi như mục tiêu ưu tiên. Trong điều kiện đó, quá trình tăng trưởng kinh tế không tránh khỏi dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến xã hội và con người. Nguồn gốc của những ảnh hưởng tiêu cực đó thường do sự nhận thức chưa đầy đủ tác động của các hoạt động phát triển sản xuất, không kịp thời đưa ra các chính sách để ngăn chặn, giải quyết, không kiểm soát tốt hoặc không đủ nguồn lực, thiếu điều kiện kỹ thuật giải quyết các tác động tiêu cực đó. Chỉ khi sự tăng trưởng đạt đến mức độ nhất định nào đó, vấn đề chất lượng mới được thực sự quan tâm một cách đầy đủ và có hiệu quả. Đó là khi sự tăng trưởng kinh tế giúp tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính và nhất là nguồn lực con người được tăng cường về chất lượng và kỹ năng quản trị, bảo đảm cho chất lượng của tăng trưởng kinh tế.

Văn hoá là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trong hoạt động thực tiễn và nhằm phục vụ cho cuộc sống, sự phát triển của chính con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, “Ý nghĩa của văn hoá: vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1]. Tuyên bố chung của UNESCO về tính đa dạng của văn hóa năm 2002 coi “Văn hóa là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Từ cả hai cách hiểu trên đều dẫn tới một nhận thức chung, văn hóa chính là toàn bộ những biểu hiện xã hội của con người, nó là sản phẩm của con người nhưng cũng là điều kiện, môi trường cho sự phát triển của con người. Con người là biểu hiện tập trung nhất của văn hóa. Nói cách khác, văn hóa là một bộ phận không thể tách rời của con người, vậy nên sự phát triển xã hội bao giờ cũng gắn bó hữu cơ chặt chẽ giữa cải thiện đời sống vật chất và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.

Nói đến văn hóa là nói đến hai bộ phận: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể là khía cạnh thực tế xã hội, như: các di sản vật chất, công trình xây dựng, các sản phẩm văn hoá, thiết chế văn hoá vật chất, v.v..  Nó bao gồm việc chế tác, sử dụng, trao đổi các sản phẩm vật chất, hành vi, cách thức và các chuẩn mực của con người khi tham gia các công việc đó. Người ta còn gọi đây là "phần cứng“ của văn hóa. Văn hóa phi vật thể là các yếu tố của đời sống tinh thần của con người, bao gồm: lối sống, đạo đức, đức tin, ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị tinh hoa truyền thống, các hệ giá trị phổ biến của con người, của xã hội và  cộng đồng, v.v.. Các yếu tố văn hóa phi vật thể tạo thành cốt lõi của vốn xã hội của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển đất nước.

Phát triển văn hóa chính là sự thay đổi các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể theo chiều hướng tích cực, tiến bộ nhằm đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của con người ngày càng phong phú hơn, với chất lượng ngày càng cao hơn. Theo nghĩa chung nhất, phát triển văn hóa cũng chính là sự phát triển các phẩm chất, giá trị trong đời sống tinh thần của con người, của cộng đồng. Sự phát triển ấy gắn liền và là logic tất yếu của nền tảng vật chất của nó, tức là kinh tế. Đến lượt nó, sự phát triển các giá trị, phẩm chất của con người, của cộng đồng lại trở thành nguồn sống nuôi dưỡng, củng cố và phát triển các giá trị chung của quốc gia, dân tộc, tăng cường nguồn lực nội sinh cho sự phát triển xã hội, gia tăng sức mạnh của vốn xã hội của nền kinh tế quốc gia. Nói như C. Mác:“Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật… đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế, nhưng tất cả chúng cũng có ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến cơ sở kinh tế”[2].

Nói đến tiến bộ, công bằng xã hội là nói đến mức độ đạt được về chất lượng cuộc sống, về tính chất tốt đẹp của xã hội và những điều kiện bảo đảm cho cuộc sống hạnh phúc của mọi người dân. Với ý nghĩa đó, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội chính là quá trình nhà nước, các tổ chức, thiết chế chính trị - xã hội cùng người dân thực hiện các chính sách, tiến hành các công việc và những hoạt động khác nhau để không ngừng cải thiện toàn diện đời sống của người dân, tích cực hóa môi trường xã hội, bảo đảm cho mỗi người dân đều có thể được phát triển một cách tự do, được sống cuộc cuộc sống hạnh phúc. Cụ thể hơn, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có thể hiểu theo các khía cạnh: 1) nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; 2) hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật bảo quyền con người, bảo đảm sự bình đẳng của người dân về quyền và trách nhiệm xã hội; 3) thực hiện chính sách phân phối bảo đảm cho người lao động, tổ chức, nhóm người trong xã hội được hưởng thụ tương xứng với sức lao động, nguồn vốn đóng góp vào quá trình sản xuất, kết hợp các biện pháp hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được thụ hưởng thành tựu phát triển một cách công bằng, hợp lý; 4) không ngừng cải thiện các điều kiện vật chất và tinh thần của môi trường xã hội để mọi người dân được sống trong an toàn, khỏe mạnh và tự do phát triển.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ không gian sống của nhân loại, bảo vệ bà mẹ thiên nhiên, nơi cung cấp nguồn sống như nước, không khí, đất đai gieo trồng, các tài nguyên thiên nhiên, v.v.. Việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng mọi giá, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp không kiểm soát tác động tiêu cực, xả thải ra môi trường một cách vô trách nhiệm, v.v., đang gây ô nhiêm môi trường đất, nước, không khí quá nặng nề, để lại những hậu quả nghiêm trong và đe dọa sự tồn vong cuả con người. Bảo vệ môi trường là công việc có tính chất toàn cầu, trách nhiệm chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Nội dung của bảo vệ môi trường là: giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; đảm bảo cân bằng sinh thái; khai thác, sử dụng hợp lý , tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; ngăn chặn, khắc phục các tác động xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường...

Một xã hội được coi là tốt đẹp khi nó mang lại cho con người những điều kiện sống ngày càng tốt đẹp hơn, trong đó có các điều kiện về vật chất, về tinh thần và về môi trường sống xã hội và môi trường sống tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế nhằm làm cho các điều kiện về vật chất cho con người và xã hội ngày càng đầy đủ hơn với chất lượng ngày càng được cải thiện hơn. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn, phong phú hơn những nhu cầu về đời sống tinh thần, xã hội của người dân, tạo dựng và củng cố các điều kiện của môi trường sống xã hội và tự nhiên của con người, làm cho con người có cuộc sống ngày càng an toàn hơn, hài hòa hơn và hạnh phúc hơn. Mặt khác, phát triển văn hóa và phát triển con người cũng chính là tạo dựng nền tảng tinh thần cho xã hội, tăng cường nguồn lực nội sinh cho tăng trưởng kinh tế, động lực cho sự phát triển chung của đất nước. Như vậy, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, làm điều kiện phát triển cho nhau nhằm mục đích xây dựng và không ngừng cải thiện các điều kiện về vật chất, về tinh thần và về môi trường sống xã hội, bảo đảm cho con người có cuộc sống an toàn, hạnh phúc, được phát triển tự do toàn diện.Yêu cầu giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội xuất phát từ tính chất nhân văn của chế độ, từ mục đích cao cả cuối cùng của cuộc cách mạng, của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là từ con người và vì con người.

Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là có điều kiện. Vậy các điều kiện ấy là gì? Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là những quá trình, có tính quy luật và đòi hỏi thời gian nhất định. V.I. Lê nin đã từng nhấn mạnh rằng, nếu để giành chính quyền thì chỉ một cuộc cách mạng là được, nhưng để phát triển kinh tế,  nâng cao năng suất lao động, “tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn” so với chủ nghĩa tư bản thì “phải mất nhiều năm mới giải quyết được”[3]. Thứ hai, chính là nhân dân chứ không phải ai khác là nguồn động lực, là lực lượng để thực hiện việc tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đảng, Nhà nước chỉ là người lãnh đạo, tổ chức lực lượng của nhân dân để giải quyết mối quan hệ đó. Thứ ba, quá trình giải quyết mối quan hệ này luôn chịu các tác động khách quan, từ bên ngoài, bao gồm: bối cảnh quốc tế và khu vực, các yếu tố chính trị, quan hệ kinh tế, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, v.v.. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có đường lối, chính sách sáng tạo, khéo léo, phát huy được thế mạnh và các nguồn lực của đất nước, tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng được những thời cơ, điều kiện quốc tế có lợi để đạt được mục tiêu. Điều đó cũng đòi hỏi sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, ý chí chung của xã hội và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước.

(còn tiếp)

                                                                                                                                                         GS.TS Tạ Ngọc Tấn

                                                                                                                                                Phó Chủ tịch Hội đồng LLTW



[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t. 3, tr.458.

[2]Mác và Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, t. 6, tr. 788.

[3]Xem: V.I. Lê nin Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2006, t. 36, tr. 229.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết