Thứ Năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024

Cần những giải pháp tổng thể để bảo đảm an toàn cho người lao động

Ngày phát hành: 06/08/2024 Lượt xem 240

 

Dù đạt được một số kết quả tích cực song công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn xảy ra làm nhiều người lao động thương vong. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, cả từ sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp và sự chủ quan của người lao động. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động tại nơi làm việc. Bởi bảo đảm an toàn lao động, tạo lập môi trường an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân và người lao động là những mục tiêu quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động

 
Trong những ngày qua, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra làm nhiều người lao động thương vong.
Mới đây nhất phải kể đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại khu công nghiệp thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) ngày 2/8/2024. Vụ tai nạn xảy ra tại công trình xây dựng nhà máy nghiền xỉ thải phốt pho, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Lao Kay. Trong quá trình thi công đã xảy ra đứt cáp cần cẩu làm rơi thùng xuống đất khiến 3 người tử vong và 3 người bị thương.


Trước đó tại Khu công nghiệp Tân Bình (tỉnh Bình Dương) cũng đã xảy ra 2 vụ tại nạn lao động. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 6/7/2024, tại xưởng sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Gỗ Hoàng Thông làm 9 công nhân bị thương, trong đó có 4 người bị bỏng nặng. Vụ thứ hai xảy ra ngày 9/7/2024, tại Công ty TNHH gỗ You Hao làm 2 người bị bỏng nặng.


Ngày 22/4/2024, tại Yên Bái xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng (thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.


Tháng 2/2024, tại Nghệ An, qua kết quả khám bệnh đã phát hiện 62 lao động đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến (có trụ sở tại Khu Công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc) mắc bệnh bụi phổi silic. Trong đó có 6 người chết liên quan đến bệnh bụi phổi silic, 19 lao động mắc bệnh bụi phổi silic nặng…


Chỉ tính riêng tại tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 195 vụ tai nạn lao động khiến 205 người bị nạn, trong đó có 25 vụ tai nạn lao động khiến 30 người chết.


Từ những vụ việc trên cho thấy nhiều hạn chế, bất cập trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các nhà máy, xưởng sản xuất, khu công nghiệp… nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu người lao động thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn. Các vụ việc nghiêm trọng và đau lòng trên không chỉ là hồi chuông báo động đối với doanh nghiệp và người lao động mà còn chỉ ra nhiều lỗ hổng về kỷ luật, quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn từ cả 2 phía.


Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, như: người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động đúng chuẩn; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng; không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…

Tăng cường bảo đảm an toàn cho người lao động

 
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.


Trong nhiều năm qua, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một trong các quyền cơ bản của người lao động là "được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc".


Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tiếp tục được kiểm soát. Theo số liệu thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong năm 2022 và 2023, tình hình tai nạn lao động đã giảm cả về số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết. Cụ thể, năm 2022, số vụ tai nạn lao động chết người là 720 vụ (giảm 29 vụ), số người chết là 754 người (giảm 32 người) so với năm 2021; năm 2023, số vụ tai nạn lao động chết người là 662 vụ (giảm 58 vụ), số người chết là 699 người (giảm 55 người) so với năm 2022. Cùng với đó, điều kiện lao động và tình hình sức khỏe công nhân cũng tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra ở nhiều nơi cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động.


Theo TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.


Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.


Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động để nâng cao trình độ kiến thức tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất; tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp về an toàn, vệ sinh lao động, phúc lợi xã hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bối cảnh tập trung xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thì những khó khăn bất cập liên quan đến vấn đề về an ninh, an toàn cho công nhân đặt ra cho chúng ta rất nhiều trách nhiệm. Để công nhân tiếp tục là nguồn lực lớn để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, thì vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng này đang là thách thức lớn. Do đó, cần có nhiều giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân cảm thấy an toàn và yên tâm khi làm việc.

 

Những biện pháp để bảo đảm an toàn lao động

 
- Đối với doanh nghiệp
. Cần tăng cường giám sát chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho người tham gia lao động.
. Doanh nghiệp cần trang bị những đồ bảo hộ cần thiết, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
. Cho người lao động tham gia các lớp đào tạo, tập huấn các kỹ năng và chuyên môn để chủ động phòng tránh.
. Bố trí các biển báo hợp lý tại các vị trí nguy hiểm. Các biển này phải rõ ràng, dễ nhận biết để mọi người chú ý.
. Người lao động cần được thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn khi tham gia sản xuất.
. Các trang thiết bị trong dây chuyền sản xuất cần được bảo trì, sửa chữa thường xuyên để không phát sinh tai nạn ngoài ý muốn.
. Không sử dụng người lao động khi chưa được tham gia tập huấn, tìm hiểu về các biện pháp đảm bảo an toàn khi lao động.

- Đối với người lao động
. Cần phải đo lường các yếu tố đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người.
. Người lao động khi thấy vấn đề bất thường trong quá trình làm việc cần phải báo cáo với quản lý và cấp trên để kiểm tra và xử lý kịp thời.
. Người lao động cần có ý thức và những biện pháp bảo hộ để đảm bảo an toàn cho chính mình bằng cách trang bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ khi tham gia lao động./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết