1. Sự phát triển của khoa học, công nghệ và cách mạng khoa học – công nghệ
Khoa học và công nghệ có hai hình thức phát triển: thứ nhất là tiến bộ, hay tiến hóa, và thứ hai là cách mạng. Hình thức nổi trội hiện nay của sự phát triển khoa học và công nghệ là cách mạng, được gọi dưới tên phổ biến là cách mạng khoa học và công nghệ, dù có nơi vẫn gọi là cách mạng khoa học – kỹ thuật như trước đây 30-40 năm. Chúng tôi đã đề xuất nên gọi là cách mạng khoa học – công nghệ (CMKHCN) bởi nó phù hợp hơn với thực chất, nội dung và sự thống nhất thành một khối không thể tách rời của chúng trong sự phát triển và tác động đến con người và xã hội[1]. Hai quá trình cách mạng trong khoa học và trong công nghệ đã trở thành tiền đề trực tiếp của nhau, cùng quyết định sự phát triển của mỗi lĩnh vực, và cùng quyết định tiến trình cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0).
Nhìn tổng quát, ngày nay khoa học và công nghệ đang có tác động ngày càng mạnh mẽ đến sự phát triển của xã hội và con người. Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là một trong những thành tố cấu thành của lực lượng sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Nó làm gia tăng tốc độ phát triển các lực lượng sản xuất của nhân loại, góp phần tạo ra và thúc đẩy toàn cầu hóa, biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, chứ không chỉ “tri thức xã hội phổ biến” (C. Mác) như các giai đoạn trước đây. Cùng với công nghệ, nó là một trong những động lực cực kỳ mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế, xã hội và của nhân loại nói chung. Trong giai đoạn hiện nay, các chuyển biến của đời sống xã hội đều gắn liền với CMKHCN. Ở các quốc gia, khu vực, nơi CMKHCN đang diễn ra, thì tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, khu vực đó phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực KH, CN; thậm chí tiến bộ KH, CN lúc này đóng vai trò quyết định tốc độ phát triển của quốc gia, khu vực đó. Nhận thức đúng về CMKHCN là cơ sở để lý giải các hiện tượng của xã hội hiện đại, từ chính trị, kinh tế, đến nông nghiệp, nông thôn, từ truyền thông, văn hóa, tư tưởng, tâm lý, đến an ninh con người và an ninh quốc phòng, v.v. Sự phát triển của CMKHCN là một trong những căn cứ quan trọng để dự báo tương lai phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau và trên cơ sở đó để xác định chiến lược và định hướng phát triển quốc gia, ngành, lĩnh vực, khu vực lãnh thổ. Đó cũng là phương tiện hữu hiệu, là phương thức tốt nhất để có thể rút ngắn khoảng cách trình độ phát triển mọi mặt so với các quốc gia thuộc nhóm công nghiệp phát triển. CMKHCN cũng là phương tiện để giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. CMKHCN là một trong những nội dung, đặc điểm, xu thế nổi bật của thế giới trong giai đoạn hiện nay.
CMKHCN bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, là sự kế tiếp của cách mạng khoa học – kỹ thuật diễn ra từ cuối những năm 40 đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Nó, một mặt vừa thúc đẩy, vừa làm bộc lộ hạn chế của CMCN3.0, mặt khác lại là tiền đề cho cuộc CMCN4.0 đang diễn ra ngày càng nhanh, mạnh, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều quốc gia. Tiến bộ khoa học và công nghệ nói chung và CMKHCN nói riêng vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thông qua cách mạng công nghiệp, tác động ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ đến sự phát triển con người theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng. Trên cơ sở của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật, những nghiên cứu và phát minh có tính đột phá diễn ra trong khoa học cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI như trí tuệ nhân tạo các thế hệ (AI tạo sinh, AI tự chủ…), máy học sâu, bản đồ gen người, nhân bản vô tính, chình sửa gen, nguyên lý in 3D, lưu điện lithium, truyền dẫn băng thông rộng, thiết bị thông minh, blockchain, xe tự hành, máy tính lượng tử,… Những cái đó lại tạo ra những đột phá công nghệ tương ứng và gây nên những bước nhảy vọt trong nền công nghiệp của thế giới, thúc đẩy các lực lượng sản xuất phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Chính sự phát triển cách mạng của khoa học và công nghệ như vậy đã tạo nên những thay đổi sâu rộng, đa chiều, rất nhanh chóng, khó lường của thế giới hiện đại.
CMKHCN đang diễn ra với qui mô ngày càng lớn hơn, sâu rộng hơn, tốc độ nhanh hơn, mang tính đồng thời, đồng loạt, cộng hưởng, đột biến, bất ngờ, ảnh hưởng dữ dội, qui mô lớn và sâu rộng hơn nhiều so với các cuộc cách mạng khoa học hay kỹ thuật trong lịch sử, hoặc cách mạng khoa học – kỹ thuật ở nửa cuối thế kỷ vừa qua. Dưới ảnh hưởng, tác động của CMKHCN xã hội và con người phát triển đến mức khó đoán định được hình dạng tương lai, không chỉ tương lai xa mà cả tương lai gần[2]. “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”[3].
2. Xây dựng, phát triển con người và HDI Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
Trên các diễn đàn chính trị, khoa học, thông tin đại chúng, cả trong đời sống thường ngày, ở nước ta các thuật ngữ “xây dựng con người” và “phát triển con người” trước đến nay được xem là đồng nghĩa, dù có sắc thái khác nhau, nhưng tùy thuộc vào văn cảnh cụ thể mà sử dụng cho phù hợp với sắc thái. Thế giới cũng như nước ta từ lâu đều dùng “phát triển con người toàn diện” mà không nói và viết: “xây dựng con người toàn diện”. Nhưng, ở nước ta lại nói và viết: “xây dựng nền văn hoá mới, con người mới xã hội chủ nghĩa”, “Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính…”, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Dù là “xây dựng con người” hay “phát triển con người” thì trên thế giới cũng như ở nước ta cũng đều dựa trên cơ sở tiếp cận định tính. Những đặc tính, phẩm chất, giá trị hay chuẩn mực của con người như yêu nước, lao động cần cù, nhân ái, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, v.v. đều là những chỉ báo định tính để con người phấn đấu hướng tới hoặc để nhìn nhận, đánh giá mỗi con người, cộng đồng, chủ thể.
Cách tiếp cận định tính về con người là cách tiếp cận có từ lâu đời, là cách tiếp cận kinh điển, chủ yếu dùng các phương pháp như phân tích, mô tả, so sánh, tổng kết, khái quát, đánh giá các trạng thái định tính về đặc điểm, thuộc tính, tinh chất, tính cách, phẩm chất, ưu điểm, hạn chế, v.v. của con người. Đồng thời, cũng bằng cách đó những mẫu người lý tưởng của các xã hội, các quốc gia, các giới, tầng lớp dân cư, các địa phương, vùng, miền, quốc gia, v.v. cũng được xác định định tính ở những thời kỳ, giai đoạn lịch sử xác định. Người quân tử, đại trượng phu, thảo dân, tiểu nhân ở thời phong kiến nho giáo, con người kinh tế, con người văn hóa, con người Việt Nam, con người Lào, v.v. là những sản phẩm của cách tiếp cận định tính này. Trong tiếp cận định tính, dù là xây dựng con người hay phát triển con người thì đều có chung nội dung tập trung vào việc đánh giá, khuyến khích, bồi dưỡng, phát huy những phẩm chất, ưu điểm, tĩnh cách tích cực của con người. Bằng cách đó cũng nhằm khắc phục, loại bỏ những điểm xấu, hạn chế, tiêu cực có trong mỗi con người.
Cũng tương tự như trong các ngành khoa học khác và trong hoạt động thực tiễn, cách tiếp cận định tính có vai trò quyết định và tác dụng đặc biệt quan trọng, không thể thay thế. Toàn bộ lịch sử nhận thức về con người với tính cách là thực thể xã hội, chủ thể của lịch sử cũng như những thông tin, kiến thức về con người đều là sản phẩm của cách tiếp cận định tính. Do vậy, cũng có thể nói, toàn bộ lịch sử nhận thức về con người là gắn liền với tiếp cận định tính, do tiếp cận định tính quyết định. Từ nay về sau, cách tiếp cận này vẫn tiếp tục đóng vai trò quyết định dù đã có cách tiếp cận định lượng được bổ sung trong hơn ba thập niên vừa qua. Hạn chế lớn nhất của tiếp cận định tính là khó so sánh chính xác và hiệu quả sự phát triển con người qua các thời kỳ, các vùng, miền, khu vực, địa bàn. Ai có thể xác định chính xác và thuyết phục được người Việt Nam thời nhà Trần hay thời nay yêu nước hơn, người Việt hay người Pháp yêu nước hơn, người miền Bắc hay người miền Trung cần cù hơn, v.v. ?
Từ năm 1990 cách tiếp cận định lượng bắt đầu được áp dụng thông qua một thước đo khá thống nhất trên phạm vị quốc tế, dù còn nhiều bất cập, hạn chế. Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) dựa trên nền tảng quan niệm phát triển con người của Amaty Sen và Mahbub Ul Haq đã xây dựng thang đo phát triển con người (HDI) và biến nó thành công thức chung để đánh giá và định hướng phát triển con người ở các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới. Phát triển con người dưới góc nhìn định lượng qua HDI không thể bao quát rộng lớn và đầy đủ như phát triển con người dưới góc nhìn định tính nên có thể gọi là phát triển con người theo nghĩa hẹp. Nó dựa trên ba chiều cạnh là tuổi thọ, thu nhập và giáo dục. Xây dựng hay phát triển con người theo nghĩa rộng không chỉ có ba phương diện đó. Ngay trong mỗi phương diện đó tiếp cận định tính cũng không phản ánh chính xác được sự phát triển con người. Thí dụ, tuổi thọ của hai quốc gia bằng nhau, nhưng chất lượng tuổi thọ lại có thể không như nhau: một bên vừa sống thọ, vừa khỏe mạnh, lao động được đến ngày cuối, tuần cuối, tháng cuối trước khi chết; một bên cả thập niên cuối cùng của cuộc đời đã xem “bệnh viện là nhà”, sống trong ốm đau, bệnh tật, yếu ớt, mát khả năng lao động, thậm chí khổ sở cho chính người sống thọ lẫn gia đình. GDP bình quân đầu người giống nhau về lượng, nhưng phân phối lại khác nhau về mức độ công bằng thì chênh lệch mức sống lớn dần; chỉ số giáo dục có thể như nhau nhưng chất lượng giáo dục lại khác nhau, do vậy, phát triển con người là không thể như nhau.

HDI là một trong những biểu hiện cụ thể của việc định lượng sự phát triển con người ở một góc độ cụ thể. Nó có ưu việt là có thể so sánh mức độ phát triển con người giữa các quốc gia, khu vực, giữa các thời điểm, thời kỳ khác nhau về mặt lượng. Nó là một loại thước đo sự phát triển con người theo nghĩa hẹp, cho phép so sánh và đánh giá tác động, ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau và của từng thành tố cấu thành HDI đến sự phát triển con người, cũng như phương thức, quy mô, mức độ và chiều hướng tác động của chúng. Từ đó có thể chủ động và tích cực điều chỉnh sự phát triển con người theo thang đo định lượng HDI. Tuy vậy, như đã nói, HDI cũng không thể đại diện đầy đủ cho sự phát triển con người theo nghĩa hẹp, càng không thể cho phát triển con người theo nghĩa rộng hay cho phát triển con người toàn diện. Dù còn méo mó, nhưng HDI vẫn là thước đo định lượng về phát triển con người rất quan trọng hiện nay, đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên thế giới.
Cũng phải nói thêm rằng quan niệm phát triển con người của UNDP còn có khía cạnh thứ hai chưa thể định lượng được mà vẫn phải dựa trên tiếp cận định tính. Nội hàm của phát triển con người theo nghĩa hẹp của UNDP bao hàm cả việc tạo cơ hội và nâng cao năng lực lựa chọn cơ hội của con người, là tự do, bình đẳng, và không có phân hóa giàu – nghèo,… Khía cạnh này trong thực chất là sự cụ thể hóa cách tiếp cận định tính bao trùm đã nói ở trên và đã được nói nhiều, đã thực hiện với nhiều bước tiến trong lịch sử. Thời đại hiện nay cũng có những bước cụ thể hóa và tiến bộ ở khắp nơi, nhất là về cơ hội và năng lực lựa chọn cơ hội của con người. Nhưng, những chỉ báo của HDI chưa thể hiện trực tiếp, chưa thể định lượng được những tiến bộ đó. Đây cũng là hạn chế rất lớn ở phương diện phát triển con người theo nghĩa hẹp của HDI hiện nay.
3. Tác động của khoa học, công nghệ đến phát triển con người Việt Nam
Trên tổng thể, tác động của khoa học và công nghệ nói chung, của CMKHCN nói riêng, đến con người và phát triển con người diễn ra rất đang dạng, đa chiều, đa phương thức, quy mô ngày càng sâu rộng. Chính khoa học, công nghệ cũng như CMKHCN và con người cũng đang biến đổi, phát triển không ngừng và với tốc độ ngày càng nhanh, với quy mô ngày càng sâu rộng, đã làm cho sự tác động giữa các biến đa chiều đó càng thêm phức tạp, đa dạng, đa chiều, khó dự báo, khó đo lường. Nhận thức rõ ảnh hưởng của KH, CN và CMKHCN đến sự phát triển con người ngày nay là căn cứ rất quan trọng để dự báo tương lai, của kinh tế, văn hóa, xã hội và con người của mỗi quốc gia cũng như của nhân loại, bởi KH, CN và CMKHCN là động lực phát triển mạnh mẽ của tất cả các lĩnh vực đó. Cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, CMKHCN tạo ra phương tiện, tiền đề và trực tiếp thúc đẩy việc thủ tiêu nhiều ngành công nghiệp lớn, tạo nên nhiều ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, trước đây chưa từng có và cũng chưa thể dự báo được.
Cách mạng KHCN đang thể hiện rõ về có vai trò đặc biệt trong việc rút ngắn khoảng cách về trình độ sản xuất, quản lý xã hội, trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật và mức độ phát triển con người giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Những thành quả của CMKHCN đang làm thay đổi điều kiện và môi trường sống của con người, ảnh hưởng của nó đến đời sống con người đang ngày càng lớn, thậm chí có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của loài người. Trong thực tế những hậu quả tiêu cực do việc sử dụng phi nhân tính, kém hiểu biết về CMKHCN và CMCN 4.0, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất và tiêu dùng cũng đang gây hệ luỵ rất to lớn cho con người và các thế hệ mai sau, không chỉ về phương diện xã hội mà cả về phương diện sinh học, di truyền nòi giống, và nhiều phương diện khác.
Tác động, ảnh hưởng của CMKHCN đến phát triển con người còn gắn liền với những vấn đề toàn cầu, trong đó có một số vấn đề vốn đã có từ trước khi CMKHCN nay trở nên căng thẳng hơn, và thúc đẩy một số vấn đề toàn cầu mới xuất hiện. Những vấn đề đó có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và nhiều mặt khác của đời sống xã hội và con người, đe doạ sự tồn tại và phát triển của con người hiện đại. Nhưng, nó cũng lại tạo ra các phương tiện và điều kiện để thúc đẩy việc giải quyết hoặc giải quyết triệt để hơn các vấn đề toàn cầu.
CMKHCN đang tạo tiền đề, điều kiện, và là động lực tạo ra và thúc đẩy hàng loạt các hiện tượng và quá trình khác của đời sống xã hội, gây tác động đến phát triển con người: tăng năng suất lao động; tái cấu trúc nền kinh tế; tạo nhiều đột phá trong công nghiệp; biến đổi cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; làm biến đổi các quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc; làm thay đổi các chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, gây biến động dữ dội đời sống văn hóa, lối sống và tư duy của con người.
Xem xét tác động, ảnh hưởng của khoa học, công nghệ và CMKHCN đến con người nói chung hiện nay đang có 2 loại quan điểm khác nhau. Loại quan điểm thứ nhất là quan điểm tích cực, lạc quan và loại quan điểm thứ hai mang tính tiêu cực, bi quan. Biểu hiện của 2 loại quan điểm này, một mặt, được thể hiện hiện qua việc nhìn nhận và đánh giá các tác động của những thành tựu khoa học và công nghệ cụ thể. Mặt khác, hai loại quan điểm này cũng được thể hiện qua quan niệm tổng thể về ảnh hưởng của CMKHCN đến con người và xã hội. Nhưng, các thành tựu của CMKHCN tự nó không có tác dụng tích cực hay tiêu cực, phi nhân tính hay mang tính nhân văn. Các thành tựu đó đều là sản phẩm của sự phát triển của trí tuệ con người, là thước đo sự phát triển của con người và xã hội. Việc sử dụng các thành tựu đó có thể mang lại những hiệu quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của con người và xã hội. Nhưng, cũng có thể mang lại những hệ lụy tiêu cực khôn lường, cản trở sự phát triển, tiến bộ nói trên, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Chủ thể sử dụng, động cơ, mục tiêu và phương thức sử dụng các thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ của chủ thể quyết định tính tích cực hay tiêu cực của các thành tựu nói trên; Vấn đề then chốt là kiểm soát và minh bạch việc sử dụng các thành tựu của CMKHCN vì mục tiêu nhân văn, tiến bộ.
Tác động, ảnh hưởng của KH, CN và CMKHCN đến con người Việt Nam thể hiện qua các nội dung, phương thức, phương diện sau đây:
1- Tác động đến điều kiện tồn tại và phát triển của con người thông qua công nghệ và sản xuất: Tác động này chủ yếu thông qua việc trang bị kiến thức, kỹ thuật và công nghệ cho sản xuất làm tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa và dịch vụ với chất lượng tốt hơn. Khi hàng hóa, dịch vụ được thỏa mãn ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng, các điều kiện sống và phát triển được thay đổi theo hướng ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với con người thì tất yếu sẽ tạo ra nhiều cơ hội và phương tiện tốt hơn, giúp cải thiện năng lực nhiều mặt của con người, trong đó có các năng lực lựa chọn cơ hội, và do đó thúc đẩy con người phát triển hơn.
Khoa học, công nghệ và CMKHCN thúc đẩy sự phát triển sâu rộng CMCN 3.0 ở những nơi mà nó chưa đạt đến đỉnh cao phát triển của mình và làm nẩy sinh CMCN 4.0. Cùng với hai cuộc CMCN đó, CMKHCN đang làm cho công nghiệp nói riêng và nền kinh tế thị trường nói chung trên quy mô toàn cầu bước sang giai đoạn phát triển mới với những đặc trưng mới. Vòng đời nhiều loại công nghệ và theo đó cả vòng đời nhiều loại sản phẩm ngày càng rút ngắn. Nhiều ngành công nghiệp truyền thống đang bị thủ tiêu, nhiều ngành công nghiệp mới đang ra đời. Nguyên tắc “cá lớn nuốt cá bé” trong kinh tế thị trường đang được bổ sung thêm nguyên tắc “cá nhanh nuốt cá chậm”. Sinh kế của con người biến đổi thường xuyên, liên tục và ngày càng nhanh chóng. Nhiều nguyên tắc, chuẩn mực, quan niệm, tư duy cũ đang bị CMKHCN và CMCN thay thế bằng những nguyên tắc, chuẩn mực, quan niệm và tư duy mới với tốc độ nhanh dần.
Tất cả những cái đó tác động mạnh đến con người theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Có thể tác động theo chiều hướng tiến bộ nếu con người nhận thức đúng đắn, đầy đủ và kịp thời về CMKHCN, có đủ khả năng và cơ hội vận dụng CMKHCN và CMCN hiện đại vì mục tiêu nhân văn, tiến bộ. Ngược lại, sẽ là tác động tiêu cực, cản trở sự phát triển con người và cộng đồng. Điều này lại phụ thuộc vào con người và thể chế ở các cấp độ khác nhau. Nếu trong thế kỷ qua với 2 cuộc cách mạng - cách mạng khoa học – kỹ thuật và CMKHCN – nhân loại đã tạo nên những tư liệu sản xuất vĩ đại, nâng cao năng lực của con người chưa từng thấy, thì trong thời gian tới, nếu con người không được giáo dục và đào tạo cẩn trọng thì khối tư liệu sản xuất vĩ đại đó có thể trở thành vũ khí hủy diệt con người một cách nhanh chóng và tàn bạo.

2- Tác động đến con người và phát triển con người thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng mà con người sử dụng. Toàn bộ cơ sở hạ tầng do các cuộc cách mạng kỹ thuật và cách mạng công nghiệp trước đây tạo ra đang được biến đổi mau chóng. Bằng việc tạo ta các công nghệ mới cải biến cơ sở hạ tầng, một mặt, CMKHCN đang tiếp tục làm cho sản xuất phát triển nhanh hơn cả về quy mô và cường độ. Bằng cách đó chúng gián tiếp tác động vào con người, tiếp tục nâng cao năng lực và khả năng thực hiện các cơ hội để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng (hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội) được phát triển, con người trực tiếp được hưởng lợi ích về nhiều mặt: giao thông, liên lạc, các phương tiện và dịch vụ giáo dục, y tế, nghỉ ngơi giải trí càng trở nên phong phú, dễ tiếp cận cho mọi người, thì tốc độ phát triển và hoàn thiện con người ngày càng nhanh hơn, toàn diện hơn. Nhưng, đó cũng là thách đố, là áp lực ngày càng gia tăng cho các thế hệ, các cộng đồng và từng cá nhân trên nhiều phương diện khác nhau.
3- Tác động mạnh mẽ đến các quan hệ xã hội của con người. CMKHCN đang tác động vào tất cả các quan hệ giữa người và người. Trước tiên, nó đang làm thay đổi các quan hệ sản xuất. Quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất cũng như quan hệ phân phối trong hệ thống sản xuất xã hội đều thay đổi không ngừng. Nhiều đối tượng sở hữu mới và chủ thể sở hữu mới, trước đây chưa từng có, đã xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện thêm. Do có các công nghệ mới thay thế nhau không ngừng nên việc tổ chức và quản lý sản xuất cũng theo đó mà thay đổi. Hai loại quan hệ nói trên của quan hệ sản xuất biến đổi nên tất yếu quan hệ phân phối cũng thay đổi tương ứng. Nhiều hình thức phân phối mới ra đời, bao phủ rộng hơn, toàn diện hơn, do đó, công bằng hơn đã xuất hiện. Việc giám sát quá trình tổ chức và quản lý sản xuất được “khoa học hóa” và “công nghệ hóa” khiến cho con người đang từng bước được giải phóng khỏi công tác quản lý sản xuất trực tiếp. Xu hướng này cũng giúp cho con người giảm bớt sự căng thẳng thần kinh, giải phóng thời gian lao động trực tiếp, tạo cơ hội thuận lợi cho con người phát triển các năng lực của mình hơn.
Do tác động của CMKHCN các quan hệ xã hội của con người đang bắt đầu quá trình biển đổi mạnh, nhanh và sâu sắc. Các quan hệ thay đổi mạnh mẽ nhất là quan hệ giới trong xã hội; sau đó là các quan hệ gia đình. Bình đẳng giới có cơ hội thuận lợi hơn; quan hệ gia đình thường là bảo thủ nhất, nhưng giờ đang biến đổi nhanh dần thêm theo tốc độ phát triển của CMKHCN và CMCN. Quan hệ giữa người và người đang mở rộng phạm vi, quy mô và cường độ nhờ các phương tiện như Internet, mạng xã hội, viễn thông, smartphone, các thiết bị đầu cuối, … Nhờ vậy, khối lượng kiến thức, năng lực nhận thức, sự học hỏi, trao tuyền kinh nghiệm,… trở nên thuận lợi hơn trước đây. Năng lực con người có cơ hội thực hiện tốt hơn, được đánh giá đúng hơn. Điều đó thúc đẩy con người phát triển hơn trên nhiều phương diện kác, không riêng về phương diện quan hệ xã hội.

4- Tác động đến tất cả các chiều cạnh của thể lực con người: tác động mạnh nhất, thể hiện rõ nhất của CMKHCN đến thể lực con người là tạo nên các công nghệ nâng cao sức khỏe của con người. Các phương tiện y tế hiện đại, các công nghệ y- sinh, các kỹ thuật điều trị, các chế phẩm y dược mới và quy trình, phác đồ điều trị do CMKHCN đưa lại giúp con người xóa bỏ, chữa khỏi được nhiều loại bệnh tật trước đây vẫn được xem là nan y và phải bó tay. Các loại dịch bệnh được khống chế rất nhanh nhờ các phương tiện, công nghệ dùng để nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học, vacxin và thuốc điều trị trực tiếp. Tỷ lệ tử vong không chỉ của trẻ em mà của cả cộng đồng đang ngày càng giảm xuống nhanh chóng. Nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ là hai hướng của y học chủ yếu nhờ tác động rất mạnh mẽ và hiệu quả của CMKHCN hiện nay. Khoa học và công nghệ đang trực tiếp làm cho con người vừa có tuổi thọ cao lại vừa có sức khỏe tốt, chất lượng của tuổi thọ không ngừng gia tăng.
5- Tác động đặc biệt mạnh, sâu rộng đến trí lực con người: Nâng cao trí lực của con người là mục tiêu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ nói chung. Trong CMKHCN trí lực con người được nâng cao không chỉ về phương diện các hiểu biết về lĩnh vực sản xuất hay sinh kế của mỗi người. Toàn bộ các phương diện khác nhau của nhận thức về tất cả các lĩnh vực của tự nhiên, xã hội, con người, tư duy đều được nâng cao, bổ sung, hoàn thiện và phát triển không ngừng. Có nhiều khía cạnh khác nhau của việc nâng cao trí lực. Nhưng, việc tạo nên bộ nhớ xã hội và môi trường thông tin thông minh là một trong những thành quả vĩ đại nhất của CMKHCN bắt đầu từ cuối thế kỷ XX đến nay.
Thông tin, tri thức khoa học cùng với các yếu tố khác của CMKHCN, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang bùng nổ, đã tạo ra một môi trường xã hội đặc biệt, được gọi là môi trường thông tin thông minh[4], một xã hội mới đang được các học giả gọi bằng những tên gọi khác nhau xã hội thông tin, xã hội 5.0, xã hội tri thức, xã hội AI - trong đó lao động sẽ được chuyển từ phương thức lao động thể lực thành lao động trí tuệ, lao động bằng những phẩm chất và năng lực tinh thần, bằng sự sáng tạo là chính. Môi trường thông tin thông minh là môi trường xã hội đặc biệt với những thiết bị và phương tiện sản xuất, chế biến, trao đổi, lưu trữ, chuyển giao, phân phối và tiêu thụ thông tin đa chiều, đa dạng mà trung tâm là trí tuệ nhân tạo kết nối với dữ liệu lớn và các công nghệ số hiện đại. Môi trường đó đang thay đổi tư duy, phương thức lao động, nghỉ ngơi, giải trí, học tập, phương thức sinh kế, lối sống, đạo lý và cả năng lực lựa chọn cơ hội của con người.
Tri thức, thông tin trong môi trường thông tin thông minh chính là nguồn tạo ra của cải vô tận, bởi vì dùng nó không bao giờ hết, nó có thể thay thế nhân lực, nó là chìa khóa để mở cánh quyền lực kinh tế ở thế kỉ 21, nó mở ra khả năng vô tận, là công cụ đắc lực, sắc bén trong việc giao dịch, quy định tốc độ trong tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và con người, là nền tảng của tiền tệ, là sản phẩm thay thế các nguồn vật tư thiên nhiên, tạo ra những nguyên liệu mới. Môi trường thông tin thông minh cùng thông tin, kiến thức, dữ liệu trong đó là nguồn tài nguyên quyết định chủ yếu nhất của nền kinh tế, nó là công cụ chuyên chở sản phẩm, rút ngắn thời gian, chinh phục cả không gian, nó là nguồn lợi nhuận không thể đo được... Trong tất cả các nguồn tư liệu sáng tạo ra của cải, công năng lớn nhất là thông tin, tri thức, dữ liệu. Con người đang dần chuyển qua lao động và sống chủ yếu trong môi trường thông tin thông minh đó, nên các quan hệ xã hội, phương thức lao động, tư duy, suy nghĩ, lối sống, tốc độ, quy mô, địa bàn và cơ hội phát triển của con người đang thay đổi rất nhanh chóng.
Môi trường thông tin thông minh trong CMKHCN đã bắt đầu kéo bộ nhớ cá nhân ra khỏi cơ thể con người sinh học và tạo lập bộ nhớ xã hội thông minh. Với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo sinh và trí tuệ nhân tạo tự chủ do CMKHCN mang lại bộ nhớ xã hội sẽ thay thế con người trong các quá trình sản xuất và quản lý, “sáng tạo” các quy trình lô gic điều hành sản xuất, giao tiếp và dịch vụ nói chung. Bộ nhớ xã hội thông minh có năng lực to lớn hơn bộ não của từng cá nhân về phương diện lưu giữ, bảo quản, xử lý và trao truyền thông tin, tri thức, về tính cơ động và “không biết mệt mỏi”, v.v. Việc này đang làm thay đổi rất căn bản trí lực, sức mạnh, tiềm năng của con người nói chung. Đồng thời, bộ nhớ xã hội, môi trường thông tin thông minh và các phương tiện do CMKHCN tạo nên đang góp phần giải phóng con người khỏi các chức năng lao động trước đây nó buộc phải đảm nhiệm[5]. CMKHCN đang làm cho trí lực có những biến đổi rất đặc biệt, nối dài những năng lực của nó theo phương thức đặc biệt chưa từng có. Những biến đổi này diễn ra theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, làm gia tăng sức mạnh và khả năng của trí tuệ của con người.
(Còn tiếp)
PGS.TSKH. Lương Đình Hải
[1] Xem: Lương Đình Hải (2017), Cách mạng KHCN và tác động của nó đến con người và xã hội Việt Nam.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 5 (92) – 2017; Báo cáo tổng hợp đề tài quốc gia KX.01.11/16-20: Ảnh hưởng của CMKHCN đến con người Việt Nam hiện nay.
[2] Xem: A. Tofler (1990), Thăng trầm quyền lực, Nxb Thanh niên, 2002; A. Tofler và H. Tofler (1995), Tạo dựng một nền văn minh mới. Nxb. Chính trị quốc gia, 1996;
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 105.
[4] Xem: Lương Đình Hải.- Môi trường mới trong cách mạng khoa học - công nghệ và sự phát triển con người hiện nay.- T/c Nghiên cứu Con người, số 1 (112) – 2021
[5] Đó là các chức năng động lực, vận chuyển, chế tạo (công nghệ), giám sát – quản lý, và lô gic. Nói cụ thể hơn, CMKHCN đang thúc đẩy việc tiếp tục giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện, các chức năng quản lý – giám sát quá trình sản xuất. Nhưng quan trọng hơn, nó mở đầu cho quá trình giải phóng con người cả chức năng lôgic. Điều nay đang tạo nên những biến chuyển sâu sắc trong đời sống con người và xã hội, nhưng chưa được chú ý phân tích, lý giải và tổng kết lý luận. Hiện nay CMKHCN đã bắt đầu quá trình giải phóng con người khỏi chức năng lôgic trong quá trình sản xuất. Với việc trang bị các công nghệ sản xuất và dịch vụ mới gắn kết với trí tuệ nhân tạo tự chủ CMKHCN thúc đẩy quá trình giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện: chức năng công nghệ (hay chế tạo), chức năng động lực, chức năng vận chuyển. Những chức năng này đã bắt đầu được giải phóng dần từ khi có CMCN lần thứ nhất. Đến giai đoạn CMKHKT và CMCN 3.0 thì con người bắt đầu được giải phóng khỏi chức năng quản lý - giám sát nhờ các công nghệ điện tử gắn liền với máy tính điện tử, công nghệ số, mạng Internet, các cảm biến điện tử, số hóa, v.v. Hiện nay các quá trình giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện, chức năng quản lý - giám sát và chức năng lo gic đang song hành trên phạm vi và quy mô ngày càng lớn, trước hết ở các nước công nghiệp phát triển cao, sau đó sẽ lan dần ra toàn cầu theo sự phát triển của CMKHCN và CMCN 4.0. Điều đó khiến cho con người càng ngày càng bị loại ra khỏi các quá trình sản xuất trực tiếp theo nghĩa của sản xuất công nghiệp cổ điển và biến họ từ chỗ là người thực hiện giản đơn các thao tác máy móc thành chủ thể của nền sản xuất, với chức năng chủ yếu và quan trọng nhất là sáng tạo.