1. Chủ trương của Đảng về phát triển khoa học xã hội và nhân văn
Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) luôn có vị trí quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia, thể hiện chiều sâu, sự phát triển về tri thức, giá trị tinh thần của quá khứ, hiện tại và tương lai, là nhóm ngành khoa học nghiên cứu về xã hội và con người, các mối quan hệ xã hội, những quy luật phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của xã hội và cơ chế vận dụng những quy luật đó nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò, tạo điều kiện cho lĩnh vực khoa học này phát triển, phù hợp với lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Ở Việt Nam, vai trò của KHXH&NV được khẳng định ở việc lưu giữ, làm phong phú và phát triển tri thức khoa học trên các lĩnh vực xã hội và nhân văn, cung cấp luận cứ khoa học để hoạch định đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần đi trước, mở đường giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, thúc đẩy đất nước phát triển. Đồng thời, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là hệ thông các khoa học chuyên ngành về xã hội và con người, xuất phát từ thực tiễn, quay trở lại phục vụ thực tiễn, phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực này, điển hình là Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị khóa VII về công tác lý luận trọng giai đoạn hiện nay (năm 1992), sau đó là Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa XI, về công tác lý luận và định hướng phát triển đến năm 2030, yêu cầu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống quan điểm về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.. bảo đảm cung cấp các luận cứ khoa học vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định 04 định hướng nghiên cứu chủ yếu, như: Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam, chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển..; tiếp tục nghiên cứu về bản chất, đặc điểm của CNTB hiện đại..; tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới và tiếp thu những giá trị tiến bộ. Kiên quyết chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi hình thức..; nghiên cứu, phát triển và hoàn chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đương lối, chính sách của Đảng..
Trong suốt 50 năm thống nhất đất nước, 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đã có nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước định hướng phát triển các lĩnh vực cụ thể về kinh tế, văn hóa; lịch sử, triết học, nhà nước, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, tập trung nghiên cứu làm rõ mô hình CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; CNH,HĐH; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; phát triển nhanh và bền vững đất nước; về kinh tế thị trường và định hướng XHCN.. khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong định hướng phát triển KHXH&NV, một vấn đề quan trọng là phải gắn lý luận với thực tiễn, Đảng ta luôn khẳng định phải gắn lý luận với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn để phát triển lý luận, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, phải đảm bảo kết hợp giữa kế thừa và phát triển, giữa phát huy truyền thống dân tộc, phù hợp với thực tiễn của đất nước với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, trong đó xác định đội ngũ nòng cốt là trí thức.
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, xác định phát triển đội ngũ trí thức KHXH&NV là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng chủ trương, đường lối, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, gần đây điển hình là Nghị quyết 45 khóa XIII về trí thức, xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp” nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước…tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học… Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển 2 đại học quốc gia, 2 Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam. Giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức; đề án tăng cường năng lực cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn Lâm KHXHVN.
Nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy lý luận, nâng cao chất lượng nghiên cứu, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Điều này thể hiện ở việc trực tiếp nghiên cứu, làm rõ mô hình CNXH ở Việt Nam, xác định các trụ cột, các mối quan hệ lớn. Dự thảo văn kiện Đại hội XIV, khi đánh giá kết quả đạt được chỉ rõ: “Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị được quan tâm phát triển đồng bộ hơn. Và, mục VII: đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xác định: ”Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”. Đó là những định hướng lớn thể hiện quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phát triển KHXH&NV, phát huy dân chủ, tự do tư tưởng để trí thức đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước.
2. Một số kết quả thực tiễn về phát triển KHXH&NV và định hướng giải pháp phát triển trong thời gian tới
Từ những quan điểm, chủ trương của Đảng nêu trên, có thể khẳng định rằng KHXH&NV đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt cung cấp luận cứ khoa học, hình thành lý luận về đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng CNXH năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011; các luận cứ cho việc bổ, sung đổi Hiến pháp từ năm 1980 đến nay; các nghị quyết đại hội Đảng trong gần 10 khóa (từ 1976-2026); nhiều vấn đề lớn của đất nước đã được nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn, đưa ra những cứ liệu, lập luận khoa học, hình thành nên hệ thống lý luận đặc sắc Việt Nam như CNXH và con đường đi lên CNXH; lý luận về đường lối đổi mới; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo; về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh..Trong mỗi bước phát triển của đất nước đều có những đóng góp to lớn của KHXH&NV, góp phần quan trọng để đem lại thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế lớn như ngày nay…
KHXH&NV đóng góp to lớn vào việc mở rộng hợp tác quốc tế của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới bằng nhiều hình thức thông tin, trao đổi học thuật, giới thiệu và quảng bá hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sự kiện lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, trao đổi học thuật của Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, triết học, luật pháp, khoa học, giáo dục, kinh tế, xã hội, dân chủ, nhân quyền, lịch sử, dân tộc, tôn giáo, Việt Nam học.. Cho đến các diễn đàn về biến đổi khí hậu, chủ quyền biển đảo, nhiều vấn đề chuyên ngành, chuyên sâu, liên ngành được tổ chức ở Việt Nam, Việt Nam phối hợp với các quốc gia trên thế giới với các chuyên gia, học giả uy tín tham dự.. khẳng định cầu nối tri thức, hội nhập với sự đóng góp to lớn của các học giả, nhà khoa học, trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước trên lĩnh vực này, giới thiệu những tri thức, tinh hoa, giá trị chung của nhân loại vào trong nước.. Bên cạnh đó, nhiều đóng góp có giá trị của KHXH&NV còn được thể hiện ở các vấn đề đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đào tạo và hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ đầu ngành trên các lĩnh vực là rất đáng được ghi nhận.
Trong lĩnh vực này, cần khẳng định vai trò nồng cốt của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đây là cơ quan khoa học lớn, chuyên ngành của đất nước, được Đảng, Nhà nước giao chủ trì nhiều dự án, công trình lớn, có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển chung của đất nước và các lĩnh vực, như các chương trình phát triển bền vững Tây Nam Bộ; Chương trình phát triển bền vững Tây Nguyên, Bách khoa thư, và nhiều lĩnh vực cụ thể như văn hóa Cồng Chiêng.. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, nhiều công trình lớn về KHXH&NV được trao các giải thưởng lớn của đất nước, như đợt trao giải lần thứ 6 năm 2022, có 29 công trình được vinh danh giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, như Từ điển chữ Nôm dẫn giải của GS.TS Nguyễn Quang Hồng; về Cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay của GS. Nguyễn Đức Bình; về phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam của GS Đinh Xuân Lâm; về Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII của GS. Trương Hữu Quýnh..
Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ một số hạn chế trên lĩnh vực này, trước hết là nhận thức về vị trí, vai trò của KHXH&NV của một số cấp ủy, chính quyền còn nhiều bất cập; sự thiếu hụt về nguồn tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn vẫn còn hạn chế; chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ số trong nghiên cứu; số các công trình, công bố quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước..
Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số định hướng giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của KHXH&NV trong sự nghiệp phát triển của đất nước, nhất là khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng của dân tộc.
Hai là, hoàn thiện thể chế, pháp luật đồng bộ trên các lĩnh vực, trong đó có thể chế, pháp luật về KHCN,ĐMST và CĐS quốc gia, trực tiếp các lĩnh vực liên quan đến KHXH &NV, tạo môi trường tự do tư tưởng, dân chủ, sáng tạo; quyền tiếp cận thông tin, gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn.. Có cơ chế phù hợp để ứng dụng các kết quả nghiên cứu.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước, các vấn đề cấp thiết về xã hội và con người. Quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng về cơ sở vật chất, hiện đại hóa điều kiện nghiên cứu. Xây dựng cơ sở dữ liệu đủ mạnh, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư.. để phát triển KHXH&NV.
Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ đầu đàn, chuyên gia, trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước; tiếp tục hoàn thiện chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho đất nước. Nâng cao chất lượng đào tạo các cơ sở chuyên ngành, nhất là đào tạo bậc cao.
Năm là, mở rộng trao đổi khoa học, hợp tác quốc tế, nghiên cứu những lý thuyết mới, xu hướng phát triển trên một số lĩnh vực chuyên ngành; tăng cường giao lưu học thuật, thu hút các nhà khoa học có uy tín quốc tế trên một số lĩnh vực; tổ chức, đăng cai các sự kiện, diễn đàn học thuật ở những lĩnh vực Việt Nam quan tâm, phù hợp với luật pháp, sự phát triển của đất nước./.
Tài liệu tham khảo
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
PGS.TS Phạm Văn Linh
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương