Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Cơ hội tận dụng công nghệ mới ở các nước đang phát triển

Ngày phát hành: 26/02/2021 Lượt xem 2011

 

Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã nhấn mạnh đến cơ hội để các chính phủ, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đang phát triển tận dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), 5G, in 3D, người máy (robot), máy bay không người lái, chỉnh sửa gen, công nghệ nano và quang điện Mặt Trời. Những công nghệ đang phát triển nhanh chóng này đại diện cho một thị trường trị giá 350 tỷ USD mà có thể tăng lên hơn 3.200 tỷ USD vào năm 2025. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận rằng các quốc gia được chuẩn bị tốt nhất để sử dụng, áp dụng và thích ứng với các công nghệ này chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Không chỉ trong vấn đề công nghệ mà ngay cả lĩnh vực thương mại điện tử cũng vậy. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Doanh nghiệp-đến-Khách hàng (B2C) năm 2020 của UNCTAD, châu Âu tiếp tục là khu vực đã chuẩn bị sẵn sàng nhất cho thương mại điện tử với 8 vị trí trong top 10. 

Ở chiều ngược lại, các nước kém phát triển nhất chiếm 18 trong số 20 vị trí cuối bảng. Việt Nam tiếp tục lọt vào top 10 nền kinh tế đang phát triển có chỉ số B2C tốt nhất ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tây Á (xếp vị trí thứ 9 ở khu vực này và thứ 63 trên toàn cầu, tăng 1 bậc so với năm trước đó). UNCTAD cho rằng các nước đang phát triển cần phải hướng tới việc truy cập Internet toàn cầu và đảm bảo rằng tất cả công dân của họ có cơ hội học hỏi các kỹ năng cần thiết cho các công nghệ tiên tiến. 

Một vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển là công nghệ của các nước phát triển được bảo vệ thông qua quyền sở hữu trí tuệ (IP). Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm bằng sáng chế, bí mật thương mại, nhãn hiệu và bản quyền. Do đó, nếu không có hệ thống bằng sáng chế, sẽ có rất ít động lực để các công ty phát triển và thương mại hóa các đổi mới. 

Các nhà cung cấp nội dung kỹ thuật số từ lâu đã ủng hộ thực thi quyền IP mạnh mẽ hơn để mở rộng phạm vi bằng sáng chế và tăng thời hạn của tác phẩm có bản quyền, mặc dù nhiều bằng sáng chế vẫn chưa được sử dụng. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền IP nghiêm ngặt có thể hạn chế việc sử dụng các công nghệ mới, mang lại những giá trị trong các lĩnh vực phát triển bền vững khác nhau như nông nghiệp, y tế và năng lượng. 

Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021 nhấn mạnh đến việc nắm bắt các làn sóng công nghệ, tối đa hóa những lợi ích tiềm năng, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong khi tiếp tục đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng cách làm chủ các công nghệ hiện có, nhất là đối với các nước đang phát triển. Điều quan trọng là các nước đang phát triển không được bỏ lỡ các làn sóng công nghệ tiên phong, nếu không bất bình đẳng sẽ ngày càng sâu sắc thêm. Do vậy, họ cần phải được chuẩn bị tốt và xây dựng các kỹ năng cần thiết. 


Các quốc gia cần xây dựng các chiến lược như hướng nhanh tới công nghiệp 4.0. Chính phủ các nước đã và đang giải quyết những tác động tiêu cực tiềm ẩn của các công nghệ mới và có những ý tưởng hay để chia sẻ. Chính quyền địa phương và quốc gia nỗ lực làm việc để kích thích sự tăng trưởng của các ngành tạo ra việc làm và của cải, do đó giúp giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia. 

Nhiều nước đặt ra ưu tiên cho các công nghệ tiên phong thông qua các kế hoạch quốc gia về nghiên cứu và đổi mới. Những điều này thường nhằm mục đích tăng cường các lĩnh vực cụ thể bằng cách khuyến khích doanh nghiệp mới hình thành, giúp các doanh nghiệp hiện tại phát triển, hoặc thu hút các công ty từ bên ngoài. Các kế hoạch cũng xác định những thay đổi cần thiết trong môi trường pháp lý và nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và đào tạo. Các kế hoạch và chiến lược quốc gia cũng có thể thúc đẩy các ứng dụng công nghệ có thể giúp nhóm yếu thế hoặc giúp kích thích phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn hoặc các khu vực đang suy giảm. 

Các quốc gia nên tham gia vào các cuộc đối thoại về các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới để bắt kịp, áp dụng và triển khai công nghệ. Họ có thể tìm kiếm các tấm gương, rút ra bài học như thành công của khu vực châu Á với việc sản xuất hàng loạt thiết bị điện tử. Mỗi quốc gia sẽ cần các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới phù hợp với giai đoạn phát triển của mình, nhưng tất cả các quốc gia đang phát triển sẽ phải chịu tác động của các công nghệ tiên tiến và cần có chuẩn bị về nhân lực và doanh nghiệp trong một thời kỳ thay đổi nhanh chóng. 

Các chính phủ cũng cần đảm bảo rằng đổi mới được thực hiện với tinh thần công bằng để có thể định hướng cho công nghệ mới, nhằm mang lại kết quả tích cực cho tất cả mọi người. Điều này sẽ đòi hỏi quản trị quốc gia hiệu quả trong hướng dẫn thay đổi công nghệ, hợp tác quốc tế để tăng cường khuôn khổ toàn cầu cho các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới phát triển nhằm duy trì các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc trở thành nguyên tắc chỉ đạo trung tâm, báo cáo UNCTAD nêu rõ. 

Trong khi đó, việc tìm kiếm các nhà đầu tư, nguồn nhân lực cũng không kém phần quan trọng. Các nhà đầu tư công nghệ ở giai đoạn "hạt giống" thường không sẵn sàng đầu tư vào các sản phẩm nhắm vào các thị trường mà họ không nắm rõ, do họ cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được lợi nhuận. Do đó, chính phủ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình thấp nên chuẩn bị cho lực lượng lao động năng lực khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật và toán học, kỹ năng chuyên sâu về Công nghiệp 4.0. Các quốc gia cũng sẽ cần năng lực giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và sáng tạo. 

Ngày nay, có những lo ngại chính liên quan đến rủi ro của việc tự động hóa chiếm dụng việc làm trên quy mô lớn. UNCTAD kêu gọi các quốc gia đang phát triển tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội để cung cấp mạng lưới an toàn cho những người lao động có thể mất kế sinh nhai. Các tổ chức công đoàn lao động cũng cần quan tâm đến việc giải quyết tâm tư của người lao động về những thay đổi tiềm ẩn mà tự động hóa sẽ gây ra cho các mối quan hệ việc làm. 

Thành công trong thế kỷ 21 sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng, thông qua việc xây dựng một nền tảng công nghiệp vững chắc và thúc đẩy các công nghệ tiên phong để giúp đưa ra Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và tầm nhìn toàn cầu về xã hội lấy con người làm trung tâm, toàn diện và bền vững. 

Đảm bảo việc truy cập công bằng công nghệ cũng là khía cạnh được báo cáo của UNCTAD quan tâm. Nhiều lợi ích của công nghệ mới có thể giúp duy trì một số ít đặc quyền thông qua việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Một phản ứng cho vấn đề này là cấp phép bắt buộc - thông qua đó chính phủ hoặc công ty có thể sản xuất một sản phẩm hoặc quy trình đã được cấp bằng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép điều này, bao gồm các hạn chế và tính linh hoạt của quyền IP, nhưng đây được coi là một lựa chọn của phương sách cuối cùng và hiếm khi được sử dụng. 

Để giải quyết 'tắc nghẽn giao dịch', các thỏa thuận hợp tác thay thế bao gồm tổng hợp bằng sáng chế, cấp phép mã nguồn mở. Chính phủ cũng có thể mua bằng sáng chế. Đồng thời, các chính phủ có thể tài trợ cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khi yêu cầu các lợi ích đó phải phục vụ công chúng tốt. 

Điều này có thể bao gồm tài trợ nghiên cứu và tín dụng thuế cùng với giải thưởng và mua trước cam kết cho các sản phẩm sáng tạo để giải quyết các mối quan tâm về phát triển bền vững. Đồng thời sự hợp tác khoa học quốc tế có thể đảm bảo vấn đề thời gian, các kỹ năng về phân tích dữ liệu cùng các thành quả được chia sẻ hơn giữa các quốc gia. 


Tố Uyên (TTXVN tại Geneva)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết